Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn

(Mahàparinibbàna sutta)

 [1]Tụng phẩm I

  1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá) [2], trên núi Gijjhakùta (Linh Thứu) [3] . Lúc bấy giờ, Ajàtasattu [4] Vedehiputta (A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi), vua nước Magadha (Ma-kiệt-đà), muốn chinh phục dân Vajjì (Bạc-kỳ)[5]. Vua tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajjì[6] này , dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh; ta quyết làm cỏ dân Vajjì; ta sẽ tiêu diệt dân Vajjì; ta sẽ làm cho dân Vajjì bị hoại vong”.

  2. Rồi Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha, nói với Bà-la-môn Vassakara (Vũ-xá), đại thần nước Magadha: [7]

– Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, và nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Ngài, vấn an Ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú: “Bạch Thế Tôn, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, vấn an Ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, lạc trú”. Và khanh bạch tiếp: “Bạch Thế Tôn, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha muốn chinh phục dân Vajjì, vua tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajjì này, dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh; ta quyết làm cỏ dân Vajjì; ta sẽ tiêu diệt dân Vajjì; ta sẽ làm cho dân Vajjì bị hoại vong”. Thế Tôn trả lời khanh thế nào, hãy ghi nhớ kỹ và nói lại ta biết. Các bậc Thế Tôn không bao giờ nói lời hư vọng.

– Ðại vương, xin vâng!

  1. Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha vâng theo lời dạy của Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cho thắng những cỗ xe thù thắng, tự mình cỡi lên một chiếc, cùng với các cỗ xe ấy đi ra khỏi Ràjagaha (Vương Xá), đến tại núi Linh Thứu, đi xe đến chỗ còn dùng xe được, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Thế Tôn, khi đến liền nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha, bạch Thế Tôn:

– Tôn giả Gotama, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, vấn an ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú. Tôn giả Gotama, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha muốn chinh phục dân xứ Vajjì. Vua tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajjì này, dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh, ta quyết làm cỏ dân Vajjì, ta sẽ tiêu diệt dân Vajjì, ta sẽ làm cho dân Vajjì bị hoại vọng”.

  1. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda đứng quạt sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

– Này Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?

– Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjì thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo.

– Này Ananda, khi nào dân Vajjì thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết không?

– Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết.

– Này Ananda, khi nào nghe dân Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này Ananda dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thời xưa không?

– Bạch Thế Tôn, con nghe dân Vajjì không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thuở xưa.

– Này Ananda khi nào dân Vajjì, không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thuở xưa thời, này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này không?

– Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này.

– Này Ananda, khi nào dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình không?

– Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjì không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình.

– Này Ananda, khi nào Vajjì không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình thời, này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp không?

– Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.

– Này Ananda, khi nào dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp, thời này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjì khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc không?

– Bạch Thế Tôn, con nghe dân Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjì khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc.

– Này Ananda, khi nào dân Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjì khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, thời này Ananda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

  1. Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha:

– Này Bà-la-môn, một thời Ta sống ở Vesàli tại tự miếu Sàrandada, Ta dạy cho dân Vajjì bảy pháp bất thối này. Này Bà-la-môn, khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjì, khi nào dân Vajjì được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời Bà-la-môn, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:

– Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjì chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thời dân Vajjì nhất định được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả bảy pháp bất thối. Tôn giả Gotama, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjì ở chiến trận trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián. Tôn giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều việc và có nhiều bổn phận.

– Này Bà-la-môn, Người hãy làm những gì Người nghĩ là hợp thời.

Bà-la-môn Vassakara[8], vị đại thần nước Magadha hoan hỷ, tán thán lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy và từ biệt.

  1. Khi Bà-la-môn Vassakara đi chưa bao lâu, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

– Này Ananda, hãy đi và tập họp tại giảng đường tất cả những vị Tỷ-kheo sống gần Ràjagaha (Vương Xá).

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng theo lời dạy Thế Tôn, đi tập họp tất cả những vị Tỷ-kheo sống gần Vương Xá rồi đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, đứng một bên và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Tăng đã tu họp. Bạch Thế Tôn, Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là hợp thời.

Rồi Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến giảng đường, ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn và nói với các vị Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng bảy pháp bất thối. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Những vị Tỷ-kheo ấy trả lời Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

– Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỷ-kheo thượng tọa những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo thích sống những chỗ nhàn tịnh, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở, được sống an lạc, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy bảy pháp bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

  1. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng bày pháp bất thối khác, hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ nói.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Những vị Tỷ-kheo đáp ứng Thế Tôn. Thế Tôn nói:

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích làm thế sự, không hoan hỷ làm thế sự, không đam mê làm thế sự, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích phiếm luận, không hoan hỷ phiếm luận, không đam mê phiếm luận, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích ngủ nghỉ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ, không đam mê quần tụ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không có ác dục vọng, không bị chi phối bởi ác dục vọng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không bạn bè ác dục vọng, không thân tín ác dục vọng, không cộng hành với ác dục vọng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không dừng ở nửa chừng, giữa sự đạt đáo những quả vị thấp kém và những quả vị thù thắng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy bảy pháp bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

  1. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng bảy pháp bất thối khác, hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ nói.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Những vị Tỷ-kheo ấy đáp ứng Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo có tín tâm, có tàm, có quý, có nghe nhiều, có tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy bảy pháp bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

  1. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng bảy pháp bất thối khác, hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ nói.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Chư Tỷ-kheo đáp ứng. Thế Tôn nói:

– Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy bảy pháp bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

  1. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng bảy pháp bất thối khác, hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ nói.

– Xin vâng bạch Thế Tôn!

Những vị Tỷ-kheo ấy đáp ứng Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tụ tập vô thường tưởng[9], tu tập vô ngã tưởng[10], tu tập bất tịnh tưởng[11], tu tập nguy hiểm tưởng[12], tu tập xả ly tưởng, tu tập vô tham tưởng, tu tập diệt tưởng[13], thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy bảy pháp bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

  1. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng sáu pháp bất thối[14], hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Những vị Tỷ-kheo ấy đáp ứng Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Này các, Tỷ-kheo khi nào các vị Tỷ-kheo đối với các vị đồng tu phạm hạnh, tại chỗ đông người và vắng người, gìn giữ thân nghiệp từ hòa, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo đối với các vị đồng tu phạm hạnh, tại chỗ đông người và vắng người gìn giữ khẩu nghiệp từ hòa, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo đối với các vị đồng tu phạm hạnh, tại chỗ đông người và vắng người, gìn giữ ý nghiệp từ hòa, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo phân phối không thiên vị, chung thọ hưởng với các bạn giới đức đồng tu, mọi lợi dưỡng chơn chánh, hợp pháp, cho đến những vật thọ lãnh trong bình bát khất thực, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo sống với các bạn đồng tu, tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thọ trì những giới luật đúng với Sa-môn hạnh, những giới luật không bị gẫy vụn, không bị sứt mẻ, không bị tỳ vết, không bị uế trược, những giới luật đưa đến giải thoát, được người có trí tán thán, không bị ô nhiễm bởi mục đích sai lạc, những giới luật hướng đến định tâm, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo sống với các bạn đồng tu, tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thọ trì những tri kiến đúng với Sa-môn hạnh, những thánh tri kiến đưa đến giải thoát, hướng đến sự diệt tận khổ đau cho những ai thực hành theo, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào sáu pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy sáu pháp bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

  1. Trong thời gian Thế Tôn ở Vương Xá tại núi Linh Thứu, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo: “Ðây là Giới[15], đây là Ðịnh[16], đây là Tuệ [17]. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn[18]. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm[19] cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu”.
  2. Thế Tôn ở Vương Xá cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, rồi Ngài gọi tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Ambalatthikà.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda đáp ứng Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Ambalatthikà.

  1. Tại Ambalatthikà, Thế Tôn thân trú tại nhà nghỉ mát của vua. Trong thời gian Thế Tôn ở Ambalatthikà, tại nhà nghỉ mát của vua, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo.

– Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ, Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

  1. Thế Tôn ở Ambalatthikà cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, rồi Ngài bảo tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Nalandà[20].

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Nalandà. Tại đây, Thế Tôn ở Pavarikambavana (Ba-ba-lợi Âm-bà-lâm).

  1. Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và xuống một bên. Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác.

– Này Sàriputta, lời nói của Ngươi thật là đại ngôn, thật là gan dạ. Ngươi thật đã rống tiếng rống con sư tử: “Con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác”. Này Sàriputta, có phải Ngươi đã biết tất cả những Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở quá khứ, Ngươi đã biết tâm những Vị này nói với tâm của Ngươi: “Những Thế Tôn này ở quá khứ có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh trú như vậy, có giải thoát như vậy”?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Sàriputta, có phải Ngươi đã biết tất cả những Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở tương lai, Ngươi đã biết tâm những vị này với tâm của Ngươi: “Những Thế Tôn này ở tương lai có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh trú như vậy, có giải thoát như vậy”?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Sàriputta, có phải Ngươi biết Ta là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở hiện tại, Ngươi đã biết tâm Ta với tâm của Ngươi. “Thế Tôn có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh trú như vậy, có giải thoát như vậy”?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Sàriputta, như vậy Ngươi không có tha tâm thông đối với các vị Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở quá khứ, tương lai và hiện tại. Như vậy, này Sàriputta, vì sao Ngươi lại thốt ra những lời đại ngôn, lời nói gan dạ, rống lên tiếng rống con sư tử: “Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác”?

  1. – Bạch Thế Tôn, con không có tha tâm thông đối với các vị Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở quá khứ, tương lai và hiện tại. Nhưng con biết truyền thống về chánh pháp. Bạch Thế Tôn, như vị vua có một thành trì tại Biên cảnh, thành này có hào lũy kiên cố, có thành quách tháp canh kiên cố và chỉ có một cửa ra vào. Tại đây có một người gác cửa thông minh, biệt tài và nhiều kinh nghiệm, không cho vào các người lạ mặt, chỉ cho vào những người quen mặt. Người này trong khi đi tuần trên con đường chạy vòng quanh thành trì ấy có thể không thấy các chỗ nối hay khe hở của tường, cho đến chỗ một con mèo có thể lọt ra được, nhưng người ấy chỉ cần biết rằng các sinh vật to lớn vào hay ra thành trì này tất cả đều đi vào hay đi ra bởi cửa này. Bạch Thế Tôn, cũng vậy con biết truyền thống về chánh pháp. Bạch Thế Tôn, tất cả các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong quá khứ, tất cả vị Thế Tôn này đã diệt trừ Năm Triền cái, những nhiễm tâm khiến cho trí tuệ yếu ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Bạch Thế Tôn, tất cả các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong tương lai, tất cả Thế Tôn này đã diệt trừ Năm Triền cái, những nhiễm tâm khiến cho trí tuệ yếu ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hiện tại đã diệt trừ Năm Triền Cái, những nhiễm tâm khiến cho trí tuệ yết ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác.
  2. Trong thời gian Thế Tôn ở tại Nalandà, rừng Pavarikamba, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo.

– Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

  1. Thế Tôn ở Nalandà cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, rồi gọi tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Pàtaligàma[21].

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Pàtaligàma.

  1. Lúc bấy giờ, các cư sĩ ở Pàtaligàma được nghe Thế Tôn đã đến làng Pàtaligàma. Các cư sĩ ở Pàtaligàma đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các cư sĩ ở Pàtaligàma bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy đến ở tại nhà nghỉ mát của chúng con”. Thế Tôn im lặng nhận lời.
  2. Các cư sĩ ở Pàtaligàma được biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân phía hữu hướng về Ngài và từ biệt. Các cư sĩ này đi đến nghỉ mát, rải cát khắp tất cả sàn nhà, sắp đặt chỗ ngồi, đặt ghè nước, chuẩn bị dầu đèn rồi đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng một bên, các cư sĩ ở Pàtaligàma bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, tất cả nhà nghỉ mát đã được rải cát, các chỗ ngồi đã được sắp đặt, ghè nước đã đặt sẵn, dầu đèn đã được chuẩn bị. Bạch Thế Tôn, Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là phải thời.

  1. Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát, cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến nhà nghỉ mát, sau khi đến liền rửa chân bước vào nhà, ngồi xuống, lưng dựa vào bức tường ở giữa, mặt hướng về phía Ðông. Chúng Tỷ-kheo sau khi rửa chân, bước vào nhà ngồi xuống, lưng dựa vào bức tường phía Ðông, hướng mặt phía Tây, đối diện Thế Tôn.
  2. Thế Tôn nói với các cư sĩ ở Pataligama:

– Này các Gia chủ, có năm sự nguy hiểm cho những ai phạm giới, sống trái giới luật. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật sẽ bị tiêu hao tiền của rất nhiều vì sống phóng dật. Ðó là điều nguy hiểm thứ nhất cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.

Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật bị tiếng dữ đồn xa. Ðó là điều nguy hiểm thứ hai cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.

Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật khi vào hội chúng nào, hoặc Sát Ðế Lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần sợ hãi, bối rối. Ðó là điều nguy hiểm thứ ba cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.

Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật sẽ chết với tâm hồn rối loạn. Ðó là điều nguy hiểm thứ tư cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.

Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ bị sanh vào khổ cảnh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ðó là điều nguy hiểm thứ năm cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.

Này các gia chủ, đó là năm điều nguy hiểm cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.

  1. Này các Gia chủ có năm sự lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ có tiền của dồi dào rất nhiều vì sống không phóng dật. Ðó là sự lợi ích thứ nhất cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.

Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật được tiếng tốt đồn xa. Ðó là sự lợi ích thứ hai cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.

Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát Ðế Lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối. Ðó là sự lợi ích thứ ba cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.

Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ chết với tâm hồn không rối loạn. Ðó là sự lợi ích thứ tư cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.

Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới. Ðó là sự lợi ích thứ năm cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.

  1. Thế Tôn giảng pháp cho những cư sĩ ở Pàtaligàma cho đến khuya, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ rồi bảo các cư sĩ ấy:

– Này các Gia chủ, đêm đã khuya, nay các Ngươi hãy làm những gì các Ngươi nghĩ là phải thời.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Các người cư sĩ của Pàtaligàma vâng lời Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài từ tạ ra về. Thế Tôn, sau khi các cư sĩ ở Pàtaligàma đi không bao lâu, liền trở vào phòng riêng.

  1. Lúc bấy giờ Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần xứ Magadha đang dựng thành trì để ngăn chặn dân Vajjì. Một số rất lớn các thiên thần tụ họp hàng ngàn tại các trú địa ở Pàtaligàma. Chỗ nào có thiên thần có đại oai lực tụ họp, các vị này khiến tâm các vua chúa, các đại thần có đại oai lực, hướng đến sự xây dựng các trú xá. Tại chỗ nào các thiên thần bậc trung tụ họp, các vị này khiến tâm các vua chúa, các đại thần bậc trung hướng đến sự xây dựng các trú xá. Tại chỗ nào các thiên thần bậc hạ đẳng tụ họp, các vị này khiến tâm các vua chúa, các đại thần bậc hạ đẳng hướng đến sự xây dựng các trú xá.[22]
  2. Thế Tôn với thiên nhãn, thanh tịnh, siêu nhân thấy hàng ngàn các thiên thần tụ họp tại các trú địa ở Pàtaligàma, Thế Tôn thức dậy khi đêm chưa tàn và nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, ai đang xây dựng thành trì ở Pataligama?

– Sunidha và Vassakara, bạch Thế Tôn, hai vị đại thần xứ Magadha, đang xây dựng thành trì ở Pataligama để ngăn chận dân Vajjì.

  1. Này Ananda, thật giống như đã hỏi ý kiến các vị thiên thần ở cõi trời Ba mươi ba, các đại thần ở Magadha, Sunidha và Vassakara đang xây thành trì ở Pataligama để ngăn chận dân Vajjì. Này Ananda ở đây với thiên nhãn, thanh tịnh, siêu nhân Ta thấy hàng ngàn thiên thần tụ họp tại các trú địa ở Pataligama. Chỗ nào có thiên thần có đại oai lực tụ họp, các vị ấy khiến tâm các vua chúa, các đại thần có đại oai lực, hướng đến sự xây dựng các trú xá. Chỗ nào các thiên thần bậc trung tụ họp, các vị ấy khiến tâm các vua chúa, các đại thần bậc trung hướng đến sự xây dựng các trú xá. Chỗ nào các thiên thần bậc hạ đẳng tụ họp, các vị này khiến tâm các vua chúa, các đại thần bậc hạ đẳng hướng đến sự xây dựng các trú xá. Này Ananda, chỗ nào các vị Ariyans an trú, chỗ nào các nhà thương mãi qua lại, chỗ ấy sẽ thiết lập một thành thị bậc nhất tên gọi là Pàtaliputta, một trung tâm thương mãi. Nhưng này Ananda, Pàtaliputta sẽ bị ba hiểm nạn về lửa, về nước hay chia rẽ bất hòa.
  2. Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần nước Magadha, đến tại chỗ Thế Tôn ở, khi đến xong liền nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao rồi đứng một bên. Sau khi đứng một bên, vị đại thần xứ Magadha, Sunidha và Vassakara bạch Thế Tôn: “Mong Thế Tôn nhận lời mời dùng cơm tại nhà chúng con hôm nay cùng với đại chúng Tỷ-kheo”. Thế Tôn im lặng nhận lời.
  3. Hai vị đại thần xứ Magadha, Sunidha và Vassakara sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời liền đi về nhà ở, cho soạn tại nhà của mình các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm, rồi cử người đến tin Thế Tôn: “Tôn giả Gotama, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng”.

Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến trú sở của hai vị đại thần xứ Magadha, Sunidha và Vassakara, sau khi đi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi hai vị thần xứ Magadha, Sunidha và Vassakara tự tay mời chúng Tỷ-kheo với Thế Tôn là thượng thủ, các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Sau khi Thế Tôn dùng cơm xong và cất tay khỏi bình bát, Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần xứ Magadha liền lấy chiếc ghế thấp khác và ngồi xuống một bên.

  1. Sau khi Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần thứ Magadha đã ngồi xuống một bên, Thế Tôn đọc bài kệ cảm tạ:

Tại chỗ nào người sáng suốt lấy làm chỗ trú xứ.
Hãy nuôi dưỡng người giữ giới và người phạm hạnh.

Và san sẽ công đức với Chư Thiên trú tại chỗ ấy.
Ðược tôn kính, chúng sẽ tôn kính lại.
Ðược trọng vọng, chúng sẽ trọng vọng lại.

Chúng sẽ mến thương người ấy như người mẹ thương mến con.
Và những ai được thiên thần thân mến luôn luôn được thấy may mắn.

Sau khi Thế Tôn tán thán Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần xứ Magadha với bài kệ này, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy và ra về.

  1. Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần xứ Magadha đi sau lưng Thế Tôn và nói:

– “Hôm nay Sa-môn Gotama đi ra cửa nào cửa ấy sẽ được đặt tên là Gotama; Sa-môn Gotama lội qua sông từ bến nào, bến ấy sẽ được đặt tên là Gotama. Và cửa Sa-môn Gotama đi ra được đặt tên là cửa Gotama”.

  1. Rồi Thế Tôn đi đến sông Gangà (sông Hằng). Lúc bây giờ, sông Gangà tràn ngập nước đến bờ đến nỗi con quạ có thể uống được. Có người đang đi tìm thuyền, có người đang đi tìm phao, có người cột bè để qua bờ bên kia. Thế Tôn mau lẹ như người lực sĩ duỗi cánh tay được co lại hay co cánh tay đã duỗi ra, biến mất từ bờ bên này và hiện ra trên bờ bên kia với chúng Tỷ-kheo.
  2. Thế Tôn thấy những người kia, người đang đi tìm thuyền, người đang đi tìm phao, người đang đi cột bè để qua bờ bên kia. Thế Tôn hiểu được ý nghĩa của cảnh này, lúc ấy bèn ứng khẩu lời cảm khái:

“Những ai làm cầu vượt biển trùng dương, bỏ lại đất sũng đầm ao, trong khi người phàm phu đang cột bè.
Những người ấy thật là những vị trí tuệ được giải thoát”

Tụng phẩm II

  1. Rồi Thế Tôn gọi tôn giả Ananda: “Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Kotigàma”[23]

– “Xin vâng, bạch Thế Tôn”. Tôn giả Ananda đáp ứng Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Kotigàma. Tại đây, Thế Tôn ở tại Kotigàma.

  1. Thế Tôn nói với các vị Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không thông hiểu Bốn Thánh đế mà chúng ta phải lưu chuyển luân hồi lâu năm, Ta và các Ngươi. Bốn Thánh đế ấy là gì?

Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không thông hiểu Khổ Thánh đế mà chúng ta phải lưu chuyển luân hồi lâu năm, Ta và các Ngươi.

Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không thông hiểu Khổ Tập Thánh đế mà chúng ta phải lưu chuyển luân hồi lâu năm, Ta và các Ngươi.

Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không thông hiểu Khổ Diệt Thánh đế mà chúng ta phải lưu chuyển luân hồi lâu năm, Ta và các Ngươi.

Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không thông hiểu Khổ Diệt Ðạo Thánh đế mà chúng ta phải lưu chuyển luân hồi lâu năm,

Ta và các Ngươi. Này các Tỷ-kheo khi Khổ Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu; khi Khổ Tập Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu; khi Khổ Diệt Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu; khi Khổ Diệt Ðạo Thánh đế này được giác ngộ, được thông hiểu, thời hữu ái được diệt trừ, sự dắt dẫn đến một đời sống được đoạn tuyệt, nay không còn hậu hữu nữa.

  1. Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ lại nói thêm:

– Chính vì không thấy như thật Bốn Thánh đế nên có sự luân chuyển lâu ngày trong nhiều đời. Khi những sự thực này được nhận thức, nguyên nhân của một đời sống khác được trừ diệt, khi khổ căn được đoạn trừ, sẽ không còn một đời sống khác nữa.

  1. Trong thời gian Thế Tôn ở Kotigama, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo:

– Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

  1. Thế Tôn, sau khi ở Kotigama cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, liền bảo tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Nadika.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến. Nadika, tại ngôi nhà gạch (Ginjakàvasatha).

  1. Rồi Tôn giả Ananda đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Salada mệnh chung tại Nadika đã được sanh ở cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào? Tỷ-kheo ni Nandà mệnh chung tại Nadika đã được sanh ở cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào? Bạch Thế Tôn, cư sĩ Sudatta mệnh chung tại Nàdika đã được sanh cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào? Bạch Thế Tôn, nữ cư sĩ Sujàtà mệnh chung tại Nàdika đã được sanh ở cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào? Bạch Thế Tôn, cư sĩ Kakudha mệnh chung tại Nàdika đã được sanh cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào? Bạch Thế Tôn, cư sĩ Kàlinga… Bạch Thế Tôn, cư sĩ Nikata… Bạch Thế Tôn, cư sĩ Katissabha… Bạch Thế Tôn, cư sĩ Tuttha… Bạch Thế Tôn, cư sĩ Santuttha… Bạch Thế Tôn, cư sĩ Bhadda… Bạch Thế Tôn, cư sĩ Subhadda đã mệnh chung tại Nadika đã được sanh ở cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào?

  1. Này Ananda, Tỷ-kheo Sàtha diệt tận các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này Ananda, Tỷ-kheo ni Nandà đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới) và từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ananda, cư sĩ Sudatta, diệt trừ ba kiết sử làm giảm thiểu tham, sân, si, chứng quả Nhứt lai sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau. Này Ananda, nữ cư sĩ Sujata diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, nhứt định không còn đọa vào ác đạo, đạt đến Chánh giác. Này Ananda, cư sĩ Kakudha đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới), và từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ananda, cư sĩ Kalinga… Này Ananda, cư sĩ Nikata… Này Ananda, cư sĩ Katissabha… Này Ananda, cư sĩ Tuttha… Này Ananda, cư sĩ Santuttha… Này Ananda, cư sĩ Bhadada… Này Ananda, cư sĩ Subhadda đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh (thiên giới), và từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ananda, hơn năm mươi cư sĩ mệnh chung tại Nàdita, đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới) và từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ananda, hơn chín mươi chín nam nữ cư sĩ mệnh chung tại Nàdika, diệt trừ ba kiết sử, làm giảm thiểu tham, sân si, chứng quả Nhứt lai, sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau. Này Ananda, hơn năm trăm cư sĩ, mệnh chung tại Nadika, diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, nhứt định không còn đọa vào ác đạo, đạt đến Chánh giác.
  2. Này Ananda, thật không có gì lạ, vấn đề con người phải mệnh chung. Nhưng mỗi lần có người mệnh chung lại đến hỏi Như Lai về vấn đề này thời Ananda, như vậy làm phiền nhiễu Như Lai. Này Ananda, vì vậy ta sẽ giảng Pháp kính (Gương chánh pháp) để Thánh đệ tử, sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: “Ðối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhứt định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”.
  3. Này Ananda, Pháp kính ấy là gì mà Thánh đệ tử, sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: “Ðối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhứt định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”. Này Ananda, vị Thánh đệ tử có chánh tín đối với đức Phật: “Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Vị ấy có chánh tín đối với chánh pháp: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo giảng dạy, thiết thực, vượt ngoài thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng giải thoát, được kẻ trí tự mình thâm hiểu”. Vị ấy có chánh tín đối với chúng Tăng: “Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân chánh tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trực tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trí tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân tịnh tu hành, tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn đáng được nghênh đón, đáng được cúng dường, đáng được chiêm ngưỡng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở trên đời, cụ túc giới hạnh, được bậc Thánh mến chuộng, được viên mãn không mảy mún, được vẹn toàn không sứt mẻ, không tỳ vết, không ô nhiễm, những giới hạnh đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị ảnh hưởng bởi đời sau, hướng dẫn đến thiền định”.

Này Ananda, chính Pháp kính này mà Thánh đệ tử sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn sẽ tự tuyên bố về mình như sau: “Ðối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhứt định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”.

  1. Khi Thế Tôn ở Nàdika, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo:

– Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

  1. Rồi Thế Tôn, sau khi ở Nàdika cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, liền bảo tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Vesàli.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Vasali. Ở đây, Thế Tôn trú tại vườn Ambapàli[24].

  1. Thế Tôn bảo các vị Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, các Ngươi phải sống an trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðó là lời dạy của Ta cho các Ngươi.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo an trú chánh niệm? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với thân, quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi ở trên đời, đối với các cảm thọ… đối với tâm… đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi ở trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là chánh niệm.

  1. Này các Tỷ-kheo thế nào là Tỷ-kheo tỉnh giác? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ Kheo tỉnh giác khi đi tới, đi lui, tỉnh giác khi ngó tới, ngó lui; tỉnh giác khi co tay, duỗi tay, tỉnh giác khi mang áo sanghati (tăng-già-lê) mang bát, mang y, tỉnh giác khi ăn, khi uống, khi nhai, khi nếm, tỉnh giác khi đại tiện, tiểu tiện; tỉnh giác khi đi; khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thức, khi nói, khi im lặng. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải sống an trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðó là lời dạy của Ta cho các Ngươi.
  2. Lúc bấy giờ dâm nữ Ambapàli được nghe: “Thế Tôn đã đến Vesàli và ở tại vườn xoài của ta”. Dâm nữ Ambapàli liền cho thắng các cỗ xe thù thắng, tự leo lên một chiếc, cùng với các cỗ xe thù thắng xuất phát ra khỏi Vesàli và đi đến vườn xoài. Nàng cỡi xe cho đến chỗ còn có thể cỡi xe được, rồi xuống xe đi bộ đến tại chỗ Thế Tôn, khi đến liền đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên, Thế Tôn thuyết pháp cho dâm nữ Ambapàli đang ngồi một bên, giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ.

Dâm nữ Ambapàli sau khi được Thế Tôn giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn ngày mai nhận lời mời dùng cơm của chúng con với chúng Tỷ-kheo.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Dâm nữ Ambapali được biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân bên phải hướng về đức Phật và từ biệt.

  1. Các người Licchavi ở Vesàli được nghe: “Thế Tôn đến Vesàli hiện ở vườn Ambapàli”, liền cho thắng các cỗ xe thù thắng leo lên xe rồi xuất phát ra khỏi Vesàli với những cỗ xe ấy. Có những vị Licchavi toàn xanh, màu sắc xanh, mặc vải màu xanh, mang đồ trang sức màu xanh. Có những vị Licchavi toàn vàng, màu sắc vàng, mặc vải màu vàng, mang đồ trang sức màu vàng. Có những vị Licchavi toàn đỏ, màu sắc đỏ, mặc vải màu đỏ, mang đồ trang sức màu đỏ. Có những vị Licchavi toàn trắng, màu sắc trắng, mặc vải màu trắng, mang đồ trang sức màu trắng.
  2. Lúc bấy giờ dâm nữ Ambapàli đánh xe va chạm với các thanh niên Licchavi, trục xe chạm với trục xe, bánh xe chạm với bánh xe, gọng xe chạm với gọng xe. Các Licchavi nói với dâm nữ Ambapàli:

– Này Ambapàli, tại sao nàng lại đánh xe va chạm với các thanh niên Licchavi, trục xe chạm với trục xe, bánh xe chạm với bánh xe, gọng xe chạm với gọng xe?

– Này quý Công tử của tôi, tôi vừa mới mời Thế Tôn cùng chúng Tỷ-kheo ngày mai đến dùng cơm.

– Này Ambapàli, hãy nhường cho chúng ta bữa cơm ấy đổi lấy một trăm ngàn.

– Dầu quý Công tử có cho tôi cả thành Vesàli cùng với các đất phụ thuộc, tôi cũng không nhường bữa cơm quan trọng này.

Các vị Licchavi này tức tối búng ngón tay và nói:

– Chúng ta bị cô thiếu nữ xoài này đả thắng! Chúng ta bị cô thiếu nữ xoài này phỗng tay trên. Và các vị Licchavi này cùng đi đến vườn Ambapàli.

  1. Thế Tôn từ xa thấy các vị Licchavi liền nói với các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo nếu có vị Tỷ-kheo nào chưa thấy các chư Thiên ở cõi Tam thập tam thiên, hãy ngó chúng Licchavi, hãy nhìn chúng Licchavi[25]. Này các Tỷ-kheo chúng Licchavi cũng giống như chúng Tam thập tam thiên”.
  2. Các vị Licchavi ấy cỡi xe cho đến chỗ còn có thể cỡi xe được, rồi xuống xe đi bộ đến tại chỗ Thế Tôn, khi đến, liền đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp cho những vị Licchavi đang ngồi một bên, giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ.

Các vị Licchavi sau khi được Thế Tôn giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ liền bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn ngày mai nhận lời mời dùng cơm của chúng con với chúng Tỷ-kheo.

– Này các Licchavi, ngày mai Ta đã nhận lời mời dùng cơm của dâm nữ Ambapàli rồi.

Các vị Licchavi này tức tối búng ngón tay và nói: “Chúng ta bị cô thiếu nữ xoài này đả thắng! Chúng ta bị cô thiếu nữ xoài này phỗng tay trên… “

Rồi những vị Licchavi này, hoan hỷ tán thán lời dạy Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân bên hữu hướng về đức Phật và từ biệt.

  1. Lúc bấy giờ dâm nữ Ambapali, đêm vừa tàn canh, liền cho sửa soạn tại vườn của mình các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm và cho báo tin Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng”. Thế Tôn buổi sáng đắp y, đem theo y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đến tại túc xá của dâm nữ Ambapàli, sau khi đến liền ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. Rồi dâm nữ Ambapàli tự tay thân hành mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị thượng thủ, dùng các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm.

Khi Thế Tôn dùng xong, tay đã rời bát, dâm nữ Ambapàli lấy một ghế thấp khác và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, dâm nữ Ambapàli bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con xin cúng dường ngôi vườn này cho chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị thượng thủ”.

Thế Tôn nhận lãnh khu vườn. Thế Tôn thuyết pháp cho dâm nữ Ambapàli, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, rồi đứng dậy ra về.

  1. Trong thời gian Thế Tôn ở Vesàli, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo:

– Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

  1. Rồi Thế Tôn, sau khi ở Vesàli cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, liền bảo tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến làng Baluvà.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến làng Baluvà. Và Thế Tôn trú tại làng này.

  1. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ Kheo hãy an cư trong mùa mưa xung quanh Vesàli tại chỗ có bạn bè quen thuộc và thân tín. Còn Ta sẽ an cư ở đây, tại làng Baluvà.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Những Tỷ Kheo này vâng đáp Thế Tôn và tìm chỗ an cư mùa mưa xung quanh Vesàli tại chỗ có bạn bè quyến thuộc và thân tín. Còn Thế Tôn an cư tại làng Baluvà.[26]

  1. Trong khi Thế Tôn an cư trong mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, rất đau đớn, gần như muốn chết. Nhưng Thế Tôn giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán. Thế Tôn tự nghĩ: “Thật không hợp lẽ nếu Ta diệt độ mà không có một lời với các đệ tử hầu cận Ta, không từ biệt chúng Tỷ-kheo. Vậy Ta hãy lấy sức tinh tấn, nhiếp phục cơn bệnh này, duy trì mạng căn và tiếp tục sống”. Và Thế Tôn với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy duy trì mạng căn.[27]

  2. Rồi Thế Tôn lành bệnh. Sau khi lành bệnh không bao lâu, đức Phật rời khỏi tịnh xá và ngồi trên ghế đã soạn sẵn, trong bóng mát của ngôi tịnh xá. Lúc bấy giờ tôn giả Ananda đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con được thấy Thế Tôn khỏe mạnh. Bạch Thế Tôn, con được thấy Thế Tôn kham nhẫn, bạch Thế Tôn, thấy Thế Tôn bệnh hoạn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy, mắt con mờ mịt không thấy rõ phương hướng, dầu cho, bạch Thế Tôn, con được một chút an ủi rằng, Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài chưa có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo.

  1. Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). Này Ananda, những ai nghĩ rằng: “Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo”; hay “chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai” thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: “Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay “chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta” thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo? Này Ananda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.
  2. Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Này Ananda, thế nào là vị Tỷ-kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?

Này Ananda, ở đời, vị Tỷ-kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ… đối với tâm… đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này Ananda, như vậy vị Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.

Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.

Tụng phẩm III

  1. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, đem theo y bát, vào Vesàli để khất thực[28]. Sau khi khất thực ở Vesàli, ăn xong và trên đường khất thực trở về Ngài nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, hãy lấy tọa cụ. Ta muốn đi đến điện thờ Càpàla, để nghỉ trưa.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, lấy tọa cụ và đi theo sau lưng Thế Tôn.

  1. Thế Tôn đi đến điện thờ Càpàla, khi đến Ngài ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Tôn giả Ananda đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda đang ngồi một bên:

– Này Ananda, khả ái thay Vesàli, khả ái thay điện thờ Udena, khả ái thay điện thờ Gotamaka, khả ái thay điện thờ Sàttambaka, khả ái thay điện thờ Bahuputta, khả ái thay điện thờ Sàrandada, khả ái thay điện thờ Càpàla.

  1. Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu muốn người ấy có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.
  2. Nhưng Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn; tôn giả không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp. Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. Vì tâm tôn giả bị Ma vương ám ảnh[29].
  3. Lần thứ hai Thế Tôn… lần thứ ba Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, khả ái thay Vesàli, khả ái thay điện thờ Udena, khả ái thay điện thờ Gotamaka, khả ái thay điện thờ Sattambaka, khả ái thay điện thờ Bahuputta, khả ái thay điện thờ Sàrandada, khả ái thay điện thờ Capala!” Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu người ấy muốn, có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.

Nhưng tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn, Tôn giả không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. Vì tâm của tôn giả bị Ác ma ám ảnh.

  1. Rồi Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda hãy đi và làm những gì Ngươi nghĩ là phải thời.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân bên hữu hướng về Thế Tôn và đi ra.

  1. Tôn giả Ananda đi ra chưa bao lâu, Ác ma liền đến chỗ Thế Tôn, khi đến xong liền đứng một bên. Sau khi đứng một bên, Ác ma nói với Thế Tôn.

– Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chân chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng Chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu”.

  1. Bạch Thế Tôn, nay những Tỷ-kheo của Thế Tôn, đã trở thành những vị đệ tử chân chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý, đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng Chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, đã có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu. Như vậy, nay Thế Tôn, hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ!

Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo ni của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật… khi nào những nam cư sĩ của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu”. Bạch Thế Tôn, nay những nam cư sĩ của Thế Tôn đã trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, đầy đủ Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, và có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.

Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì, Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá chánh pháp một cách thần diệu”. Bạch Thế Tôn, nay những nữ cư sĩ của Thế Tôn đã trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, có thể truyền bá Chánh pháp một cách thần diệu. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.

Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào phạm hạnh Ta giảng dạy chưa thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài người”. Bạch Thế Tôn, nay phạm hạnh Thế Tôn giảng dạy đã được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài người. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.

  1. Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Ác ma: “Này Ác ma hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ”.
  2. Và tại điện thờ Capala, Thế Tôn chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ thọ, hành (không duy trì mạng sống lâu hơn nữa). Khi Thế Tôn từ bỏ, không duy trì mạng sống thêm nữa, thời đại địa chấn động, ghê rợn, tóc lông dựng ngược, sấm trời vang dậy. Thế Tôn nhận hiểu ý nghĩa của sự kiện ấy, liền thốt câu kệ cảm khái như sau:

Mạng sống có hạn hay vô hạn,
Tu sĩ từ bỏ, không kéo dài.
Nội tâm chuyên nhất trú thiền định.
Như tháo áo giáp đang mang mặc.
[30]

  1. Lúc bấy giờ, tôn giả Ananda suy nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Ðại địa chấn động, đại địa rung động như vậy, ghê rợn, tóc lông dựng ngược và sấm trời vang dậy. Do nhân gì, do duyên gì, đại địa chấn động như vậy?”.
  2. Rồi tôn giả Ananda đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Khi ngồi xuống một bên, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Bạch Thế Tôn thật là hy hữu! Ðại địa chấn động, đại địa rung động như vậy, ghê rợn, tóc lông dựng ngược và sấm trời vang dậy. Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, đại địa chấn động như vậy?

  1. – Này Ananda, có tám nhân, có tám duyên khiến đại địa chấn động. Thế nào là tám? Này Ananda, đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không. Này Ananda, đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động. Ðó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động.
  2. Lại nữa này Ananda, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn có thần thông, tâm được chế ngự, hay hàng chư Thiên có đại thần thông, có đại uy lực; những vị này quán địa tánh có hạn, quán thủy tánh vô lượng, vị ấy có thể khiến quả đất này rung động, chuyển động mạnh. Ðó là nhân thứ hai, duyên thứ hai khiến đại địa chấn động.[31]

  3. Lại nữa, này Ananda, khi vị Bồ-tát ở cõi Tusita (Ðâu suất) từ bỏ thân, chánh niệm, tỉnh giác, nhập vào mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ ba, duyên thứ ba khiến đại địa chấn động.
  4. Lại nữa, này Ananda, khi vị Bồ-tát, chánh niệm, tỉnh giác, ra khỏi mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ tư, duyên thứ tư khiến đại địa chấn động.
  5. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, khi ấy quả đất rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ năm, duyên thứ năm khiến đại địa chấn động.
  6. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai chuyển bánh xe Pháp, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ sau, duyên thứ sau, khiến đại địa chấn động.
  7. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai, chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ, không duy trì mạng sống, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ bảy, duyên thứ bảy, khiến đại địa chấn động.
  8. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai nhập vô dư y Niết Bàn, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ tám duyên thứ tám, khiến đại địa chấn động. Này Ananda, do tám nhân này, tám duyên này, khiến đại địa chấn động.
  9. Này Ananda, có tám chúng. Thế nào là tám? Chúng Sát-đế-Lỵ, chúng Bà-la-môn, chúng Cư sĩ, chúng Sa-môn, chúng Bốn Thiên vương, chúng Tam thập tam thiên, chúng Ma, chúng Phạm thiên.
  10. Này Ananda, Ta nhớ lại Ta đã đến chúng Sát -đế-lỵ hơn một trăm lần. Tại đây trước khi Ta ngồi, trước khi Ta nói chuyện, và trước khi cuộc đối thoại bắt đầu, dung sắc của chúng Sát-đế-lỵ như thế nào, dung sắc của Ta cũng như vậy; giọng nói chúng như thế nào, giọng nói của Ta cũng như vậy. Và với bài pháp thoại, Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ. Khi Ta đang nói, chúng không biết: “Kẻ nói ấy là ai, là chư Thiên chăng, là Người chăng?” Sau khi Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ với bài pháp thoại, Ta biến mất. Khi Ta biến mất, chúng không biết: “Kẻ biến mất ấy là ai, là chư Thiên chăng, là Ngươi chăng?”.
  11. Này Ananda. Ta nhớ lại Ta đã đến chúng Bà-la-môn hơn một trăm lần… chúng Cư sĩ… chúng Sa-môn… chúng Bốn Thiên vương… chúng Tam thập tam thiên… chúng Ma… chúng Phạm thiên hơn trăm lần, tại đây trước khi Ta ngồi, trước khi Ta nói chuyện và trước khi cuộc đối thoại bắt đầu dung sắc của chúng Phạm thiên như thế nào, dung sắc của Ta cũng vậy; giọng nói của chúng như thế nào, giọng nói của Ta cũng vậy. Và với bài pháp thoại, Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ. Khi Ta đang nói, chúng không biết: “Kẻ nói ấy là ai, là chư Thiên chăng, là Người chăng?” Sau khi Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, Ta biến mất. Khi Ta biến mất, chúng không biết: “Kẻ biến mất đó là ai, là chư Thiên chăng, là Người chăng?”[32] Này Ananda, như vậy là tám chúng.

  12. Này Ananda, có tám thắng xứ. Thế nào là tám?
  13. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc, có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ nhất.
  14. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ hai.
  15. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ ba.
  16. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tư.
  17. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh – như bông gai màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh – như lụa Ba-la-nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ năm.
  18. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, tướng màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng – như bông Kanikàra màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng – như lụa sa Balanại, cả hai mặt láng trơn màu vàng, tướng sắc vàng hình sắc vàng – như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ sáu.
  19. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ – như bông bandhujìvaka màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ – như lụa sa Balanại, cả hai mặt láng trơn màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ bảy.
  20. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng – như sao mai Osadhi màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng – như lụa sa Balanại, cả hai mặt láng trơn màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tám. Này Ananda như vậy là tám thắng xứ.
    [33]
  21. Này Ananda, tám giải thoát. Thế nào là tám?

Tự mình có sắc, thấy các sắc; đó là sự giải thoát thứ nhất.

Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc; đó là sự giải thoát thứ hai.

Quán tưởng (sắc là) tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy; đó là sự giải thoát thứ ba.

Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng hữu đối, không tác ý đến những tưởng khác biệt, với suy tư “hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ; đó là sự giải thoát thứ tư.

Vượt khỏi hoàn toàn Không vô biên xứ, với suy tư “thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ; đó là giải thoát thứ năm.

Vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư “không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ; đó là sự giải thoát thứ sáu.

Vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ; đó là sự giải thoát thứ bảy.

Vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng; đó là sự giải thoát thứ tám.

Này Ananda, như vậy là tám giải thoát.[34]

  1. Này Ananda, một thời Ta ở tại Uruvelà, trên bờ sông Neranjara, dưới gốc cây Ajapàlanigrodha khi Ta mới thành đạo. Này Ananda, lúc bấy giờ Ác ma đến tại chỗ Ta ở, khi đến xong liền đứng một bên. Này Ananda, sau khi đứng một bên, Ác ma nói với Ta: “Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ”.
  2. Này Ananda, khi được nói vậy, Ta nói với Ác ma:

– “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo của ta chưa thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.

Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo ni của Ta chưa trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.

Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những nam cư sĩ của Ta chưa trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý chưa có thể tuyên bố diễn giảng trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.

Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý chưa có thể tuyên bố diễn giảng trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.

Này Ác ma, Ta không diệt độ khi nào phạm hạnh mà Ta giảng dạy chưa được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài Người.

  1. Này Ananda, hôm nay tại điện thờ Càpàla, Ác ma đến Ta, sau khi đến liền đứng một bên. Này Ananda, Ác ma đứng một bên nói với Ta như sau:

“Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu”. Bạch Thế Tôn, nay những Tỷ-kheo của Thế Tôn đã trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng Chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên, đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, đã có thể truyền bá Chánh pháp một cách thần diệu. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.

Bạch Thế Tôn đây là lời Thế Thôn đã nói: “Này Ác ma, ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo ni của Ta… ; khi nào những cư sĩ của Ta… ; khi nào phạm hạnh Ta giảng dạy chưa được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài Người”. Bạch Thế Tôn, nay phạm hạnh Thế Tôn giảng dạy đã được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài Người. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ”.

  1. Khi được nói vậy, Ta nói với Ác ma:

“Này Ác ma, hãy an tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay Như Lai sẽ diệt độ”.

Này Ananda, hôm nay tại điện thờ Càpàla, Như Lai chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ thọ, hành (không duy trì mạng sống lâu hơn nữa).

  1. Khi được nói vậy, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho loài Trời và loài Người.

– Thôi đi, này Ananda, đừng có thỉnh cầu Như Lai nữa. Này Ananda, nay thỉnh cầu Như Lai không còn kịp thời.

  1. Lần thứ hai, tôn giả Ananda… Lần thứ ba, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người.

– Này Ananda, Ngươi có tin sự giác ngộ Thế Tôn không?

– Bạch Thế Tôn, con có tin!

– Vậy, này Ananda, sao Ngươi lại làm phiền Như Lai đến ba lần.

  1. – Bạch Thế Tôn, chính con được tận mặt, đích thân nghe Thế Tôn dạy như sau: “Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo thời, nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp, hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc… Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại”.

– Này Ananda, Ngươi có tin tưởng không?

– Bạch Thế Tôn, con có tin tưởng!

– Này Ananda, như vậy là lỗi của Ngươi, như vậy là khuyết điểm của Ngươi, đã không nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Như Lai, Ngươi không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. Này Ananda, nếu Ngươi thỉnh Như Lai, Như Lai có thể bác bỏ hai lần cầu thỉnh, nhưng đến lần thứ ba, Như Lai có thể nhận lời. Này Ananda như vậy là lỗi của Ngươi, như vậy là khuyết điểm của Ngươi.

  1. Này Ananda, một thời Ta ở tại Vương Xá, núi Linh Thứu (Gijjha Kuta). Tại đấy Ta nói với ngươi: “Này Ananda, khả ái thay thành Vương Xá! Khả ái thay núi Linh Thứu! Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo thời, nếu người ấy muốn, có thể sống đến một kiếp, hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại”. Dầu vậy, này Ananda, Ngươi không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn. Ngươi không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. Này Ananda, nếu Ngươi cầu thỉnh Như Lai, Như Lai có thể bác bỏ hai lần cầu thỉnh, nhưng đến lần thứ ba, Như Lai có thể nhận lời. Này Ananda, như vậy là lỗi của Ngươi, như vậy là khuyết điểm của Ngươi”.
  2. Này Ananda, một thời Ta ở thành Vương Xá, tại Nigrodhàràma… Ta cũng ở thành Vương Xá tại Corapapàta… Ta cũng ở thành Vương Xá, hang Sattapanni trên núi Vebhàra… Ta cũng ở thành Vương Xá, tại hang đá Kàla, trên núi Isigili… Ta cũng ở thành Vương Xá, tại khu rừng Sita trong hang đá Sappasondika… Ta cũng ở thành Vương Xá, tại Tapodàràma… Ta cũng ở thành Vương Xá, Trúc Lâm, hồ Kalandaka… Ta cũng ở thành Vương Xá, tại rừng Jìvakambavana… Ta cũng ở thành Vương Xá tại Maddakucchi ở Lộc Uyển.
  3. Này Ananda, tại đấy Ta nói: “Này Ananda, khả ái thay thành Vương Xá, khả ái thay núi Linh Thứu, khả ái thay Nigrodhàràma, khả ái thay Corapapàta, khả ái thay hang Sattapanni trên núi Vebhara, khả ái thay hang đá Kàla trên núi Isigili, khả ái thay hang đá Sappasondika trong rừng Sìta, khả ái thay suối nước nóng Tapodàràma, khả ái thay hồ con sóc ở tại Trúc Lâm, khả ái thay rừng Jìvakambavana, khả ái thay vườn Nai ở tại Maddakucchi”!
  4. “Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo thời, nếu người ấy muốn, có thể sống đến một kiếp, hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại”. Dầu vậy, này Ananda, Ngươi không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn. Ngươi không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. Này Ananda, nếu Ngươi cầu thỉnh Như Lai, Như Lai có thể bác bỏ hai lần cầu thỉnh, nhưng đến lần thứ ba, Như Lai có thể nhận lời. Này Ananda, như vậy là lỗi của Ngươi, như vậy là khuyết điểm của Ngươi”.
  5. Này Ananda, một thời Ta ở Vesàli tại điện thờ Udena. Tại đấy, này Ananda, Ta cũng nói. “Này Ananda, khả ái thay Vesàli, khả ái thay điện thờ Udena. Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo thời, nếu người ấy muốn, có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo thời, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại”. Dầu vậy, này Ananda, Ngươi không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Như Lai, Ngươi không thỉnh cầu Như Lai: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. Này Ananda, nếu Ngươi cầu thỉnh Như Lai, Như Lai có thể bác bỏ hai lần cầu thỉnh, nhưng đến lần thứ ba, Như Lai có thể nhận lời. Này Ananda, như vậy là lỗi của Ngươi, như vậy là khuyết điểm của Ngươi.
  6. Này Ananda, một thời Ta ở thành Vesàli tại điện thờ Gotamaka… ta cũng ở thành Vesàli tại điện thờ Sattambaka… Ta cũng ở thành Vesàli tại điện thờ Bahuputta… Ta cũng ở thành Vesàli tại điện thờ Sàrandada…
  7. Này Ananda, hôm nay tại điện thờ Càpàla, Ta nói với ngươi: “Này Ananda, khả ái thay Vesàli, khả ái thay điện thờ Udena, khả ái thay điện thờ Gotamaka, khả ái thay điện thờ Sattamba, khả ái thay điện thờ Buhuputta, khả ái thay điện thờ Sàrandada, khả ái thay đền Càpàla. Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo thời, nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại”. Dầu vậy, này Ananda, Ngươi không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Như Lai, Ngươi không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. Này Ananda, nếu Ngươi cầu thỉnh Như Lai; Như Lai có thể bác bỏ hai lần cầu thỉnh, nhưng đến lần thứ ba, Như Lai có thể nhận lời. Này Ananda, như vậy là lỗi của Ngươi, như vậy là khuyết điểm của Ngươi.
  8. Này Ananda, phải chăng ngay từ ban đầu Ta đã từng tuyên bố rằng mọi vật ưu ái, thân hình đều phải bị thay đổi, trở về hư không, biến dịch? Này Ananda, làm sao có thể được như vầy: Những gì sanh khởi, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến diệt? Thật không có sự trạng ấy. Này Ananda, những gì Như Lai đã từ bỏ, dứt khoát, xả ly, phóng xả, khước từ, chính là thọ, hành. Như Lai đã nói và nói một cách dứt khoát: “Không lâu, Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ”. Nói rằng Như Lai vì muốn sống mà phản lại lời tuyên bố trên thời thật không có sự trạng ấy.

Này Ananda, chúng ta hãy đi đến giảng đường Kùtagàra tại rừng Ðại Lâm.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn.

  1. Rồi Thế Tôn cùng tôn giả Ananda đi đến giảng đường Kùtagàra vườn Ðại Lâm, khi đi đến, Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, hãy đi mời tất cả Tỷ-kheo sống ở gần Vesàli tụ họp tại giảng đường này.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, đi mời tất cả vị Tỷ-kheo sống ở gần Vesàli tụ họp tại giảng đường, rồi đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, chúng Tỷ-kheo đã tụ họp. Bạch Thế Tôn, Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là hợp thời.

  1. Thế Tôn liền đi đến giảng đường và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các vị Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ngươi, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người. Này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để cho phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người? Chính là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Thần túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo phần. Này các Tỷ-kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người.

  1. Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các Ngươi. Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.

Ðó là lời Thế Tôn dạy. Sau khi nói vậy, Thiện Thệ lại nói thêm:

Ta đã già, dư mạng chẳng còn bao,
Từ biệt các Ngươi, Ta đi một mình.
Tự mình làm sở y cho chính mình,
Hãy tinh tấn, chánh niệm, giữ giới luật,
Nhiếp thúc ý chí, bảo hộ tự tâm.
Ai tinh tấn trong pháp và luật này
Sẽ diệt sanh tử, chấm dứt khổ đau.

Tụng phẩm IV

  1. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, đem theo y bát, vào Vesàli để khất thực. Sau khi khất thực ở Vesàli, ăn xong và trên đường khất thực trở về, Thế Tôn nhìn Vesàli với cái nhìn của con voi chúa[35] rồi nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, lần này là lần cuối cùng, Như Lai nhìn Vesàli. Này Ananda, chúng ta hãy đi đến làng Bhandagàma.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Bhandagàma. Tại đây, Thế Tôn ở tại Bhandagàma.

  1. Rồi Thế Tôn nói với Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt bốn Pháp mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Giới mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Ðịnh mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Tuệ mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh giải thoát mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, khi Thánh Giới được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Ðịnh được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Tuệ được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Giải thoát được giác ngộ, được chứng đạt, thời tham ái một đời sống tương lai được trừ diệt, những gì đưa đến một đời sống mới được dứt sạch, nay không còn một đời sống nào nữa.

  1. Ðó là lời Thế Tôn dạy. Sau khi nói vậy, Thiện Thệ lại nói thêm:

Giới, Ðịnh, Tuệ và Giải thoát vô thượng
Gotama danh xưng đã chứng ngộ.
Ðấng Giác Ngộ giảng pháp chúng Tỷ-kheo.
Ðạo Sư diệt khổ, pháp nhãn, tịnh lạc.

  1. Trong thời gian Thế Tôn ở tại Bhandagàma, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo:

– Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ, Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

  1. Rồi Thế Tôn, sau khi ở Bhandagàma cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, liền nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Hatthigam… Ambagama… Jambugama…, hãy đi đến Bhoganagara.

  1. – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Bhoganagara.

  1. Tại đây, Thế Tôn ở Bhoganagara tại đền Ananda, Ngài nói với các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng bốn Ðại giáo pháp, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Các Tỷ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, Thế Tôn giảng như sau:

  1. – Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ nhất, các Ngươi hãy thọ trì.
  2. Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia, có Tăng chúng ở với các vị Thượng tọa, với các Thủ chúng. Tôi tự thân nghe từ miệng Tăng chúng, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ hai, các Ngươi hãy thọ trì.
  3. Này các Tỷ-kheo, có thể có vị Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia có nhiều Tỷ-kheo Thượng tọa ở, những vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ miệng những vị Thượng tọa ấy, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và, này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ ba, các Ngươi hãy thọ trì.
  4. Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia, có một vị Thượng tọa, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ Thượng tọa, tự thân lãnh thọ; như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.

Này các Tỷ-kheo, bốn Ðại giáo pháp này, các Ngươi hãy thọ trì.

  1. Trong khi Thế Tôn ở tại Bhoganagara, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo:

– Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ, Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

  1. Rồi Thế Tôn, sau khi ở tại Bhoganagara cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, liền bảo tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta sẽ đi đến Pàvà.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Và Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Pàvà, tại vườn xoài của Cunda, một người thợ sắt.[36]

  1. Thợ bạc Cunda nghe: “Nay Thế Tôn đã đến Pàvà và hiện đang ở trong vườn xoài của ta”. Rồi thợ bạc Cunda đến tại chỗ Thế Tôn, khi đến xong liền đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Và Thế Tôn thuyết pháp cho thợ bạc Cunda đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ.
  2. Và thợ bạc Cunda, sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoa hỷ, liền bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo”. Thế Tôn im lặng nhận lời.
  3. Thợ bạc Cunda, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân phía hữu hướng về Ngài và từ biệt.
  4. Và thợ bạc Cunda, sau khi đêm đã mãn, liền cho sửa soạn tại nhà các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và nhiều thứ Sùkara-maddave (một loại mộc nhĩ),[37] và báo tin cho Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng”.

    1. Và Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đến nhà thợ bạc Cunda, khi đến xong liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi. Thế Tôn nói với thợ bạc Cunda:

    – Này Cunda, loại sūkaramaddava đã soạn sẵn, hãy dọn cho ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỷ-kheo.

    – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

    Thợ bạc Cunda vâng lời Thế Tôn, dọn cho Thế Tôn các món sūkaramaddava đã soạn sẵn, và dọn cho chúng Tỷ-kheo các món ăn khác, loại cứng và loại mềm.

    1. Rồi Thế Tôn nói với thợ bạc Cunda:

    – Này Cunda, món ăn sūkaramaddava còn lại. Ngươi hãy đem chôn vào một lỗ.[38] Này Cunda, Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món sūkaramaddava này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.

    – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

    Thợ bạc Cunda vâng theo Thế Tôn, đem chôn món ăn sūkaramaddava còn lại vào một lỗ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho thợ bạc Cunda đang ngồi xuống một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

    1. Sau khi dùng cơm của thợ bạc Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng [39], bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh.

      Rồi Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

      – Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Kusinàra.

      – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

      Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn.

      Tôi nghe: Sau khi dùng cơm tại nhà thợ bạc Cunda.
      Cơn bệnh khốc liệt bỗng khởi lên, gần như chết đến nơi.
      Sau khi cùng món ăn loại thịt heo.
      Kịch bệnh khởi lên nơi bậc Ðạo Sư.
      Ðiều phục bệnh hoạn, Thế Tôn dạy rằng:
      “Ta đi đến thành Kusinàra”.

      1. Rồi Thế Tôn bước xuống đường, đến một gốc cây và nói với Tôn giả Ananda:

      – Này Ananda, hãy xếp tư áo Sanghàti. Ta cảm thấy mệt mỏi và muốn ngồi nghỉ, này Ananda.

      – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

      Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn và xếp tư áo Sanghàti lại.

      1. Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và nói với Tôn giả Ananda:

      – Này Ananda, hãy đem nước cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.

      Khi được nói vậy, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

      – Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khuấy lên, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẩn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm dịu mát chân tay.[40]

      1. Lần thứ hai, Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

      – Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.

      Lần thứ hai tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

      – Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khuấy lên, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẩn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm dịu mát chân tay.

      1. Lần thứ ba, Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

      – Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.

      – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

      Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, lấy bát và đi đến con sông nhỏ. Con sông đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục, khi tôn giả Ananda đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng, không vẩn đục.

      1. Tôn giả Ananda tự nghĩ: “Thật kỳ diệu thay, thật hy hữu thay thần túc và uy lực của Như Lai. Con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục này, khi ta đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục”. Sau khi dùng bát lấy nước, tôn giả Ananda đến chỗ Thế Tôn và bạch với Ngài:

      – Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Bạch Thế Tôn thật là hy hữu. Bạch Thế Tôn, con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục này, khi con đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục. Xin thỉnh Thế Tôn dùng nước. Xin thỉnh Thiện Thệ dùng nước!

      Và Thế Tôn uống nước.

      1. Lúc bấy giờ, Pukkusa, dòng họ Mallà, đệ tử của ngài Alàra Kàlàma [41] đang đi trên con đường từ Kusinàra đến Pàvà.

        Pukkusa, dòng họ Mallà thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Pukkusa, dòng họ Mallà, bạch Thế Tôn:

        – Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn thật là hy hữu, trạng thái trầm tĩnh của một vị xuất gia!

        1. Bạch Thế Tôn, thuở xưa, ngài Alàra Kàlàma đang đi trên đường. Rồi ngài bước xuống đường và ngồi xuống một gốc cây, không xa con đường để nghỉ trưa. Bạch Thế Tôn, lúc ấy có khoảng năm trăm cỗ xe đi ngang qua gần ngài Alàra Kàlàma. Bạch Thế Tôn, có một người đi theo sau lưng đoàn xe ấy, đễn chỗ ngài Alàra Kàlàma và nói với ngài: “Tôn giả có thấy khoảng năm trăm cỗ xe vừa đi qua không?” – “Này Hiền giả, ta không thấy”. – “Tôn giả có nghe tiếng không?” – “Này Hiền giả, ta không nghe tiếng”. – “Có phải Tôn giả đang ngủ không?” – “Này Hiền giả, không phải ta đang ngủ”. – “Vậy có phải Tôn giả đang thức tỉnh?” – “Này Hiền giả, ta đang thức tỉnh”. – “Tôn giả đang thức tỉnh nhưng không thấy khoảng năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe thấy tiếng. Bạch Tôn giả, cái áo của Tôn giả cũng bị lấm bụi”. – “Này Hiền giả, phải, áo ta bị lấm bụi”.

        Bạch Thế Tôn, người ấy liền tự nghĩ: “Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm tĩnh của vị xuất gia. Trong khi giác tỉnh, còn thức nhưng không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng”. Sau khi tỏ sự thâm tín đối với ngài Alàra Kàlàma, vị ấy từ biệt.

        1. – Này Pukkusa, nhà ngươi nghĩ thế nào? Cái gì khó làm hơn, cái gì khó thực hiện hơn? Một người trong khi giác tỉnh, còn thức mà không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng. Hay một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy, cũng không nghe tiếng?
        2. – Bạch Thế Tôn, nói gì đến năm trăm cỗ xe này, cho đến hoặc sáu trăm, hoặc bảy trăm, hoặc tám trăm, hoặc chín trăm, hoặc một ngàn, cho đến trăm ngàn cỗ xe, cũng không thể so sánh được. Thật khó làm hơn, khó thực hiện hơn, một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy cũng không nghe tiếng.
        3. – Này Pukkusa, một thời, Ta ở Atumà, tại nhà đập lúa. Lúc bấy giờ trời mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu, và bốn con bò đực bị sét đánh chết. Này Pukkusa, một số đông người từ Atumà đi ra đến tại chỗ hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết…
        4. Này Pukkusa, lúc bấy giờ Ta từ nhà đập lúa đi ra và đi qua đi lại ngoài trời, trước cửa nhà đập lúa, Này Pukkusa, có một người từ nơi đám đông ấy đi ra, đến chờ Ta, đảnh lễ và đứng một bên. Và Ta nói với người ấy đang đứng một bên:

        32: – “Này Hiền giả, vì sao có số đông người tụ họp như vậy?” – Bạch Thế Tôn vừa rồi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu, và bốn con bò đực bị sét đánh chết. Do vậy mà có số đông người ấy tụ họp tại đây. Bạch Thế Tôn, lúc ấy Ngài ở tại chỗ nào?” – “Này Hiền giả, lúc ấy Ta ở tại đây”. “Bạch Thế Tôn, Ngài không thấy gì cả sao?” – “Này Hiền giả, Ta không thấy gì”. – “Bạch Thế Tôn, Ngài không nghe tiếng gì cả sao?” – “Này Hiền giả, Ta không nghe tiếng gì?” – “Bạch Thế Tôn, có phải Ngài đang ngủ, phải không?” – “Này Hiền giả, không phải ta đang ngủ”. – “Bạch Thế Tôn, có phải Ngài đang tỉnh thức phải không?” – “Này Hiền giả, phải”. – “Bạch Thế Tôn, Ngài đang tỉnh thức, nhưng trong khi trời mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết, nhưng Ngài không thấy, cũng không nghe gì”. – Này Hiền giả, phải như vậy”.

        1. Này Pukkusa, người ấy liền tự nghĩ: “Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm lặng của vị xuất gia, khi thức tỉnh, dầu có mưa tầm tã ào ào, điện quang chói lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết mà không thấy gì, không nghe gì hết”. Sau khi nói lên lòng tin tưởng ở nơi Ta, người ấy đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về phía Ta và từ biệt.
        2. Khi được nói vậy, Pukkusa, dòng họ Mallà bạch Thế Tôn:

        – Bạch Thế Tôn, sự tin tưởng của con đối với ngài Alàra, Kàlàma, nay con đem rải rắc trước luồng gió lớn, nay con đem thả trôi vào dòng nước cuốn. Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Hy hữu thay bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

        1. Rồi Pukkusa, dòng họ Mallà nói với một người khác: “Này bạn, hãy đem đến một cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc”. – “Tôn giả, xin vâng”. Người ấy vâng lời Pukkusa, dòng họ Mallà và đem đến một cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc.

        Rồi Pukkusa, dòng họ Mallà đem dâng một cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc ấy cho Thế Tôn và nói:

        – Bạch Thế Tôn, cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc. Mong Thế Tôn vì thương xót con mà thâu nhận cho.

        – Này Pukkusa, hãy đắp cho Ta một áo và đắp cho Ananda một áo. [42]

        – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

        Pukkusa, dòng họ Mallà vân lời Thế Tôn, đắp một áo cho Ngài và đắp một áo cho tôn giả Ananda.

        1. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho Pukkusa, người dòng họ Mallà, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ. Và Pukkusa, người dòng họ Mallà, sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Thế Tôn và từ biệt.
        2. Khi Pukkusa, dòng họ Mallà đi chưa được bao lâu, tôn giả Ananda đem cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc này đặt trên thân Thế Tôn, và khi cặp áo này được đặt trên thân Thế Tôn, màu sắc sáng chói của áo như bị lu mờ đi. Và Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

        – Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn thật là hy hữu, sự thanh tịnh và sáng chói màu da của Như Lai! Bạch Thế Tôn, khi con đặt trên thân Thế Tôn, cặp áo màu kim sắc vàng chói và sẵn sàng để mặc này, màu sắc sáng chói của áo như bị lu mờ đi.

        – Thật vậy, này Ananda. Này Ananda, có hai trường hợp, màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói. Thế nào là hai? Này Ananda, trong đêm Như Lai chứng vô thượng Chánh Ðẳng Giác và trong đêm Như Lai sắp diệt độ, nhập Niết-bàn giới, không còn dư y sanh tử nữa. Này Ananda, đó là hai trường hợp, màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói.

        1. Này Ananda, hôm nay khi canh cuối cùng đã mãn, tại Upavattana ở Kusinàrà, trong rừng Sàla của dòng họ Mallà, giữa hai cây sàla song thọ, Như Lai sẽ diệt độ. [43] Này Ananda, chúng ta hãy đi đến sông Kakutthà.

        – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

        Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn:

        Cặp áo kim sắc này.
        Pukkusa mang đến.
        Ðắp áo kim sắc này,
        Da Ðạo Sư sáng chói.

        1. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến con sông Kakutthà, xuống sông tắm và uống nước rồi lội qua bờ bên kia, đi đến rừng xoài và tại đây, nói với đại đức Cundaka:

        – Này Cundaka, hãy xếp áo Sanghàti làm bốn cho Ta. Này Cundaka, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.

        – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

        Ðại đức Cundaka vâng lời Thế Tôn và xếp áo Sanghàti làm bốn.

        1. Rồi Thế Tôn nằm xuống phía hông bên mặt như dáng điệu con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm, tỉnh giác, suy tư, với ý niệm ngồi dậy lại khi phải thời. Và đại đức Cundaka ngồi phía trước Thế Tôn.

        41.

        Ðức Phật tự đi đến
        Con sông Kakutthà.
        Con sông chảy trong sáng.
        Mát lạnh và thanh tịnh.
        Vị Ðạo Sư mỏi mệt
        Ði dần xuống mé sông.
        Như Lai đấng Vô Thượng
        Ngự trị ở trên đời
        Tắm xong, uống nước xong,
        Lội qua bên kia sông.
        Bậc Ðạo Sư đi trước,
        Giữa Tăng chúng Tỷ-kheo,
        Vừa đi vừa diễn giảng.
        Chánh pháp thật vi diệu.
        Rồi bậc Ðại Sĩ đến,
        Tại khu vực rừng xoài.
        Cho gọi vị Tỷ-kheo,
        Tên họ Cundaka:
        “Hãy gấp tư áo lại,
        Trải áo cho ta nằm.
        Nghe dạy, Cundaka
        Lập tức vâng lời dạy,
        Gấp tư và trải áo,
        Một cách thật mau lẹ.
        Bậc Ðạo Sư nằm xuống
        Thân mình thật mệt mỏi.
        Tại đây Cundaka,
        Ngồi ngay phía trước mặt.

        1. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

        – Này Ananda, rất có thể có người làm cho thợ bạc Cunda hối hận: “Này Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho Ngươi, thật là tai hại cho Ngươi, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ Ngươi cúng dường, và nhập diệt”. Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ bạc Cunda: “Này Hiền giả, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường, và nhập diệt. Này Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ lời nói này của Thế Tôn: “Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác? Thế nào là hai? Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sanh tử. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng tuổi thọ; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng sắc đẹp; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng an lạc; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng danh tiếng; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng cõi trời, nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng uy quyền”.

        Này Ananda, cần phải làm cho thợ bạc Cunda tiêu tan hối hận.

        1. Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu ý nghĩa này, liền thốt lời cảm khái như sau:

        Công đức người bố thí,
        Luôn luôn được tăng trưởng,
        Trừ được tâm hận thù.
        Không chất chứa, chế ngự,
        Kẻ chí thiện từ bỏ.
        Mọi ác hạnh bất thiện,
        Diệt trừ tham, sân, si.
        Tâm giải thoát thanh tịnh.

        Tụng phẩm V

        1. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

        – Này Ananda, chúng ta hãy đi qua bờ bên kia sông Hirannavati, đến ở Kusinàrà – Upavatama – rừng Sàlà của dòng họ Màllà.

        – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

        Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn.

        Rồi Thế Tôn, cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến bên kia sông Hirannavati, tại Kusinàrà Upavattana, rừng Sàlà của dòng họ Mallà, khi đi đến nơi liền nói với Tôn giả Ananda:

        – Này Ananda, hãy trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sàlà song thọ: này Ananda, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.

        – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

        Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sàlà song thọ. Và Thế Tôn nằm xuống, về phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, hai chân để lên nhau chánh niệm và giác tỉnh.

        1. Lúc bấy giờ, cây sàlà song thọ trổ hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài, nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.
        2. Rồi Như Lai nói với tôn giả Ananda:

        — Này Ananada, các cây sàlà song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai. [44]

        Nhưng, này Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các Người phải học tập như vậy.

        1. Lúc bấy giờ, tôn giả Upavàna đứng trước mặt Thế Tôn và quạt Ngài. Thế Tôn liền quở trách tôn giả Upavàna: “Này Tỷ-kheo, hãy đứng một bên, chớ có đứng trước mặt Ta.”

        Tôn giả Ananda, liền tự suy nghĩ: “Ðại đức Upavàna này là thị giả sống gần và hầu cận Thế Tôn đã lâu ngày. Nay Thế Tôn trong giờ phút cuối cùng lại quở trách đại đức Upavàna: “Này Tỷ-kheo, hãy đứng một bên, chớ có đứng trước mặt Ta”. Do nhơn gì, do duyên gì, Thế Tôn quở trách đại đức Upavàna: “Này Tỷ-kheo, hãy đứng một bên, chớ có đứng trước mặt ta”?.

        1. Rồi tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

        — Ðại đức Upavàna này là thị giả, sống gần và hầu cận Thế Tôn đã lâu ngày. Nay Thế Tôn trong giờ phút cuối cùng lại quở trách đại đức Upavàna: “Này Tỷ-kheo, hãy đứng một bên, chớ có đứng trước mặt Ta.” Do nhơn gì, do duyên gì, Thế Tôn quở trách đại đức Upavàna: “Này Tỷ-kheo hãy đứng một bên, chớ có đứng trước mặt Ta”?

        — Này Ananda, rất đông các vị Thiên thần ở mười phương thế giới tụ hội để chiêm ngưỡng Như Lai . Này Ananda, cho đến mười hai do tuần xung quanh Kusinàrà, Upavattana, rừng Sàlà thuộc dòng họ Mallà, không có một chỗ nào, nhỏ cho đến đầu một sợi tóc có thể chích được mà không đầy những Thiên thần có uy lực tụ họp. Này Ananda, các vị Thiên Thần đang than phiền: “Chúng ta từ rất xa đến chiêm ngưỡng Như Lai. Thật rất là hy hữu, các Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, và tối hôm nay, trong canh cuối cùng, Như Lai sẽ nhập diệt. Và nay Tỷ-kheo có oai lực này lại đứng ngang trước Thế Tôn, khiến chúng ta không thể chiêm ngưỡng Như Lai [45] trong giờ phút cuối cùng”. Này Ananda, các chư Thiên than phiền như vậy.

        1. — Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đang nghĩ đến hạng chư Thiên nào?

        – Này Ananda, có hạng chư Thiên ở trên hư không nhưng có tâm tư thế tục, những vị này khóc than, với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”.

        Này Ananda, có hạng Thiên thần ở trên đất với tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại:

        “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”.

        Có chư Thiên đã diệt trừ ái dục, những vị này bình thản, tỉnh giác chịu đựng, với tâm suy tư: “Các hành là vô thường, làm sao sự kiện có thể khác được?”

        1. — Bạch Thế Tôn, thuở trước các Tỷ-kheo sau khi thọ an cư [46], từ các địa phương đến chiêm ngưỡng Như Lai, chúng con được sự lợi ích tiếp kiến, hầu cận những Tỷ-kheo tu hành điêu luyện. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nhập diệt, chúng con sẽ không được sự lợi ích tiếp kiến, hầu cận những Tỷ-kheo tu hành điêu luyện.

          1. – Này Ananda, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn?

          “Ðây là chỗ Như Lai đản sanh”. Này Ananda, đó là thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

          “Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

          “Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

          “Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

          Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: “Ðây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”, “Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn”.

          Này Ananda, những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích [47] mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên.

          1. — Bạch Thế Tôn, chúng con phải cư xử với phái nữ như thế nào?

          — Này Ananda, chớ có thấy chúng.

          — Bạch Thế Tôn, nếu phải thấy chúng, thời phải như thế nào?

          — Này Ananda, chớ có nói chuyện với chúng.

          — Bạch Thế Tôn, nếu phải nói chuyện với chúng, thời phải như thế nào?

          — Này Ananda, phải an trú chánh niệm.

          1. — Bạch Thế Tôn, chúng con phải xử sự thân xá-lợi Như Lai như thế nào?

          — Này Ananda, các Ngươi đừng có lo lắng vấn đề cung kính thân xá-lợi của Như Lai. Này Ananda, các Người hãy nỗ lực, hãy tinh tấn hướng về tự độ, sống không phóng dật, cần mẫn, chuyên hướng về tự độ. Này Ananda, có những học giả Sát-đế-lỵ, những học giả Bà-la-môn, những học giả gia chủ thâm tín Như Lai, những vị này sẽ lo cho sự cung kính cúng dường thân xá-lợi của Như Lai.

          1. — Bạch Thế Tôn, cần phải xử sự thân Như Lai như thế nào?

          — Này Ananda, xử sự thân Chuyển luân Thánh Vương như thế nào, hãy xử sự thân xá-lợi Như Lai như vậy.

          — Bạch Thế Tôn, người ta xử sự thân chuyển luân Thánh vương như thế nào?

          — Này Ananda, thân của Chuyển luân Thánh vương được vấn tròn với vải mới. Sau khi vấn vải mới xong, lại được vấn thêm với vải gai bện. Sau khi vấn vải gai bệnh, lại vấn thêm với vải mới, và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải. Rồi thân được đặt vào trong một hòm dầu bằng sắt, hòm sắt này được một hòm sắt khác đậy kín. Xong một giàn hỏa gồm mọi loại hương được xây dựng lên, thân của vị Chuyển luân Thánh vương được đem thiêu trên giàn hỏa này và tại ngã tư đường, tháp của vị Chuyển luân Thánh vương được xây dựng lên. Này Ananda, đó là pháp táng thân vị Chuyển luân Thánh vương.

          Này Ananda, pháp táng thân vị Chuyển luân Thánh vương như thế nào, pháp táng thân Thế Tôn cũng như vậy. Tháp của Như Lai phải được dựng lên tại ngã tư đường. Và những ai đem tại chỗ ấy vòng hoa, hương, hay hương bột nhiều màu, đảnh lễ tháp, hay khởi tâm hoan hỷ (khi đứng trước mặt tháp), thời những người ấy sẽ được lợi ích, hạnh phúc lâu dài.

          1. Này Ananda, bốn hạng người sau này đáng được xây tháp. Thế nào là bốn? Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xứng đáng xây tháp. Ðộc Giác Phật xứng đáng xây tháp. Ðệ tử Thanh Văn của Như Lai xứng đáng xây tháp. Chuyển luân Thánh vương xứng đáng xây tháp.

          Này Ananda, vì lý do gì, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: “Ðây là tháp của Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. ” Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ sanh lên thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp.

          Này Ananda, vì lý do gì, bậc Ðộc Giác Phật xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: “Ðây là tháp của Thế Tôn Ðộc Giác Phật”. ” Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ được sanh thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, bậc Ðộc Giác Phật xứng đáng xây tháp.

          Này Ananda, vì lý do gì, đệ tử Thanh Văn của Như Lai xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: “Ðây là tháp đệ tử Thanh Văn của Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.” Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ được sanh thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, đệ tử Thanh Văn của Như Lai xứng đáng xây tháp .

          Này Ananda, vì lý do gì, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng xây tháp [48]? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: “Ðây là tháp của vị Pháp vương trị vì đúng pháp.” Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ được sanh thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng xây tháp.

          Này Ananda, đó là bốn hạng người xứng đáng xây tháp.

          1. Rồi tôn giả Ananda đi vào trong tịnh xá, dựa trên cột cửa và đứng khóc: “Ta nay vẫn còn là kẻ hữu học, còn phải tự lo tu tập. Nay bậc Ðạo Sư của ta sắp diệt độ, còn ai thương tưởng ta nữa!”

          Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

          — Này các Tỷ-kheo, Ananda ở tại đâu?

          — Bạch Thế Tôn, tôn giả Ananda đi vào trong tịnh xá, dựa trên cột cửa và đứng khóc: “Ta nay vẫn còn là kẻ hữu học, còn phải tự lo tu tập. Nay bậc Ðạo Sư của ta sắp diệt độ, còn ai thương tưởng ta nữa!”

          Thế Tôn liền nói với một Tỷ-kheo:

          — Này Tỷ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta, nói với Ananda: “Này Hiền giả Ananda, bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền giả.”

          — Xin vâng, bạch Thế Tôn!

          Vị Tỷ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, đi đến chỗ tôn giả Ananda, sau khi đến, liền nói với tôn giả: “Này Hiền giả Ananda, bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền giả.” – “Thưa vâng, Hiền giả. ” Tôn giả Ananda vâng lời vị Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

          1. Thế Tôn nói với tôn giả Ananda đang ngồi một bên:

          — Thôi vừa rồi, Ananda, chớ có buồn rầu, chớ có khóc than. Này Ananda, Ta đã tuyên bố trước với ngươi rằng mọi vật ái luyến, tốt đẹp đều phải sanh biệt, tử biệt và dị biệt. Này Ananda làm sao được có sự kiện này: “Các pháp sanh, trú, hữu vi, biến hoại đừng có bị tiêu diệt?” Không thể có sự kiện như vậy được. Này Ananda, đã lâu ngày, ngươi đối với Như Lai, với thân nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai, vô lượng với khẩu nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai, vô lượng với ý nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai, vô lượng. Này Ananda, ngươi là người tác thành công đức. Hãy cố gắng tinh tấn lên, ngươi sẽ chứng bậc Vô lậu, không bao lâu đâu.

          1. Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

          — Này các Tỷ-kheo, những vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, những bậc Thế Tôn này đều có những thị giả tối thắng như Ananda của Ta. Này Tỷ-kheo, những vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thời vị lai, những bậc Thế Tôn này cũng sẽ có những vị thị giả tối thắng như Ananda của Ta vậy.

          Này các Tỷ-kheo, Ananda là người có trí và hiểu rõ: “Nay đúng thời để các Tỷ-kheo yết kiến Thế Tôn, nay đúng thời để các Tỷ-kheo ni, nay đúng thời để các nam cư sĩ, nay đúng thời để các nữ cư sĩ, nay đúng thời để các vua chúa, để các đại thần, để các ngoại đạo sư, để các đệ tử các ngoại đạo sư yết kiến Thế Tôn!”

          1. Này các Tỷ-kheo, Ananda có bốn đức tánh kỳ cựu, hy hữu. Thế nào là bốn?

          Này các Tỷ-kheo, nếu có chúng Tỷ-kheo đến yết kiến Ananda, chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì được yết kiến Ananda, và nếu Ananda thuyết pháp chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì bài thuyết pháp, và nếu Ananda làm thinh thời, này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo ấy sẽ thất vọng.

          Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo ni…, chúng nam cư sĩ… chúng nữ cư sĩ đến yết kiến Ananda, chúng ấy sẽ được hoan hỷ, vì được yết kiến Ananda, và nếu Ananda thuyết pháp, chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì bài thuyết pháp và nếu Ananda làm thinh thời này các Tỷ-kheo, chúng nữ cư sĩ ấy sẽ thất vọng.

          Này các Tỷ-kheo, vị Chuyển luân Thánh vương có bốn đức tánh kỳ diệu, hy hữu.

          Này các Tỷ-kheo, nếu có chúng Sát-đế-lỵ… chúng Bà-la-môn… chúng gia chủ… chúng Sa-môn đến yết kiến vị Chuyển luân Thánh vương, chúng sẽ được hoan hỷ vì được yết kiến vị Chuyển luân Thánh vương và nếu vị Chuyển luân Thánh vương nói chuyện, chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì bài nói chuyện, và nếu vị Chuyển luân Thánh vương làm thinh thời chúng Sa-môn ấy sẽ thất vọng.

          Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ananda có bốn đức tánh kỳ diệu, hy hữu. Nếu có chúng Tỷ-kheo… chúng Tỷ-kheo ni… chúng nam cư sĩ… chúng nữ cư sĩ đến yết kiến Ananda, chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì được yết kiến Ananda, và nếu Ananda thuyết pháp chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì bài thuyết pháp, và nếu Ananda làm thinh, thời này các Tỷ-kheo chúng nữ cư sĩ ấy sẽ thất vọng.

          Này các Tỷ-kheo, Ananda có bốn đức tánh kỳ diệu, hy hữu như vậy.

          1. Khi được nói vậy, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

          — Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có diệt độ tại đô thị nhỏ bé này, tại đô thị hoang vu này, tại đô thị phụ thuộc này. Bạch Thế Tôn, có những đô thị khác to lớn hơn như Campà (Chiêm-bà), Ràjagaha (Vương Xá), Sàvatthi (Xá-vệ), Sàketa (Sa-kỳ), Kosambi (Kiều-thương-di), Bàrànasi (Ba-la-nại). Thế Tôn hãy diệt độ tại chỗ ấy. Tại chỗ ấy, có đại chúng Sát-đế-lỵ, có đại chúng Bà-la-môn, có đại chúng gia chủ rất tin tưởng Như Lai, các vị này sẽ cúng dường thân xá-lợi Như Lai.

          — Này Ananda, chớ có nói như vậy [49], này Ananda, chớ có nói đô thị này nhỏ bé, đô thị này hoang vu, đô thị này phụ thuộc.

          1. Này Ananda, thuở xưa có vị vua tên là Mahasudassana (Ðại Thiện Kiến). Vị này là Chuyển luân vương, trị vì như pháp, là vị pháp vương, thống lãnh bốn thiên hạ, chinh phục hộ trì quốc dân, đầy đủ bảy báu. Này Ananda, đô thị Kusinàrà này là kinh đô của vua Mahasudassana, tên là Kusàvatì (Câu-xá-bà-đề), phía Ðông và phía Tây rộng đến mười hai do tuần, phía Bắc và phía Nam rộng đến bảy do tuần.

          Này Ananda, kinh đô Kusàvatì này rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, dân chúng sung mãn, thực phẩm phong phú. Này Ananda, cũng như kinh đô Alakamanda của chư thiên rất phồn thịnh, phú cường dân cư đông đúc, Thiên chúng sung mãn, thực phẩm phong phú, cũng vậy này Ananda, kinh đô Kusàvatì này cũng rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, nhân chúng sung mãn.

          Này Ananda, kinh đô Kusàvatì này, ngày đêm vang dậy chín loại tiếng, tức là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng tỳ bà, tiếng hát, tiếng xập xỏa, tiếng chuông và tiếng thứ mười là lời kêu gọi: “Hãy uống đi, hãy ăn đi”.

          1. Này Ananda, hãy đi vào Kusinàrà và nói với dân Mallà Kusinàrà: “Này các Vàsetthà, đêm nay, vào canh cuối cùng, Như Lai sẽ diệt độ”.

          – Này Vàsetthà, các Ngươi hãy đến. Này Vàsetthà, các Ngươi hãy đến. Về sau chớ có hối hận: “Như Lai đã diệt độ tại làng vườn chúng ta mà chúng ta không được chiêm ngưỡng Như Lai”.

          – Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

          Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, đắp y, đem theo y bát và cùng một vị khác làm bạn đồng hành đi vào Kusinàrà.

          1. Lúc bấy giờ, dân Mallà ở Kusinàrà đang tụ họp tại giảng đường vì một vài công sự. Tôn giả Ananda đến tại giảng đường của dân Mallà ở Kusinàrà. Sau khi đến, tôn giả liền nói vói dân Mallà ở Kusinàrà:

          – Này Vàsetthà, đêm nay, vào canh cuối cùng Như Lai sẽ diệt độ, Này Vàsetthà, các Ngươi hãy đến. Này Vàsetthà, các Ngươi hãy đến. Về sau chớ có hối hận: “Như Lai đã diệt độ tại làng vườn chúng ta mà chúng ta không được chiêm ngưỡng Như Lai”.

          1. Dân Mallà cùng với con trai, con gái và vợ, khi nghe tôn giả Ananda nói như vậy, liền đau đớn, sầu muộn, tâm tư khổ não. Kẻ thì khóc than với đầu bù tóc rối, kẻ thì khóc than với cánh tay duỗi cao, kẻ thì khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”.

          Và dân Mallà cùng với con trai, con gái và vợ đau đớn, sầu muộn, tâm tư khổ não, đi đến Upavattana, khu rừng Sàlà của dòng họ Mallà và đến chỗ tôn giả Ananda.

          1. Tôn giả Ananda tự nghĩ: “Nếu ta để dân Mallà ở Kusinàrà đảnh lễ Thế Tôn từng người một, thời đêm sẽ tàn trước khi Thế Tôn được tất cả dân Mallà đảnh lễ. Vậy ta hãy để dân Mallà ở Kusinàrà đảnh lễ theo từng gia tộc”.

          – Bạch Thế Tôn, gia tộc Mallà này với vợ con, đồ chúng, bạn bè đến cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.

          Và tôn giả Ananda, theo phương tiện này trong canh một, khiến dân Mallà ở Kusinàrà đảnh lễ Thế Tôn.

          1. Lúc bấy giờ, du sĩ ngoại đạo Subhadda [50] ở tại Kusinàrà. Du sĩ ngoại đạo Subhadda được nghe: “Tối nay canh cuối cùng, Sa-môn Gotama sẽ diệt độ”.

            Và du sĩ ngoại đạo Subhadda suy nghĩ: “Ta nghe các du sĩ ngoại đạo niên cao lạp lớn, sư trưởng và đệ tử nói rằng: “Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xuất hiện ra đời thật là hy hữu. Và đêm nay, vào canh cuối cùng Sa-môn Gotama sẽ diệt độ”. Nay có nghi vấn này khởi lên trong tâm ta. Ta tin Sa-môn Gotama có thể thuyết pháp và giải được nghi vấn cho ta”.

            1. Rồi du sĩ ngoại đạo Subhadda đi đến Upavattana, khu rừng Sàla của dân Mallà, đến tại chỗ tôn giả Ananda và thưa với tôn giả:

            – Hiền giả Ananda, tôi nghe các du sĩ ngoại đạo, niên cao lạp lớn, sư trưởng và đệ tử nói rằng: “Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xuất hiện ra đời thật là hy hữu, và đêm nay, vào canh cuối cùng, Sa-môn Gotama sẽ diệt độ”. Nay có nghi vấn này khởi lên trong tâm tôi. Tôi tin Sa-môn Gotama có thể thuyết pháp giải được nghi vấn cho tôi. Hiền giả Ananda, hãy cho phép tôi được yết kiến Sa-môn Gotama.

            Khi được nói vậy, tôn giả Ananda nói với du sĩ ngoại đạo Subhadda:

            – Thôi đi Hiền giả Subhadda, chớ có phiền nhiễu Như Lai. Thế Tôn đang mệt.

            Lần thứ hai, du sĩ ngoại đạo Subhadda … Lần thứ ba, du sĩ ngoại đạo Subhadda nói với tôn giả Ananda:

            – Hiền giả Ananda, tôi nghe các du sĩ ngoại đạo, niên cao lạp lớn, sư trưởng và đệ tử nói rằng: “Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xuất hiện ra đời thật là hy hữu, và đêm nay, vào canh cuối cùng, Sa-môn Gotama sẽ diệt độ”. Nay có nghi vấn này khởi lên trong tâm tôi. Tôi tin Sa-môn Gotama có thể thuyết pháp giải được nghi vấn cho tôi. Hiền giả Ananda, hãy cho phép tôi được yết kiến Sa-môn Gotama.

            Lần thứ ba, tôn giả Ananda nói với du sĩ ngoại đạo Subhadda:

            – Thôi đi Hiền giả Subhadda, chớ có phiền nhiễu Như Lai. Thế Tôn đang mệt.

            1. Thế Tôn nghe được câu chuyện của tôn giả Ananda với du sĩ ngoại đạo Subhadda, Ngài liền nói với tôn giả Ananda:

            – Thôi Ananda, chớ có ngăn trở Subhadda, Ananda, hãy để cho Subhadda được phép yết kiến Như Lai. Những gì Subhadda hỏi Ta là hỏi để hiểu biết chớ không phải để phiền nhiễu Ta. Và những gì Ta trả lời các câu hỏi, Subhadda sẽ hiểu ý nghĩa một cách mau lẹ.

            Tôn giả Ananda liền nói với du sĩ ngoại đạo Subhadda:

            – Này Hiền giả Subhadda, hãy vào. Thế Tôn đã cho phép Hiền giả.

            1. Rồi du sĩ ngoại đạo Subhadda đến chỗ Thế Tôn, nói lên những lời chúc tụng hỏi thăm xã giao, rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi một bên, du sĩ ngoại đạo Subhadda bạch Thế Tôn:

            – Tôn giả Gotama, có những Sa-môn, Bà-la-môn là những vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, như các ngài Pàrana Kassapa, Makkhali Gosàla, Ajita Kesakambalì, Pakadha Kaccàyana, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nàthaputta, tất cả những vị này có phải là giác ngộ như các vị đã tự cho như vậy, hay tất cả chưa giác ngộ, hay một số đã giác ngộ và một số chưa giác ngộ?

            – Thôi Subhadda, hãy để vấn đề này yên một bên: “Tất cả những vị này có phải là đã giác ngộ như các vị đã tự cho như vậy, hay tất cả chưa giác ngộ, hay một số đã giác ngộ và một số chưa giác ngộ”. Này Subhadda, Ta sẽ thuyết pháp cho Ngươi. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

            – Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

            Du sĩ ngoại đạo Subhadda vâng lời Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

            1. – Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh đạo, thời ở đây không có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng không có đệ nhị Sa-môn, cũng không có đệ tam Sa-môn, cũng không có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh đạo, thời ở đây có đệ nhất Sa-môn, cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, ở đấy cũng có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda, chính trong pháp luật này có Bát Thánh Ðạo, thời này Subhadda, ở đây có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, cũng có đệ tứ Sa-môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những Sa-môn. Này Subhadda, nếu những vị Tỷ-kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán.

            Này Subhadda, năm hai mươi chín,
            Ta xuất gia hướng tìm chân thiện đạo.
            Trải năm mươi năm với thêm một năm
            Từ khi xuất gia, này Subhadda,
            Ta là du sĩ tu Trí, tu Ðức.

            Ngoài lãnh vực này, không có Sa-môn đệ nhất cũng không có Sa-môn đệ nhị, cũng không có Sa-môn đệ tam, cũng không có Sa-môn đệ tứ. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những Sa-môn. [51] Này Subhadda, nếu những Tỷ-kheo sống chơn chánh, thì đời này không vắng những vị A-la-hán.

            1. Khi được nói vậy, du sĩ ngoại đạo Subhadda bạch Thế Tôn:

            – Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong con được xuất gia với Thế Tôn. Con xin thọ đại giới.

            – Này Subhadda, ai trước kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia muốn thọ đại giới trong Pháp, Luật này phải sống bốn tháng biệt trú. Sau khi sống bốn tháng biệt trú, các vị Tỷ-kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng Ta nhận thấy cá tánh con người sai biệt nhau.

            1. – Bạch Thế Tôn, nếu những người xưa kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này phải sống bốn tháng biệt trú. Sau khi sống bốn tháng biệt thú, các vị Tỷ-kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới, thời con sẽ xin sống biệt trú bốn năm, sau khi sống biệt trú bốn năm, nếu các vị Tỷ-kheo đồng ý, hãy cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo.

            Và Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

            – Này Ananada, hãy xuất gia cho Subhadda.

            – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

            Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn.

            1. Du sĩ ngoại đạo Subhadda nói với tôn giả Ananda:

            – Thật là lợi ích, thưa Tôn giả Ananda, thật là thiện lợi, thưa Tôn giả Ananda, được thọ lễ quán đảnh làm đệ tử trước mặt bậc Ðạo Sư!

            Và du sĩ ngoại đạo Subhadda được xuất gia, được thọ đại giới với Thế Tôn. Thọ đại giới không bao lâu, đại đức Subhadda ở một mình, an tịnh, không phóng dật, tinh tấn, sống nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Ðó là vô thượng phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự giác chứng và an trú. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa.

            Và đại đức Subhadda trở thành một A-la-hán nữa. Ðại đức là vị đệ tử cuối cùng được Thế Tôn tế độ.

            Tụng phẩm VI

            1. Lúc bấy giờ, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

            – Này Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Ðạo sư không còn nữa. Chúng ta không có Ðạo sư (giáo chủ)”. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi.

            1. Này Ananda, nay các vị Tỷ-kheo xưng hô với nhau là Hiền giả. Sau khi Ta diệt độ, chớ có xưng hô như vậy. Này Ananda, vị Tỷ-kheo niên lão hãy gọi vị Tỷ-kheo niên thiếu, hoặc bằng tên, hoặc bằng họ, hoặc bằng tiếng Hiền giả. Vị Tỷ-kheo niên thiếu, hãy gọi vị Tỷ-kheo niên lão là Thượng tọa (Bhante) hay Ðại đức.
            2. Này Ananda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết.
            3. Này Ananda, sau khi Ta diệt độ, hãy hành tội Phạm đàn (Brahmadanda) đối với Tỷ-kheo Channa.

            – Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm đàn?

            – Này Ananda, Tỷ-kheo Channa muốn nói gì thì nói. Chúng Tỷ-kheo sẽ không nói, sẽ không giảng dạy, sẽ không giáo giới Tỷ-kheo Channa.

            1. Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

            – Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về đức Phật, Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp, thời này các Tỷ-kheo các Người hãy hỏi đi. Sau chớ có hối tiếc: “Bậc Ðạo Sư có mặt trước chúng ta mà chúng ta không tận mặt hỏi Thế Tôn”.

            Khi được nói vậy, các Tỷ-kheo ấy im lặng. Một lần thứ hai, Thế Tôn…. Một lần thứ ba, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

            – Này các Tỷ-kheo, nếu có một Tỷ-kheo có nghi ngờ hay phân vân gì về đức Phật, Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp, thời này các Tỷ-kheo, các ngươi hãy hỏi đi. Sau chớ có hối tiếc: “Bậc Ðạo Sư có mặt trước chúng ta mà chúng ta không tận mặt hỏi Thế Tôn”.

            Lần thứ ba, các Tỷ-kheo ấy giữ im lặng.

            Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

            – Này các Tỷ-kheo, nếu có vị nào vì lòng kính trọng bậc Ðạo Sư mà không hỏi, thời này các Tỷ-kheo, giữa bạn đồng tu, hãy hỏi nhau.

            Khi được nói vậy, những vị Tỷ-kheo ấy giữ im lặng.

            1. Rồi tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

            – Bạch Thế Tôn, thật kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn, thật hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, con tin rằng trong chúng Tỷ-kheo này, không có một Tỷ-kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp.

            – Này Ananda, ngươi có tín nhiệm nên nói vậy. Nhưng ở đây, này Ananda, Như Lai biết rằng trong chúng Tỷ-kheo này, không có một Tỷ-kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, chúng Tăng, đạo hay phương pháp. Này Ananda, trong năm trăm Tỷ-kheo này, Tỷ-kheo thấp nhất đã chứng được quả Dự lưu, không còn đọa lạc, chắc chắn hướng đến Chánh giác.

            1. Và Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

            – Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”.

            Ðó là lời cuối cùng Như Lai.

            1. Rồi Thế Tôn nhập định [52]Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, Ngài nhập Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Không vô biên xứ. Xuất Không vô biên xứ, Ngài nhập định Thức vô biên xứ. Xuất Thức vô biên xứ, Ngài nhập định Vô sở hữu xứ. Xuất Vô Sở hữu xứ, Ngài nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Diệt thọ tưởng định.

              Khi ấy tôn giả Ananda nói với tôn giả Anuruddha:

              – Thưa Tôn giả, Thế Tôn đã diệt độ.

              – Này Hiền giả Ananda, Thế Tôn chưa diệt độ. Ngài mới nhập Diệt thọ tưởng định.

              1. Rồi xuất Diệt thọ tưởng định, Ngài nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Vô sở hữu xứ định. Xuất Vô sở hữu xứ, Ngài nhập Thức vô biên xứ định. Xuất thức Vô biên xứ, Ngài nhập Hư không vô biên xứ định. Xuất Hư không vô biên xứ, Ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, Ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài lập tức diệt độ. [53]
              2. Khi Thế Tôn diệt độ, cùng với sự diệt độ, đại địa chấn động khủng khiếp, râu tóc dựng ngược, sấm trời vang động.

              Khi Thế Tôn diệt độ, Phạm thiên Sahampati, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này:

              Chúng sanh ở trên đời,
              Từ bỏ thân ngũ uẩn
              Bậc đạo sư cũng vậy,
              Ðấng Tuyệt luân trên đời.
              Bậc Ðại hùng Giác ngộ
              Như Lai đã diệt độ.

              Khi Thế Tôn diệt độ, Thiên chủ Sakka, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này:

              Các hành là vô thường,
              Có sanh phải có diệt
              Ðã sanh, chúng phải diệt,
              Nhiếp chúng là an lạc.

              Khi Thế Tôn diệt độ, tôn giả Anuruddha, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này:

              Không phải thở ra vào
              Chính tâm trú chánh định
              Không tham ái tịch tịnh
              Tu sĩ hướng diệt độ
              Chính tâm tịnh bất động
              Nhẫn chịu mọi cảm thọ
              Như đèn sáng bị tắt
              Tâm giải thoát hoàn toàn.

              Khi Thế Tôn diệt độ, tôn giả Ananda, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này:

              Thật kinh khủng bàng hoàng,
              Thật râu tóc dựng ngược,
              Khi Bậc Toàn thiện năng,
              Bậc Giác ngộ nhập diệt.

              Khi Thế Tôn diệt độ, những Tỷ-kheo chưa giải thoát tham ái, có vị thì khóc than với cánh tay duỗi cao, có vị thì khóc than, thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệt nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”. Còn những Tỷ-kheo đã diệt trừ tham ái, những vị này an trú chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại, suy tư: “Các hành là vô thường, làm sao tránh khỏi sự kiện ấy?”

              1. Lúc bấy giờ, tôn giả Anuruddha nói với các Tỷ-kheo:

              – Thôi các Hiền giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than. Này các Hiền giả, phải chăng Thế Tôn đã tuyên bố ngay từ ban đầu rằng mọi vật ưu ái thân tình đều phải sanh biệt, tử biệt và dị biệt. Này các Hiền giả, làm sao có thể được như vầy: “Những gì sanh, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến dịch? Thật không có sự trạng ấy”. Này các Hiền giả, chính chư Thiên đang trách đó.

              – Thưa Tôn giả Anuruddha, Tôn giả đang nghĩ đến hạng chư Thiên nào?

              – Hiền giả Ananda, có hạng chư Thiên ở trên hư không nhưng có tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”.

              Hiền giả Ananda, có hạng chư Thiên ở trên đất với tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”. Còn những chư Thiên diệt trừ ái dục, những vị này chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng với tâm suy tư: “Các hành là vô thường, làm sao có thể khác được?”

              1. Tôn giả Anuruddha và tôn giả Ananda luận bàn về Chánh pháp suốt cả đêm còn lại. Rồi tôn giả Anuruddha nói với tôn giả Ananda:

              – Hiền giả Ananda, hãy vào thành Kusinàrà: “Này Vàsetthà, Thế Tôn đã diệt độ, hãy làm những gì các ngươi nghĩ phải làm”.

              – Tôn giả, xin vâng!

              Tôn giả Ananda vâng lời tôn giả Anuruddha, buổi sáng đắp y, đem theo y bát cùng một thị giả, vào thành Kusinàrà.

              Lúc bấy giờ, dân Mallà ở Kusinàrà đang tụ họp tại giảng đường vì một vài công vụ. Tôn giả Ananda đến tại giảng đường của dân Mallà ở Kusinàrà, sau khi đến liền nói với dân Mallà ở Kusinàrà: “Này Vàsetthà, Thế Tôn đã diệt độ, hãy làm những gì các ngươi nghĩ phải làm”.

              Dân Mallà cùng với con trai, con gái và vợ, khi nghe tôn giả Ananda nói như vậy liền đau đớn sầu muộn, tâm tư khổ não, kẻ thì khóc than với đầu bù tóc rối, kẻ thì khóc than với cánh tay duỗi cao, kẻ thì khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”.

              1. Rồi dân Mallà ở Kusinàrà ra lệnh cho những người làm: “Các người hãy gom góp hương, tràng hoa và tất cả nhạc khí ở Kusinàrà”.

              Rồi dân Kusinàrà đem theo hương, tràng hoa, tất cả nhạc khí và năm trăm cuộn vải đi đến Upavattana, tại rừng Sàlà của dòng họ Mallà, đến tại chỗ thân xá lợi của Thế Tôn, rồi chúng ở lại cả ngày tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương, làm những bảo cái bằng vải và tràng hoa Mandala.

              Rồi dân Mallà ở Kusinàrà suy nghĩ: “Hôm nay, nếu thiêu thân xá lợi Thế Tôn thời quá sớm. Ngày mai, chúng ta sẽ làm lễ thiêu thân xá lợi của Thế Tôn”. Rồi dân Mallà ở Kusinàrà, cả ngày thứ hai, tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương, làm những bảo cái bằng vải và tràng hoa Mandala, ngày thứ ba cũng như vậy, ngày thứ tư cũng như vậy, ngày thứ năm cũng như vậy. Ngày thứ sáu cũng như vậy.

              1. Ðến ngày thứ bảy, dân Mallà ở Kusinàrà suy nghĩ: “Chúng ta đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá lợi Thế Tôn với các điệu múa hát, nhạc, tràng hoa, hương, nay chúng ta hãy chở thân xác xá lợi Thế Tôn ra ngoài thành về phía Nam và làm lễ thiêu thân tại chỗ ấy”.

              Lúc bấy giờ tám vị tộc trưởng Mallà gội đầu, mặc áo mới với ý định khiêng nổi thân xá lợi Như Lai nhưng khiêng không nổi được. Các vị Mallà ở Kusinàrà bạch Tôn giả Anuruddha:

              – Bạch Tôn giả, do nhân gì, do duyên gì tám vị tộc trưởng Mallà này gội đầu, mặc áo mới với ý định khiêng nổi thân xá lợi Như Lai, nhưng không khiêng nổi được?

              – Này Vàsetthà, vì ý định của các Ngươi khác, ý định của chư Thiên khác.

              1. – Bạch Tôn giả, ý định của chư Thiên là gì?

              – Này các Vàsetthà, ý định của các Ngươi như sau:

              “Chúng ta đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương. Nay chúng ta hãy chở thân xá lợi Thế Tôn ra ngoài thành về phía Nam và làm lễ thiêu thân tại chỗ ấy”.

              Này các Vàsetthà, ý định của chư Thiên như sau: “Chúng ta đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương của Chư thiên, nay chúng ta hãy khiêng thân xá lợi Thế Tôn về hướng Bắc phía Bắc của thành. Sau khi khiêng qua cửa phía Bắc, hãy khiêng qua Trung tâm của thành, rồi hướng về phía Ðông, khiêng đến phía Ðông của thành. Sau khi khiêng qua cửa phía Ðông, hãy khiêng đến phía Ðông của thành, tại đền của dân Mallà tên là Makuta-bandhana và chúng ta sẽ thiêu thân Thế Tôn tại chỗ ấy”.

              – Bạch Tôn giả, ý định của chư Thiên thế nào, ý định của chúng con cũng vậy.

              1. Lúc ấy, khắp cả Kusinàrà cho đến đống bụi, đống rác, được rải la liệt lên đến đầu gối toàn hoa Mandaràva. Rồi chư Thiên và các dân Mallà ở Kusinàrà, sau khi đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương của chư Thiên và loài Người, liền khiêng thân xá lợi Thế Tôn về phía Bắc của Thành. Sau khi khiêng qua cửa phía Bắc, liền khiêng qua Trung tâm của thành, rồi hướng về phía Ðông, khiêng đến phía Ðông của thành. Sau khi khiêng qua cửa phía Ðông, liền khiêng đến phía Ðông của thành, tại đền của dân Mallà tên là Makuta-bandhana và đặt thân xá lợi của Thế Tôn tại chỗ ấy.
              2. Rồi dân Mallà bạch tôn giả Ananda:

              – Bạch Tôn giả Ananda, chúng con nay phải xử sự như thế nào đối với thân xá lợi Như Lai?

              – Này các Vàsetthà, xử sự thân Chuyển luân Thánh vương như thế nào, hãy xử sự thân xá lợi Như Lai như vậy.

              – Bạch Tôn giả Ananda, xử sự thân Chuyển luân Thánh vương phải như thế nào?

              – Này các Vàsetthà, thân Chuyển luân Thánh vương được vấn tròn với vải mới. Sau khi vấn vải mới, lại được vấn thêm với vải gai bện. Sau khi vấn với vải gai bện, lại vấn thêm với vải mới và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải. Rồi thân được đặt trong một hòm dầu bằng sắt, hòm sắt này được một hòm sắt khác đậy kín. Xong một giàn hỏa gồm mọi loại hương được xây dựng lên, thân vị Chuyển luân Thánh vương được đem thiêu trên giàn hỏa này, và tại ngã tư đường, tháp vị Chuyển luân Thánh vương này được xây dựng lên. Này các Vàsetthà, đó là pháp táng thân của vị Chuyển luân Thánh vương.

              Này các Vàsetthà, pháp táng thân của vị Chuyển luân Thánh vương như thế nào, pháp táng thân của Thế Tôn cũng như vậy. Tháp của Như Lai phải được dựng lên tại ngã tư đường. Và những ai đem đến tại chỗ ấy vòng hoa, hương, hay hương bột nhiều màu, đảnh lễ tháp hay khởi tâm hoan hỷ (khi đứng trước mặt tháp) , thời những người ấy sẽ được lợi ích, hạnh phúc lâu dài.

              1. Và các người Mallà ở Kusinàrà sai những người làm công:

              – Hãy đem lại tất cả vải gai bện của Mallà .

              Rồi những người Mallà ở Kusinàrà vấn tròn thân Thế Tôn với vải mới. Sau khi vấn vải mới xong, lại vấn thêm với vải gai bện. Sau khi vấn với vải gai bện lại vấn thêm với vải mới và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải. Rồi đặt thân Như Lai vào trong một hòm dầu bằng sắt, đậy hòm sắt này vào một hòm sắt khác, dựng lên một giàn hỏa gồm mọi loại hương và đặt thân Thế Tôn trên giàn hỏa.

              1. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahà Kassapa đang đi giữa đường từ Pàvà đến Kusinàrà với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị. Rồi Tôn giả Mahà Kassapa bước xuống đường và đến ngồi tại một gốc cây.

              Lúc bấy giờ có một tà mạng ngoại đạo lấy một hoa Mandàrava ở Kusinàrà và đang đi trên một con đường đến Pàvà.

              Tôn giả Mahà Kassapa thấy tà mạng ngoại đạo đi từ đàng xa đến. [54]Thấy vậy, tôn giả liền hỏi tà mạng ngoại đạo ấy:

              – Này Hiền giả, Hiền giả có biết bậc Ðạo sư chúng tôi không?

              – Này Hiền giả, tôi có biết. Sa-môn Gotama đã diệt độ cách hôm nay một tuần. Từ chỗ ấy, tôi được hoa Mandàrava này.

              Lúc ấy những Tỷ-kheo chưa giải thoát tham ái, có vị thì khóc than với cánh tay duỗi cao, có vị thì khóc than, thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”. Còn những Tỷ-kheo đã diệt trừ tham ái, những vị này an trú chánh niệm, tỉnh giác, nhẫn nại suy tư: “Các hành là vô thường, làm sao tránh khỏi sự kiện ấy?”

              1. Lúc bấy giờ, Subhadda [55] được xuất gia khi đã lớn tuổi đang ngồi trong hội chúng này. Subhadda được xuất gia khi đã lớn tuổi nói với những Tỷ-kheo ấy:

              – Thôi các Hiền giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than. Chúng ta đã được thoát khỏi hoàn toàn vị Ðại Sa-môn ấy, chúng ta đã bị phiền nhiễu quấy rầy với những lời: “Làm như thế này không hợp với các Ngươi. Làm như thế này hợp với các Ngươi”. Nay những gì chúng ta muốn, chúng ta làm, những gì chúng ta không muốn, chúng ta không làm.

              Tôn giả Mahà Kassapa [56] mới nói với các vị Tỷ-kheo:

              – Thôi các Hiền giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than. Này các Hiền giả, phải chăng Thế Tôn đã tuyên bố ngay từ ban đầu rằng mọi vật ưu ái thân tình đều phải bị sanh biệt, tử biệt và dị biệt. Này các Hiền giả, làm sao có thể được như vầy: Những gì sanh, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến dịch? Thật không có sự trạng ấy.

              1. Lúc bấy giờ bốn vị tộc trưởng Mallà gội đầu, mặc áo mới với ý định châm lửa thiêu giàn hỏa Thế Tôn nhưng châm lửa không cháy.

              Các vị Mallà ở Kusinàrà bạch tôn giả Anuruddha:

              – Bạch Tôn giả, do nhân gì, do duyên gì, bốn vị tộc trưởng Mallà này gội đầu, mặc áo mới với ý định châm lửa thiêu giàn hỏa Thế Tôn, nhưng châm lửa không cháy?

              – Này các Vàsetthà, ý định của chư Thiên khác.

              – Bạch Tôn giả, ý định của chư Thiên như thế nào?

              – Này các Vàsetthà, ý định của chư Thiên [57] như sau: “Tôn giả Mahà Kassapa nay đang đi giữa đường giữa Pàvà và Kusinàrà cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị. Giàn hỏa Thế Tôn chỉ được đốt cháy khi tôn giả Mahà Kassapa cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn”.

              – Bạch Tôn giả, ý định chư Thiên như thế nào, hãy làm y như vậy.

              1. Rồi Tôn giả Mahà Kassapa đến tại đền Makuta Bandhana của những vị Mallà tại giàn hỏa Thế Tôn, khi đến xong liền choàng áo phía một bên vai, chấp tay, đi nhiễu phía tay phải xung quanh giàn hỏa ba lần, cởi mở chân ra và cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn. [58]

              Năm trăm vị Tỷ-kheo ấy choàng áo phía một bên vai, chấp tay, đi nhiễu qua phía tay phải xung quanh giàn hỏa ba lần và cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.

              Và khi tôn giả Mahà Kassapa và năm trăm vị Tỷ-kheo đảnh lễ xong, thời giàn hỏa Thế Tôn tự bắt lửa cháy.

              1. Khi thân Thế Tôn đã cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân hay nước giữa các khớp xương, thảy đều cháy sạch không có tro, không có than, chỉ có xương xá lợi còn lại.

              Như sanh tô hay dầu bị cháy, tất cả đều cháy sạch không có tro, không có than, cũng vậy khi thân Thế Tôn cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân hay nước giữa khớp xương, tất cả đều cháy sạch không có tro, không có than, chỉ có xương xá lợi còn lại. Và năm trăm tầng lớp vải gai bện, cả hai lớp trong nhất và lớp ngoài nhất đều bị cháy thiêu.

              Khi thân Thế Tôn bị thiêu cháy xong, một dòng nước từ hư không chảy xuống tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn, và một dòng nước từ kho nước (hay từ cây sàlà) phun lên tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn, và các người Mallà ở Kusinàrà dùng nước với mọi loại hương tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn.

              Rồi các người Mallà xứ Kusinàrà đặt xá lợi Thế Tôn trong giảng đường, dùng cây thương làm hàng rào, dùng cây cung làm bức thành xung quanh và trong bảy ngày tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường với các điệu múa, hát, nhạc, vòng hoa, hương.

              1. Vua nước Magadha tên là Ajàtasattu Vedehiputta nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà. Vua liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, ta cũng là người Sát-đế-lỵ. Ta cũng xứng đáng được một phần xá lợi Thế Tôn, ta cũng dựng tháp và tổ chức nghi lễ đối với xá lợi Thế Tôn”.

              Những người Licchavì ở Vesàli nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được phần xá lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng dựng tháp và tổ chức nghi lễ đối với xá-lợi Thế Tôn”.

              Các người Sakyà ở Kapilavatthu nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà, liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần xá lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ với xá-lợi Thế Tôn”.

              Những người Buli ở Allakappa nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà, liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần xá-lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với xá lợi Thế Tôn”.

              Những người Koli ở Rãmagãma nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà , liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần xá lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với xá lợi Thế Tôn.”

              Bà-la-môn Vethadìpaka nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà, liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, tôi là người Bà-la-môn. Tôi cũng xứng đáng được một phần xá lợi Thế Tôn. Tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với xá-lợi Thế Tôn”.

              Các người Mallà ở Pàvà nghe tin Thế Tôn đã diệt độ liền gửi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần xá-lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với xá-lợi Thế Tôn”.

              1. Khi được nói vậy, các người Mallà ở Kusinàrà liền tuyên bố giữa đại chúng:

              – Thế Tôn đã diệt độ tại làng vườn của chúng tôi, chúng tôi sẽ không cho phần xá lợi nào của Thế Tôn.

              Khi nghe vậy, Bà-la-môn Dona nói với chúng:

              Tôn giả, hãy nghe lời tôi nói!
              Phật dạy chúng ta phải kham nhẫn.
              Thật không tốt nếu có tranh giành.
              Khi chia xá lợi bậc Thượng nhân.
              Chúng ta hãy đoàn kết nhất tâm,
              Hoan hỷ chia xá lợi tám phần.
              Chúng ta hãy dựng tháp mọi phương,
              Ðại chúng mười phương tin Pháp nhãn…

              – Này Tôn giả Bà-la-môn, Ngài hãy phân chia xá lợi ra tám phần đồng đều.

              – Xin vâng, các Tôn giả.

              Bà-la-môn Dona [59] vâng lời hội chúng ấy, phân chia xá-lợi Thế Tôn thành tám phần đồng đều rồi thưa hội chúng:

              – Các Tôn giả, hãy cho tôi cái bình dùng để đong chia xá-lợi này. Tôi sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ cho cái bình.

              Và hội chúng ấy tặng Bà-la-môn Dona cái bình.

              1. Và người Moriyà ở Pipphalivana nghe tin Thế Tôn đã diệt độ liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: “Thế Tôn là người Sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được hưởng một phần xá lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với xá-lợi Thế Tôn”. – “Nay không còn phần xá-lợi Thế Tôn nào. Xá-lợi Thế Tôn đã được phân chia, hãy lấy tro còn lại”. Rồi các vị nầy lấy than tro còn lại.
              2. Và vua nước Magadha tên là Ajàtasattu, con bà Videhi xây dựng tháp trên xá-lợi Thế Tôn tại Vương Xá và tổ chức lễ cúng dường.

              Những người Licchavi ở Vesàli cũng xây dựng tháp trên xá-lợi Thế Tôn tại Vesàli và tổ chức lễ cúng dường.

              Những người Sakya ở Kapilavatthu cũng xây dựng trên xá-lợi Thế Tôn tại Kapilavatthu và tổ chức lễ cúng dường.

              Những người Buli ở Allakappa cũng xây dựng tháp trên xá lợi Thế Tôn tại Allakappa và tổ chức lễ cúng dường.

              Những người Koli ở Ràmagama cũng xây dựng tháp trên xá-lợi Thế Tôn tại Ràmagama và tổ chức lễ cúng dường.

              Bà-la-môn Vethadìpaka cũng xây dựng tháp trên xá-lợi Thế Tôn tại Vethadìpa và tổ chức lễ cúng dường.

              Những người Mallà ở Pàvà cũng xây dựng tháp trên xá-lợi Thế Tôn tại Pàvà và tổ chức lễ cúng dường.

              Những người Màllà ở Kusinàrà cũng xây dựng tháp trên xá-lợi Thế Tôn tại Kusinàrà và tổ chức lễ cúng dường.

              Bà-la-môn Dona cũng xây dựng tháp trên bình (dùng để đong chia xá-lợi) và tổ chức lễ cúng dường.

              Những người Moriyà ở Pipphalivana cũng xây dựng tháp trên những than tro và tổ chức lễ cúng dường.

              Như vậy có tám tháp xá-lợi, tháp thứ chín trên bình (dùng để đong chia xá-lợi) và tháp thứ mười trên tro (xá-lợi).

              Ðó là truyền thống thời xưa như vậy. [60]

              28.

              Ðấng Pháp Nhãn Vô Thượng
              Xá-lợi phân tám phần.
              Bảy phần được cúng dường.
              Tại Jambudìpa.
              Một phần Long vương cúng.
              Tại Ràmagàma.
              Một răng Phật được cúng,
              Tại cõi Tam Thiên giới,
              Một tại Gandhàra,
              Một tại Kalinga.
              Một răng, vua Long vương.
              Tự mình riêng cúng dường.
              Quả đất được chói sáng,
              Với hào quang xá-lợi,
              Với lễ vật cúng dường.
              Hạng thượng phẩm, thượng đẳng.
              Xá-lợi đấng Pháp Nhãn.
              Như vậy được cúng dường,
              Bởi những bậc tôn trọng
              Cúng kính lễ cúng dường,
              Bởi những bậc tôn trọng
              Cúng kính lễ cúng dường.
              Bởi Thiên, Long, Nhơn chủ,
              Bởi bậc Tối thượng nhơn.
              Các người hãy chắp tay,
              Cung kính lễ cúng dường.
              Khó thay sự chiêm ngưỡng.
              Tôn nhan bậc Như Lai.
              Trải nhiều nhiều trăm kiếp,
              May lắm được một phần.

              Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

              _____________

              Chân thành cảm ơn trang budsas.org đã cung cấp ấn bản điện tử.

              Sư Hạnh Tuệ hiệu đính dựa trên bài giảng lớp học kinh tạng Trường Bộ kinh do trưởng lão Giác Nguyên giảng dạy, cộng với chú giải.

              Chú giải

              Chú giải
              1 Nội dung kinh: Kể lại 10 tháng sau cùng trước khi Thế Tôn viên tịch. Tóm tắt lại những nội dung giáo lý quan trọng:

              _ Những điều kiện cốt lõi đưa đến hòa hợp hay chia rẽ của một quốc gia, một tăng đoàn (7 pháp bất thối).

              _ Lợi ích lớn của việc phát triển tam học giới, định, tuệ; của 5 giới, của 4 đế.

              _ Thế nào là đời sống chánh niệm, tỉnh giác.

              _ Nơi mà các tỷ kheo cần nương tựa sau khi Thế Tôn diệt độ.

              _ 8 nguyên nhân khiến đại địa chấn động, 8 hội chúng, 8 thắng xứ, 8 giải thoát.

              _ 4 pháp xác định lời dạy của Thế Tôn.

              _ Thế nào là sự cúng dường tối thượng đến Thế Tôn.

              _ Sự sắp xếp về việc cung nghinh xá lợi, xử lý di hài của Thế Tôn sau khi diệt độ.

              _ Cách đối xử với phái nữ, cách xưng hô giữa hội chúng tỷ kheo, thái độ đối với học giới.

              Và lời dạy sau cùng của Thế Tôn: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”.

              2 Rājagaha là vùng đất dành cho người đại phước. Khi không có người đại phước thì vùng đất trở nên hoang vu và dạ xoa sẽ trấn giữ chờ người hữu phước. Ở đó có rất nhiều châu báu, tài bảo nên gọi là Rājagaha
              Tham khảo https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn: 00:04:10
              3
              Gijjha: con kên kên
              Kūṭa: cái đỉnh
              Gijjhakūṭa: đỉnh hình giống như chim kên kên
              Một thời ở đây là trú xứ của rất nhiều ngạ quỷ và nhiều chim kên kên.
              Chú giải: gijjhakūṭeti gijjhā tassa kūṭesu vasiṃsu, gijjhasadisaṃ  tassa kūṭaṃ atthīti gijjhakūṭo, tasmiṃ gijjhakūṭe.
              Tham khảo: https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn: 00:04:40
              4
              Ajātasattu: kẻ thù ngay lúc còn trong bụng mẹ – vị sanh oán.
              Khi còn trong bụng mẹ, bà Videhī có cơn thèm uống máu vua Bimbisāra. Bà không dám nói nên xanh xao vàng vọt. Vua Bimbisāra gặn hỏi thì bà thưa thiệt, vua bèn cắt tay cho bà uống máu. Quan chiêm bốc cho biết đây là điềm báo đứa bé trong bụng hoàng hậu sau này sẽ giết cha. Vua Bimbisāra bèn đặt tên đứa bé là Ajātasattu (kẻ thù còn trong bụng chưa sanh ra). Sau này Ajātasattu lớn lên bị Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) xúi giục giết cha đoạt ngôi thay vì chờ kế vị.
              Tham khảo: https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn: 00:05:40
              5
              Giữa vua Ajātasattu và dân Vajjī có hiềm khích lớn: Có ngôi làng nằm ngay biên giới 2 xứ: một nửa xứ Licchavī của dân Vajjī, một nửa xứ Māgadha của vua Ajātasattu. Nửa bên vua Ajātasattu không có tài nguyên khoáng sản đặc biệt như của dân Vajjī. Nên vua Ajātasattu khó chịu khi nhìn thấy bên dân Vajjī khai thác tài nguyên.
              Chú giải Pāḷi: iti kira so ṭhānanisajjādīsu imaṃ yuddhakathameva katheti, gamanasajjā hothāti evaṃ balakāyaṃ āṇāpeti. kasmā? gaṅgāyaṃ kira ekaṃ paṭṭanagāmaṃ nissāya aḍḍhayojanaṃ ajātasattuno āṇā, aḍḍhayojanaṃ licchavīnaṃ. ettha pana āṇāpavattiṭṭhānaṃ hotīti attho. tatrāpi ca pabbatapādato mahagghabhaṇḍaṃ otarati. taṃ sutvā  “ajja yāmi, sve yāmī”ti ajātasattuno saṃvidahantasseva licchavirājāno samaggā sammodamānā puretaraṃ gantvā sabbaṃ gaṇhanti. ajātasattu pacchā āgantvā taṃ pavattiṃ ñatvā kujjhitvā gacchati. te punasaṃvaccharepi tatheva karonti. atha so balavāghātajāto tadā evamakāsi.
              Tham khảo: https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn 00:01:40
              6
              Vajjī: người bị xua đuổi
              Một vị ẩn sĩ thờ lửa sống trong rừng, gần đó có ao sen. Một hôm khi ra hồ sen, vị ẩn sĩ nhìn thấy một bọc thịt lớn trong búp sen. Một thời gian sau bọc thịt nở ra đứa bé gái và vị ẩn sĩ nuôi đứa bé gái ấy. Năm 16 tuổi đứa bé gái trở thành thiếu nữ đẹp nhất vùng. Khi nhà vua đi săn gặp thiếu nữ và rước về làm hoàng hậu.
              (Nhân loại có đủ 4 loại sanh là noãn, thai, thấp, hóa. Trường hợp thai sanh là thông thường, còn các trường hợp còn lại do một tiền nghiệp đặc biệt nào đó.)
              Hoàng hậu sau đó hạ sanh một bọc thịt. Hoàng hậu lo sợ nên cho người bỏ vào giỏ mây và thả trôi sông. Một vị đạo sĩ vớt lên đem về, sau này nở ra hai đứa bé một trai một gái. Hai đứa bé đặc biệt ở chỗ làn da (chavi) rất mỏng nhìn như không có da nên mọi người gọi hai đứa bé này là nicchavī (licchavī – người không có da).
              Hai đứa bé có sức vóc đặc biệt, mạnh hơn bạn đồng lứa, nên các đứa bé đồng lứa thường khóc vì bị ăn hiếp. Dân làng cô lập không cho giao tiếp với 2 đứa bé này. Khi lớn lên hai đứa bé lấy nhau và lập nghiệp, từ đó cộng đồng này được gọi là cộng đồng Vajjī- cộng đồng của những người bị xua đuổi. Người dân ở đó được gọi là bộ tộc Licchavī – bộ tộc của những người không có da.
              Chú giải Khuddaka Nikāya, khuddakapāṭha-aṭṭhakathā,6. ratanasuttavaṇṇanā,vesālivatthu

              bārāṇasirañño kira aggamahesiyā kucchimhi gabbho saṇṭhāsi,  taṃ ñatvā rañño nivedesi, rājā gabbhaparihāraṃ adāsi.  sammā parihariyamānagabbhā gabbhaparipākakāle vijāyanagharaṃ pāvisi. puññavatīnaṃ paccūsasamaye gabbhavuṭṭhānaṃ hoti.  ca tāsaṃ aññatarā, tena paccūsasamaye alattakapaṭalabandhujīvakapupphasadisaṃ maṃsapesiṃ vijāyi. tato “aññā deviyo suvaṇṇabimbasadise putte vijāyanti, aggamahesī maṃsapesinti rañño purato mama avaṇṇo uppajjeyyā”ti cintetvā tena avaṇṇabhayena taṃ maṃsapesiṃ ekasmiṃ bhājane pakkhipitvā aññatarena paṭikujjitvā rājamuddikāya lañchitvā gaṅgāya sote pakkhipāpesi. manussehi chaḍḍitamatte devatā ārakkhaṃ saṃvidahiṃsu. suvaṇṇapaṭṭakañcettha jātihiṅgulakena “bārāṇasirañño aggamahesiyā pajā”ti likhitvā bandhiṃsu. tato taṃ bhājanaṃ ūmibhayādīhi anupaddutaṃ gaṅgāsotena pāyāsi.

              ♦ tena ca samayena aññataro tāpaso gopālakulaṃ nissāya gaṅgātīre viharati. so pātova gaṅgaṃ otaranto bhājanaṃ āgacchantaṃ disvā paṃsukūlasaññāya aggahesi. tato tattha taṃ akkharapaṭṭakaṃ rājamuddikālañchanañca disvā muñcitvā taṃ maṃsapesiṃ addasadisvānassa etadahosi “siyā gabbho, tathā hissa duggandhapūtibhāvo natthī”ti. taṃ assamaṃ netvā suddhe okāse ṭhapesi. atha aḍḍhamāsaccayena dve maṃsapesiyo ahesuṃ. tāpaso disvā sādhutaraṃ ṭhapesi, tato puna aḍḍhamāsaccayena ekamekissā pesiyā hatthapādasīsānamatthāya pañca pañca piḷakā uṭṭhahiṃsu. tāpaso disvā puna sādhutaraṃ ṭhapesi. atha aḍḍhamāsaccayena ekā maṃsapesi suvaṇṇabimbasadiso dārako, ekā dārikā ahosi. tesu tāpasassa puttasineho uppajji. aṅguṭṭhakato cassa khīraṃ nibbatti. tato pabhuti ca khīrabhattaṃ labhati, so bhattaṃ bhuñjitvā khīraṃ dārakānaṃ mukhe āsiñcati. tesaṃ yaṃ yaṃ udaraṃ paviṭṭhaṃ, taṃ sabbaṃ maṇibhājanagataṃ viya dissati. evaṃ licchavī ahesuṃ. apare panāhu “sibbetvā ṭhapitā viya nesaṃ aññamaññaṃ līnā chavi ahosī”ti. evaṃ te nicchavitāya  līnacchavitāya  licchavīti paññāyiṃsu.

              ♦ tāpaso dārake posento ussūre gāmaṃ piṇḍāya pavisati, atidivā paṭikkamati. tassa taṃ byāpāraṃ ñatvā gopālakā āhaṃsu, “bhante, pabbajitānaṃ dārakaposanaṃ palibodho, amhākaṃ dārake detha, mayaṃ posessāma, tumhe attano kammaṃ karothā”ti. tāpaso “sādhū”ti paṭissuṇi. gopālakā dutiyadivase maggaṃ samaṃ katvā pupphehi okiritvā dhajapaṭākaṃ ussāpetvā tūriyehi vajjamānehi assamaṃ āgatā. tāpaso “mahāpuññā dārakā, appamādena vaḍḍhetha, vaḍḍhetvā ca aññamaññaṃ āvāhavivāhaṃ karotha, pañcagorasena rājānaṃ tosetvā bhūmibhāgaṃ gahetvā nagaraṃ māpetha, tattha kumāraṃ abhisiñcathā”ti vatvā dārake adāsi. te “sādhū”ti paṭissuṇitvā dārake netvā posesuṃ.

              ♦ dārakā vuḍḍhimanvāya kīḷantā vivādaṭṭhānesu aññe gopāladārake hatthenapi pādenapi paharanti, te rodanti. “kissa rodathā”ti ca mātāpitūhi vuttā “ime nimmātāpitikā tāpasapositā amhe atīva paharantī”ti vadanti. tato tesaṃ mātāpitaro “ime dārakā aññe dārake viheṭhenti dukkhāpenti, na ime saṅgahetabbā, vajjitabbā ime”ti āhaṃsu. tato pabhuti kira so padeso “vajjī””ti vuccati, tiyojanasataṃ parimāṇena. atha taṃ padesaṃ gopālakā rājānaṃ tosetvā aggahesuṃ. tattheva nagaraṃ māpetvā soḷasavassuddesikaṃ kumāraṃ abhisiñcitvā rājānaṃ akaṃsu. tāya cassa dārikāya saddhiṃ vāreyyaṃ katvā katikaṃ akaṃsu “na bāhirato dārikā ānetabbā, ito dārikā na kassaci dātabbā”ti. tesaṃ paṭhamasaṃvāsena dve dārakā jātā dhītā ca putto ca, evaṃ soḷasakkhattuṃ dve dve jātā. tato tesaṃ dārakānaṃ yathākkamaṃ vaḍḍhantānaṃ ārāmuyyānanivāsaṭṭhānaparivārasampattiṃ gahetuṃ appahontaṃ taṃ nagaraṃ tikkhattuṃ gāvutantarena gāvutantarena pākārena parikkhipiṃsu, tassa punappunaṃ visālīkatattā vesālītveva nāmaṃ jātaṃ. idaṃ vesālivatthu.

              Tham khảo: https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn 00:07:12

              7
              Vì sao vua Ajātasattu không đích thân đi? Ông nghĩ rằng khi đích thân đi hỏi Phật, Ngài sẽ khó nói (Phật không thể đồng ý, còn nếu cản thì Ngài phải chịu trách nhiệm cho lợi ích quốc gia). Nếu người khác đi hỏi thì có lẽ Đức Phật sẽ dễ nói hơn.
              Chú giải: tato cintesi  “gaṇena saddhiṃ yuddhaṃ nāma bhāriyaṃ, ekopi moghappahāro nāma natthi, ekena kho pana paṇḍitena saddhiṃ mantetvā karonto nipparādho hoti, paṇḍito ca satthārā sadiso natthi, satthā ca avidūre dhuravihāre vasati, handāhaṃ pesetvā pucchāmisace me gatena koci attho bhavissati, satthā tuṇhī bhavissati, anatthe pana sati kiṃ rañño tattha gamanenāti vakkhatī”ti. so vassakārabrāhmaṇaṃ pesesi. brāhmaṇo gantvā bhagavato etamatthaṃ ārocesi. tena vuttaṃ  “atha kho rājā  pe  āpādessāmī”ti.
              Tham khảo: https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn 00:03:00
              8
              Một ngày nọ khi nhìn thấy trưởng lão Mahākaccāyana đi từ trên núi Gijhakūṭa (Linh Thứu) xuống, Vassakāra đã nói trưởng lão “trông giống như con khỉ”. Thế Tôn đã nói rằng: “Nếu Vassakāra không sám hối với trưởng lão, do nghiệp này y sẽ trở thành con khi trong rừng Veḷuvana sau khi mệnh chung”. Vassakāra biết rằng: “Thế Tôn không nói hai lời, ta chắc chắn sẽ trở thành khỉ”. Sau đó Vassakāra đã cho trồng nhiều cây và cho người bảo vệ Veḷuvana. Sau khi mệnh chung, ông tái sanh làm con khỉ ở Veḷuvana.
              Chú giải Majjhima Nikāya,uparipaṇṇāsa-aṭṭhakathā,1. devadahavaggo,8. gopakamoggallānasuttavaṇṇanā so kira ekadivasaṃ mahākaccāyanattheraṃ gijjhakūṭā otarantaṃ disvā  “makkaṭo viya eso”ti āha. bhagavā taṃ kathaṃ sutvā  “sace khamāpeti, iccetaṃ kusalaṃ. no ce khamāpeti, imasmiṃ veḷuvane gonaṅgalamakkaṭo bhavissatī”ti āha. so taṃ kathaṃ sutvā  “samaṇassa gotamassa kathāya dvedhābhāvo nāma natthi, pacchā me makkaṭabhūtakāle gocaraṭṭhānaṃ bhavissatī”ti veḷuvane nānāvidhe rukkhe ropetvā ārakkhaṃ adāsi. aparabhāge kālaṃ katvā makkaṭo hutvā nibbatti. “vassakārā””ti vutte āgantvā samīpe aṭṭhāsi.
              9
              Quán chiếu rằng danh, sắc, 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới này luôn luôn ở trong tình trạng sanh diệt không ngừng.
              Chú giải: aniccasaññāti aniccānupassanāya saddhiṃ uppannasaññā.
              Tham khảo https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn: 00:52:14
              10
              Thấy rằng danh, sắc, 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới này do duyên mà có, cũng do duyên mà mất, không nằm dưới quyền điều khiển của ai.
              Chú giải: anattasaññādīsupi eseva nayo. imā satta lokiyavipassanāpi honti. “etaṃ santaṃ, etaṃ paṇītaṃ, yadidaṃ sabbasaṅkhārasamatho virāgo nirodho”ti
              Tham khảo https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn: 00:52:38
              11
              Quán tưởng thân này đầy những bất tịnh, khi sống thì có 32 thể trược, khi chết thì chỉ là một đống xương, trước khi thành xương còn trở thành một đống hôi thối (10 đề mục tử thi).
              Chú giải:  asubhasaññanti, karajakāye sabbasmimpi  tebhūmakasaṅkhāre kilesāsucipaggharaṇato “asubhā”ti pavattasaññaṃ. dukkhasaññāparivārā hi ayaṃ, eteneva cettha dukkhasaññāpi gahitāti veditabbaṃ.
              Tham khảo https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn: 00:52:55
              12 Quán tưởng thấy rằng 6 trần, 5 uẩn này lúc vầy lúc khác (lúc trẻ lúc già, lúc đẹp lúc xấu, lúc mạnh lúc yếu, lúc như ý lúc bất toại), tức là sự bất trắc của 5 uẩn
              Chú giải: ādīnavānupassanāñāṇe saññā ādīnavasaññā nāma.
              Tham khảo https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn: 00:53:36
              13
              Xả ly tưởng: quán xét thấy rằng thân tâm này không có gì để thương thích, ghét sợ, nó chỉ là ổ khổ mà thôi, 5 uẩn là 1 gánh nặng. Ngày nào lìa bỏ được danh sắc này thì ngày đó được an lạc.
              Ly tham tưởng: tấm thân này là 1 gánh nặng, chỉ có lìa bỏ sự tham chấp nơi nó thì được giải thoát
              Diệt tưởng: ngày nào danh sắc có diệt mà không còn sanh nữa thì ngày đó được an lạc.
              Chú giải: pahānasaññāti pahānānupassanāñāṇe uppannasaññā.
              Tham khảo: Tham khảo https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn: 00:54:11
              14
              Chư thiên rất thương mến những nhóm tỳ kheo nào sống bằng tinh thần lục hòa.
              Những câu chuyện về pháp lục hòa vui lòng nghe thêm video bên dưới.
              Tham khảo: https://youtu.be/RNpULFphzHw
              Đoạn:01:01:26
              15
              Giới: tứ thanh tịnh giới
              1. Giới bổn gồm 227 điều học chính và các pháp dung hòa đính kèm (mahāpadesa dhamma)
              _ Điều nào Phật chưa cấm nhưng trái với kinh và luật thì không được làm.
              _ Điều nào Phật chưa cấm nhưng không trái với kinh và luật thì được làm.
              _ Điều nào Phật chưa cho phép nhưng trái với kinh và luật thì không được làm.
              _ Điều nào Phật chưa cho phép nhưng không trái với kinh và luật thì được làm.
              * 3 pháp tri túc:
              + yathālābhasantosa: Vui với những thứ mình có được không ra sức kiếm thêm.
              + yathābalasantosa: Nhu cầu đến đâu thì nhận và dùng ở mức đó, không vì thích mà nhận hơn mức đó.
              + yathāsāruppasantosa: Tùy vào vị trí của mình mà thọ dụng vật chất thích ứng, như một tỷ kheo trẻ tuổi không nền nhận và sử dụng những thứ vật chất xem ra chỉ thích hợp với hàng tôn túc.
              2. Thu thúc 6 căn: không để 6 trần khiến tâm ta vui thích hay bất mãn
              3. Sinh kế thanh tịnh giới: tỷ kheo nuôi mạng bằng cách hợp đạo (khất thực không phân biệt thí chủ hoặc nhận thực phẩm do cư sĩ mang đến nhưng không có lựa chọn thí chủ hay dùng cách nào đó để mua lòng hoặc lừa dối.
              4. Quán tưởng khi thọ dụng vật chất: sử dụng y áo, thuốc men, chỗ ở, thực phẩm với tâm niệm rằng đây là phương tiện để sống hành đạo, không còn một lý do nào khác nữa.Nếu là cư sĩ thì giới ở đây là 5 giới, 8 giới, 10 giới
              Chú giải: Tippabhedāya santuṭṭhiyāti yathālābhādisantosasāmaññena vuttaṃ, catūsu pana paccayesu tayo tayo santosāti dvādasavidho hoti santoso. Kathaṃ? Cīvare yathālābhasantoso yathābalasantoso yathāsāruppasantosoti tividho hoti santoso. Evaṃ piṇḍapātādīsu. Tassāyaṃ pabhedasaṃvaṇṇanā (ma. ni. aṭṭha. 1.252; saṃ. ni. aṭṭha. 2.2.144; a. ni. aṭṭha. 1.1.65)  idha bhikkhu cīvaraṃ labhati sundaraṃ  asundaraṃ vā, so teneva yāpeti aññaṃ na pattheti, labhantopi na gaṇhāti. Ayamassa cīvare yathālābhasantosoAtha pana pakatidubbalo  hoti ābādhajarābhibhūto vā, garucīvaraṃ pārupanto kilamati, so sabhāgena bhikkhunā saddhiṃ taṃ parivattetvā lahukena yāpentopi santuṭṭhoyeva hoti. Ayamassa cīvare yathābalasantosoPakatidubbalādīnañhi garucīvarāni na phāsubhāvāvahāni sarīrakhedāvahāni ca hontīti payojanavasena anatricchatādivasena tāni parivattetvā lahukacīvaraparibhogo na santosavirodhīti. Aparo paṇītapaccayalābhī hoti, so paṭṭacīvarādīnaṃ aññataraṃ mahagghacīvaraṃ bahūni  pana cīvarāni labhitvā ‘‘idaṃ therānaṃ cirapabbajitānaṃ, idaṃ bahussutānaṃ anurūpaṃ, idaṃ gilānānaṃ, idaṃ appalābhānaṃ hotū’ti datvā tesaṃ purāṇacīvaraṃ  saṅkārakūṭādito  nantakāni uccinitvā tehi saṅghāṭiṃ katvā dhārentopi santuṭṭhova hoti. Ayamassa cīvare yathāsāruppasantosoMahagghañhi cīvaraṃ bahūni  cīvarāni labhitvāpi tāni vissajjetvā tadaññassa gahaṇaṃ yathāsāruppanaye ṭhitattā na santosavirodhīti.
              Tham khảo: https://youtu.be/Fl5ZsNaK1a8
              Đoạn 00:04:00
              16 Định ở đây là samatha
              Tham khảo: như trên
              17 Tuệ ở đây là vipassanā
              Tham khảo: như trên
              18 Có 3 lợi ích lớn:
              1. Chứng thiền, chứng đạo
              2. Hiện tại lạc trú: bản thân được an lạc ngay đời này, người không tu tập không thể nào biết được
              3. Nếu kiếp này không chứng được gì thì cũng gieo chủng tử cho đời sau.
              Tham khảo: như trên
              19 samatha
              20 Sinh quán của ngài Xá Lợi Phất
              Lúc này Ngài chỉ còn sống được vài hôm nữa thôi. Ngài Xá Lợi Phất đã 84 tuổi, lớn hơn Đức Phật 4 tuổi.
              Tham khảo: như trên, đoạn 31:30
              21
              Pāṭaligāma 200 năm sau trở thành Pāṭaliputta kinh đô của dòng vua Mūriya (một nhánh hậu duệ của dòng Thích Ca). Pāṭaliputta lúc đó sẽ là kinh đô của vua A Dục
              Một lần khi Thế Tôn khất thực, đi ngang qua đám trẻ đang chơi. Trong đám trẻ có 1 đứa nắn thành trì bằng đất, khi thấy Thế Tôn, đứa trẻ sanh lòng tịnh tín nên cúng thành trì bằng đất đó cúng dường Đức Phật. Đức Phật bảo ngài Ānanda lấy đất rải nhỏ lót đường cho Phật đi. Đức Phật nói với ngài Ānanda  rằng đứa bé này về sau sẽ trở thành vua A Dục (Asoka dhammarāja) – vị đệ nhất hộ pháp.
              Giai thoại về vua A Dục xem thêm trong video tham khảo.
              Tham khảo: như trên, đoạn 1:08:20
              22 Ý nghĩa đoạn kinh: Ở chỗ nào có nhiều chư thiên, phi nhân thì ít nhiều sẽ tác động cho dân cư ở đó thực hiện những cải cách tiêu cực hay tích cực lên mảnh đất địa phương.
              Tham khảo: như trên, đoạn 1:02:20
              23 Gọi là làng koṭigāma vì làng ở trên nóc cung điện (cung điện chìm dưới đất) của vua Mahāpanāda, tiền thân của ngài Bhaddaji.
              Bhaddaji sinh ở Bhaddiya, trong sự xa hoa như một vị bồ tát trong kiếp chót. Khi Bhaddaji đã gặp Phật tại Jātiyāvana khi đến tuổi trưởng thành, sau khi nghe pháp, ngài đã chứng đắc đạo quả A la hán. Được sự đồng ý của cha, ngài xuất gia với Đức Phật. Bảy tuần sau ngài cùng Phật và tăng đoàn đến koṭigāma. Sau khi thọ trai ở gia đình thí chủ, ngài đứng nhập thiền bên bờ sông Hằng. Ngài bị một số vị tỳ kheo khiển trách vì không ở lại chúc phúc cho thí chủ. Để chứng minh cho thành tựu của ngài, Đức Phật đã gọi ngài lên thuyền và bảo ngài dùng thần thông bay lên 15 do tuần, kéo lên cung điện bằng vàng cap 20 do tuần. Đây là lâu đài ngài đã ở trong kiếp quá khứ khi làm chuyển luân vương Mahāpanāda. Trong dịp này, Thế Tôn đã thuyết giảng Mahāpanāda hay Suruci Jātaka
              Tham khảo Thag.vs.163f .; ThagA.i.285ff .; cũng J.ii.331ff.
              Chú giải: koṭigāmoti mahāpanādassa pāsādakoṭiyaṃ katagāmo.
              24 Ambapālī là một gái bao ở Vesāli.
              Ambapālī hóa sinh trong khu vườn của nhà vua, người làm vườn của nhà vua đã nhặt được Ambapālī dưới chân cây xoài – do đó mà lấy tên Ambapālī – và đưa về thành. Khi lớn lên Ambapālī xinh đẹp đến mức nhiều hoàng tử trẻ đã tranh nhau để được vinh dự có được nàng. Cuối cùng, để chấm dứt xung đột, họ đã chỉ định nàng trở thành gái bao. Về sau Ambapālī quy y nơi Đức Phật và cho xây dựng một khu vườn rồi cúng dường cho Đức Phật cùng tăng đoàn.
              Ngay trước khi Ambapālī đến thăm Phật (trong chánh kinh bên dưới), Đức Phật đã khuyên các tỳ kheo phải giữ vững định tâm và chánh niệm, để không bị mất hồn bởi vẻ đẹp của Ambapālī.
              Sau bữa cúng dường trai tăng này, Ambapālī cúng dường khu vườn cho Đức Phật và tăng đoàn. Đức Phật nhận và ở đó một thời gian trước khi đến Beluva.
              Ambapālī có một con trai, là trưởng lão Vimala Kondañña. Vào một ngày khi nghe trưởng lão Kondañña thuyết pháp, Ambapālī đã xuất gia, bằng việc quán tưởng vô thường thông qua cơ thể già nua của mình, Ambapālī đã chứng đạt quả vị A la hán. (ThigA.206-7).
              19 kệ kể về cuộc đời Ambapālī được tìm thấy trong Trưởng Lão Ni kệ Therīgāthā (252-70).
              Vào thời Đức Phật Sikhī, bà đã xuất gia. Khi còn là sa di ni, trong một lần cùng các vị tì khưu ni đi đảnh lễ bảo tháp thì có một vị tỳ kheo ni A la hán ở trước mặt cô vì lý do đặc biệt nên đã nhổ nước bọ ngay trong bảo tháp. Dù không biết ai làm nhưng cô buông lời trách móc: “Con điếm nào mà lại nhổ vào đây?”. Vì lời xúc phạm ấy mà cô phải làm gái bao trong kiếp chót.
              Apadāna (cũng có trong Trưởng Lão Ni kệ) cho biết thêm một số chi tiết về Ambapālī. Ambapālī từng là con gái của dòng tộc Khattiya (Sát Đế Lỵ) và đã làm nhiều việc thiện nên những lần tái sanh luôn có được sắc đẹp. Do buông lời xúc phạm một vị A la hán (ở trên) mà bị sanh vào địa ngục, sau khi mãn kiếp địa ngục phải làm gái bao trong mười ngàn kiếp. Vào thời Đức Phật Kassapa, Ambapālī đã thực hành đời sống độc thân.
              25
              Vì sao Thế Tôn luôn dạy thu thúc lục căn lại bảo các tỳ kheo như vậy? Vì trong tăng đoàn có những vị khi nhìn thấy sẽ sanh lòng tùy hỷ với quả lành của các công tử Licchavī, một số vị khác sẽ liên tưởng đến sự vô thường của các pháp (có rồi sẽ mất).
              Chú giải: kasmā pana bhagavā anekasatehi suttehi cakkhādīnaṃ rūpādīsu nimittaggāhaṃ paṭisedhetvā idha mahantena ussāhena nimittaggāhe uyyojetīti? hitakāmatāya. tatra kira ekacce bhikkhū osannavīriyā, tesaṃ sampattiyā palobhento  “appamādena samaṇadhammaṃ karontānaṃ evarūpā issariyasampatti sulabhā”ti samaṇadhamme ussāhajananatthaṃ āha. aniccalakkhaṇavibhāvanatthañcāpi evamāha. nacirasseva hi sabbepime ajātasattussa vasena vināsaṃ pāpuṇissanti. atha nesaṃ rajjasirisampattiṃ disvā ṭhitabhikkhū  “tathārūpāyapi nāma sirisampattiyā vināso paññāyissatī”ti aniccalakkhaṇaṃ bhāvetvā saha paṭisambhidāhi arahattaṃ pāpuṇissantīti aniccalakkhaṇavibhāvanatthaṃ āha.
              Tham khảo tại đây, đoạn 44:30
              26 Thế Tôn muốn yên tĩnh do sức khỏe của Ngài đã yếu. Ngài cho chư tăng ở gần đó vì Ngài biết thời gian còn lại để chư tăng nhìn thấy Ngài không còn bao nhiêu, vì lòng đại bi nên Ngài không đành lòng cho chư tăng đi xa, sau này sẽ có vị đau lòng khi biết đó là những ngày tháng sau cùng bên Phật.
              Chú giải: yesaṃ yesaṃ yattha yattha evarūpā bhikkhū atthi, te te tattha tattha vassaṃ upethāti attho. kasmā evamāha? tesaṃ phāsuvihāratthāya. tesañhi veḷuvagāmake senāsanaṃ nappahoti, bhikkhāpi mandā. samantā vesāliyā pana bahūni senāsanāni, bhikkhāpi sulabhā, tasmā evamāha. atha kasmā  “yathāsukhaṃ gacchathā”ti na vissajjesi? tesaṃ anukampāya. evaṃ kirassa ahosi  “ahaṃ dasamāsamattaṃ ṭhatvā parinibbāyissāmi, sace ime dūraṃ gacchissanti, mama parinibbānakāle daṭṭhuṃ na sakkhissanti. atha nesaṃ  “satthā parinibbāyanto amhākaṃ satimattampi na adāsi, sace jāneyyāma, evaṃ na dūre vaseyyāmā”ti vippaṭisāro bhaveyya. vesāliyā samantā pana vasantā māsassa aṭṭha vāre āgantvā dhammaṃ suṇissanti, sugatovādaṃ labhissantī”ti na vissajjesi.
              Tham khảo tại đây
              Đoạn 46:55
              27 Ngài dùng quả định (phalasamāpatti) để kiềm giữ tánh mạng và chú nguyện “từ đây trở đi trong 10 tháng cơn bệnh này đừng có tái phát nữa.”
              Quả định: đối với vị thánh, mỗi lần muốn an hưởng Niết Bàn, nghỉ ngơi vì mỏi mệt, hoặc trong trường hợp này, vị thánh đó an trú trong tâm thánh quả cao nhất mà mình đã chứng. Vị đó quán chiếu 3 tướng trong 5 uẩn, rồi chú nguyện: “tâm thánh quả hãy xuất hiện trong thời gian…”. Khi chú nguyện như vậy, vị ấy đi vào trạng thái vắng bặt các tâm hiệp thế, sống hoàn toàn trong tâm thánh quả.
              Có 3 loại định có thể can thiệp vào sức khỏe và tánh mạng của người nhập định: 4 vô lượng tâm, thiền diệt thọ tưởng, quả định.
              Chú giải:
              vīriyenāti pubbabhāgavīriyena ceva phalasamāpattivīriyena ca. paṭipaṇāmetvāti vikkhambhetvā. jīvitasaṅkhāranti ettha jīvitampi jīvitasaṅkhāro. yena jīvitaṃ saṅkhariyati chijjamānaṃ ghaṭetvā ṭhapiyati, so phalasamāpattidhammopi jīvitasaṅkhāro. so idha adhippeto. adhiṭṭhāyāti adhiṭṭhahitvā pavattetvā, jīvitaṭṭhapanasamatthaṃ phalasamāpattiṃ samāpajjeyyanti ayamettha saṅkhepattho.

              ♦ kiṃ pana bhagavā ito pubbe phalasamāpattiṃ na samāpajjatīti? samāpajjati.  pana khaṇikasamāpatti. khaṇikasamāpatti ca antosamāpattiyaṃyeva vedanaṃ vikkhambheti, samāpattito vuṭṭhitamattassa kaṭṭhapātena  kaṭhalapātena  chinnasevālo viya udakaṃ puna sarīraṃ vedanā ajjhottharati.  pana rūpasattakaṃ arūpasattakañca niggumbaṃ nijjaṭaṃ katvā mahāvipassanāvasena samāpannā samāpatti,  suṭṭhu vikkhambheti. yathā nāma purisena pokkharaṇiṃ ogāhetvā hatthehi ca pādehi ca suṭṭhu apabyūḷho sevālo cirena udakaṃ ottharati; evameva tato vuṭṭhitassa cirena vedanā uppajjati. iti bhagavā taṃ divasaṃ mahābodhipallaṅke abhinavavipassanaṃ paṭṭhapento viya rūpasattakaṃ arūpasattakaṃ niggumbaṃ nijjaṭaṃ katvā cuddasahākārehi sannetvā mahāvipassanāya vedanaṃ vikkhambhetvā  “dasamāse  uppajjitthā”ti samāpattiṃ samāpajji. samāpattivikkhambhitā vedanā dasamāse na uppajji yeva.

              Tham khảo tại đây
              Đoạn 50:05

              28 Sau khi ra hạ ở Beluvā, Đức Phật đã trở về Kỳ Viên ở Sāvatthi.
              Ngài Xá Lợi Phất sau khi đi bát về, thọ thực và nghỉ ngơi bằng thiền quả, ngài suy nghĩ tuổi ngài đã cao, chư Phật quá khứ niết bàn sau 2 vị thượng thủ. Thế Tôn giờ đã cao tuổi và gần viên tịch, như vậy tuổi thọ ta “tuổi thọ ta chỉ còn 1 tuần, như vậy ta niết bàn ở đâu?”. Vì nghĩ đến một chỗ viên tịch đặc biệt nên ngài Xá Lợi Phất liền nghĩ đến những vị có chỗ viên tịch đặc biệt: ngài Rāhula nhập diệt ở cõi Đao Lợi (50 tuổi); ngài Aññāsikoṇḍañña viên tịch trên đỉnh Hymalaya, Đức Phật và chư tăng chư tăng dự lễ tang của ngài, chư thiên tổ chức suốt 7 ngày, bầy voi quỳ sụp để thọ tang. Ngài Xá Lợi Phất nghĩ đến người có ơn lớn nhất là mẹ ngài (120 tuổi), nhưng bà là một người tà kiến chỉ ngài có thể độ. Ngài xin Phật để mang theo 500 vị tỳ kheo để đi viên tịch. Thế Tôn hiểu ngài Xá Lợi Phất chuẩn bị viên tịch nên bảo ngài thuyết pháp cho chư tăng. Ngài Xá Lợi Phất thuyết một thời pháp đặc biệt bằng cách dùng thần thông : Ngài bay lên hư không bằng chiều cao một cây thốt nốt rồi xuống đảnh lễ Phật, sau đó bay lên gấp 2 cây thốt nốt rồi xuống đảnh lễ Phật, cứ như thế 7 lần, sau đó Ngài thuyết pháp. Đức Phật có suy nghĩ “ta sẽ tiễn Xá Lợi Phất đi một đoạn” (cả đời Đức Phật chỉ có lần duy nhất này thôi, Ngài đứng dậy tiễn biệt một người đi). Ngài Xá Lợi Phất bạch với Thế Tôn: “Cách đây một  a tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp con đã quỳ dưới chân Phật Anomadassī và mong được một vị Thượng thủ thinh văn. Hôm nay là lần gặp mặt sau cùng với Thế Tôn.” Ngài Xá Lợi Phất quỳ đảnh lễ và đi lùi.
              Đức Phật nói với chư tăng: “Này các tỳ kheo, hôm nay là lần cuối, hãy đi theo tiễn sư huynh của các ngươi”. Chư tăng tập họp và đi theo ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Đứng lại thôi, này các huynh đệ, đừng dễ duôi”.
              Cư sĩ hay tin ngài ra đi đã nói: “Ngày xưa khi còn sống ngài đi du hành để thuyết pháp, kể từ hôm nay chúng ta không bao giờ có dịp này nữa, ngài sẽ không trở lui chỗ này nữa.” Rồi họ lũ lượt khóc đi theo ngài. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Các pháp hữu vi là vô thường, có sanh tất có diệt, hãy chớ dễ duôi, đã đến lúc ta phải đi”.
              Khi ngài về đến làng, người hầu nhận ra ngài và báo tin cho người nhà biết. Mẹ ngài khi nghe tin, hỏi người hầu: “ngài về một mình hay với ai” – “với 500 vị tỳ kheo”. Bà nghĩ “cả tuổi trẻ đi tu mệt mỏi, có lẽ về già muốn nghỉ ngơi”. Bà cho người sửa soạn chỗ nghỉ ngơi cho 500 vị tỷ kheo. Riêng ngài thì ở lại căn phòng ngài đã chào đời cách đây 84 năm. Khi chư tăng đi hết, một cơn bạo bệnh ập đến ngài trưởng lão, ngài đi ngoài toàn là máu, với cảm thọ có thể chết đi được, cứ mỗi thùng đem vào thì một thùng khác đem ra.
              Lúc bấy giờ 4 vị thiên vương nghĩ “tướng quân chánh pháp giờ ở đâu” – họ quán xét và thấy rằng ngài đang nằm trên giường niết bàn. Rồi họ quyết định đến gặp ngài lần cuối. Khi đến, họ đảnh lễ và đứng một bên.
              Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Ai đó?”
              “Chúng con là Tứ thiên vương.”
              “Đến đây để làm gì?”
              “Chúng con tới để hầu bệnh ngài, để xem ngài có cần gì hay không”
              “Không cần, hãy đi đi, ta có người giúp đỡ rồi”.
              Cũng theo cách đó, từ Đế Thích đến các vị thiên vương các cõi dục thiên khác, đến cả Đại Phạm Thiên đến tiễn ngài thì ngài cũng bảo đi.
              Mẹ ngài Xá Lợi Phất thấy phòng ngài liên tục sáng lòa, lần sau sáng hơn lần trước. Hôm sau bà đến hỏi nguyên nhân, ngài Xá Lợi Phất nói từ đầu hôm lần lượt Tứ Thiên Vương cho đến Phạm Thiên đến xin hầu nhưng ngài không để cho họ hầu mà tiễn họ đi hết rồi. Bà giật mình: “con là ai mà từ Tứ Thiên Vương cho đến Phạm Thiên là người mẹ thờ đến hầu con?” Ngài không hề nói về ngài mà nói rằng: “Tứ Thiên Vương, Đế Thích, Phạm Thiên đối với Thế Tôn giống như những người hầu hạ giữ vườn cho chùa”. Bà nghe như vậy thì hoan hỷ. Ngài Xá Lợi Phất giảng cho bà nghe về chánh pháp, sau khi nghe xong bà đắc quả Tu Đà Hườn.
              Ngài bảo mẹ ngài đi nghỉ, khi thấy trời gần sáng, ngài hỏi em ruột là ngài Cunda: “Bây giờ là lúc nào?” – “bây giờ là rạng sáng” – “sư đệ hãy triệu tập chư tăng”. Sau đó ngài sám hối với chư tăng: “chúng ta đã ở cạnh nhau 44 năm, trong suốt thời gian đó nếu tôi có làm gì, có nói gì mà anh em không vui thì xin hãy bỏ qua cho tôi”. Chư tăng nói rằng: “Thưa ngài, trong suốt mấy mươi năm qua, chúng con theo ngài như bóng với hình không rời nhau, ngài không có lỗi lầm gì với chúng con, chúng con xin sám hối thời gian qua nếu có lỗi lầm gì xin ngài bỏ qua cho”. Chư tăng sám hối với nhau xong thì trời đã rạng sáng, ngài viên tịch Niết Bàn, địa cầu rung động.
              Mẹ ngài Xá Lợi Phất lấy trầm hương chất thành đống rồi thiêu nhục thân của ngài. Xá Lợi ngài Xá Lợi Phất có màu như ngọc trai, được gom về một nơi.
              Ngài Cunda mang xá lợi ngài Xá Lợi Phất về gặp Đức Phật, Đức Phật cầm trên tay và ngâm một bài kệ dài tán thán ngài Xá Lợi Phất.
              Một tuần sau đến khi ngài Mục Kiền Liên gặp nạn và về đảnh lễ Thế Tôn trước khi viên tịch. Đám tang của ngài kéo dài suốt 7 ngày, chư thiên quy tụ về tiễn đưa, hoa được rải ngập đến đầu rồi. Tại đây Thế Tôn dạy chư tăng cách lập tháp thờ xá lợi ngài Mục Kiền Liên. Về sau vua A Dục đem xá lợi 2 vị Thượng Thủ Thinh Văn về thờ chung.
              Năm 1947 người Anh khai quật được 2 hòm đá sa thạch, sau đó biết được là hộp xá lợi ngài Xá Lợi Phất (hộp chữ ‘sā’-sārīputta) và Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna). Họ đem về viện bảo tàng London. Đến năm 1947 đem trả lại cho Ấn Độ. Ấn Độ đem hai tháp tôn trí trong viện bảo tàng Ấn Độ với sự tôn nghiêm bậc nhất.
              Chú giải:

              vesāliṃ piṇḍāya pāvisīti kadā pāvisi? ukkacelato nikkhamitvā vesāliṃ gatakāle. bhagavā kira vuṭṭhavasso veḷuvagāmakā nikkhamitvā sāvatthiṃ gamissāmīti āgatamaggeneva paṭinivattanto anupubbena sāvatthiṃ patvā jetavanaṃ pāvisi. dhammasenāpati bhagavato vattaṃ dassetvā divāṭṭhānaṃ gato. so tattha antevāsikesu vattaṃ dassetvā paṭikkantesu divāṭṭhānaṃ sammajjitvā cammakkhaṇḍaṃ paññapetvā pāde pakkhāletvā pallaṅkaṃ ābhujitvā phalasamāpattiṃ pāvisi. athassa yathāparicchedena tato vuṭṭhitassa ayaṃ parivitakko udapādi  “buddhā nu kho paṭhamaṃ parinibbāyanti, agasāvakā nu kho”ti? tato  “aggasāvakā paṭhaman”ti ñatvā attano āyusaṅkhāraṃ olokesi. so  “sattāhameva me āyusaṅkhāro pavattatī”ti ñatvā  “kattha parinibbāyissāmī”ti cintesi. tato  “rāhulo tāvatiṃsesu parinibbuto, aññāsikoṇḍaññatthero chaddantadahe, ahaṃ kattha parinibbāyissāmī”ti puna cintento mātaraṃ ārabbha satiṃ uppādesi  “mayhaṃ mātā sattannaṃ arahantānaṃ mātā hutvāpi buddhadhammasaṅghesu appasannā, atthi nu kho tassā upanissayo, natthi nu kho”ti āvajjetvā sotāpattimaggassa upanissayaṃ disvā  “kassa desanāya abhisamayo bhavissatī”ti olokento  “mameva dhammadesanāya bhavissati, na aññassa. sace kho panāhaṃ appossukko bhaveyyaṃ, bhavissanti me vattāro  ‘sāriputtatthero avasesajanānampi avassayo hoti. tathā hissa samacittasuttadesanādivase (a. ni. 1.37) koṭisatasahassadevatā arahattaṃ pattātayo magge paṭividdhadevatānaṃ gaṇanā natthi. aññesu ca ṭhānesu anekā abhisamayā dissanti. thereva cittaṃ pasādetvā sagge nibbattāneva asītikulasahassāni. so dāni sakamātumicchādassanamattampi harituṃ nāsakkhī’ti. tasmā mātaraṃ micchādassanā mocetvā jātovarakeyeva parinibbāyissāmī”ti sanniṭṭhānaṃ katvā  “ajjeva bhagavantaṃ anujānāpetvā nikkhamissāmī”ti cundattheraṃ āmantesi. “āvuso, cunda, amhākaṃ pañcasatāya bhikkhuparisāya saññaṃ dehi  ‘gaṇhathāvuso pattacīvarāni, dhammasenāpati nāḷakagāmaṃ gantukāmo’ti”. thero tathā akāsi. bhikkhū senāsanaṃ saṃsāmetvā pattacīvaramādāya therassa santikaṃ āgamaṃsu. thero senāsanaṃ saṃsāmetvā divāṭṭhānaṃ sammajjitvā divāṭṭhānadvāre ṭhatvā divāṭṭhānaṃ olokento  “idaṃ dāni pacchimadassanaṃ, puna āgamanaṃ natthī”ti pañcasatabhikkhuparivuto bhagavantaṃ upasaṅkamitvā vanditvā etadavoca 

              ♦ “chinno dāni bhavissāmi, lokanātha mahāmuni.

              ♦ gamanāgamanaṃ natthi, pacchimā vandanā ayaṃ.

              ♦ jīvitaṃ appakaṃ mayhaṃ, ito sattāhamaccaye.

              ♦ nikkhipeyyāmahaṃ dehaṃ, bhāravoropanaṃ yathā.

              ♦ anujānātu me bhante, bhagavā, anujānātu sugato.

              ♦ parinibbānakālo me, ossaṭṭho āyusaṅkhāro”ti.

              ♦ buddhā pana yasmā “parinibbāhī”ti vutte maraṇasaṃvaṇṇanaṃ saṃvaṇṇenti nāma, “mā parinibbāhī”ti vutte vaṭṭassa guṇaṃ kathentīti micchādiṭṭhikā dosaṃ āropessanti, tasmā tadubhayampi na vadanti. tena naṃ bhagavā āha  “kattha parinibbāyissasi sāriputtā”ti? “atthi, bhante, magadhesu nāḷakagāme jātovarako, tatthāhaṃ parinibbāyissāmī”ti vutte “yassa dāni tvaṃ, sāriputta, kālaṃ maññasi, idāni pana te jeṭṭhakaniṭṭhabhātikānaṃ tādisassa bhikkhuno dassanaṃ dullabhaṃ bhavissatīti desehi tesaṃ dhamman”ti āha.

              ♦ thero  “satthā mayhaṃ iddhivikubbanapubbaṅgamaṃ dhammadesanaṃ paccāsīsatī”ti ñatvā bhagavantaṃ vanditvā tālappamāṇaṃ abbhuggantvā puna oruyha bhagavantaṃ vanditvā sattatālappamāṇe antalikkhe ṭhito iddhivikubbanaṃ dassetvā dhammaṃ desesi. sakalanagaraṃ sannipati. thero oruyha bhagavantaṃ vanditvā “gamanakālo me, bhante”ti āha. bhagavā “dhammasenāpatiṃ paṭipādessāmī”ti dhammāsanā uṭṭhāya gandhakuṭiabhimukho gantvā maṇiphalake aṭṭhāsi. thero tikkhattuṃ padakkhiṇaṃ katvā catūsu ṭhānesu vanditvā  “bhagavā ito kappasatasahassādhikassa asaṅkhyeyyassa upari anomadassisammāsambuddhassa pādamūle nipatitvā tumhākaṃ dassanaṃ patthesiṃ.  me patthanā samiddhā, diṭṭhā tumhe, taṃ paṭhamadassanaṃ, idaṃ pacchimadassanaṃ. puna tumhākaṃ dassanaṃ natthī”ti  vatvā dasanakhasamodhānasamujjalaṃ añjaliṃ paggayha yāva dassanavisayo, tāva abhimukhova paṭikkamitvā “ito paṭṭhāya cutipaṭisandhivasena kismiñci ṭhāne gamanāgamanaṃ nāma natthī”ti vanditvā pakkāmi. udakapariyantaṃ katvā mahābhūmicālo ahosi. bhagavā parivāretvā ṭhite bhikkhū āha  “anugacchatha, bhikkhave, tumhākaṃ jeṭṭhabhātikan”ti. bhikkhū yāva dvārakoṭṭhakā agamaṃsu. thero  “tiṭṭhatha, tumhe āvuso, appamattā hothā”ti nivattāpetvā attano parisāyeva saddhiṃ pakkāmi. manussā  “pubbe ayyo paccāgamanacārikaṃ carati, idaṃ dāni gamanaṃ na puna paccāgamanāyā”ti paridevantā anubandhiṃsu. tepi “appamattā hotha āvuso, evaṃbhāvino nāma saṅkhārā”ti nivattāpesi.

              ♦ atha kho āyasmā sāriputto antarāmagge sattāhaṃ manussānaṃ anuggahaṃ karonto sāyaṃ nāḷakagāmaṃ patvā gāmadvāre nigrodharukkhamūle aṭṭhāsi. atha uparevato nāma therassa bhāgineyyo bahigāmaṃ gacchanto theraṃ disvā upasaṅkamitvā vanditvā aṭṭhāsi. thero taṃ āha  “atthi gehe te ayyikā”ti? āma, bhanteti. gaccha amhākaṃ idhāgatabhāvaṃ ārocehi. “kasmā āgato”ti ca vutte “ajja kira ekadivasaṃ antogāme bhavissati, jātovarakaṃ paṭijaggatha, pañcannaṃ bhikkhusatānaṃ nivāsanaṭṭhānaṃ jānāthā”ti. so gantvā “ayyike, mayhaṃ mātulo āgato”ti āha. idāni kuhinti? gāmadvāreti. ekakova, aññopi koci atthītiatthi pañcasatā bhikkhūti. kiṃ kāraṇā āgatoti? so taṃ pavattiṃ ārocesi. brāhmaṇī  “kiṃ nu kho ettakānaṃ vasanaṭṭhānaṃ paṭijaggāpetidaharakāle pabbajitvā mahallakakāle gihī hotukāmo”ti cintentī jātovarakaṃ paṭijaggāpetvā pañcasatānaṃ bhikkhūnaṃ vasanaṭṭhānaṃ kāretvā daṇḍadīpikāyo jāletvā therassa pāhesi.

              ♦ thero bhikkhūhi saddhiṃ pāsādaṃ abhiruhi. abhiruhitvā ca jātovarakaṃ pavisitvā nisīdi. nisajjeva  “tumhākaṃ vasanaṭṭhānaṃ gacchathā”ti bhikkhū uyyojesi. tesu gatamattesuyeva therassa kharo ābādho uppajji, lohitapakkhandikā māraṇantikā vedanā vattanti, ekaṃ bhājanaṃ pavisati, ekaṃ nikkhamati. brāhmaṇī  “mama puttassa pavatti mayhaṃ na ruccatī”ti attano vasanagabbhadvāraṃ nissāya aṭṭhāsi. cattāro mahārājāno “dhammasenāpati kuhiṃ viharatī”ti olokentā “nāḷakagāme jātovarake parinibbānamañce nipanno, pacchimadassanaṃ gamissāmā”ti āgamma vanditvā aṭṭhaṃsu. thero  ke tumheti? mahārājāno, bhanteti. kasmā āgatatthāti? gilānupaṭṭhākā bhavissāmāti. hotu, atthi gilānupaṭṭhāko, gacchatha tumheti uyyojesi. tesaṃ gatāvasāne teneva nayena sakko devānamindo, tasmiṃ gate suyāmādayo mahābrahmā ca āgamiṃsu. tepi tatheva thero uyyojesi.

              ♦ brāhmaṇī devatānaṃ āgamanañca gamanañca disvā  “ke nu kho ete mama puttaṃ vanditvā gacchantī”ti therassa gabbhadvāraṃ gantvā  “tāta, cunda,  pavattī”ti pucchi. so taṃ pavattiṃ ācikkhitvā  “mahāupāsikā, bhante āgatā”ti āha. thero kasmā avelāya āgatatthāti pucchi.  tuyhaṃ tāta dassanatthāyāti vatvā “tāta ke paṭhamaṃ āgatā”ti pucchi. cattāro mahārājāno, upāsiketi. tāta, tvaṃ catūhi mahārājehi mahantataroti? ārāmikasadisā ete upāsike, amhākaṃ satthu paṭisandhiggahaṇato paṭṭhāya khaggahatthā hutvā ārakkhaṃ akaṃsūti. tesaṃ tāta, gatāvasāne ko āgatoti? sakko devānamindoti. devarājatopi tvaṃ tāta, mahantataroti? bhaṇḍagāhakasāmaṇerasadiso esa upāsike, amhākaṃ satthu tāvatiṃsato otaraṇakāle pattacīvaraṃ gahetvā otiṇṇoti. tassa tāta gatāvasāne jotamāno viya ko āgatoti? upāsike tuyhaṃ bhagavā ca satthā ca mahābrahmā nāma esoti. mayhaṃ bhagavato mahābrahmatopi tvaṃ tāta mahantataroti? āma upāsike, ete nāma kira amhākaṃ satthu jātadivase cattāro mahābrahmāno mahāpurisaṃ suvaṇṇajālena paṭiggaṇhiṃsūti.

              ♦ atha brāhmaṇiyā  “puttassa tāva me ayaṃ ānubhāvo, kīdiso vata mayhaṃ puttassa bhagavato satthu ānubhāvo bhavissatī”ti cintayantiyā sahasā pañcavaṇṇā pīti uppajjitvā sakalasarīre phari. thero  “uppannaṃ me mātu pītisomanassaṃ, ayaṃ dāni kālo dhammadesanāyā”ti cintetvā  “kiṃ cintesi mahāupāsike”ti āha.   “puttassa tāva me ayaṃ guṇo, satthu panassa kīdiso guṇo bhavissatīti idaṃ, tāta, cintemī”ti āha. mahāupāsike, mayhaṃ satthu jātakkhaṇe, mahābhinikkhamane, sambodhiyaṃ, dhammacakkappavattane ca dasasahassilokadhātu kampittha, sīlena samādhinā paññāya vimuttiyā vimuttiñāṇadassanena samo nāma natthi, itipi so bhagavāti vitthāretvā buddhaguṇappaṭisaṃyuttaṃ dhammadesanaṃ kathesi.

              ♦ brāhmaṇī piyaputtassa dhammadesanāpariyosāne sotāpattiphale patiṭṭhāya puttaṃ āha  “tāta, upatissa, kasmā evamakāsi, evarūpaṃ nāma amataṃ mayhaṃ ettakaṃ kālaṃ na adāsī”ti. thero  “dinnaṃ dāni me mātu rūpasāriyā brāhmaṇiyā posāvanikamūlaṃ, ettakena vaṭṭissatī”ti cintetvā “gaccha mahāupāsike”ti brāhmaṇiṃ uyyojetvā “cunda  velā”ti āha. balavapaccūsakālo, bhanteti. tena hi bhikkhusaṅghaṃ sannipātehīti. sannipatito, bhante, saṅghoti. maṃ ukkhipitvā nisīdāpehi cundāti ukkhipitvā nisīdāpesi. thero bhikkhū āmantesi  “āvuso catucattālīsaṃ vo vassāni mayā saddhiṃ vicarantānaṃ yaṃ me kāyikaṃ  vācasikaṃ  na rocetha, khamatha taṃ āvusoti. ettakaṃ, bhante, amhākaṃ chāyā viya tumhe amuñcitvā vicarantānaṃ aruccanakaṃ nāma natthi, tumhe pana amhākaṃ khamathāti. atha thero aruṇasikhāya paññāyamānāya mahāpathaviṃ unnādayanto anupādisesāya nibbānadhātuyā parinibbāyi. bahū devamanussā therassa parinibbāne sakkāraṃ kariṃsu.

              ♦ āyasmā cundo therassa pattacīvarañca dhātuparissāvanañca gahetvā jetavanaṃ gantvā ānandattheraṃ gahetvā bhagavantaṃ upasaṅkami. bhagavā dhātuparissāvanaṃ gahetvā pañcahi gāthāsatehi therassa guṇaṃ kathetvā dhātucetiyaṃ kārāpetvā rājagahagamanatthāya ānandattherassa saññaṃ adāsi. thero bhikkhūnaṃ ārocesi. bhagavā mahābhikkhusaṅghaparivuto rājagahaṃ agamāsi. tattha gatakāle mahāmoggallānatthero parinibbāyi. bhagavā tassa dhātuyo gahetvā cetiyaṃ kārāpetvā rājagahato nikkhamitvā anupubbena gaṅgābhimukho gantvā ukkacelaṃ agamāsi. tattha gaṅgātīre bhikkhusaṅghaparivuto nisīditvā tattha sāriputtamoggallānānaṃ parinibbānappaṭisaṃyuttaṃ suttaṃ desetvā ukkacelato nikkhamitvā vesāliṃ agamāsi. evaṃ gate atha kho bhagavā pubbaṇhasamayaṃ nivāsetvā pattacīvaramādāya vesāliṃ piṇḍāya pāvisīti ayamettha anupubbī kathā.

              ♦ nisīdananti ettha cammakkhaṇḍaṃ adhippetaṃ. udenacetiyanti udenayakkhassa cetiyaṭṭhāne katavihāro vuccati. gotamakādīsupi eseva nayo. bhāvitāti vaḍḍhitā. bahulīkatāti punappunaṃ katā. yānīkatāti yuttayānaṃ viya katā. vatthukatāti patiṭṭhānaṭṭhena vatthu viya katā. anuṭṭhitāti adhiṭṭhitā. paricitāti samantato citā suvaḍḍhitā. susamāraddhāti suṭṭhu samāraddhā.

              ♦ iti aniyamena kathetvā puna niyametvā dassento tathāgatassa khotiādimāha. ettha ca kappanti āyukappaṃ. tasmiṃ tasmiṃ kāle yaṃ manussānaṃ āyuppamāṇaṃ hoti, taṃ paripuṇṇaṃ karonto tiṭṭheyya. kappāvasesaṃ ti  “appaṃ  bhiyyo”ti (dī. ni. 2.7; a. ni. 6.74) vuttavassasatato atirekaṃ vā. mahāsīvatthero panāha  “buddhānaṃ aṭṭhāne gajjitaṃ nāma natthi. yatheva hi veḷuvagāmake uppannaṃ māraṇantikaṃ vedanaṃ dasa māse vikkhambheti, evaṃ punappunaṃ taṃ samāpattiṃ samāpajjitvā dasa dasa māse vikkhambhento imaṃ bhaddakappameva tiṭṭheyya, kasmā pana na ṭhitoti? upādinnakasarīraṃ nāma khaṇḍiccādīhi abhibhuyyati, buddhā ca khaṇḍiccādibhāvaṃ apatvā pañcame āyukoṭṭhāse bahujanassa piyamanāpakāleyeva parinibbāyanti. buddhānubuddhesu ca mahāsāvakesu parinibbutesu ekakeneva khāṇukena viya ṭhātabbaṃ hoti, daharasāmaṇeraparivāritena vā. tato  ‘aho buddhānaṃ parisā’ti hīḷetabbataṃ āpajjeyya. tasmā na ṭhito”ti. evaṃ vuttepi so na ruccati, “āyukappo”ti idameva aṭṭhakathāyaṃ niyamitaṃ.

              Tham khảo tại đây
              Đoạn: 59:44

              29
              Đối với phàm phu dù tu học ngon lành cỡ nào cũng còn nguyên vẹn khả năng điên đảo kiến (vipallāsa): thấy vô thường là thường, thấy khổ là lạc, thấy vô ngã là có ngã, thấy xấu là đẹp. Điên đảo kiến của phàm phu do tà kiến tác động.
              Thánh hữu học không còn tà kiến nữa nhưng còn thấy có cái đẹp và có cái vui.
              Vị Tu Đà Hườn chỉ còn tâm điên đảo, tưởng điên đảo trong cái đẹp và cái vui, tổng cộng là 4 điên đảo.
              4 điên đảo đó ở sơ quả là do trí thấy 4 đế chưa rốt ráo, cho nên phiền não chưa đoạn trừ rốt ráo.
              Có 3 điên đảo: kiến điên đảo, tâm điên đảo, tưởng điên đảo x thường, lạc, ngã, tịnh = 12 điên đảo kiến
              Dó đó ngài Ānanda còn có kẽ hở để ác ma tấn công. Thánh La Hán không bị tấn công về tâm nhưng có thể bị tấn công về tâm, như trường hợp ngài Mục Kiền Liên bị ác ma đi vào trong bao tử (xem kinh Hàng Ma, Trung Bộ).
              Ác ma phá ngài bằng cách tạo ra âm thanh hay hình ảnh để ngài bị chia trí, phân tâm để ngài không nghe được lời Phật nói.
              Chú giải: yathā taṃ mārena pariyuṭṭhitacittoti ettha tanti nipātamattaṃ. yathā mārena pariyuṭṭhitacitto ajjhotthaṭacitto aññopi koci puthujjano paṭivijjhituṃ na sakkuṇeyya, evameva nāsakkhi paṭivijjhitunti attho. kiṃ kāraṇā? māro hi yassa sabbena sabbaṃ dvādasa vipallāsā appahīnā, tassa cittaṃ pariyuṭṭhāti. therassa cattāro vipallāsā appahīnā, tenassa māro cittaṃ pariyuṭṭhāti. so pana cittapariyuṭṭhānaṃ karonto kiṃ karotīti? bheravaṃ rūpārammaṇaṃ  dasseti, saddārammaṇaṃ  sāveti, tato sattā taṃ disvā  sutvā  satiṃ vissajjetvā vivaṭamukhā honti. tesaṃ mukhena hatthaṃ pavesetvā hadayaṃ maddati. tato visaññāva hutvā tiṭṭhanti. therassa panesa mukhena hatthaṃ pavesetuṃ kiṃ sakkhissatibheravārammaṇaṃ pana dasseti. taṃ disvā thero nimittobhāsaṃ na paṭivijjhi. bhagavā jānantoyeva  “kimatthaṃ yāvatatiyaṃ āmantesī”ti? parato “tiṭṭhatu, bhante, bhagavā”ti yācite “tuyhevetaṃ dukkaṭaṃ, tuyhevetaṃ aparaddhan”ti dosāropanena sokatanukaraṇatthaṃ.
              Tham khảo tại đây
              Đoạn 1:36:20
              30
              Ta lìa bỏ sanh hữu, dầu cho cảnh giới tái sanh nào chăng nữa, ta cũng lìa bỏ nó nhẹ nhàng như người lính cởi bỏ áo giáp.

              Tham khảo tại đây
              Đoạn: 1:50:49

              31 Sadi Saṅgharakkhita sau khi chứng A La Hán suy xét như sau: “Trước đây có vị tỳ kheo A la hán nào làm rung chuyển cung điện Vejayanta ở cõi trời Đao Lợi hay không” rồi ngài biết rằng “không có”. Vì lòng đại bi muốn cho chư thiên rung động trước sự vô thường của các pháp, ngài đã xuất hiện trước cung điện Vejayanta và nỗ lực làm cho nó rung chuyển nhưng không hiệu quả. Các tiên nữ đã cười nhạo ngài.
              Sadi Saṅgharakkhita đến gặp cậu của mình là trưởng lão Mahānāga tại long cung (do trưởng lão nhiều đời làm long vương nên kiếp chót còn thói quen nghỉ ngơi tại long cung). Trưởng lão hỏi Saṅgharakkhita: “Con có thấy miếng phân bò nổi trên nước hay không?”
              ” Dạ con thấy, như vậy đã đủ, con đã hiểu, thưa bhante.”
              Vị sadi quay trở lại Vejayanta, các tiên nữ tiếp tục cười nhạo ngài. Ngài nhập định đề mục nước, khi đó cung điện Vejayanta như nổi trên mặt nước. Sadi Saṅgharakkhita dùng ngón chân chạm vào lâu đài khiến lâu đaài rung chuyển. Chư thiên cho đến vua trời Đế Thích đều rúng động trước sự vô thường của các pháp.
              Chú giải:

              so imaṃ pathaviṃ kampetīti so iddhiṃ nibbattetvā saṃvejento mahāmoggallāno viya, vīmaṃsanto  mahānāgattherassa bhāgineyyo saṅgharakkhitasāmaṇero viya pathaviṃ kampeti. so kirāyasmā khuraggeyeva arahattaṃ patvā cintesi  “atthi nu kho koci bhikkhu, yena pabbajitadivaseyeva arahattaṃ patvā vejayanto pāsādo kampitapubbo”ti? tato  “natthi kocī”ti ñatvā  “ahaṃ kampessāmī”ti abhiññābalena vejayantamatthake ṭhatvā pādena paharitvā kampetuṃ nāsakkhi. atha naṃ sakkassa nāṭakitthiyo āhaṃsu  “putta saṅgharakkhita, tvaṃ pūtigandheneva sīsena vejayantaṃ kampetuṃ icchasi, suppatiṭṭhito tāta pāsādo, kathaṃ kampetuṃ sakkhissasī”ti?

              ♦ sāmaṇero  “imā devatā mayā saddhiṃ keḷiṃ karonti, ahaṃ kho pana ācariyaṃ nālatthaṃ, kahaṃ nu kho me ācariyo sāmuddikamahānāgatthero”ti āvajjento mahāsamudde udakaleṇaṃ māpetvā divāvihāraṃ nisinnoti ñatvā tattha gantvā theraṃ vanditvā aṭṭhāsi. tato naṃ thero  “kiṃ, tāta saṅgharakkhita, asikkhitvāva yuddhaṃ paviṭṭhosī”ti vatvā “nāsakkhi, tāta, vejayantaṃ kampetun”ti pucchi. ācariyaṃ, bhante, nālatthanti. atha naṃ thero  “tāta tumhādise akampente ko añño kampessati. diṭṭhapubbaṃ te, tāta, udakapiṭṭhe gomayakhaṇḍaṃ pilavantaṃ, tāta, kapallakapūvaṃ pacantā antantena paricchindanti, iminā opammena jānāhī”ti āha. so  “vaṭṭissati, bhante, ettakenā”ti vatvā pāsādena patiṭṭhitokāsaṃ udakaṃ hotūti adhiṭṭhāya vejayantābhimukho agamāsi.

              ♦ devadhītaro taṃ disvā  “ekavāraṃ lajjitvā gato, punapi sāmaṇero eti, punapi etī”ti vadiṃsu. sakko devarājā  “mā mayhaṃ puttena saddhiṃ kathayittha, idāni tena ācariyo laddho, khaṇena pāsādaṃ kampessatī”ti āha. sāmaṇeropi pādaṅguṭṭhena pāsādathūpikaṃ pahari. pāsādo catūhi disāhi oṇamati. devatā  “patiṭṭhātuṃ dehi, tāta, pāsādassa patiṭṭhātuṃ dehi, tāta, pāsādassā”ti viraviṃsu. sāmaṇero pāsādaṃ yathāṭhāne ṭhapetvā pāsādamatthake ṭhatvā udānaṃ udānesi 

              ♦ “ajjevāhaṃ pabbajito, ajja pattāsavakkhayaṃ.

              ♦ ajja kampemi pāsādaṃ, aho buddhassuḷāratā.

              ♦ ajjevāhaṃ pabbajito  pe  aho dhammassuḷāratā.

              ♦ ajjevāhaṃ pabbajito  pe  aho saṅghassuḷāratāti.

              ♦ ito paresu chasu pathavīkampesu yaṃ vattabbaṃ, taṃ mahāpadāne vuttameva.

              ♦ iti imesu aṭṭhasu pathavīkampesu paṭhamo dhātukopena, dutiyo iddhānubhāvena, tatiyacatutthā puññatejena, pañcamo ñāṇatejena, chaṭṭho sādhukāradānavasena, sattamo kāruññabhāvena, aṭṭhamo ārodanena. mātukucchiṃ okkamante ca tato nikkhamante ca mahāsatte tassa puññatejena pathavī akampittha. abhisambodhiyaṃ ñāṇatejena abhihatā hutvā akampittha. dhammacakkappavattane sādhukārabhāvasaṇṭhitā sādhukāraṃ dadamānā akampittha. āyusaṅkhārossajjane kāruññasabhāvasaṇṭhitā cittasaṅkhobhaṃ asahamānā akampittha. parinibbāne ārodanavegatunnā hutvā akampittha. ayaṃ panattho pathavīdevatāya vasena veditabbo, mahābhūtapathaviyā panetaṃ natthi acetanattāti.

              Tham khảo tại đây

              32
              Thế Tôn không riêng gì vũ trụ này mà vô số vũ trụ khác cũng xuất hiện theo cách này: ngài ẩn thân chỉ cho chúng sanh đó nghe tiếng nói, có khi ngài xuất hiện trong hình hài mà Ngài thấy rằng thích hợp với chúng sinh ở đó
              Do chúng sinh đó e ngại hoặc không sẵn sàng để nhìn thấy Ngài.
              Chú giải:

              tattha anekasataṃ khattiyaparisanti bimbisārasamāgamañātisamāgalicchavīsamāgamādisadisaṃ,  pana aññesu cakkavāḷesupi labbhateyeva. sallapitapubbanti ālāpasallāpo katapubbo. sākacchāti dhammasākacchāpi samāpajjitapubbā. yādisako tesaṃ vaṇṇoti te odātāpi honti kāḷāpi maṅguracchavīpi, satthā suvaṇṇavaṇṇova. idaṃ pana saṇṭhānaṃ paṭicca kathitaṃ. saṇṭhānampi ca kevalaṃ tesaṃ paññāyatiyeva, na pana bhagavā milakkhusadiso hoti, nāpi āmuttamaṇikuṇḍalo, buddhaveseneva nisīdati. te pana attano samānasaṇṭhānameva passanti. yādisako tesaṃ saroti te chinnassarāpi honti gaggarassarāpi kākassarāpi, satthā brahmassarova. idaṃ pana bhāsantaraṃ sandhāya kathitaṃ. sacepi hi satthā rājāsane nisinno katheti, “ajja rājā madhurena sarena kathetī”ti tesaṃ hoti. kathetvā pakkante pana bhagavati puna rājānaṃ āgataṃ disvā  “ko nu kho ayan”ti vīmaṃsā uppajjati. tattha ko nu kho ayanti imasmiṃ ṭhāne idāneva māgadhabhāsāya sīhaḷabhāsāya madhurenākārena kathento ko nu kho ayaṃ antarahito, kiṃ devo, udāhu manussoti evaṃ vīmaṃsantāpi na jānantīti attho. kimatthaṃ panevaṃ ajānantānaṃ dhammaṃ desetīti? vāsanatthāyaevaṃ sutopi hi dhammo anāgate paccayo hoti yevāti anāgataṃ paṭicca deseti. anekasataṃ brāhmaṇaparisantiādīnampi soṇadaṇḍakūṭadaṇḍasamāgamādivasena ceva aññacakkavāḷavasena ca sambhavo veditabbo.

              ♦ imā pana aṭṭha parisā bhagavā kimatthaṃ āhari? abhītabhāvadassanatthameva. imā kira āharitvā evamāha  “ānanda, imāpi aṭṭha parisā upasaṅkamitvā dhammaṃ desentassa tathāgatassa bhayaṃ  sārajjaṃ  natthi, māraṃ pana ekakaṃ disvā tathāgato bhāyeyyāti ko evaṃ saññaṃ uppādetumarahati. abhīto, ānanda, tathāgato acchambhī, sato sampajāno āyusaṅkhāraṃ ossajī”ti.
              Tham khảo tại đây

              33 8 thắng xứ:
              Đề mục lúc đầu do mình tạo ra, một khuông đất hình tròn chẳng hạn, gọi là sơ tướng parikammanimitta
              Sau một thời gian nhìn vào sơ tướng để niệm thì nhắm lại vẫn thấy nó. Lúc này đề mục được gọi là nhiếp tướng uggahanimitta
              Hình ảnh lưu giữ trong trí ấy lúc này trở nên chói lòa hoặc trong suốt nhìn như một cái đĩa bằng vàng, một khối thủy tinh hay một miếng ngọc sáng. Lúc này cảnh đề mục được gọi là patibhāganimitta (thường được dịch là quang tướng), trong khi chữ patibhāga nghĩa là tương tự, giống như nhưng không phải là một với cái trước.
              Chúng sinh ở đời có vô lượng nhưng gom chung chỉ có 6 loại tâm tính:
              _ Người đãng tánh vitakkacarita (tánh tầm) thì sẽ thấy cảnh đề mục nhỏ hẹp. Người đãng tánh có nhiều nét giống người độn tánh.
              _ Người độn tánh mohacarita (tánh si) sẽ thấy cảnh đề mục bao la không giới hạn. Bởi vì họ giống như đứa bé nằm nôi hay người ngồi dưới giếng nhìn lên
              _ Người nộ tánh (tánh sân) dosacarita thì sẽ thấy cảnh đề mục rất đẹp
              _ Người dục tánh rāgacarita thì sẽ thấy cảnh đề mục lồi lõm thô xấu. Người dục tánh có nhiều nét giống người mộ tánh.
              _ Người ngộ tánh buddhacarita thì không để tâm mình bị cuốn theo các khía cạnh trên. Người ngộ tánh có một vài nét giống người nộ tánh.
              _ Người mộ tánh saddhacarita có khuynh hướng giống người dục tánh.
              4 thắng xứ đầu tiên là 2 cặp:
              _ Lấy đề mục bên ngoài làm trọng và thấy cảnh đề mục có giới hạn hay vô biên, đẹp hay xấu.
              _ Lấy ấn tượng đề mục làm trọng và thấy nó hữu hạn hay vô biên, đẹp hay xấu.
              4 thắng xứ sau lấy 4 màu sắc bên ngoài làm đề mục tu thiền
              8 thắng xứ này có nội dung: khi đã lìa bỏ 5 trần thì ta chỉ còn quẩn quanh trong thế giới của các đề mục. Cảnh ta biết càng đơn giản chừng nào thì thế giới mà ta đạt đến lại bao la chừng ấy. Cõi Phạm Thiên rộng hơn Dục Thiên, thân tướng của Phạm Thiên cũng lớn hơn Dục Thiên, Dục Thiên so với nhân loại thì ít dục hơn nên cảnh giới của họ cũng to rộng cao đẹp hoành tráng hơn, thân tướng và tuổi thọ Dục Thiên so với nhân loại cũng nhiều hơn gấp ngàn lần.
              Bố thí, trì giới… là nhân chủ yếu về cảnh dục thiên
              Thiền samathā là nhân chủ yếu đưa về cảnh phạm thiên
              Thiền vipassanā là nhân chủ yếu giúp thoát tái sinh.
              Dục yếu thì định mạnh, định mạnh thì tuệ mạnh, tuệ mạnh thì phiền não yếu.Tham khảo tại đây
              34 Tám giải thoát
              1. Lấy thân mình làm đề mục: niệm bất tịnh, thể trược, tử thi, kasina nội thân
              2. Lấy cảnh ngoại thân làm đề mục: các đề mục kasina ngoại thân
              3. Tu tập một trong bốn vô lượng tâm
              4-5-6-7. Tu tập 4 đề mục vô sắc
              8. Thiền diệt thọ tưởng định (Tam quả hoặc tứ quả + Phi tưởng phi phi tưởng)

              Tham khảo tại đây

              35 Cái nhìn của con voi chúa: Ngài xoay toàn thân, không có xoay đầu. Do từ khi phát nguyện Chánh Đẳng Giác, Ngài không bao giờ nhìn lui, chỉ có ngó thẳng phía trước mà đi.
              Vì sao trong suốt đoạn đường dài trải qua nhiều nơi chốn như vesāli sāvatthi rājagaha nāḷanda pāṭaligāma…tất cả những nơi đó đều là lần cuối cùng Ngài không trở lại nữa, vì đâu các chỗ kia Ngài không có động tác này? Vì nếu chỗ nào cũng nói thì đó không phải là chuyện đặc biệt. Chỉ ở một chỗ sẽ trở thành đặc biệt cho người biết chuyện.
              Chú giải:

              nāgāpalokitanti yathā hi mahājanassa aṭṭhīni koṭiyā koṭiṃ āhacca ṭhitāni paccekabuddhānaṃ, aṅkusakalaggāni viya, na evaṃ buddhānaṃ. buddhānaṃ pana saṅkhalikāni viya ekābaddhāni hutvā ṭhitāni, tasmā pacchato apalokanakāle na sakkā hoti gīvaṃ parivattetuṃ. yathā pana hatthināgo pacchābhāgaṃ apaloketukāmo sakalasarīreneva parivattati, evaṃ parivattitabbaṃ hoti. bhagavato pana nagaradvāre ṭhatvā  “vesāliṃ apalokessāmī”ti citte uppannamatte  “bhagavā anekāni kappakoṭisahassāni pāramiyo pūrentehi tumhehi na gīvaṃ parivattetvā apalokanakammaṃ katan”ti ayaṃ pathavī kulālacakkaṃ viya parivattetvā bhagavantaṃ vesālinagarābhimukhaṃ akāsi. taṃ sandhāyetaṃ vuttaṃ.

              ♦ nanu ca na kevalaṃ vesāliyāva, sāvatthirājagahanāḷandapāṭaligāmakoṭigāmanātikagāmakesupi tato tato nikkhantakāle taṃ taṃ sabbaṃ pacchimadassanameva, tattha tattha kasmā nāgāpalokitaṃ nāpalokesīti? anacchariyattā. tattha tattha hi nivattetvā apalokentassetaṃ na acchariyaṃ hoti, tasmā nāpalokesi. api ca vesālirājāno āsannavināsā, tiṇṇaṃ vassānaṃ upari vinassissanti. te taṃ nagaradvāre nāgāpalokitaṃ nāma cetiyaṃ katvā gandhamālādīhi pūjessanti, taṃ nesaṃ dīgharattaṃ hitāya sukhāya bhavissatīti tesaṃ anukampāya apalokesi.

              Tham khảo tại đây

              36

              kammāraputtassāti suvaṇṇakāraputtassa

              (chú giải đoạn 189) ông này không phải là thợ rèn sắt mà là thợ bạc, con người thợ bạc, rất giàu có.

              so kira aḍḍho mahākuṭumbiko bhagavato paṭhamadassaneneva sotāpanno hutvā attano ambavane vihāraṃ kārāpetvā niyyātesi. taṃ sandhāya vuttaṃ — “ambavane”ti.

              Trong lần sơ ngộ Đức Phật, ông đã chứng sơ quả, sau khi về ông đã hiến cúng vườn xoài cho chư tăng.

              Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=57gQ9lQ7_LE&list=PL4JCp4qfxq-qNQhYVtxyOnIkXb3EWWIHG&index=19

              Đoạn: 00:01:10

              37

              Ý kiến 1: một loại nấm (mộc nhĩ)

              Ý kiến thứ 2: một món ăn làm thành sữa bò

              Ý kiến 3 được xem là chính thống: là món thịt heo

              sūkaramaddavanti nātitaruṇassa nātijiṇṇassa ekajeṭṭhakasūkarassa pavattamaṃsaṃ.

              sūkaramaddava: tên món ăn của một loại thịt heo, thịt của con heo được nuôi đặc biệt một mình một chuồng.

              Con heo được nuôi bằng món măng tre trong rừng tre.

              Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=57gQ9lQ7_LE&list=PL4JCp4qfxq-qNQhYVtxyOnIkXb3EWWIHG&index=19

              Đoạn: 00:02:46

              38

              Trong bữa ăn này chư thiên 4 đại châu (4 hành tinh) đem thực phẩm để vào trong thức ăn Cunda cúng dường.

              dvisahassadīpaparivāresu catūsu mahādīpesu devatā

              chư thiên 4 đại châu (Đông Thắng Thân Châu, Tây Ngưu Xa Châu, Nam Thiện Bộ Châu, Bắc Cưu Lu Châu) nằm giữa 2000 hành tinh khác không có người ở

              ojaṃ pakkhipiṃsu:

              oja: dinh dưỡng, dưỡng tố, thức ăn chư thiên

              Thức ăn này để vào cơ thể voi cũng chết nói chi là người thường, do thức ăn này có quá nhiều dưỡng tố không thích hợp cho sinh vật thông thường, chỉ có Đức Chánh Giác dùng được, nên Ngài mới dạy đem đi bỏ để tránh người khác ăn vô bị bệnh.

              Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=57gQ9lQ7_LE&list=PL4JCp4qfxq-qNQhYVtxyOnIkXb3EWWIHG&index=19

              Đoạn 00:06:50

              39 Trong đời Đức Phật mỗi ngày đều có chư thiên để thức ăn vào bình bát để cúng dường Ngài. Nhưng lần này Ngài bị bệnh nặng là do tiền nghiệp: Ngài từng làm thầy thuốc giỏi, chữa bệnh cho 1 thiếu phụ theo cách chỉ nhận công sau khi chữa khỏi. Nhưng khi hết bệnh thì thiếu phụ nói dối là chưa hết bệnh còn nặng hơn. Bồ Tát biết bà nói dối, sau đó bốc thêm 1 thang thuốc nữa cho bà nhưng lần này là thuốc độc (do sân hận). Sau khi uống xong thì thiếu phụ chết. Do quả xấu đó nhiều kiếp Ngài phải chịu quả báo chết do bạo bệnh.

              Bữa ăn cuối cùng là điều kiện cho quả xưa trổ.

              Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=57gQ9lQ7_LE&list=PL4JCp4qfxq-qNQhYVtxyOnIkXb3EWWIHG&index=19

              Đoạn 00:10:20

              40

              Chuyện Ngài khát nước và bị ngài Ananda từ chối lấy nước cho uống là do tiền nghiệp:

              Thuở quá khứ khi là 1 đứa bé chăn bò. Một lần thấy bò uống nước trong vũng nước dơ, Ngài có ý tốt nắm dây kéo bò qua vũng nước sạch. Theo A tỳ đàm, ý ban đầu là ý tốt (muốn cho bò uốn nước sạch) nhưng khi đưa tay kéo qua chỗ khác thì được thực hiện bằng tâm sân.

              Do đó Ngài Ananda cũng có ý tốt nhưng vì ý tốt đó mà kéo dài thời gian khát nước.

              Thế Tôn không phải không có khả năng kham nhẫn, mà Ngài muốn nhân chuyện này để cho chúng sanh thấy được một chuyện đặc biệt xảy ra tiếp theo.

              Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=57gQ9lQ7_LE&list=PL4JCp4qfxq-qNQhYVtxyOnIkXb3EWWIHG&index=19

              đoạn 00:13:30

              41

              pukkusoti tassa nāmaṃ. mallaputtoti mallarājaputto. mallā kira vārena rajjaṃ kārenti. yāva nesaṃ vāro na pāpuṇāti, tāva vaṇijjaṃ karonti.

              Pukkusa là một trong những hoàng tử chờ kế vị ngai vàng theo truyền thống của hoàng gia Malla là luân phiên (vāra) – mỗi người làm vua ít lâu rồi nhường ngôi cho người khác nhằm tránh nạn huynh đệ tương tàn. Trong thời gian chờ đợi, Pukkusa làm nghề buôn bán. Ông là đệ tử của đạo sĩ Alàra Kàlàma – thầy cũ của Bồ Tát đã dạy Bồ Tát đến tầng thiền Vô Sở Hữu Xứ, sau đó Bồ Tát học đến tầng thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng với đạo sĩ Uddaka Rāmaputta

              Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=57gQ9lQ7_LE&list=PL4JCp4qfxq-qNQhYVtxyOnIkXb3EWWIHG&index=19

              Đoạn 00:17:43

              42

              acchādehīti upacāravacanametaṃ  ekaṃ mayhaṃ dehi, ekaṃ ānandassāti attho. kiṃ pana thero taṃ gaṇhīti? āma gaṇhi. kasmā? matthakappattakiccattā. kiñcāpi hesa evarūpaṃ lābhaṃ paṭikkhipitvā upaṭṭhākaṭṭhānaṃ paṭipanno. taṃ panassa upaṭṭhākakiccaṃ matthakaṃ pattaṃ. tasmā aggahesi. ye cāpi evaṃ vadeyyuṃ  “anārādhako maññe ānando pañcavīsati vassāni upaṭṭhahantena na kiñci bhagavato santikā tena laddhapubban”ti. tesaṃ vacanokāsacchedanatthampi aggahesi. api ca jānāti bhagavā  “ānando gahetvāpi attanā na dhāressati, mayhaṃyeva pūjaṃ karissati. mallaputtena pana ānandaṃ pūjentena saṅghopi pūjito bhavissati, evamassa mahāpuññarāsi bhavissatī”ti therassa ekaṃ dāpesi. theropi teneva kāraṇena aggahesīti.

              Đức Phật có suy nghĩ: Pukkusa chỉ cúng dường Ngài 2 bộ y không tốt bằng chia 2, cho ngài Ānanda một bộ, vì cúng cho Ngài là cúng cho Phật, còn cúng cho ngài Ānanda là đại diện cho tăng. Chuyện này sẽ trở thành một tham khảo quan trọng cho đời sau: chư tăng cũng quan trọng, nếu chỉ biết Phật là chuyện thiếu sót.

              Đây là lần duy nhất Đức Phật như không nhớ lời thỉnh cầu 25 năm trước của ngài Ānanda  là xin Phật không ban cho Ānanda những vật chất được dâng cúng riêng cho Ngài. Thế Tôn biết ngài Ānanda cũng sẽ cúng dường cho Thế Tôn.

              Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=57gQ9lQ7_LE&list=PL4JCp4qfxq-qNQhYVtxyOnIkXb3EWWIHG&index=19

              Đoạn: 00:23:08

              43
              Thế Tôn chọn vị trí này là vì chỉ có ở đây Subhadda mới có thể nhìn thấy Thế Tôn, chỉ có ở đây Subhadda mới có thể chứng đắc đạo quả A la hán. Do Subhadda là người chỉ có thể giác ngộ bởi Phật, không thể giác ngộ bởi Thánh Thanh Văn khác.
              Có hai loại Thanh Văn:
              buddhaveneyyo: người chỉ có thể giác ngộ nhờ Phật
              sāvakaveneyyo: người có thể giác ngộ nhờ vị thánh Thanh Văn
              Chú giải Pāḷi: aparampi passati  “maṃ aññattha parinibbāyantaṃ subhaddo na passissati, so ca buddhaveneyyona sāvakaveneyyo; na taṃ sāvakā vinetuṃ sakkonti. kusinārāyaṃ parinibbāyantaṃ pana maṃ so upasaṅkamitvā pañhaṃ pucchissati, pañhāvissajjanapariyosāne ca saraṇesu patiṭṭhāya mama santike pabbajjañca upasampadañca labhitvā kammaṭṭhānaṃ gahetvā mayi dharamāneyeva arahattaṃ patvā pacchimasāvako bhavissatī”ti.
              Tham khảo: https://youtu.be/xGwzsNKLZwY
              Đoạn: 00:09:50
              44

              Kể từ lúc Thế Tôn hứa với chư thiên sẽ giáng trần, khắp 10.000 vũ trụ có địa chấn rung động. Chư thiên bảo nhau “Bồ Tát giáng trần”, không lâu sau họ nghe địa cầu rung động lại bảo nhau “Bồ Tát giáng sanh”, “Bồ Tát thành đạo”, “Bồ Tát chuyển pháp luân”.

              Từ lần đầu địa cầu rung động, chư thiên nghĩ: “mình sẽ xuống hầu Phật” nhưng do tuổi thọ quá dài (100 năm cõi người = 1 ngày đêm cõi Đao Lợi), họ đã trì hoãn đến khi nghe địa cầu rung động lần cuối, được nghe rằng “Thế Tôn viên tịch”, họ đã vội vã xuống hầu Phật. Khi đó, trong bán kính 12 do tuần, chư thiên về chen cứng không có chỗ trống để chèn một mũi kim.

              Chú giải Pāḷi:

              dibbānipi saṅgītānīti varuṇavāraṇadevatā kira nāmetā dīghāyukā devatā  “mahāpuriso manussapathe nibbattitvā buddho bhavissatī”ti sutvā “paṭisandhiggahaṇadivase naṃ gahetvā gamissāmā”ti mālaṃ ganthetumārabhiṃsu.  ganthamānāva  “mahāpuriso mātukucchiyaṃ nibbatto”ti sutvā “tumhe kassa ganthathā”ti vuttā “na tāva niṭṭhāti, kucchito nikkhamanadivase gaṇhitvā gamissāmā”ti āhaṃsu. punapi “nikkhanto”ti sutvā “mahābhinikkhamanadivase gamissāmā”ti. ekūnatiṃsavassāni ghare vasitvā “ajja mahābhinikkhamanaṃ nikkhanto”tipi sutvā “abhisambodhidivase gamissāmā”ti. chabbassāni padhānaṃ katvā “ajja abhisambuddho”tipi sutvā “dhammacakkappavattanadivase gamissāmā”ti. “sattasattāhāni bodhimaṇḍe vītināmetvā isipatanaṃ gantvā dhammacakkaṃ pavattitan”tipi sutvā “yamakapāṭihāriyadivase gamissāmā”ti. “ajja yamakapāṭihāriyaṃ karī”tipi sutvā “devorohaṇadivase gamissāmā”ti. “ajja devorohaṇaṃ karī”tipi sutvā “āyusaṅkhārossajjane gamissāmā”ti. “ajja āyusaṅkhāraṃ ossajī”tipi sutvā “na tāva niṭṭhāti, parinibbānadivase gamissāmā”ti. “ajja bhagavā yamakasālānamantare dakkhiṇena passena sato sampajāno sīhaseyyaṃ upagato balavapaccūsasamaye parinibbāyissati. tumhe kassa ganthathā”ti sutvā pana  “kinnāmetaṃ, ‘ajjeva mātukucchiyaṃ paṭisandhiṃ gaṇhi, ajjeva mātukucchito nikkhami, ajjeva mahābhinikkhamanaṃ nikkhami, ajjeva buddho ahosi, ajjeva dhammacakkaṃ pavattayi, ajjeva yamakapāṭihāriyaṃ akāsi, ajjeva devalokā otiṇṇo, ajjeva āyusaṅkhāraṃ ossaji, ajjeva kira parinibbāyissatī’ti. nanu nāma dutiyadivase yāgupānakālamattampi ṭhātabbaṃ assa. dasa pāramiyo pūretvā buddhattaṃ pattassa nāma ananucchavikametan”ti apariniṭṭhitāva mālāyo gahetvā āgamma anto cakkavāḷe okāsaṃ alabhamānā cakkavāḷamukhavaṭṭiyaṃ lambitvā cakkavāḷamukhavaṭṭiyāva ādhāvantiyo hatthena hatthaṃ gīvāya gīvaṃ gahetvā tīṇi ratanāni ārabbha dvattiṃsa mahāpurisalakkhaṇāni chabbaṇṇarasmiyo dasa pāramiyo aḍḍhachaṭṭhāni jātakasatāni cuddasa buddhañāṇāni ārabbha gāyitvā tassa tassa avasāne “mahāyaso, mahāyaso”ti vadanti. idametaṃ paṭicca vuttaṃ  “dibbānipi saṅgītāni antalikkhe vattanti tathāgatassa pūjāyā”ti.

              Nguồn: https://youtu.be/57gQ9lQ7_LE

              Đoạn 00:32:00

              45

              Trưởng lão Upavāṇa che đi tầm mắt chư thiên. Trưởng lão Upavāṇa có năng lực là thiên nhãn của người bình thường không thể xuyên qua được thân thể của Ngài. Bởi vì trong đời Đức Phật Vipassī, sai khi Phật viên tịch có để lại xá lợi toàn thân được thờ trong bảo tháp. Bảo tháp thờ xá lợi được xây cao 7 do tuần với sự giúp đỡ của chư thiên. Vì quá cao nên những người muốn cúng dường phải nhờ chư thiên đem lên tầng cao của bảo tháp. Có một ông thiện nam thấy cảnh như vậy sanh lòng hoan hỷ, có lời phát nguyện đời sau sanh ra làm chư thiên hộ trì bảo tháp. Đến thời Phật Kassapa ông trở thành vị thọ thần canh giữ bảo tháp. Do phước canh giữ bảo tháp nên đời đời ông không bị mất trộm và do có ý không để ai xâm phạm bảo tháp nên ông có những phước đặc biệt: ông sống trong sự hộ trì của chư thiên và nhân loại. Đặc biệt khi chứng thánh rồi thì thiên nhãn thường không thể nhìn xuyên qua người Upavāṇa được.

              Chú giải Pāḷi:

              tathāgataṃ dassanāyāti bhagavato mukhaṃ daṭṭhuṃ alabhamānā evaṃ ujjhāyiṃsu. kiṃ pana  theraṃ vinivijjha passituṃ na sakkontīti? āma, na sakkonti. devatā hi puthujjane vinivijjha passituṃ sakkonti, na khīṇāsave. therassa ca mahesakkhatāya tejussadatāya upagantumpi na sakkonti. kasmā pana therova tejussado, na aññe arahantoti? yasmā kassapabuddhassa cetiye ārakkhadevatā ahosi.

              ♦ vipassimhi kira sammāsambuddhe parinibbute ekagghanasuvaṇṇakkhandhasadisassa dhātusarīrassa ekameva cetiyaṃ akaṃsu, dīghāyukabuddhānañhi ekameva cetiyaṃ hoti. taṃ manussā ratanāyāmāhi vidatthivitthatāhi dvaṅgulabahalāhi suvaṇṇiṭṭhakāhi haritālena ca manosilāya ca mattikākiccaṃ tilateleneva udakakiccaṃ sādhetvā yojanappamāṇaṃ uṭṭhapesuṃ. tato bhummā devatā yojanappamāṇaṃ, tato ākāsaṭṭhakadevatā, tato uṇhavalāhakadevatā, tato abbhavalāhakadevatā, tato cātumahārājikā devatā, tato tāvatiṃsā devatā yojanappamāṇaṃ uṭṭhapesunti evaṃ sattayojanikaṃ cetiyaṃ ahosi. manussesu mālāgandhavatthādīni gahetvā āgatesu ārakkhadevatā gahetvā tesaṃ passantānaṃyeva cetiyaṃ pūjesi.

              ♦ tadā ayaṃ thero brāhmaṇamahāsālo hutvā ekaṃ pītakaṃ vatthaṃ ādāya gato. devatā tassa hatthato vatthaṃ gahetvā cetiyaṃ pūjesi. brāhmaṇo taṃ disvā pasannacitto “ahampi anāgate evarūpassa buddhassa cetiye ārakkhadevatā homī”ti patthanaṃ katvā tato cuto devaloke nibbatti. tassa devaloke ca manussaloke ca saṃsarantasseva kassapo bhagavā loke uppajjitvā parinibbāyi. tassāpi ekameva dhātusarīraṃ ahosi. taṃ gahetvā yojanikaṃ cetiyaṃ kāresuṃ. so tattha ārakkhadevatā hutvā sāsane antarahite sagge nibbattitvā amhākaṃ bhagavato kāle tato cuto mahākule paṭisandhiṃ gahetvā nikkhamma pabbajitvā arahattaṃ patto. iti cetiye ārakkhadevatā hutvā āgatattā thero tejussadoti veditabbo.

              Nguồn: https://youtu.be/57gQ9lQ7_LE

              Đoạn 00:35:30

              46

              Chư tăng trước khi nhập hạ ở đâu thì xin phép Đức Phật trước, vì Ngài là bậc toàn giác, Ngài biết đi đâu có lợi và hại như thế nào. Để tu hành rốt ráo, họ đến xin Đức Phật cho đề mục. Nhập hạ xong, chư tăng về lễ Phật thường là trình “luận án”. Đức Phật sẽ hỏi mùa an cư vừa qua ở đâu, có an lạc không. Họ sẽ thưa là ” Bạch Thế Tôn, chúng con được an lạc và Thế Tôn đã được chúng con hầu hạ, lời Phật dạy chúng con đã làm xong. Câu “Thế Tôn đã được chúng con hầu hạ” nghĩa là chúng con đã chứng thánh.

              Chú giải Pāḷi: vassaṃvuṭṭhāti buddhakāle kira dvīsu kālesu bhikkhū sannipatanti upakaṭṭhāya vassūpanāyikāya kammaṭṭhānaggahaṇatthaṃ, vuṭṭhavassā ca gahitakammaṭṭhānānuyogena nibbattitavisesārocanatthaṃ.

              Nguồn: Kinh Trường Bộ giảng giải tập I – TK Giác Nguyên, XB năm 2017, tr.409

              47

              Chiêm bái những Thánh Tích ở đây nghĩa là bao gồm việc quét dọn, vệ sinh, tưới nước cội cây bồ đề, bày tỏ lòng tôn kính đối với thánh tích…

              Chú giải Pāḷi: cetiyacārikaṃ āhiṇḍantāti ye ca tāva tattha tattha cetiyaṅgaṇaṃ sammajjantā, āsanāni dhovantā bodhimhi udakaṃ siñcantā āhiṇḍanti, tesu vattabbameva natthi asukavihāre “cetiyaṃ vandissāmā”ti nikkhamitvā pasannacittā antarā kālaṅkarontāpi anantarāyena sagge patiṭṭhahissanti yevāti dasseti.

              48

              Chuyển Luân Vương là kiểu vua trong kinh nói triệu năm mới có một, vị này từng có phước lớn nào đó trong quá khứ. Vị này khi làm vua thì tháng nào cũng có mấy ngày thọ bát quan trai, nhân những ngày này vị đó bố thí rộng rãi cho dân chúng, và dân chúng trong nước nhờ phước của ngài không có bạo lực, không nghèo đói, không vất vả. Những người được sinh ra trong thời Chuyển Luân Vương cai trị đều có phước, nhà nhà người người đều được khích lệ giữ gìn 5 giới, bố thí, vị tha, phục vụ. Trong thời đại của Chuyển Luân Vương thì chúng sinh sanh về trời rất đông, đây là thời kỳ chư thiên rất hoan hỷ, số lượng chư thiên tăng nhanh nhờ sự cai trị của Chuyển Luân Vương. Đế Thích cũng phải ngã nón kính lễ vị Chuyển Luân Vương, vì vậy vị này được lập tháp tôn thờ cũng không có gì lạ.

              Chú giải Pāḷi: rājā cakkavattīti ettha kasmā bhagavā agāramajjhe vasitvā kālaṅkatassa rañño thūpārahataṃ anujānāti, na sīlavato puthujjanassa bhikkhussāti? anacchariyattā. puthujjanabhikkhūnañhi thūpe anuññāyamāne tambapaṇṇidīpe tāva thūpānaṃ okāso na bhaveyya, tathā aññesu ṭhānesu. tasmā “anacchariyā te bhavissantī”ti nānujānāti. rājā cakkavattī ekova nibbattati, tenassa thūpo acchariyo hoti. puthujjanasīlavato pana parinibbutabhikkhuno viya mahantampi sakkāraṃ kātuṃ vaṭṭatiyeva.

              Nguồn: Nguồn: Kinh Trường Bộ giảng giải tập I – TK Giác Nguyên, XB năm 2017, tr.413

              49

              Có 3 lý do Đức Phật chọn Kusināra để viên tịch

              1. Có cơ hội để kể tích chuyển luân vương Mahāsudassana
              2. Để gặp người đệ tử cuối cùng là Subhadda
              3. Ở Kusināra có bà la môn Doṇa khéo dàn xếp với sứ giả các nước để giành xá lợi, nếu không có vị này, sẽ có can qua máu lửa. Trong chú giải gọi là “lohitaṃ nadī viya sandissati”: máu chảy thành sông.

              Nguồn: Kinh Trường Bộ giảng giải tập I – TK Giác Nguyên, XB năm 2017, tr.417

              50

              Trong nhiều kiếp quá khứ có hai anh em làm ruộng, ông anh muốn cúng dường cho Đức Phật. Ông anh nói muốn cúng dường đặc biệt bằng lúa ngậm sữa ép ra rồi làm thức ăn cúng dường Đức Phật. Người em không đồng ý với ý tưởng đó, lúa cần phải đủ ngày đủ tháng chín rồi mới được. Người anh thì nôn cúng dường, sợ lỡ dịp. Hai anh em chia nhau miếng ruộng. Người anh lấy lúa non xay ra làm thức ăn cúng dường cho Đức Phật và chư tăng. Sau này hai anh em chết đều sanh thiên. Người anh do mau mắn, tín tâm, thuần cố nên sau này sinh làm ngài Kiều Trần Như, đắc đạo đầu tiên trong Phật Giáo, còn người em kiếp xưa có ý cản anh, sau sinh làm du sĩ Subhadda, người đệ tử sau cùng xuất gia với Phật, đắc quả phút 89.

              Nguồn: Kinh Trường Bộ giảng giải tập I – TK Giác Nguyên, XB năm 2017, tr.418

              51

              Ở chánh kinh chỉ nói bốn hạng Sa-môn. Ở sớ giải kể ra 12 hạng Sa-môn gồm: 4 thánh đạo, 4 thánh quả và 4 hạng hành giả tuệ quán đang ráo riết để chứng một trong bốn thánh đạo. (Hạng hành giả Vipassana ráo riết gọi là āraddhavipassaka ).

              Chú giải Pāḷi: suññā parappavādā samaṇebhīti catunnaṃ maggānaṃ atthāya āraddhavipassakehi catūhi, maggaṭṭhehi catūhi, phalaṭṭhehi catūhīti dvādasahi samaṇehi suññā parappavādā tucchā rittakā.

              Nguồn: Kinh Trường Bộ giảng giải tập I – TK Giác Nguyên, XB năm 2017, tr.420

              52

              atha kho bhagavā saññāvedayitanirodhasamāpattiyā vuṭṭhahitvā nevasaññānāsaññāyatanaṃ samāpajji  pe  tatiyajjhānā vuṭṭhahitvā catutthajjhānaṃ samāpajjīti ettha bhagavā catuvīsatiyā ṭhānesu paṭhamajjhānaṃ samāpajji, terasasu ṭhānesu dutiyajjhānaṃ, tathā tatiyajjhānaṃ, pannarasasu ṭhānesu catutthajjhānaṃ samāpajji. kathaṃ? dasasu asubhesu, dvattiṃsākāre aṭṭhasu kasiṇesu, mettākaruṇāmuditāsu, ānāpāne, paricchedākāseti imesu tāva catuvīsatiyā ṭhānesu paṭhamajjhānaṃ samāpajji. ṭhapetvā pana dvattiṃsākārañca dasa asubhāni ca sesesu terasasu dutiyajjhānaṃtesuyeva ca tatiyajjhānaṃ samāpajji. aṭṭhasu pana kasiṇesu, upekkhābrahmavihāre, ānāpāne, paricchedākāse, catūsu arūpesūti imesu pannarasasu ṭhānesu catutthajjhānaṃ samāpajji. ayampi ca saṅkhepakathāva. nibbānapuraṃ pavisanto pana bhagavā dhammassāmī sabbāpi catuvīsatikoṭisatasahassasaṅkhyā samāpattiyo pavisitvā videsaṃ gacchanto ñātijanaṃ āliṅgetvā viya sabbasamāpattisukhaṃ anubhavitvā paviṭṭho.

              Thế Tôn nhập định 2.400.000 lần bằng tất cả đề mục samatha (10 đề mục tử thi, 32 thể trược, 10 kasina, hơi thở, 4 vô lượng tâm)

              Nguồn: https://youtu.be/57gQ9lQ7_LE

              Đoạn: 00:30:00

              53
              Tất cả chư Phật Toàn Giác, Độc Giác, Thinh Văn Giác, đến cả loài mối kiến, đều phải chấp nhận một qui luật: tục sinh bằng loại tâm nào thì cũng mạng chung bằng tâm thuộc loại đó.
              ye hi keci buddhā  paccekabuddhā  ariyasāvakā  antamaso kunthakipillikaṃ upādāya sabbe bhavaṅgacitteneva abyākatena dukkhasaccena kālaṅkarontīti.
              Nguồn: Kinh Trường Bộ giảng giải tập I – TK Giác Nguyên, XB năm 2017, tr.426
              54

              Ngài suy nghĩ rất nhanh: Hoa này chỉ có khi đại sự nhân duyên, lúc Bồ tát đản sanh, Thành đạo, Chuyển pháp luân, Niết bàn, hôm nay không phải Đản sanh, Thành đạo hay Chuyển pháp luân, vậy rõ ràng là Niết bàn rồi. Ngài nghĩ: Bậc đạo sư của ta đã quá lớn tuổi, Ngài đã tịch rồi chăng.

              Tại sao Ngài là bậc đại thần thông mà lại hỏi thay vì dùng thần thông? Vị A la hán không tha thiết trong việc sử dụng thần thông. Ngài Mahākassapa có tâm nguyện giống một vị Chánh đẳng giác ở chỗ Ngài có tâm nguyện dùng hết thời gian kể từ khi thành thánh nhân cho đến khi viên tịch là để phục vụ chúng sinh. Ngài thường xuyên suy tư về chúng sinh đặc biệt là những người nghèo khổ. Cho nên Ngài làm gì cũng suy tư làm sao chúng sinh được công đức từ mình. Do đó Ngài không dùng thần thông ngoài chuyện độ sinh, hơn nữa Ngài hỏi do thuận tiện.

              Nguồn: https://youtu.be/xGwzsNKLZwY
              Đoạn: 00:03:50

              55
              Trước khi xuất gia, Subhadda cùng với 2 con trai là thợ hớt tóc. Một lần Subhadda nghe tin Thế Tôn và đại chúng tỳ kheo đến, ông và 2 con trở lại nghề cũ là hớt tóc. Sau khi hớt tóc xong cư sĩ trả công bằng thực phẩm và ông đem thực phẩm đó cúng dường trai tăng đến Thế tôn. Nhưng Thế Tôn chẳng những không nhận mà còn khiển trách, sau khi ban hành học giới cấm, Thế Tôn tiếp tục đi khất thực. Do việc này mà Subhadda oán hận Thế Tôn.
              Chú giải Pāḷi: subhaddo nāma vuḍḍhapabbajitoti “subhaddo”ti tassa nāmaṃ. vuḍḍhakāle pana pabbajitattā “vuḍḍhapabbajito”ti vuccati. kasmā pana so evamāha? bhagavati āghātena. ayaṃ kireso khandhake āgate ātumāvatthusmiṃ nahāpitapubbako vuḍḍhapabbajito bhagavati kusinārato nikkhamitvā aḍḍhateḷasehi bhikkhusatehi saddhiṃ ātumaṃ āgacchante bhagavā āgacchatīti sutvā  “āgatakāle yāgupānaṃ karissāmī”ti sāmaṇerabhūmiyaṃ ṭhite dve putte etadavoca  “bhagavā kira, tātā, ātumaṃ āgacchati mahatā bhikkhusaṅghena saddhiṃ aḍḍhateḷasehi bhikkhusatehi; gacchatha tumhe, tātā, khurabhaṇḍaṃ ādāya nāḷiyāvāpakena anugharakaṃ anugharakaṃ āhiṇḍatha loṇampi telampi taṇḍulampi khādanīyampi saṃharatha bhagavato āgatassa yāgupānaṃ karissāmā”ti (mahāva. 303). te tathā akaṃsu.
              Tham khảo: https://youtu.be/xGwzsNKLZwY
              Đoạn 00:11:40
              56

              Trong chú giải ghi rõ, khi Subhadda nói câu đó thì ngài Mahākassapa vốn là vị A-la-hán không còn tâm sân, bất mãn, hờn giận nhưng câu nói đó đối với ngài có tác động sinh lý – không phải tâm lý – cảm giác giống như ai đó lấy nắm tay đấm vào trái tim của ngài , hoặc giống như sét đánh trên đầu ngài . Lúc đó ngài khởi lên tâm xúc động . Chúng ta xúc động thì do tình thương, ghét, giận, còn ngài thì nghĩ đến chánh pháp:

              Đức Thế Tôn mới vừa Niết bàn bảy hôm thôi, cho đến hôm nay thì kim thân còn quàn ở đó.

              Phật pháp Đức Thế Tôn khổ công gầy dựng ra, hôm nay đã có chướng ngại rồi, nếu mình không chận thì sẽ phát triển nữa, những người như thế này sẽ phá đạo. Nghĩ như vậy mà ngài chớm có ý kiết tập sau này.

              Chú giải Pāḷi: thero taṃ sutvā hadaye pahāradānaṃ viya matthake patitasukkhāsani viya maññi, dhammasaṃvego cassa uppajji  “sattāhamattaparinibbuto bhagavā, ajjāpissa suvaṇṇavaṇṇaṃ sarīraṃ dharatiyeva, dukkhena bhagavatā ārādhitasāsane nāma evaṃ lahu mahantaṃ pāpakasaṭaṃ kaṇṭako uppanno, alaṃ kho panesa pāpo vaḍḍhamāno aññepi evarūpe sahāye labhitvā sakkā sāsanaṃ osakkāpetun”ti. tato thero cintesi

              Tham khảo: https://youtu.be/xGwzsNKLZwY
              Đoạn 00:17:20

              57

              Bởi vì rất nhiều chư Thiên trước đây là học trò của ngài Mahākassapa, hoặc những vị đã từng hộ độ Ngài. Trong đại lễ Trà tỳ, chư Thiên không thấy sư phụ, họ hỏi nhau: Sư phụ mình đâu rồi? Thấy ngài đang đi trên đường, họ bèn chú nguyện rằng cho đến bao giờ sư phụ chưa về đảnh lễ kim quan thì xin hỏa đài đừng phát lửa.

              Chú giải Pāḷi:

              devatānaṃ adhippāyoti ettha  kira devatā therassa upaṭṭhākadevatāva. asītimahāsāvakesu hi cittāni pasādetvā tesaṃ upaṭṭhākāni asītikulasahassāni sagge nibbattāni. tattha there cittaṃ pasādetvā sagge nibbattā devatā tasmiṃ samāgame theraṃ adisvā  “kuhiṃ nu kho amhākaṃ kulūpakatthero”ti antarāmagge paṭipannaṃ disvā “amhākaṃ kulūpakattherena avandite citako  pajjalitthā”ti adhiṭṭhahiṃsu.

              ♦ manussā taṃ sutvā  “mahākassapo kira nāma bho bhikkhu pañcahi bhikkhusatehi saddhiṃ ‘dasabalassa pāde vandissāmī’ti āgacchati. tasmiṃ kira anāgate citako na pajjalissati. kīdiso bho so bhikkhu kāḷo odāto dīgho rasso, evarūpe nāma bho bhikkhumhi ṭhite kiṃ dasabalassa parinibbānaṃ nāmā”ti keci gandhamālādihatthā paṭipathaṃ gacchiṃsu. keci vīthiyo vicittā katvā āgamanamaggaṃ olokayamānā aṭṭhaṃsu.

              Tham khảo: https://youtu.be/xGwzsNKLZwY
              Đoạn 00:25:50

              58
              Lúc bấy giờ ngài Mahākassapa đi đến, ngài đi nhiễu vòng quanh kim quan của Thế Tôn, quan sát và xác định – đây là phần trên, đây là phần chân. Ngài đứng kế bên chân của Thế Tôn, nhập thiền và chú nguyện mong rằng kim quan Thế Tôn tự tách ra để cho phát lộ đôi chân của Thế Tôn.Kim thân Thế Tôn được quấn trong 500 lớp vải trắng và đặt trong hòm sắt đựng đầy dầu. Hòm sắt này được đặt trong một hòm sắt khác, hòm sắt đó được đặt trên hỏa đài toàn gỗ trầm hương. Khi ngài Mahākassapa chú nguyện như vậy, từ năm trăm lớp vải tách ra, hòm đựng dầu thứ nhất tách ra, lớp hòm thứ hai bên ngoài cũng tách ra, mọi người đều nhìn thấy.
              Tôn giả Mahākassapa đưa bàn tay ra nắm chặt hai mắt cá của Thế Tôn, đặt đầu mình vào đó và đánh lễ. Sau khi kim quan tách ra và sau đó đóng lại, một giọt dầu cũng không chảy ra ngoài, tất cả đều trở lại tình trạng như cũ.Đại chúng nhìn thấy cảnh đó đồng loạt khóc, khóc lớn thành tiếng. Thế rồi lửa bắt đầu cháy tự nhiên.Chú giải Pāḷi:

              atha kho āyasmā mahākassapo yena kusinārā  pe  sirasā vandīti thero kira citakaṃ padakkhiṇaṃ katvā āvajjantova sallakkhesi  “imasmiṃ ṭhāne sīsaṃ, imasmiṃ ṭhāne pādā”ti. tato pādānaṃ samīpe ṭhatvā abhiññāpādakaṃ catutthajjhānaṃ samāpajjitvā vuṭṭhāya  “arāsahassapaṭimaṇḍitacakkalakkhaṇapatiṭṭhitā dasabalassa pādā saddhiṃ kappāsapaṭalehi pañca dussayugasatāni suvaṇṇadoṇiṃ candanacitakañca dvedhā katvā mayhaṃ uttamaṅge sirasmiṃ patiṭṭhahantū”ti adhiṭṭhāsi. saha adhiṭṭhānacittena tāni pañca dussayugasatāni dvedhā katvā valāhakantarā puṇṇacando viya pādā nikkhamiṃsu. thero vikasitarattapadumasadise hatthe pasāretvā suvaṇṇavaṇṇe satthupāde yāva gopphakā daḷhaṃ gahetvā attano siravare patiṭṭhapesi. tena vuttaṃ  “bhagavato pāde sirasā vandī”ti.

              ♦ mahājano taṃ acchariyaṃ disvā ekappahāreneva mahānādaṃ nadi, gandhamālādīhi pūjetvā yathāruci vandi. evaṃ pana therena ca mahājanena ca tehi ca pañcahi bhikkhusatehi vanditamatte puna adhiṭṭhānakiccaṃ natthi. pakatiadhiṭṭhānavaseneva therassa hatthato muccitvā alattakavaṇṇāni bhagavato pādatalāni candanadāruādīsu kiñci acāletvāva yathāṭhāne patiṭṭhahiṃsu, yathāṭhāne ṭhitāneva ahesuṃ. bhagavato hi pādesu nikkhamantesu  pavisantesu  kappāsāṃsu  dasikatantaṃ  telabindu  dārukkhandhaṃ  ṭhānā calitaṃ nāma nāhosi. sabbaṃ yathāṭhāne ṭhitameva ahosi. uṭṭhahitvā pana atthaṅgate cande viya sūriye viya ca tathāgatassa pādesu antarahitesu mahājano mahākanditaṃ kandi. parinibbānakālato adhikataraṃ kāruññaṃ ahosi.

              59 Bà la môn Doṇa đã giấu một chiếc răng vào búi tóc, nhưng vua trời Đế Thích nghĩ rằng ông không có khả năng thờ phụng một cách đúng mức nên đã dùng thần thông đem về lập tháp Culamani thờ trên cõi Đao Lợi
              Chú giải Pāḷi: brāhmaṇopi tasmiṃ samaye tesaṃ pamattabhāvaṃ ñatvā dakkhiṇadāṭhaṃ gahetvā veṭhantare ṭhapesi, atha pacchā aṭṭhadhā samaṃ suvibhattaṃ vibhaji, sabbāpi dhātuyo pākatikanāḷiyā soḷasa nāḷiyo ahesuṃ, ekekanagaravāsino dve dve nāḷiyo labhiṃsu. brāhmaṇassa pana dhātuyo vibhajantasseva sakko devānamindo  “kena nu kho sadevakassa lokassa kaṅkhacchedanatthāya catusaccakathāya paccayabhūtā bhagavato dakkhiṇadāṭhā gahitā”ti olokento “brāhmaṇena gahitā”ti disvā  “brāhmaṇopi dāṭhāya anucchavikaṃ sakkāraṃ kātuṃ na sakkhissati, gaṇhāmi nan”ti veṭhantarato gahetvā suvaṇṇacaṅkoṭake ṭhapetvā devalokaṃ netvā cūḷāmaṇicetiye patiṭṭhapesi.
              Tham khảo: https://youtu.be/xGwzsNKLZwY
              Đoạn: 00:35:30
              60

              Nói về vua Ajātasattu, trong đám phàm phu không có ai thương Phật bằng vua Ajātasattu. Khi hung tin Thế Tôn đã viên tịch từ Kusinārā bay về, vua Ajātasattu chết giấc ngay lập tức. Quần thần lấy nước rửa mặt cho vua tỉnh dậy. Tỉnh dậy vua hỏi lại sứ giả cho rõ hung tin, rồi vua xỉu thêm một lần nữa, xỉu ba lần như vậy. Sau đó vua Ajātasattu cử binh đi rước xá lợi về. Từ đó mới có chuyện chia xá lợi, nếu không thì máu lửa binh đao. Trên đường về, dân chúng đổ ra đường càng lúc càng đông, khóc đòi chiêm bái phần xá lợi vua Ajātasattu đem về. Các vị A-la-hán nghĩ nếu kéo dài thời gian thì sẽ xảy ra chuyện và thêm tội lỗi, nên các ngài quyết định rút ngắn thời gian. Đế Thích dùng thần thông tạo ra những hình ảnh và âm thanh kinh hoàng giống như Ác Ma xuống phá. Dân chúng sợ không dám lại gần nữa. Thế là đoàn đi thẳng đường về Rājagaha. Theo lời đề nghị của vua thì ngài Mahākassapa đích thân tôn trí xá lợi vào đại bảo tháp và ngài biết rõ rằng về sau sẽ có vua Asoka ra đời. Ngài biết trải qua hai trăm năm đền tháp nào cũng hư hao, có cái sụp đổ, lúc đó vua Asoka từ một bạo chúa sẽ trở thành minh quân, sẽ hộ trì Phật pháp và chia đều xá lợi để tôn thờ trong nhiều bảo tháp từ Ấn Độ và bên ngoài Ấn Độ. Vì thế là ngài chú nguyện: “imasmim thane yo pāsāno atthi, so antaradhāyatu, pamsu suvisuddhā hotu, udakam mã utthahatū”ti . Xin cho đừng có một viên đá sỏi, bụi bặm đừng lọt vào trong tháp và nước không làm cho hư sụp. 2. Khi ngài đặt bảo tháp vào thì ngài chú nguyện thêm điều thứ hai: ‘mālā mā milāyantu, (tràng hoa đặt trong này không héo) gandhā mā vinassantu, (bột trầm rắc nơi đây đừng phai mùi), dīpā mā vijjhāyantu” (đèn đừng tắt). Lời chú nguyện đó ngài cho khắc vào trong một miếng vàng cán mỏng để làm tín vật cho hậu thế.

              Về sau này vua Asoka phân tán, chia đều xá lợi nhiều phần nhỏ làm thành nhiều tháp. Từ một bạo chúa trở thành Phật tử, vua được một vị sa di tên là Nigrodha giúp cho vua đảnh lễ bảo tháp này bảo tháp kia. Quí vị có thể xem thêm trong Đại Vương Thống Sử, Thượng tọa Minh Huệ, Thượng tọa Indacanda dịch, lịch sử Phật Giáo Tích Lan, nói về phần xá lợi rất kỹ.

              Vị sa di Nigrodha giải thích cho vua Asoka: Đây là tháp của hai vị Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên là hai cánh tay phải trái của Thế Tôn, giúp ích cho Thể Tôn rất nhiều trong chuyện hoằng pháp. Đây là bảo tháp của ngài Mahākassapa, vị này kiết tập Tam Tạng, không có ngài thì hôm nay mình không có kinh điển, đây là bảo tháp của ngài Ānanda, vị này là thị giả của Đức Phật, đệ nhất thanh văn, thủ khố chánh pháp. Đây là bảo tháp của ngài Aṇgulimala, đây là bảo tháp của ngài Mahākaccāna. Rồi đến một bảo tháp kia, sa-di Nigrodha nói, đây là bảo tháp của một vị A-la-hán, đắc xong rồi ở một mình, không thuyết pháp, không độ ai hết, thế là vua A Dục cúng chỉ một đồng bạc vì nghĩ vị A-la-hán này không có gì đặc biệt trong chuyện hoằng pháp.

              Đến tháp thờ xá lợi do vua Ajātasattu cất thì vua Asoka được nghe kể rất rõ chỗ này ngài Mahākassapa báo trước sau này sẽ có vị vua Asoka. Giờ đây tháp bị hư bị sụp. Mở tháp ra vua Asoka bàng hoàng quì sụp xuống. Đèn vẫn cháy, tràng hoa trải qua hơn hai trăm năm vẫn còn tươi nguyên như mới được đặt vào sáng nay. Vua tin là Phật có thật, vua mới phát đại bồ đề tâm trùng hưng các tháp, truyền bá giáo lý Phật Đà khắp muôn nơi.

              Chú giải Pāḷi:

              evametaṃ bhūtapubbanti evaṃ etaṃ dhātubhājanañceva dasathūpakaraṇañca jambudīpe bhūtapubbanti pacchā saṅgītikārakā āhaṃsu. evaṃ patiṭṭhitesu pana thūpesu mahākassapatthero dhātūnaṃ antarāyaṃ disvā rājānaṃ ajātasattuṃ upasaṅkamitvā “mahārāja, ekaṃ dhātunidhānaṃ kātuṃ vaṭṭatī”ti āha. sādhu, bhante, nidhānakammaṃ tāva mama hotu, sesadhātuyo pana kathaṃ āharāmīti? na, mahārāja, dhātuāharaṇaṃ tuyhaṃ bhāro, amhākaṃ bhāroti. sādhu, bhante, tumhe dhātuyo āharatha, ahaṃ dhātunidhānaṃ karissāmīti. thero tesaṃ tesaṃ rājakulānaṃ paricaraṇamattameva ṭhapetvā sesadhātuyo āhari. rāmagāme pana dhātuyo nāgā pariggaṇhiṃsu, tāsaṃ antarāyo natthi. “anāgate laṅkādīpe mahāvihāre mahācetiyamhi nidahissantī”ti  na āharitvā sesehi sattahi nagarehi āharitvā rājagahassa pācīnadakkhiṇadisābhāge ṭhatvā  “imasmiṃ ṭhāne yo pāsāṇo atthi, so antaradhāyatu, paṃsu suvisuddhā hotu, udakaṃ  uṭṭhahatū”ti adhiṭṭhāsi.

              ♦ rājā taṃ ṭhānaṃ khaṇāpetvā tato uddhatapaṃsunā iṭṭhakā kāretvā asītimahāsāvakānaṃ cetiyāni kāreti. “idha rājā kiṃ kāretī”ti pucchantānampi “mahāsāvakānaṃ cetiyānī”ti vadanti, na koci dhātunidhānabhāvaṃ jānāti. asītihatthagambhīre pana tasmiṃ padese jāte heṭṭhā lohasanthāraṃ santharāpetvā tattha thūpārāme cetiyagharappamāṇaṃ tambalohamayaṃ gehaṃ kārāpetvā aṭṭha aṭṭha haricandanādimaye karaṇḍe ca thūpe ca kārāpesi. atha bhagavato dhātuyo haricandanakaraṇḍe pakkhipitvā taṃ haricandanakaraṇḍakampi aññasmiṃ haricandanakaraṇḍake, tampi aññasminti evaṃ aṭṭha haricandanakaraṇḍe ekato katvā eteneva upāyena te aṭṭha karaṇḍe aṭṭhasu haricandanathūpesu, aṭṭha haricandanathūpe aṭṭhasu lohitacandanakaraṇḍesu, aṭṭha lohitacandanakaraṇḍe aṭṭhasu lohitacandanathūpesu, aṭṭha lohitacandanathūpe aṭṭhasu dantakaraṇḍesuaṭṭha dantakaraṇḍe aṭṭhasu dantathūpesu, aṭṭha dantathūpe aṭṭhasu sabbaratanakaraṇḍesu, aṭṭha sabbaratanakaraṇḍe aṭṭhasu sabbaratanathūpesu, aṭṭha sabbaratanathūpe aṭṭhasu suvaṇṇakaraṇḍesu, aṭṭha suvaṇṇakaraṇḍe, aṭṭhasu suvaṇṇathūpesu, aṭṭha suvaṇṇathūpe aṭṭhasu rajatakaraṇḍesu, aṭṭha rajatakaraṇḍe aṭṭhasu rajatathūpesu, aṭṭha rajatathūpe, aṭṭhasu maṇikaraṇḍesu, aṭṭha maṇikaraṇḍe aṭṭhasu maṇithūpesu, aṭṭha maṇithūpe aṭṭhasu lohitaṅkakaraṇḍesu, aṭṭha lohitaṅkakaraṇḍe aṭṭhasu lohitaṅkathūpesu, aṭṭha lohitaṅkathūpe aṭṭhasu masāragallakaraṇḍesu, aṭṭha masāragallakaraṇḍe aṭṭhasu masāragallathūpesu, aṭṭha masāragallathūpe aṭṭhasu phalikakaraṇḍesu, aṭṭha phalikakaraṇḍe aṭṭhasu phalikamayathūpesu pakkhipi.

              ♦ sabbesaṃ uparimaṃ phalikacetiyaṃ thūpārāmacetiyappamāṇaṃ ahosi, tassa upari sabbaratanamayaṃ gehaṃ kāresi, tassa upari suvaṇṇamayaṃ, tassa upari rajatamayaṃ, tassa upari tambalohamayaṃ gehaṃ. tattha sabbaratanamayaṃ vālikaṃ okiritvā jalajathalajapupphānaṃ sahassāni vippakiritvā aḍḍhachaṭṭhāni jātakasatāni asītimahāthere suddhodanamahārājānaṃ mahāmāyādeviṃ satta sahajāteti sabbānetāni suvaṇṇamayāneva kāresi. pañcapañcasate suvaṇṇarajatamaye puṇṇaghaṭe ṭhapāpesi, pañca suvaṇṇaddhajasate ussāpesi. pañcasate suvaṇṇadīpe, pañcasate rajatadīpe kārāpetvā sugandhatelassa pūretvā tesu dukūlavaṭṭiyo ṭhapesi.

              ♦ athāyasmā mahākassapo  “mālā  milāyantu, gandhā  vinassantu, dīpā  vijjhāyantū”ti adhiṭṭhahitvā suvaṇṇapaṭṭe akkharāni chindāpesi 

              ♦ “anāgate piyadāso nāma kumāro chattaṃ ussāpetvā asoko dhammarājā bhavissati. so imā dhātuyo vitthārikā karissatī”ti.

              ♦ rājā sabbapasādhanehi pūjetvā ādito paṭṭhāya dvāraṃ pidahanto nikkhami, so tambalohadvāraṃ pidahitvā āviñchanarajjuyaṃ kuñcikamuddikaṃ bandhitvā tattheva mahantaṃ maṇikkhandhaṃ ṭhapetvā  “anāgate daliddarājā imaṃ maṇiṃ gahetvā dhātūnaṃ sakkāraṃ karotū”ti akkharaṃ chindāpesi.

              ♦ sakko devarājā vissakammaṃ āmantetvā  “tāta, ajātasattunā dhātunidhānaṃ kataṃ, ettha ārakkhaṃ paṭṭhapehī”ti pahiṇi. so āgantvā vāḷasaṅghāṭayantaṃ yojesi, kaṭṭharūpakāni tasmiṃ dhātugabbhe phalikavaṇṇakhagge gāhetvā vātasadisena vegena anupariyāyantaṃ yantaṃ yojetvā ekāya eva āṇiyā bandhitvā samantato giñjakāvasathākārena silāparikkhepaṃ katvā upari ekāya pidahitvā paṃsuṃ pakkhipitvā bhūmiṃ samaṃ katvā tassa upari pāsāṇathūpaṃ patiṭṭhapesi. evaṃ niṭṭhite dhātunidhāne yāvatāyukaṃ ṭhatvā theropi parinibbuto, rājāpi yathākammaṃ gato, tepi manussā kālaṅkatā.

              ♦ aparabhāge piyadāso nāma kumāro chattaṃ ussāpetvā asoko nāma dhammarājā hutvā  dhātuyo gahetvā jambudīpe vitthārikā akāsi. kathaṃ? so nigrodhasāmaṇeraṃ nissāya sāsane laddhappasādo caturāsīti vihārasahassāni kāretvā bhikkhusaṅghaṃ pucchi  “bhante, mayā caturāsīti vihārasahassāni kāritāni, dhātuyo kuto labhissāmī”ti? mahārāja,  “dhātunidhānaṃ nāma atthī”ti suṇoma, na pana paññāyati  “asukasmiṃ ṭhāne”ti. rājā rājagahe cetiyaṃ bhindāpetvā dhātuṃ apassanto paṭipākatikaṃ kāretvā bhikkhubhikkhuniyo upāsakaupāsikāyoti catasso parisā gahetvā vesāliṃ gato. tatrāpi alabhitvā kapilavatthuṃ. tatrāpi alabhitvā rāmagāmaṃ gato. rāmagāme nāgā cetiyaṃ bhindituṃ na adaṃsu, cetiye nipatitakudālo khaṇḍākhaṇḍaṃ hoti. evaṃ tatrāpi alabhitvā allakappaṃ veṭhadīpaṃ pāvaṃ kusināranti sabbattha cetiyāni bhinditvā dhātuṃ alabhitvāva paṭipākatikāni katvā puna rājagahaṃ gantvā catasso parisā sannipātāpetvā  “atthi kenaci sutapubbaṃ ‘asukaṭṭhāne nāma dhātunidhānan’ti” pucchi.

              ♦ tatreko vīsavassasatiko thero  “asukaṭṭhāne dhātunidhānan”ti na jānāmi, mayhaṃ pana pitā mahāthero maṃ sattavassakāle mālācaṅkoṭakaṃ gāhāpetvā  “ehi sāmaṇera, asukagacchantare pāsāṇathūpo atthi, tattha gacchāmā”ti gantvā pūjetvā  “imaṃ ṭhānaṃ upadhāretuṃ vaṭṭati sāmaṇerā”ti āha. ahaṃ ettakaṃ jānāmi mahārājāti āha. rājā “etadeva ṭhānan”ti vatvā gacche hāretvā pāsāṇathūpañca paṃsuñca apanetvā heṭṭhā sudhābhūmiṃ addasa. tato sudhañca iṭṭhakāyo ca hāretvā anupubbena pariveṇaṃ oruyha sattaratanavālukaṃ asihatthāni ca kaṭṭharūpakāni samparivattakāni addasa. so yakkhadāsake pakkosāpetvā balikammaṃ kāretvāpi neva antaṃ na koṭiṃ passanto devatānaṃ namassamāno  “ahaṃ imā dhātuyo gahetvā caturāsītiyā vihārasahassesu nidahitvā sakkāraṃ karomi,  me devatā antarāyaṃ karontū”ti āha.

              ♦ sakko devarājā cārikaṃ caranto taṃ disvā vissakammaṃ āmantesi  “tāta, asoko dhammarājā ‘dhātuyo nīharissāmī’ti pariveṇaṃ otiṇṇo, gantvā kaṭṭharūpakāni hārehī”ti. so pañcacūḷagāmadārakavesena gantvā rañño purato dhanuhattho ṭhatvā  “harāmi mahārājā”ti āha. “hara, tātā”ti saraṃ gahetvā sandhimhiyeva vijjhi, sabbaṃ vippakiriyittha. atha rājā āviñchane bandhaṃ kuñcikamuddikaṃ gaṇhi, maṇikkhandhaṃ passi. “anāgate daliddarājā imaṃ maṇiṃ gahetvā dhātūnaṃ sakkāraṃ karotū”ti puna akkharāni disvā kujjhitvā  “mādisaṃ nāma rājānaṃ daliddarājāti vattuṃ ayuttan”ti punappunaṃ ghaṭetvā dvāraṃ vivarāpetvā antogehaṃ paviṭṭho.

              ♦ aṭṭhārasavassādhikānaṃ dvinnaṃ vassasatānaṃ upari āropitadīpā tatheva pajjalanti. nīluppalapupphāni taṅkhaṇaṃ āharitvā āropitāni viya, pupphasanthāro taṅkhaṇaṃ santhato viya, gandhā taṃ muhuttaṃ pisitvā ṭhapitā viya rājā suvaṇṇapaṭṭaṃ gahetvā  “anāgate piyadāso nāma kumāro chattaṃ ussāpetvā asoko nāma dhammarājā bhavissati so imā dhātuyo vitthārikā karissatī”ti vācetvā  “diṭṭho bho, ahaṃ ayyena mahākassapattherenā”ti vatvā vāmahatthaṃ ābhujitvā dakkhiṇena hatthena apphoṭesi. so tasmiṃ ṭhāne paricaraṇadhātumattameva ṭhapetvā sesā dhātuyo gahetvā dhātugehaṃ pubbe pihitanayeneva pidahitvā sabbaṃ yathāpakatiyāva katvā upari pāsāṇacetiyaṃ patiṭṭhāpetvā caturāsītiyā vihārasahassesu dhātuyo patiṭṭhāpetvā mahāthere vanditvā pucchi  “dāyādomhi, bhante, buddhasāsane”ti. kissa dāyādo tvaṃ, mahārāja, bāhirako tvaṃ sāsanassāti. bhante, channavutikoṭidhanaṃ vissajjetvā caturāsīti vihārasahassāni kāretvā ahaṃ na dāyādo, añño ko dāyādoti? paccayadāyako nāma tvaṃ mahārāja, yo pana attano puttañca dhītarañca pabbājeti, ayaṃ sāsane dāyādo nāmāti. so puttañca dhītarañca pabbājesi. atha naṃ therā āhaṃsu  “idāni, mahārāja, sāsane dāyādosī”ti.

              Tham khảo: https://youtu.be/xGwzsNKLZwY
              Đoạn: 00:36:30