AOKI, BUNKYŌ

AOKI, BUNKYŌ (青木文教 Thanh Mộc Văn giáo: 1886-1956), một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa và Phật giáo Tây Tạng tại Nhật Bản. Aoki sinh ra ở tỉnh Shiga và mất ở Tokyo, khi đang là giảng viên tiếng Tây Tạng tại Đại học Tokyo.

Năm 1909, ông tốt nghiệp Đại học Phật giáo (sau này là Đại học Ryukoku – Long Cốc) và được cử sang Ấn Độ theo yêu cầu của đại tỳ-kheo Kozui Otani thuộc Nishi-honganji (Tây Bổn Nguyện Tự), để nghiên cứu các di tích lịch sử Phật giáo và thúc đẩy việc giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản với các nước châu Á khác. Năm 1911, ông được cử sang Anh để học về hệ thống giáo dục ở đó. Theo lời mời của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13, ông đến Tây Tạng vào năm 1912 và ở đó khoảng 5 năm với tư cách là cố vấn giáo dục cho chính phủ của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Năm 1918, ông được cử đến Đông Nam Á. Ông đã tham gia vào nghiên cứu thực tế về nông nghiệp nhiệt đới ở Java trong năm tháng. Theo yêu cầu của Đại học Hoàng gia Kyoto, vào năm 1935, ông


đã tiến hành nghiên cứu về ngôn ngữ Tây Tạng và tiếp tục việc này trong hai năm. Từ năm 1941, Cục Nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Nhật Bản giao cho ông tiến hành nghiên cứu về tình hình ở Tây Tạng. Vào tháng 11 năm 1947, ông được cử làm cố vấn giáo dục ở Tokyo trong ba năm rưỡi, cho đến khi được bổ nhiệm làm giảng viên của Đại học Tokyo, chức vụ mà ông giữ cho đến khi qua đời.

Ông đã đóng góp đáng kể cho việc nghiên cứu văn hóa Tây Tạng cũng như trong sự thúc đẩy việc nghiên cứu và  Phật giáo Tây Tạng. Sau đây là những tác phẩm chính của ông.

1. Về văn hóa.

Tây Tạng Du Ký ((西藏遊記, cuốn sách về du hành ở Tây Tạng) năm 1920; Tây Tạng Văn Hóa Tân Nghiên Cứu (西藏文化の新研究, tác phẩm bao gồm các nghiên cứu của ông về văn hóa Tây Tạng) năm 1940; Tây Tạng Dân Tộc và Văn Hóa (西臓の民族と文化, dân tộc và và văn hóa ở Tây Tạng) năm 1942; Tây Tạng Toàn Ký (西藏全記, bản tóm tắt về Tây Tạng) năm 1945; Tây Tạng Ngữ Học (西蔵語学 nghiên cứu ngôn ngữ Tây Tạng) năm 1945; ‘Nghiên cứu về biên niên sử Tây Tạng sơ kỳ, sai biệt về ngày tháng và điều chỉnh’, xuất bản bởi Hội Chấn Hưng Học Thuật Nhật Bản năm 1955. Các bài báo có tựa đề Hiện Kim Tây Tạng (現今の西蔵, Tây Tạng ngày nay) năm 1917 và Tây Tạng Phật Giáo Sử Khái Duyệt (西蔵仏教史概説, tóm tắt lịch sử Phật giáo Tây Tạng) năm 1923 lần lượt được phát hành trên các Tạp chí có tên là ‘Rokujo-gakuho’ và ‘Daijo’.

2. Dịch thuật và nghiên cứu tài liệu Tạng ngữ:

Các bài viết sau đây được phát hành trên nguyệt san có tên ‘Daijo’ (Đại Thừa). ‘Tây Tạng Phật Giáo hiện Cực Lạc Nguyện Sanh Kệ phiên dịch’ (西蔵仏教に現れたる極楽願生偈の翻訳 – bản dịch chuyện ‘Cực Lạc Nguyện Sanh’ trong Phật Giáo Tây Tạng) năm 1922;  ‘Phật Thuyết A-di-đà Kinh Tây Tạng Văn Hòa Dịch Giới thiệu’ (仏説阿弥陀経の西蔵分和訳を紹介す – giới thiệu bản dịch Nhật Ngữ Phật Thuyết A-di-đà Kinh từ bản Tây Tạng) năm 1922; ‘Long Thọ Bồ Tát Cực Lạc Nguyện Sanh kệ Luận Tây Tạng Mật giáo Tịnh độ Tư tưởng cập’ (竜樹菩薩の極楽願生偈を論じてチベット密教の浄土思想に及ぶ – tham khảo tư tưởng Tịnh Độ trong Phật giáo bí truyền Tây Tạng qua thảo luận chuyện Cực Lạc Nguyện Sanh’ của Bồ Tát Long Thọ) năm 1922; ‘Đại Vô Lượng Thọ Kinh Tây Tạng Dịch’ (大無量寿経の西蔵役 – về bản dịch Tạng ngữ của kinh Vô Lượng Thọ) năm 1923. Cuốn Tây Tạng Nguyên Bản Đại Vô Lượng Thọ Kinh Quốc Dịch (西藏原本大無量壽經國譯, bản dịch Nhật ngữ Kinh Đại Vô Lượng Thọ nguyên bản tiếng Tây Tạng) phát hành thành sách năm 1928.

K. Ha.