ANURUDDHA

ANURUDDHA (1), một vị Phật độc giác. Trưởng lão Nanda, trong một tiền kiếp, đã chuẩn bị một gian lều nhỏ lợp bằng hoa sen và cúng dường cho Phật để Ngài nghỉ ngơi (Ap. II, 350).

  1. A. G.

 

ANURUDDHA (2), thị giả (upaṭṭhāyaka) của Đức Phật Piyadassī (Hỷ Kiến) (Ap. II, 432). Một lần, khi Đức Phật Hỷ Kiến đến khu rừng sāla, một tu sĩ trẻ đang sống tại đó đã cúng dường lên Phật một tán hoa sāla. Vài ngày sau, khi các tỳ-kheo đến đảnh lễ Đức Phật, họ thấy Ngài mỉm cười. Khi A-nậu-lâu-đà, người cùng đi với họ, hỏi lý do Ngài mỉm cười, Đức Phật nói đó là vì Ngài đã nhìn thấy quả báo tốt đẹp từ hành động công đức của vị tu sĩ trẻ đó. Theo Buv. (42, v. 22), Đức Phật Hỷ Kiến có hai thị giả là  Sannaka và Dhammika thuộc hàng cư sĩ.

Thị giả của Đức Phật Koṇḍañña (Kiều Trần Như) cũng được gọi là A-nậu-lâu-đà (Buv. 20, v. 30; BuvA. 140).

  1. A. G.

ANURUDDHA (A-nậu-lâu-đà) (3), còn gọi là Aniruddha trong kinh điển Phật giáo Bắc truyền, một trong những đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật và là người đã đạt được thiên nhãn đệ nhất (dibba-cakkhu). Ngài là anh em họ đầu tiên của Đức Phật.

Tôn giả A-nậu-lâu-đà sinh ra tại thành Ca-tỳ-la-vệ là con trai thứ của Amitodana họ Thích-Ca, em trai của vua Suddhodana (Tịnh Phạn).[1] Câu chuyện về việc xuất gia của A-nậu-lâu-đà xuất hiện trong một số tác phẩm với một số
khác biệt nhỏ. Người ta nói rằng một thành viên từ mỗi gia đình Thích-ca đã gia nhập Tăng đoàn được người bà con nổi tiếng của họ thành lập, ngoại trừ gia đình của Amitodana. Do đó, anh trai của A-nậu-lâu-đà là Mahānāma (Ma-ha-nam) đã đề nghị rằng một trong hai người họ nên xuất gia. Nhưng A-nậu-lâu-đà đã được nuôi dưỡng vô cùng tao nhã trong cảnh nhung lụa. Giống như thái tử Tất-đạt-đa, ngài có ba cung điện để ở trong ba mùa. Vì thế, ngài không có ý muốn xuất gia. Tuy nhiên, khi nghe Ma-ha-nam nói về bổn phận của một gia chủ với những công việc nhà nông bất tận, ngài lại muốn trở thành một tu sĩ hơn. Nhưng mẹ ngài không sẵn lòng cho ngài xuất gia. Cho rằng điều này là không thể, bà chỉ đồng ý nếu bạn đồng hành của ngài, vương tử Bhaddiya (Bạt-đề) họ Thích-ca sẽ cùng ngài xuất gia. A-nậu-lâu-đà thọ giới cùng năm hoàng tử Thích-ca khác là Bạt-đề, A-nan-đà, Bhagu (Bà-cửu), Kimbila (Kim-tỳ-la) và Đề-bà-đạt-đa. Người thợ cắt tóc, Upāli (Ưu-ba-ly), đi hộ tống các hoàng tử, cũng gia nhập Tăng đoàn, thực tế là trước cả các vương tử theo đề nghị của chính họ, để diệt trừ lòng kiêu hãnh của họ khi để người thợ cắt tóc cũ của họ trở thành sư huynh. Họ được Đức Phật thọ giới tại vườn xoài Anupiya. Trước khi mùa mưa kết thúc, A-nậu-lâu-đà đắc được thiên nhãn (dibba- cakkhu)[2], và sau này, Đức Phật tuyên rằng A-nậu-lâu-đà là người có thiên nhãn đệ nhất.[3]

Sau đó A-nậu-lâu-đà nhận một đề tài thiền định từ Tôn giả Xá-lợi-phất và lui về vườn nai Pācīnavaṃsa ở Cetiya, suy ngẫm về bảy tư tưởng của một vĩ nhân nhưng không thể làm chủ tư tưởng thứ tám. Nhận ra điều này, Đức Phật đã xuất hiện trước mặt Tôn giả và giảng giải cho ngài, chỉ ra tưởng thứ tám. A-nậu-lâu-đà sau đó lĩnh hội tất cả và đắc quả A-la-hán kèm theo thần thông và phân tích.[4] Cuộc trò chuyện của ngài với tôn giả Xá-lợi-phất trước khi chứng thánh quả A-la-hán được ghi lại trong Kinh Tăng Chi. Tôn giả đến gặp trưởng lão Xá-lợi-phất và cho biết mặc dù đã đắc được thiên nhãn và nhất tâm, chánh niệm và điềm tĩnh, nhưng ngài vẫn chưa thành công trong việc đoạn trừ các lậu hoặc (āsava). Ngài Xá-lợi-phất khuyên Tôn giả hãy dẹp trừ ngã mạn, trạo cử và lo lắng, tập trung vào yếu tố bất tử. Nghe theo lời khuyên của Xá-lợi-Phất, A-nậu-lâu-đà đã chứng quả A-la-hán.[5]

Tôn giả A-nậu-lâu-đà có bản tính hiền hậu, hòa nhã và đầy lòng từ ái. Chính từ sự sinh sống thuận hòa giữa ba tôn giả A-nậu-lâu-đà, Nan-đề và Kim-tỳ-la, mà Đức Phật đã tới chỗ ba vị sau khi rời bỏ các tu sĩ hay gây gổ ở thành Kosambi.[6]

Có một số bài kinh Đức Phật nói với A-nậu-lâu-đà khi ở cùng với các tỳ-kheo khác. Theo đó, Tiểu kinh Cūḷagosiṅga (Sừng Bò)[7]Kinh Upakkilesa (Tùy phiền não)[8] được Đức Phật thuyết chủ yếu cho A-nậu-lâu-đà, và Tôn giả đã trả lời thay cho những người bạn đồng hành. Tương tự với kinh Naḷakapāna[9] cũng vậy. Tôn giả A-nậu-lâu-đà là một trong số những người có mặt trong hội chúng tỳ-kheo khi Đức Phật thuyết giảng Kinh Ānāpānasati (Quán niệm hơi thở)[10].

Tôn giả A-nậu-lâu-đà nổi bật trong câu chuyện về sự nhập diệt của Đức Phật. Trên tọa sàng khi Đức Phật nhập diệt tưởng và thọ (saññāvedayita-nirodha), A-nan-đà cho rằng Thế Tôn đã nhập diệt. Nhưng A-nậu-lâu-đà đã sửa lại và cho A-nan-đà biết về trạng thái của Đức Phật. Hai câu kệ đẹp đẽ được cho là của Tôn giả A-nậu-lâu-đà thốt ra khi Đức Phật nhập diệt.[11] A-nậu-lâu-đà an ủi các tỳ-kheo đang than khóc, nhắc họ lời dạy của đức Thế Tôn về sự vô thường của vạn pháp. Ngài cũng yêu cầu A-nan-đà báo cho những người dân Malla về Bát Niết-bàn của Phật (tịch diệt) và nói họ hãy hành động theo ý muốn.[12] Khi những người Malla chất vấn, A-nậu-lâu-đà cũng giải thích rằng giàn trà tỳ kim thân Phật sẽ không bắt lửa cho đến khi tôn giả Đại Ca-diếp quay lại Kusinārā từ Pāvā.[13] Sau đó, tại Đại hội Kết tập Kinh điển lần thứ nhất, A-nậu-lâu-đà đã đóng một vai trò quan trọng và được giao cho việc giữ gìn Kinh Tăng Chi.[14]

A-nậu-lâu-đà là tác giả của tập Thag. v.v. 892-919, và trong v. 904, ngài  nói mình đã không ngủ trong hai mươi lăm năm và về sau chỉ ngủ vào canh cuối cùng của đêm.[15] Ngài có thói quen dậy sớm và sau khi tắm rửa sạch sẽ, Tôn giả sẽ tịnh tọa trong thất quán chiếu hàng nghìn kiếp quá khứ và vị lai. Với thiên nhãn, ngài quan sát cả ngàn hệ thống thế giới.[16] Tập Trưởng lão tăng kệ cũng viết về một lần A-nậu-lâu-đà bị thiên nữ Jālinī, người từng là vợ của ngài trong một tiền kiếp, dụ dỗ. Thiên nữ thấy ngài già đi, tóc bạc trắng nên cố gắng lôi kéo ngài đầu thai vào cảnh giới chư

thiên nhưng bất thành.[17] Sau đó, thiên nữ phụng sự Tôn giả bằng nhiều cách như quét dọn tu viện, mang nước để uống và tắm rửa. Một lần, khi biết A-nậu-lâu-đà đang tìm kiếm vải vụn để may y trong đống vải, thiên nữ đã lén thả mảnh vải thần vào đó và ngài đã nhặt được.[18] Thiên nữ còn đảm bảo việc cúng dường đầy đủ được thực hiện cho A-nậu-lâu-đà và các tu sĩ khác trong khi y áo đang được may.[19]

Có hai lần tôn giả A-nậu-lâu-đà bị ốm được ghi lại. Ngài đã từng bị bệnh và chịu đau đớn vô cùng trong rừng Andhavana ở thành Xá Vệ, nhưng Ngài đã vượt qua cảm giác đau đớn bằng cách thực hành Tứ Niệm Xứ.[20] Tuy nhiên, một lần khác, ngài bị đau bụng dữ dội và cơn đau chỉ dịu đi sau khi uống nước từ Hồ Anotatta.[21] Ngài có tuổi thọ rất dài. Năm một trăm năm mươi tuổi[22], ngài nhập diệt dưới một bụi tre ở làng Veḷuva thuộc xứ Vajji.[23]

Tôn giả A-nậu-lâu-đà xuất hiện trong một vài bài kinh thuộc kinh tạng. Ngài được cả hàng cư sĩ và tỳ-kheo học hỏi về các điểm giáo lý. Trong kinh A-nậu-lâu-đà thuộc kinh Trung Bộ, Tôn giả A-nậu-lâu-đà, Abhiya Kaccāna (Ca-chiên-diên) và hai tu sĩ khác được người thợ mộc Pañcakaṅga mời thọ trai. Sau đó, khi được Pañcakaṅga tham vấn, A-nậu-lâu-đà giải thích sự khác biệt giữa hai loại tâm giải thoát (cetovimutti): tâm giải thoát vô lượng (appa-māṇa) và tâm giải thoát đại hành (mahaggata). Cũng trong bài kinh này, tôn giả Abhiya Kaccāna đã hỏi A-nậu-lâu-đà về chư thiên Ābhā (Quang Thiên) và A-nậu-lâu-đà đã mang đến một bài giảng dài về bản chất của họ. Ngài nói bằng kiến thức trực tiếp của mình, vì ngài được cho là đã đồng trú với những chư thiên đó trong một tiền kiếp.[24]

A-nậu-lâu-đà đã có một số lần nói chuyện với Đức Phật. Ngài thường quán sát các hệ thống thế giới bằng thiên nhãn của mình. Trong một dịp như vậy, Tôn giả thấy có những người phụ nữ bị tái sinh trong địa ngục sau khi chết và có những thì được tái sinh vào các cõi trời. Ngài tìm đến Đức Phật và hỏi đức Thế Tôn nguyên nhân của việc này.[25] Trong một dịp khác, A-nậu-lâu-đà được các thiên nữ có thân hình khả ái (manāpakāyikā) viếng thăm, nhưng không thu hút được sự chú ý của ngài nên họ đã rời đi. A-nậu-lâu-đà đã tới thiền viện Ghositārāma ở Kosambi và hỏi Đức Phật những phẩm chất nào giúp một người nữ được tái sinh vào loại thiên nữ có thân hình khả ái. Đức Phật đã dạy liệt kê có tám phẩm chất.[26]

Ba bài kinh Padesa, Samatta, Loka trong Tương Ưng ghi lại các cuộc đối thoại giữa hai tôn giả A-nậu-lâu-đà và Xá-lợi-phất khi họ sống tại thành Sāketa. Tôn giả Xá-lợi-phất cùng Mục-kiền-liên tới thăm A-nậu-lâu-đà và hỏi ngài về những chủ đề như ai là bậc hữu học (sekha) và ai là bậc vô học (asekha). A-nậu-lâu-đà giải thích rằng một bậc hữu học chỉ trau dồi một phần Tứ Niệm Xứ, trong khi bậc A-la-hán đã thành tựu chúng một cách hoàn hảo. Đối với câu hỏi của Xá-lợi-phất về việc làm thế nào mà ngài (A-nậu-lâu-đà) có thể đạt được đại trí huệ, câu trả lời của ngài cũng tương tự- ngài đã đạt được điều đó nhờ việc tu tập Tứ Niệm Xứ.[27]

Tương Ưng A-nậu-lâu-đà [28] bao gồm một số bài kinh, tất cả đều tập trung vào A-nậu-lâu-đà và việc tu tập của ngài về Tứ Niệm Xứ. Dường như tôn giả đã nhấn mạnh đặc biệt vào việc trau dồi satipaṭṭhāna (niệm xứ). Nhiều lần ngài được các tỳ-kheo khác hỏi về việc thực hành bốn đề mục chánh niệm này và ngài đã giải thích chi tiết về chúng. Một lần nữa, khi tôn giả Xá-lợi-phất nhận xét rằng A-nậu-lâu-đà trông vô cùng điềm đạm và có nước da rất sáng, A-nậu-lâu-đà trả lời rằng ông thường dành thời gian để thực hành Tứ Niệm Xứ.[29] Ngài có thể vượt qua đau đớn về  thể xác nhờ việc thực hành chúng.[30] A-nậu-lâu-đà, đáp lại câu hỏi của nhiều tỳ-kheo, đã kể ra những thần thông mình chứng được nhờ tu tập Tứ Niệm Xứ.[31]

Ngoài việc chỉ dẫn về Tứ Niệm Xứ, không có bằng chứng nào khác cho thấy A-nậu-lâu-đà nổi tiếng với tư cách là một giảng sư. Ngài có tính cách kín đáo của một ẩn sĩ. Ngược lại với tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và A-nan-đà, ngài không can thiệp vào các tranh chấp trong Tăng đoàn.[32]

Có các ví dụ được nhắc đến khi A-nậu-lâu-đà sử dụng sức mạnh iddhi (thần thông). Theo đó, ngài dùng thần lực và cùng tôn giả Mục-kiền-liên, Ca-diếp và Kappina (Kiếp-tân-na) để đến cõi trời Phạm Thiên, nơi đức Thế Tôn từng tới.[33] A-nậu-lâu-đà có lần đến Tāvatiṃsa (cung trời Đao Lợi), trong dịp đó, ngài đã nói chuyện với người bạn của nữ đại thí chủ Visākhā, người đã được tái sinh ở đó.[34] Một lần nọ, khi A-nậu-lâu-đà thức dậy vào sáng sớm và tụng những câu kệ trong Kinh Pháp Cú, một nữ dạ xoa và con trai là Piyaṅkara đã đứng lắng nghe chăm chú.[35]

A-nậu-lâu-đà rất được kính trọng trong Tăng đoàn, trong hội chúng, ngài ngồi cạnh Đức Phật.[36] Khi Đức Thế Tôn đến cung trời Đao Lợi thuyết giảng Thắng Pháp sau khi thi triển phép Song thông (hiện thân ở hai nơi cùng lúc), chính A-nậu-lâu-đà là người đã cho hội chúng biết nơi Đức Phật đang thị hiện.[37] Lại nữa, khi Đức Phật trở về tịnh xá sau khi khuyên nhủ họ Ugga chuyển tâm, chính A-nậu-lâu-đà là người mà Đức Thế Tôn đã giao phó ở lại để thuyết giảng cho họ.[38]

Một điều khá ngạc nhiên khi biết A-nậu-lâu-đà đã đưa ra lý do để Đức Phật chế Pācittiya (Ưng đối trị) số 4, Đức Phật tuyên rằng bất kỳ tỳ-kheo nào nằm chung giường với một người nữ là một pācittiya (tội phải sám hối).[39] Theo ghi chép về sự việc, A-nậu-lâu-đà đã cư xử một cách đáng kính trọng. Ngẫu nhiên, A-nậu-lâu-đà có vẻ ngoài tuấn tú, một nữ nhân say đắm và cố gắng dụ dỗ ngài, nhưng ngài đã phòng hộ các giác quan và giáo hóa lại người nữ này.[40]

Có một số câu chuyện về tiền kiếp của A-nậu-lâu-đà. Vào thời Đức Phật Padumuttara (Thắng Liên Hoa), ngài được sinh ra là một gia chủ và chứng kiến cảnh Đức Phật tuyên bố một đệ tử là người có thiên nhãn đệ nhất. Mong muốn có được khả năng tương tự trong một đời Phật vị lai, ngày hôm sau ngài đã thỉnh Đức Phật cùng nhiều tu sĩ và tổ chức một lễ cúng dường lớn trong suốt một tuần, cuối cùng ngài đã đạt được ước nguyện. Đức Phật quán chiếu tương lai, tuyên rằng ước nguyện của tôn giả sẽ được viên mãn vào thời Đức Phật Cồ-đàm. Tôn giả đã làm nhiều thiện sự và để hoàn thành ước nguyện của mình, ngài đã chuẩn bị vô số giá đèn. Vào thời Đức Phật Sumedha (Thiện Tuệ), Tôn giả đã cúng dường Phật những ngọn đèn trăm bấc có thể thắp sáng suốt một tuần. Sau khi viên tịch, ngài tái sanh vào cõi trời nơi hào quang của ngài làm lu mờ các chư thiên khác. Nhờ công đức cúng dường đèn bấc, bên cạnh ngài có một trụ đèn luôn chiếu sáng và ngài tỏa hào quang một do-tuần quanh thân. Ngài là vua cõi trời trong ba mươi kiếp, sinh làm bậc chuyển luân thánh vương (cakkavattin) hai mươi tám lần và có thể nhìn được khoảng cách một do-tuần quanh thân bất kể ngày đêm.

Vào thời Đức Phật Ca-diếp, ngài sinh ra ở thành Ba-na-lại. Ngài đã cúng dường nhiều đèn đồng xung quanh tháp thờ Đức Phật, đổ đầy các ngọn đèn bằng thứ bơ tốt nhất. Ngài cung kính nhiễu vòng quanh tháp với một chiếc đèn đồng lớn được thắp sáng bằng loại bơ làm từ sữa trâu tốt nhất. Ngài sau đó được tái sinh lên cõi trời.

Vào thời không có Phật, tôn giả sinh ra trong một gia đình nghèo ở thành Ba-na-lại và được đặt tên là Annabhāra. Ngài làm một người chở cỏ cho chưởng quỹ Sumana, người hào phóng bố thí cho người nghèo. Một ngày nọ vào giờ ăn, Annabhāra đã dâng phần ăn của mình cho một vị Phật độc giác tên là Upariṭṭha và cầu mong mình được thoát khỏi những cảnh tái sinh nghèo khổ và không bao giờ thiếu thốn thứ gì. Chưởng quỹ Sumana biết tới việc cúng dường được gửi cho Annabhara cũng có phần công đức. Để thể hiện sự cảm kích, ông đã tặng ngài rất nhiều tiền và hứa sẽ chu cấp cho ngài và giải phóng ngài khỏi thân phận đầy tớ. Nhà vua nghe nghe nói về cúng vật của Annabhāra nhận được một phần công đức từ ngài, đã ban cho ngài rất nhiều của cải và cho ngài làm chưởng quỹ. Annabhāra đã làm nhiều thiện sự trong suốt phần đời còn lại và sau khi chết được sinh lên cõi trời.[41]

Theo chú giải Kinh Pháp cú, nhờ quả báo lành của việc cúng dường lên Phật độc giác này, A-nậu-lâu-đà không bao giờ thiếu thốn bất cứ thứ gì mà ngài cần. Vì vậy, có một câu chuyện liên quan đến tuổi thơ của tôn giả như sau: A-nậu-lâu-đà có thói quen chơi bắn bi cùng các hoàng tử Thích-ca khác và đặt cược bằng bánh ngọt. A-nậu-lâu-đà thua cược và hoàng tử đã cho người về nhà lấy bánh mà mẹ ngài cho. Khi A-nậu-lâu-đà thua liên tục, cuối cùng mẹ gửi cho ngài một chiếc bát không vì đã hết bánh. Nhưng khi chiếc bát được mang đến cho A-nậu-lâu-đà, nó lại chứa đầy những chiếc bánh thơm ngon từ cõi trời mà các chư thiên bảo hộ bỏ vào. Và sau đó, mỗi khi A-nậu-lâu-đà lấy bánh, mẹ ngài đều gửi cho ngài một chiếc bát không mà sau đó nó đựng đầy bánh ngọt của cõi trời.[42]

Trong tập Chuyện bổn sanh, A-nậu-lâu-đà được đồng nhất với nhiều nhân vật khác nhau như thiên chủ Đế Thích trong chuyện Maṇicora (J. II, 125); Guttila (II, 257); Ayakūṭa (III, 147); Mahāsūka (III, 494); Cullasūka (III, 496); Kaṇha (IV, 14); Akitti (IV, 242); Sādhīna (IV, 360); Sivi (IV, 412); Mahāsutasoma (V, 511); Sāma (VI, 95); Nimi (VI, 129); Vidhurapaṇḍita (VI, 329); Vessantara (VI, 593). Ít thường xuyên hơn, ngài được đồng nhất với một số nhân vật khác như người xà phu trong chuyện Kurudhamara (J. II, 381, xem thêm DhpA. IV, 89); Pabbata trong chuyện Indriya (J. III, 469) và Sarabhaṅga (V 151); vua xứ Ba-na-lại trong Candakinnara (IV, 288); một trong bảy người con trai của người Bà-la-môn trong chuyện Bhisa (IV, 314; xem thêm Jm. p. 115); con chim bồ câu trong chuyện Pañcūposatha (IV, 332); Ajapāla trong Hatthipāla (IV, 491); Sucīrata trong chuyện Sambhava (V, 67); và Pañcasikha trong Sudhābhojana (V, 412).

Trong số các đồng môn của A-nậu-lâu-đà, được đề cập thường xuyên nhất là tôn giả Nam-đề và Kim-tỳ-la, cả ba người đều là tấm gương về lối sống hòa thuận.[43] Những người đồng trú với A-nậu-lâu-đà là Abhiñjika và Bāhiya đều không có tiếng tốt. Abhiñjika ham mê nói chuyện vô bổ[44] còn Bāhiya cố gắng gây chia rẽ trong Tăng đoàn.[45] Nhưng trong cả hai trường hợp, A-nậu-lâu-đà đều không can dự vào việc ngăn cản họ.

A-nậu-lâu-đà chịu trách nhiệm về việc truyền giới cho sa di Cullasumana, người đã chứng thánh ngay trong khi xuống tóc. Cullasumana từng là chưởng quỹ Sumana trong tiền kiếp và đã giúp đỡ A-nậu-lâu-đà khi ngài sinh làm Annabhāra.[46] Phiên bản tiếng Phạn của câu chuyện về sự xuất gia của sa-di Sumana dưới sự tiếp độ của A-nậu-lâu-đà có trong tập Avadanaśataka (p. 203 ff.).

A-nậu-lâu-đà có một người em gái tên là Rohiṇī, người mà ngài đã làm thiện sự và giúp cô chữa khỏi căn bệnh ngoài da xấu xí. Chúng ta biết rằng tôn giả Vāsabhagāmi và Sumana, những người đã tham gia Đại hội kết tập lần hai, là những đệ tử của A-nậu-lâu-đà.[47]

Chuyện kể rằng Indaka, một gia chủ chỉ cúng dường một thìa đồ ăn nhỏ cho A-nậu-lâu-đà, đã được tái sanh lên cung trời Đao Lợi, trội hơn hẳn Aṅkura nhiều mặt, người đã dành nhiều của cải để thực hành bố thí nhưng những người thọ nhận lại không xứng đáng.[48]

Trong các tác phẩm Phật giáo Bắc truyền, A-nậu-lâu-đà thường được gọi là Aniruddha. Theo tập Dulva tiếng Tây Tạng, ngài là con trai của vương tử Droṇodana và những người đã cùng ngài xuất gia là Bhadrika (Pali: Bhaddiya), Raivata (Pali: Revata), Devadatta và Upāli.[49] Tập Đại Sự (III, 176 f.) nói Bhaṭṭika (Bhadriya, hoặc Pali: Bhaddiya) là một người anh em khác của A-nậu-lâu-đà. Trong Kinh Đại Trang Nghiêm (p. 165), A-nậu-lâu-đà được viết là người đã đeo đồ trang sức của thái tử Tất-đạt-đa khi Ngài xuất gia tầm đạo. Theo tập Dulva, chính A-nậu-lâu-đà, theo yêu cầu của tôn giả Đại Ca-diếp, đã phát hiện ra rằng chỉ có A-nan-đà trong hội chúng năm trăm trưởng lão chưa chứng thánh, khiến A-nan-đà bị loại khỏi Hội đồng kết tập cho đến khi đắc quả.[50]

  1. R. G.

ANURUDDHA (4), thầy tiếp độ (upājjhāya) của trưởng lão Mahāsumma. Một lần, ngài đã cúng dường một bát đầy bơ làm từ sữa trâu cho Tăng đoàn. Điều này được ghi lại là một chương nhỏ trong cuộc thảo luận về việc liệu một chiếc bát mua cho riêng một vị trưởng lão nào đó có thể được dùng cho hội chúng tỳ-kheo hay không. Vấn đề được trưởng lão Cūḷanāga nêu lên, cho rằng việc đó là không hợp lẽ (akappiya: VinA. III, p. 698-9).

R.A.G.

ANURUDDHA (5), một vị tỳ-kheo được cho là tác giả của ba tác phẩm có giá trị về Thắng Pháp là Thắng Pháp Tập Yếu Luận, Nāmarūpapariccheda (Phân biệt Danh sắc) và Paramatthavinicchaya (Thắng Nghĩa Đế Quyết Trạch Luận). Có lẽ, ngài cũng là tác giả của cuốn Anuruddhaśataka, một tác phẩm tiếng Phạn dạng kệ tao nhã.

Quan điểm của các học giả về nơi sinh và thời gian sinh sống của ngài khác nhau rõ rệt. Ngay cả quyền tác giả của các tác phẩm nói trên cũng là một nghi vấn. Một số tin rằng A-nậu-lâu-đà là người cùng thời với luận sư nổi tiếng Phật Âm[51], trong trường hợp đó, ngài nhất định thành tựu vào thế kỷ thứ năm A.C. Những người khác cho rằng ngài sống vào thế kỷ thứ mười hoặc mười một. Học giả Malalasekera theo quan điểm thứ hai khi xét về mặt ngôn ngữ và phong cách của tác phẩm. Không có sẵn bằng chứng cuối cùng nào.

Có một điểm không chắc chắn về việc liệu rằng tất cả bốn cuốn sách đề cập ở trên đều được soạn bởi cùng một tỳ-kheo có tên A-nậu-lâu-đà hay của nhiều tỳ-kheo cùng tên, điều này nảy sinh do một số phát biểu trong tập Thắng Nghĩa Đế Quyết Trạch Luận, Thắng Pháp Tập Yếu và một số tác phẩm khác. Vì vậy, những khổ thơ kết thúc của Thắng Nghĩa Đế Quyết Trạch Luận viết rằng cuốn sách được biên soạn bởi trưởng lão A-nậu-lâu-đà, sinh ra ở thành Kaveri thuộc nước Kañcipura (Kiến-chí) khi ngài đang trú tại thành Tanja thuộc nước Tamba. Mặt khác, đoạn kết của Thắng Pháp Tập Yếu lại ghi nơi ở của ngài là tự viện Mūlasoma được cho là do hoàng hậu Somā, vợ vua Vaṭṭagāmaṇī, và viên quan Mūla xây dựng tại thành Polonnaruwa. Cũng theo tích Miến Điện, A-nậu-lâu-đà là một trưởng lão của Tích Lan và đã viết Thắng Pháp Tập Yếu Luận tại tự viện Mūlasoma.

Tập Sasanavamsa (Tôn giáo sử – Phật Sử) thế kỷ 19 chỉ gọi ngài là Anuruddhācariya xứ Tích Lan.[52] Tập Saddhammasangaha (Diệu Pháp Tập Yếu) thế kỷ 14 viết ngài là tác giả của Thắng Pháp Tập Yếu Luận.[53] Cuốn sách cũng ghi Thắng Nghĩa Đế Quyết Trạch Luận là của A-nậu-lâu-đà, nhưng ở đây, ngài được cho là đã sống ở tại thành Kāñcipura (Conjeevaram) (Kiến-chí). Tập Gandhavaṃsa (Lịch sử Kinh điển Pali)[54] viết ngài là tác giả của ba chuyên luận về Thắng Pháp đề cập ở trên.

Những dữ liệu này đã khiến các học giả ngày nay có những ý kiến khác nhau về nơi sinh của A-nậu-lâu-đà. Học giả Malalasekera[55] cho rằng A-nậu-lâu-đà là một tu sĩ Tích Lan, người đã sống một thời gian tại thành Kiến-chí miền nam Ấn Độ. Trưởng lão Phật Thọ[56] tin rằng có hai tỳ-kheo tên là A-nậu-lâu-đà, một ở Tích Lan và một ở Ấn Độ, vị ở Tích Lan là tác giả của Thắng Pháp Tập Yếu LuậnPhân biệt Danh sắc còn vị ở Ấn Độ là tác giả của Thắng Nghĩa Đế Quyết Trạch Luận. Ông đi đến kết luận này vì theo ông, hai tác phẩm, Thắng Nghĩa Đế Quyết Trạch LuậnPhân biệt Danh sắc không thể của cùng một tác giả, bởi chuẩn mực giáo lý và kinh điển giữa hai tác phẩm cho thấy có sự khác biệt lớn.

Cho dù tác giả hay các tác giả có thể là ai thì các tác phẩm được nhắc đến trên đây, đặc biệt là ba cuốn sau, cho thấy bằng chứng về học thuật uyên thâm và đầy tính thơ ca.

  1. R. P.

[1] Theo chú giải Thánh nhân ký sự, p. 269, cha của A-nậu-lâu-đà là Sukkodana.

[2] Xem Vin. II, 108 ff., 180 ff.; ThagA. III, 65; AA, I, 189 ff; DhpA. I, 133 ff.; IV, 120 ff.; ApA. pp. 268-72;. Avś. p. 114

[3] A. I, 23,

[4] A. IV, 228 ff.; ThagA, III, 65 f.; AA. I, 191 f.; DhрA. I, 138.

[5] A. I, 281 f.

[6] M. III, 153 f.; Vin. I, 350 ff.

[7] M. I, 205 ff;

[8] M. 111, 152 ff.

[9] M. I, 462 ff.

[10] M. III, 78 ff.

[11] D. II, 156 f., lặp lại ở Thag. v.v. 905, 906; S. I, 159. Về điều này, xem Oldenberg, Nachrichten der Wissenschaften zu Gottingen, 1902, tr. 168 ff. và Przyluski, JA. mai-juin, 1918, trang 485 ff.

[12] D. II, 158 F, Xem Rockhill, The Life of the Buddha, trang 141 ff. cho tài khoản trong Dulva Tây Tạng.

[13] D. II, 163; Rockhill, op. cit. p. 144; Mhvu. I, 66.

[14] DA. I,15; Mhbv. p. 94.

[15] ThagA. III, 70.

[16] SA.III, 229.

[17] Thag. v. 908; và S. I, 200.

[18] SA. I, 293; ThagA. III, 72.

[19] DhpA. II, 173 ff.

[20] S. V, 302.

[21] A. IV, 129 ff.

[22] DA. II, 413.

[23] Thag. v. 919.

[24] M. III, 144 ff.

[25] S. IV, 240 ff. Xem thêm A. I, 281.

[26] A. IV 262 ff.

[27] S. V, 174 ff.

[28] S. V, 294 f.

[29] S. V, 301.

[30] ibid, 302.

[31] ibid. 303 ff. Tuy nhiên, ở các nguồn khác, ta biết rằng A-nậu-lâu-đà coi việc đạt được thiên nhãn là chứng đắc cao nhất trong mọi chứng đắc (M. I, 213).

[32] A. II, 239.

[33] S. I, 144-6.

[34] VvuA, 189.

[35] S. I, 209; SA. I, 309.

[36] Buv. v. 60.

[37] DhpA. III, 218; Vism. 329.

[38] DhpA. III, 471.

[39] Vin. IV, 17 ff.

[40] loc.cit.

[41] Xem Thag. vv. 910, 913-18; Thag A. III, 64 ff.; DhpA. IV, 120 ff; AA. I, 183 ff; ApA. 258 ff; Ap. I, 35-6. Xem thêm Kvbh. pp. 66 f., 76, 102, 154.

[42] DhpA. I, 134 f.; DhpA. IV, 124 ff

[43]  Vin. I, 350 ff.; M. I, 205 ff, 462 ff.; III, 152 ff.

[44] S. II, 204.

[45] A. II, 239. Xem thêm KhpA. I, 115, nơi cái tên xuất hiện là Bāhika.

[46] DhpA. IV, 128 f.

[47] Dpv. v, 24; VA. I, 35; Mhv.i v, 58-9.

[48] Pvu. vv. 58–60            DhpA. III 221.

[49] Rockhill, Cuộc đời Đức Phật, pp. 18, 53f.

[50] ibid . pp. 151 f.

[51] Lời nói đầu trập Thắng Pháp Toát Yếu, do trưởng lão Paññānanda hiệu đính, 1898 và cũng là lời tựa của tập Paramaṭṭhavinicchaya do P. Charles Henry Dias xuất bản, 1926.

[52] pp. 33,34.

[53] p. 91.

[54] p. 61.

[55] Văn học Pali của Tích Lan, 169-70.

[56] Pali Sāhityaya, Vol. II, 345.