ANURUDDHA SUTTA (Kinh A-nậu-lâu-đà, kinh A-na-luật)

ANURUDDHA SUTTA (Kinh A-nậu-lâu-đà, kinh A-na-luật) (1) do Trưởng lão A-nậu-lâu-đà thuyết giảng cho Pañcaṅgaka, người thợ mộc của vua, tại thành Xá-vệ, sau buổi thọ trai do vị này cúng dường lên trưởng lão và ba tu sĩ khác (M. III, 144-52).

Pañcaṅgaka muốn biết về hai loại tâm giải thoát (cetovimutti) là tâm vô lượng (appamāṇa) và tâm đại hành (mahaggata).

Tôn giả A-nậu-lâu-đà đáp rằng tâm giải thoát vô lượng đạt được nhờ trau dồi các tư tưởng từ (mettā), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā) tràn ngập thế gian. Tâm giải thoát đại hành là kết quả của việc quán chiếu trên một đối tượng (kasiṇa-nimitta), dần dần được mở rộng và phát triển, bắt đầu từ một rễ cây duy nhất đến che phủ toàn bộ cõi đất và biển bao quanh.

Chú giải kinh Tăng Chi (MA. IV, 200-1), trong khi phân biệt những điểm khác nhau như trên, viết thêm rằng tâm giải thoát vô lượng thuộc về trạng thái siêu phàm của của tâm (brahmavihāra– tứ vô lượng tâm), nơi phản xạ tâm thức của việc thiền quán trên nhiều đề mục (kasiṇa– xứ) không phát triển hoặc mở rộng, không có sự loại bỏ (ugghāṭana) và không mang lại hiểu biết cao hơn (abhiñña – thắng trí) hoặc đoạn diệt (nirodha). Mặt khác, tâm giải thoát đại hành thuộc về việc thiền trên một đề mục  (kasiṇa-jhāna – thiền xứ) khi phản xạ tâm tâm thức phát triển hoặc mở rộng, khi có sự loại bỏ cũng như chế ngự (samatikkama). Hơn nữa, tâm này đưa đến thắng trí và đoạn diệt.

Sự giải thích này đưa ra khái niệm về vị trí các tâm vô lượng cư ngụ trong tu tập Phật giáo.

Bài kinh nói rằng nhờ phát triển những trạng thái tâm này, một người ta được sự bảo hộ của chư thiên (devānaṃ sahavyatā). Tôn giả Abhiya Ca-chiên-diên, người đồng hành với tôn giả A-nậu-lâu-đà dịp này, hỏi ngài lý do sự khác biệt của hào quang của chư thiên. Tôn giả A-nậu-lâu-đà trả lời rằng nó phụ thuộc vào bản chất của đối tượng thiền định.

Tôn giả Ca-chiên-diên sau đó hỏi lý do vì sao có những chư thiên với hào quang tạp nhiễm (saṅkiliṭṭhābha) và một số có hào quang thanh tịnh (parisuddhābha). Tôn giả A-nậu-lâu-đà, sử dụng ví dụ về ngọn đèn, giải thích rằng những ai không chế ngự được bất tịnh của thân (kāyaduṭṭhulla), thụy miên và hôn trầm (thīnamiddha) không bị diệt trừ, trạo cử và hối quá (uddhacca- kukkucca) không được kỷ luật, thì tái sanh thành chư thiên có hào quang tạp nhiễm, trong khi những vị không có những sa đọa này được tái sanh thành chư thiên có hào quang thanh tịnh.

Vào cuối bài giảng, Pañcaṅgaka đã giải được những nghi ngờ thôi thúc trong tâm trí

  1. J. K.

ANURUDDHA SUTTA (Kinh A-nậu-lâu-đà, kinh A-na-luật) (2) ghi lại chuyến viếng thăm A-nậu-lâu-đà của một thiên nữ từ cung trời Đao Lợi tên là Jālinī, thê tử của ngài trong một tiền kiếp, khi Tôn giả đang sống trong rừng (S. I, 200).

Thiên nữ cố lôi kéo ngài theo những lạc thú ở cõi trời nhưng vô ích. Tôn giả nói với thiên nữ về bản chất của sự vòng luân hồi và trạng thái giải thoát mà ngài đã chứng đạt.

  1. J. K.

ANURUDDHA SUTTA (Kinh A-nậu-lâu-đà, kinh A-na-luật) (3). A-nậu-lâu-đà, người sở hữu thiên nhãn đệ nhất trong hàng đệ tử Phật (dibbacakkhu: A. I, 23), sau khi sử dụng thần thông, thấy được cảnh người nữ bị sinh vào những cõi thấp thỏi và khổ đau sau khi chết (A. I, 281) .

Đức Phật giải thích rằng điều này là do khi còn sống tại gia, tâm họ chứa đầy nhiễm ô của sự bỏn xẻn (macchera) vào buổi sáng, của tật đố (issā) vào buổi trưa, của dục vọng (kāma) và ái luyến (rāga) vào buổi tối. .

  1. J. K.

ANURUDDHA SUTTA (Kinh A-nậu-lâu-đà, kinh A-na-luật)  (4) ghi lại cuộc đối thoại giữa tôn giả A-nậu-lâu-đà và Xá-lợi-phất (A. I, 281-2). A-nậu-lâu-đà hỏi tại sao bản thân mình, người có thể thấy được hệ thống ngàn thế giới bằng thiên nhãn (dibba- cakkhu), người cố gắng và dũng mãnh trong hoạt động (viriya – tinh tấn), người có chánh niệm với cơ thể an tĩnh và không bị xáo trộn, vẫn chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc (āsava).

Tôn giả Xá-lợi-phất chỉ ra rằng chính việc sở hữu thiên nhãn của A-nậu-lâu-đà đã đưa đến ngã mạn (māna) và trạo cử (uddhacca); và việc A-nậu-lâu-đà ý thức được bản thân chưa thoát khỏi các lậu hoặc đã dẫn đến lo lắng (kukkucca – hối quá). Cách duy nhất để đạt được sự bình yên trong tâm trí là khắc phục ba khuynh hướng này bằng cách tập trung tâm trí vào bất tử giới (amatadhātu).

Theo hướng dẫn của tôn giả Xá-lợi-phất, A-nậu-lâu-đà chứng đắc Niết-bàn.

Bài kinh quan trọng ở chỗ nó chỉ ra rằng ngay cả việc phát triển những thần thông (bala), như thiên nhãn (dibba-cakkhu), cũng không đưa đến chứng ngộ nếu dính mắc vào các thần thông này. Bởi vì, sự giải thoát khỏi các lậu hoặc chỉ có thể đạt được bằng cách đoạn trừ (pahāna) tham ái (rāga) đưa đến chấp thủ (upādāna). Điều này nhấn mạnh khía cạnh đạo đức của Niết-bàn trong Phật giáo.

  1. J. K.

ANURUDDHA SUTTA (Kinh A-nậu-lâu-đà, kinh A-na-luật)  (5) đề cập đến tám tư duy của bậc đại nhân (mahāpurisa-vitakka: A. IV, 228).

Tam tư duy này mô tả bản chất của người mà thông điệp của Đức Phật muốn nói đến. Vị ấy không có mong cầu, hài lòng, viễn ly, nhiệt huyết, chánh niệm, điềm tĩnh và khôn ngoan. Khi bảy tư duy này đến với tôn giả A-nậu-lâu-đà, Đức Phật bổ sung thêm tư duy thứ tám, đó là: “Giáo lý này dành cho sự chuẩn xác (nippa-pañcārāma) và cho người ưa sự chuẩn xác (nippapancarati).”

Đức Phật dạy rằng nếu một người suy ngẫm về tám tư duy này, người đó có thể tạo ra bốn trạng thái thiền (jhana) đầu tiên.

Bài kinh tiếp tục giải thích bằng cách nào việc suy ngẫm về tám tư duy này và việc tạo ra bốn trạng thái thiền  có thể làm tăng trưởng lòng ưa thích với cuộc sống khổ hạnh. Chính vì quá dính mắc vào những điều thế tục mà người ta không thể an vui trong cuộc sống khổ hạnh của một ẩn sĩ.

Bản dịch Hán ngữ của pháp sư Chi Khiêm đời hậu Hán (25-221 A.C.) có nhan đề A Na Luật Bát Niệm Kinh (Taishō, No. 46; Nanjio, No. 563).

  1. J. K.

 

 

ANURUDDHA SUTTA (Kinh A-nậu-lâu-đà, kinh A-na-luật) (6), ghi chép sự việc một nhóm thiên nữ có thân hình khả ải (manāpakāyikā devatā) đến thăm tôn giả A-nậu-lâu-đà (A. IV, 262 f.). Họ có thể khoác lên mình bất kỳ màu sắc nào, tạo ra bất kỳ âm thanh nào và đạt được bất kỳ hạnh phúc nào mà họ muốn. Một số nhảy múa và một số ca hát trước mặt Tôn giả.

Tuy nhiên, tôn giả đã chế ngự các giác quan của mình. Biết rằng tôn giả không hào hứng với chuyện này, các tiên nữ liền biến mất.

A-nậu-lâu-đà đến gặp Đức Phật và hỏi Ngài những phẩm chất nào ở phụ nữ khiến họ sinh ra trong hình dạng đó. Đức Phật dạy có tám phẩm chất, bao gồm, tận tụy với chồng, kính trọng chồng, người cao tuổi, giúp đỡ chồng việc nhà cửa, chăm nom người làm công, bảo vệ sản nghiệp của chồng, trở thành một đệ tử thuần thành của Phật, Pháp và Tăng, giữ gìn giới hạnh thanh tịnh và sống đời bác ái.

D. J. K.