ANUSAYA (Tùy miên)

ANUSAYA (Tùy miên) (Skt. anuśaya), những khuynh hướng cố hữu, sự dai dẳng của những khuynh hướng tâm thức ngủ ngầm hoặc tiềm tàng đưa đến nhiều loại xu hướng xấu ác (phiền não ngủ ngầm). Thuật ngữ anusaya, bắt nguồn từ gốc anusi, có nghĩa là ‘sống cùng với’ hoặc ‘bám vào’. Nó luôn được dùng với nghĩa thiên kiến, nghiêng lệch. Luận sư Phật Âm gọi phiền não là tùy miên vì sự dai dẳng của nó. Nó luôn có xu hướng trở thành một điều kiện thuận lợi cho sự sinh khởi những phiền não mới (Vism. 587). Ngài Thế Thân gọi nó là gốc của sự sanh diệt (mūlaṃ bhavasyānuśayaḥ: Abhk. ch. v, kārikā, 1). Chú giải Vibhāṣāprabhāvṛtti của tập Abhidharmadīpa (Thắng Pháp Đăng Luận) viết đó là cái xuyên suốt trong chuỗi tâm thức (santati: luận giải về về kārikā 261 của Thắng Pháp Đăng Luận). Có bảy khuynh hướng như vậy được liệt kê: dục vọng (kāma-rāga), sân hận (paṭigha-pratigha), tri kiến (diṭṭhi, dṛṣṭi), hoài nghi (vicikicchā, vicikitsā), ngã mạn (māna), hữu tham (bhavarāga) và vô minh (avijjā, avidyā): (Vism. 587, Abhk. ch. v; Sūtrāl. xiv, 46, 140; Śikṣ. 18, 19: Bbh. 57; Divy. 46-9, 209).

Sự bùng nổ của những tùy miên này gọi là pariyuṭṭhāna (Skt. paryavasthāna – đột khởi). Có bảy pariyuṭṭhāna (đột khởi ) ứng với bảy tùy miên cùng tên (Vbh. 383). Trong truyền thống của phái Tỳ Bà Sa Bộ, các phiền não khác nhau (kleśa) được liệt kê theo các đột khởi. Trong chú giải Vibhāṣāprabhāvṛtti của tập Thắng Pháp Đăng Luật liệt kê mười loại: mrakṣa (makkha – gièm pha), īrṣyā (issā – tật đố), ahri (ahirika- vô tàm), anapatrāpya (anottappa – vô quý), styāna (thīna – hôn trầm), middha (dã dượi), auddhatya (uddhatya – trạo cử), krodha (kodha – hiềm hận), mātsarya (macchariya – bỏn xẻn) và kraukṛtya (kukkucca – hối quá).: Vṛtti về kārikā 373). Đây dường như là một truyền thống Thắng pháp. Phái Kinh Lượng Bộ không coi mười điều này là đột khởi. Họ đồng ý với truyền thống của phái Thượng Tọa Bộ dựa trên kinh điển trong việc coi đột khởi là sự bộc phát của tùy miên tiềm ẩn.

Mối quan hệ giữa tùy miên và đột khởi được giải thích trong Đại kinh Māluṅkya thuộc kinh Trung Bộ. Bài kinh này đề cập đến năm saṃyojana (kiết sử) trói buộc mọi chúng sinh vào cõi giới thấp thỏi. Trong kinh viết rằng những kẻ ngoại đạo thường chế nhạo giáo lý kiết sử này của Phật giáo, nói rằng: “Một đứa trẻ sơ sinh không nhận thức được các dục vọng, càng không thể có đam mê nảy sinh trong nó, những khuynh hướng nhục dục tiềm ẩn” (M. I, 433 ff.)  Theo tập Chú giải, những ngoại đạo này tin rằng một người chỉ hợp kết với phiền não khi chúng (phiền não) thức động, còn vào những thời điểm khác, người đó tách rời khỏi những phiền nào này (MA, III, 144-5). Rõ ràng họ tin rằng trẻ sơ sinh không bị dính mắc vào phiền não.

Các Phật tử không chấp nhận quan điểm này. Theo họ, ngay cả một đứa trẻ sơ sinh cũng có phiền não, vì phiền não hiện diện trong đứa trẻ ở trạng thái ngủ yên (tùy miên) và trở nên thức động khi có những điều kiện thích hợp phát sinh (đột khởi). Điều này ngụ ý rằng khi phiền não không thức động, chúng luôn ở trạng thái ngủ yên. Nếu chúng luôn hiện diện trong tâm thức thì đột khởi luôn luôn là bất thiện pháp, vì thiện pháp không thể cùng tồn tại hay kết hợp với bất thiện pháp. Do đó, sẽ không có tâm thiện chừng nào những phiền não tiềm tàng không bị diệt trừ; và chúng sẽ không bị diệt trừ nếu không có tâm thiện.

Các giải pháp khác nhau cho vấn đề này được đưa ra bởi các trường phái khác nhau. Các tu sĩ Thượng Tọa Bộ, bất chấp sự phản đối của phái với quan điểm ngoại đạo như đã nêu ở trên và đối với cả phái Tỳ Bà Sa bộ, đã phủ nhận sự tồn tại của tùy miên bên ngoài các đột khởi. Theo họ, một tâm là bất thiện chỉ khi những phiền não đang hoạt động. Không có thứ gọi là phiền não hoàn toàn tiềm ẩn. Phái Vātsīputrīya (Trụ Tử Bộ) giữ quan điểm về sự khác nhau giữa tùy miên đột khởi nhưng cho rằng tùy miên là các citta-viprayukta-saṃskāra (hành không tương ưng tâm) và do đó có thể cùng tồn tại với thiện pháp. Chúng bao gồm các tùy miên trong prāpti (đắc), một hành không tương ưng tâm trong danh sách của phái Tỳ Bà Sa Bộ. Phái Kinh Lượng Bộ khẳng định rằng các tùy miên cũng như các mầm thiện pháp (kuśaladharma-bīja) cùng tồn tại song song dưới dạng các hạt giống (bīja), nhưng vào một thời điểm chỉ có một trong số hạt giống đó hoạt động. Khi tùy miên thức động (nghĩa là trở thành đột khởi) thì tâm là bất thiện. Khi hạt giống thiện hoạt động thì tâm là thiện (Sphuṭārthā-Abhidharmakośa- vyākhyā của ngài Yaśomitra, p. 442).

Tất cả những quan điểm này được trình bày rõ ràng trong việc tranh luận về ý nghĩa của một đoạn kinh lưu trong các luận giải Pali cũng như trong tập Thắng Pháp Câu Xá và chú giải Vibhāṣāprabhāvṛtti. Câu hỏi đặt ra là liệu một thuật ngữ như rāgānuśaya (tùy miên tham) nên được coi là karmadhāraya (từ tổ hợp miêu tả) hay một từ ghép sở hữu cách tatpuruṣa (từ hổ hợp xác định). Theo cách thứ nhất, ý nghĩa tham tùy miên (rāga eva anuśayaḥ), đi ngược lại với đoạn kinh viết rằng, “Ở đây một vị có tâm không bị sắc dục vây hãm và ám ảnh, vị ấy biết lối thoát thực sự khỏi nó; sự ám ảnh của sắc dục này, nếu đấu chiến quyết liệt, sẽ bị diệt trừ cùng các xu hướng của nó (sānusayo pahīyati: M. I, 433 ff.; A. III, 233; MA. III, 144-5; Vibhāṣāprabhāvṛtti trên kārikā 261).

Bằng cách sử dụng thuật ngữ sānusaya, bài kinh cho thấy rõ tùy miên đột khởi không giống nhau. Phái Trụ Tử Bộ ở
đây gợi ý rằng thuật ngữ sānuśaya có nghĩa đi cùng với anuśaya, tức là một viprayukta-saṃskāra (hành không tương ưng), gọi là prāpti (đắc). Nhưng lập luận này ngược lại với Thắng Pháp, nơi viết rằng rāgānusaya (tùy miên tham) liên quan đến ba loại cảm thọ. Prāpti (Đắc), là một hành không tương ưng, không thể liên quan đến với một caitasika (hành, tâm sở). Vì vậy, tùy miên không thể là một viprayukta (Vibhāṣā- prabhāvṛtti trên kārikā 261).

Đối mặt với vấn đề này, phái Tỳ Bà Sa Bộ, bất chấp kinh điển, cho rằng thuật ngữ rāgānuśaya (tùy miên tham) nên được coi là là một từ ghép karmadhāraya (miêu tả) (loc.cit). Mâu thuẫn được giải quyết bằng cách giải thích thuật ngữ sānuśaya sānubandha, tức là có khả năng tạo ra một kleśa (phiền não) mới. Một gợi ý thay thế được đưa ra là bài kinh chỉ xác định tùy miên với đắc theo nghĩa bóng; Thắng Pháp thì dứt khoát khi nói rằng rāga (paryavasthāna) là (đồng nhất với) anuśaya (loc.cit).

Các tu sĩ phái Thượng Tọa Bộ cũng đồng nhất đột khởi với tùy miên. Luận về các từ ‘sānusayo pahīyati’, ngài Phật Âm nhận xét rằng một số người, trên cơ sở của cách diễn đạt này, cho rằng các kiết sử (ở đây đồng nhất với đột khởi) khác với tùy miên. Luận sư nói, chúng nên được loại bỏ như ví dụ về một người ngủ trùm kín đầu. Người đó không có gì sai khác với chính cái đầu (của mình) (MA. III, 144). Luận sư Phật Âm ghi nhận phản luận rằng nếu kiết sử tùy miên là giống nhau, thì lời chê trách của Đức Phật đối với những ngoại đạo vì cho rằng trẻ nhỏ không có phiền não trở thành vô nghĩa. Ngài nói rằng cùng một phiền não, sẽ được gọi là kiết sử vì trói buộc, hoặc được gọi là tùy miên vì nó không bị loại bỏ (chảy ngầm) (loc.cit).

Tập Ngữ Tông ghi lại một số tranh luận về tùy miên. Phái Andhaka (Án-đạt-la) cho rằng tùy miên khác với đột khởi (KvuA. xiv, 5). Các phái Đại Chúng Bộ và Chánh Lượng Bộ chủ trương rằng các tùy miên là bất định (avyākata), tức là không có nhân thiện hay ác (ahetuka-vô nhân), do đó, là cittavippayutta (bất tương ưng tâm) (ibid. xi, 1; xiv, 6). Lập luận của các phái này giống như đã lưu ý ở trên, rằng nếu các tùy miên bất thiện và là tương ưng tâm, thì tâm thiện sẽ không bao giờ có cơ hội sinh khởi.

Câu trả lời của Luận sư Phật Âm đối với các trường này như nhau: tùy miên là đồng nhất với đột khởi. Ngài một lần nữa lật lại chủ đề này trong luận giải của mình ở tập Yamaka (Song Đối). Trong đó, ngài nhắc lại những lập luận tương tự và nói thêm rằng những phiền não này gọi là tùy miên không phải vì chúng khác với đột khởi, mà vì chúng là những phiền não mạnh (thāmagatakilesa) và bởi vì chúng phát sinh khi có được những điều kiện thích hợp cho sự hoạt động (YamA.

SHB. p. 239, biên luận về tập Song Đối của Ledi Sayadaw, Song Đối II, 258-9).

Có thể thấy rõ từ những thảo luận này rằng cách giải thích của phái Thượng Tọa Bộ và Tỳ Bà Sa Bộ về thuật ngữ sānusaya và sau đó là sự đồng nhất của tùy miên với đột khởi là trái ngược với bài kinh trích dẫn ở trên. Họ thể hiện quyết tâm nghiêng về Thắng Pháp hơn bài kinh. Phái Kinh Lượng Bộ mạnh mẽ bác bỏ các lý thuyết Thắng Pháp và đưa ra thuyết về bīja (mầm, hạt giống) (q.v.), nói rằng từ rāgānuśaya (tùy miên tham) nên được coi là một sở hữu cách tatpuruṣa (từ ghép miêu tả), tức anuśaya (tùy miên) của rāga (tham). Tùy miên không phải là pháp samrayukta (tương ưng) cũng không phải pháp viprayukta (bất tương ưng), do nó không phải là một thực tại riêng biệt (dravya: Vibhāṣāprabhāvṛtti về kārikā 261). Khi một phiền não ngủ ngầm, nó được gọi là tùy miên; khi thức động, nó được gọi là đột khởi (loc.cit), khi không hoạt động, nó không xuất hiện và tồn tại dưới dạng hạt giống (bīja). Dạng hạt giống này chỉ đơn giản là một sức mạnh sẵn có của tâm trí để tạo ra một phiền não mới được sinh ra từ một phiền não cũ đã có (loc.cit).

tùy miên là gốc của sự sanh khởi liên tục nên chúng phải được loại bỏ trước khi một người được giải thoát (Ps. I, 26). Sau đây là những bước mà chúng biến mất. Khi nhập Sơ quả (sotāpatti-magga – Nhập Lưu), bậc Thánh đoạn trừ hai tùy miên là thiên kiến (diṭṭhi) và nghi (vicikicchā); ở đệ Nhị quả Nhất lai (sakadāgāmi-magga), vị ấy đoạn trừ thêm hai phiền não nữa ở dạng thô lậu là tham dục (kāma-rāga) và sân hận (paṭigha); hai phiền não này hoàn toàn bị diệt trừ ở đệ Tam quả Bất lai (anāgāmi-magga), và ở đệ Tứ quả Thánh A-la-hán (arahatta-magga), bậc Thánh đoạn trừ ba tùy miên còn lại là ngã mạn (māna), hữu tham (bhavarāga) và vô minh (avijjā: Ps. II, 36 ff.).

Tất cả bảy tùy miên đều có trong cả ba cõi: dục (kāmāvacara), sắc (rūpāvacara) và vô sắc (arūpāvacara), ngoại trừ ở Tịnh cư thiên (suddhāvāsa). Thức gắn với sân hận không còn trong cõi sắc và vô sắc. Trong cảnh giới của các chúng sanh vô tưởng (asañña-satta), các tùy miên không tồn tại vì ở đó không có đời sống tinh thần (Yam. I, vii, 268 ff.).

  1. K.

THAM KHẢO: Thuyết Hạt giống của phái Kinh Lượng Bộ của Padmanabh S. Jaini, BSOAS, Đại học London, Tập XXII, phần 2, 1959.