ANUSĀSANĪ-PĀṬIHĀRIYA (Giáo hóa thần thông)
ANUSĀSANĪ-PĀṬIHĀRIYA (Giáo hóa thần thông) (Phạn ngữ: anušāsanī-prātihariya, ‘sự diệu kỳ của giáo lý’, thần thông thứ ba trong tam thần thông của chư Phật và các vị A-la-hán, hai điều còn lại là biến hóa thần thông(iddhi-pāṭihāriya) và ký thuyết thần thông (ādesanā- pāṭihāriya: D. I. 212: III, 220; 4. I, 170; Ps. II, 227; Dhsmg. 32; Gvyū. 537; BB. XIII, 5; Mhvu. I, 238; III, 137, 322; Abhk. 215 ; Bbh. 210).
Giáo hóa thần thông bao gồm việc thuyết giảng theo cách sau: ‘Lý luận theo cách này, tức là suy tư (vitakka) về buông bỏ, vô sân và bất hại. Đừng lý luận theo cách đó, tức là suy tư về dục vọng, sân hận và những ác hại. Quán xét như vậy, tức là quán chiếu về tính vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha và anatta) của vạn pháp (dhamma), đừng cho rằng vạn pháp là thường hằng hay có thực tính. Giải thoát khỏi năm ràng buộc của giác quan và chứng đắc Niết-bàn (D. I, 214; A. I, 171; Ps. II, 228, DA. SHB. I, 256). Nói cách khác, thuyết giảng theo cách mà người nghe cuối cùng sẽ chứng được Niết-bàn được gọi là giáo hóa thần thông (D. I, 214-5).
Tập Sumaṅgalavılasinī viết rằng dạy bảo người khác bằng cách đọc ý nghĩ của họ là ādesanā-pāṭihāriya (ký thuyết thần thông) trong khi sự dạy dỗ của của chư Phật và các vị thánh A-la-hán là anusāsanī-pāṭihāriya (giáo hóa thần thông). Tôn giả Đại Mục-kiền-liên có thói quen thuyết pháp bằng biến hóa thần thông (iddhi-pāṭihāriya), trong khi tôn giả Xá-lợi-phất có thói quen giảng dạy bằng ký thuyết thần thông (ādesanā-pāțihāriya: DA. SHB. I, 256).
Đây là phương pháp được áp dụng với các đệ tử của Đề-bà-đạt-đa để khiến họ đoạn tuyệt với ông ta (Vin. II, 200).
Đức Phật chê trách hai thần thông đầu tiên là không đưa đến Niết-bàn và chỉ khen ngợi điều thứ ba. Ngài nói rằng biến hóa thần thông cũng có thể đạt được nhờ sử dụng bùa phép gọi là gandhārī-vijjā (gāndhārī-vidyā) và suy nghĩ của người khác có thể được đọc nhờ sử dụng loại bùa phép khác là maṇika-vijjā (īkṣṇikā-vidyā : D . I, 213-4; DA. SHB. I, 257; Abhk. 216).
Ngài Thế Thân xác định ba thần thông này là ba trong sáu thắng trí (abhiññā): biến hóa thần thông ứng với thần túc thông (rddhiviṣayābhijñā), ký thuyết thần thông ứng với tha tâm thông (cetaḥparyāyābhijñā), và giáo hóa thần thông với lậu tận thông (āśravakṣayābhijñā : Abhk. 216).
U.K.