ANANTARA-PACCAYA
ANANTARA-PACCAYA. Trong số hai mươi tư nhân duyên (paccaya) được liệt kê trong Paṭṭhāna, cuốn sách thứ bảy của Kinh Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhāmma Piṭaka) của Thượng Tọa Bộ (Theravādin), một trong số điều quan trọng nhất là vô-gián-duyên (Anantara-paccaya).
Mọi duyên đều giả định trước hai đặc điểm chính, đó là duyên-pháp (paccayadhamma) và duyên-khởi-pháp (paccayuppannadhamma: Tikap. I, 23). Trong trường hợp hiện tại, duyên-pháp là nhận thức trước và các tâm đồng hành của nó vừa mới diệt (purimā dhamma) trong sát na ngay trước đó, trong khi duyên-khởi-pháp là nhận thức kế tiếp và các tâm đồng hành của nó mà vừa mới sinh khởi (pacchimā dhamma). Vô-gián-duyên là mối liên hệ giữa cả hai điều này, chúng sinh và diệt không ngừng (Tikap. I, 3).
Sumaṅgala nói trong Phụ Sớ của Thắng Pháp Tập Yếu (Abhidhammatthavibhāvinī) (ed. D. Paññāsāra & P. Wimaladhamma, 1933, trang 138), mà nhận thức trước đó có thể gây ra các trạng thái của thức như vậy, tương tự như nhận thức của chính nó, để tiếp tục trong khoảnh khắc ngay sau đó (attano anurūpacittuppādajanana-samattha). Trong khi giải thích triết lý về duyên sinh (Paṭṭhānuddesa Dīpanī- bản dịch tiếng Anh bởi Sayādaw U Nyāna, 1935, trang 24), Ledi Sayādaw nói rằng trong cụm từ, “tương tự như chính nó’, từ tương tự có nghĩa là thể hiện sự tương đồng về mặt khả năng ý thức về một đối tượng.
Điều quan trọng cần lưu ý là vô-gián-duyên không chỉ chiếm ưu thế trong cuộc đời này, bắt đầu từ sự sinh và kết thúc bằng sự tan rã của thân thể vật chất, mà nó còn xuyên suốt toàn bộ chiều dài của sự tồn tại lặp đi lặp lại của một cá thể không gián đoạn. Do đó, chúng ta nhìn thấy nhân duyên của vô-gián-duyên tồn tại giữa tâm-tử (cuti-citta) và tâm-sanh (paṭisandhi-citta). Tâm-sanh được liên hệ tới dòng tương tục của đời tiếp theo bằng sự cận kề; và dòng tương tục của đời sống lại có liên hệ theo cách tương tự với dòng tương tục của đời tiếp theo và cứ như thế với phần còn lại (JPTS. 1884, trang 37). Ledi Sayādaw có ý kiến rằng cho tới sau khi nào thành tựu quả A-la-hán và đi đến sự tan rã cuối cùng của năm uẩn (khadha-parinibhāna) sự tương tục này sẽ không bị phá huỷ hay nói một cách nghiêm túc nó sẽ không ngưng bặt hoàn toàn (loc.cit.).
Đây không phải là một trình tự đơn thuần hay sự tiếp nối về thời gian, không có sự liên kết bởi bất kỳ nhân duyên nào giữa hai sự vật tương quan. Mặt khác, đây là mối quan hệ tạm thời trong đó quan hệ nhân quả tồn tại. Do đó, duyên-pháp hướng tới duyên-khởi-pháp, chủ thể tiền thân tiến tới chủ thể kế thừa của nó, giống như cha mẹ rồi đến con cái, với sự khác biệt là chủ thể tiền thân trong chuỗi tinh thần không còn như vậy tại thời điểm chủ thể kế thừa nó xuất hiện. Ngoài ra, đơn vị ý thức tiếp theo của thức kế thừa tất cả năng lượng, chức năng, những ấn tượng của đơn vị đang đi đến sự kết thúc, giống như cách một người kế thừa tài sản của cha mẹ đã khuất của anh ta.
Hệ thống tư tưởng chính thống ở Ấn Độ được thành lập ở Upaniṣads đặt ra một linh hồn bất biến không chỉ để giải thích quá trình nhận thức (Bṛhadāraṇyaka Upaniṣad, 3.7), mà còn để giải thích cho hiện tượng tái sinh (ibid. 6.2). Quan điểm như vậy bị những người theo Đạo Phật bác bỏ, vì triết lý về sự thay đổi có tầm quan trọng sống còn với họ. Giáo lý về sự vô ngã, vốn là hệ luận của triết lý về sự thay đổi vẫn là điểm lưu ý chính, đặc biệt trong truyền thống Nguyên Thuỷ, cho tới ngày nay. Tầm quan trọng triết học của vô-gián-duyên là minh chứng từ thực tế rằng nó cho phép các Phật tử loại bỏ quan niệm về một thực thể không bị thay đổi, cái ngã, không chỉ trong việc giải thích về quá trình nhận thức mà còn trong hiện tượng tái sinh.
D. J. K.