ANUPALAMBHA (bất khả đắc)

ANUPALAMBHA (bất khả đắc), nghĩa là ‘ngoài sự chứng ngộ’. Vì vạn pháp không có bản chất cố định cụ thể, nên dù một người có cố gắng cách nào cũng không thể nắm bắt được bản chất cụ thể của vạn pháp, chúng là bất khả đắc. Theo Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh (大乘本生心地觀經, Taishō, No. 159), bản chất nội tại của vạn pháp là bất khả đắc; tương tự như vậy với bản chất bên ngoài và bản chất chính trung (op. cit., vol. 3, p. 327).

Theo Kinh Đại bát-nhã-ba-la-mật, Bất khả đắc Không (anupalambha-śūnyatā) là một trong mười tám tánh Không (aṣṭādaśaśūnyatā), được dùng để giải tính tánh Không theo nhiều phương diện. Vì vạn pháp vốn không


thường trụ cũng không vô thường, bản chất của chúng là nhất thời, nên vạn pháp là bất khả đắc không. Kinh Đại Thừa Nghĩa Chương (大乘大義章) giải thích điều này như sau: “Vạn pháp, như sinh, tử, hay Niết-bàn, có bản chất và hình thức là an tĩnh tịch tịnh, nếu cố gắng chứng đắc, chúng là bất khả đắc. Do đó, vạn pháp giai không. Nếu cố gắng tìm ra ‘cái ngã” trong bản thể của một chúng sanh (skandha), trong các xứ (āyatana) và các giới (dhātu), chúng là bất khả đắc, vì thế ‘ngã’ cũng là không. Nếu cố gắng nắm bắt bản chất của vạn pháp dựa theo các nhân trực tiếp và gián tiếp, điều đó là không thể, nên bản chất của vạn pháp là không, cũng như không thể bắt được bản chất của nắm tay bằng năm ngón tay. Do vậy, nhân trực tiếp và gián tiếp của vạn pháp là không. Vậy thì, điều gì là thực? Có phải vạn pháp là bất khả đắc vì trí tuệ của con người là bất toàn? Hay do bản chất của vạn pháp vốn dĩ là không? Trong Luận Đại Bát-nhã-ba-la-mật, ngài Long Thọ viết rằng vì vạn pháp giai không, chúng là bất khả đắc.  (Taishō, No. 1851, Vol. 44, p. 554).

Kinh Đại Bát Niết Bàn viết rằng các pháp thế gian khả đắc là vô thường; tuy nhiên, quy luật đầu tiên của vạn pháp, tức bất khả đắc, thì trường tồn.

Tập Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄) và Chánh Pháp Nhãn Tạng (正法眼藏) có đề cập đến ‘tâm bất khả đắc’.

K. Tmr.