ANALOGIES

ANALOGIES việc đưa ra sự giống nhau giữa hai sự vật với mục đích làm sáng tỏ một số điểm không quá rõ ràng ở một trong số chúng được tìm thấy rất nhiều trong các kinh điển Phật giáo. Chúng được sử dụng chủ yếu trong các bài giảng hoặc bài kinh, vì trong những trường hợp như vậy, giáo lý hoặc một số khía cạnh cụ thể của nó sẽ được trình bày dưới dạng đàm thoại của cuộc đối thoại hoặc thảo luận, mà không mang nặng hình thức học thuật của một bài giảng phân tích.

Không có nỗ lực xác định cái này với cái kia, mặc dù thường thì một hoặc nhiều phẩm chất, thường được gán cho cái này, hoặc cái kia khi so sánh, đảo ngược những phẩm chất đó với các liên kết khác có thể hoàn toàn nằm ngoài phạm vi so sánh. Do đó, những phép loại suy (sự tương tự) trong kinh điển Phật giáo thực ra không phải là ẩn dụ, vì không có sự chuyển đổi (= ẩn dụ) về ý nghĩa, nhưng có sự so sánh về phẩm chất, và sự tương đồng được ghi nhận. Những ví dụ như vậy sau đó được phát triển thêm ở nhiều chi tiết, so sánh các phép loại suy từng điểm một.

Phép loại suy từng điểm rất phổ biến trong Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh), trong đó các bài kinh được đánh số thứ tự, một hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho việc so sánh từng phần.

Các phép loại suy hoặc so sánh dài hơn thường được giới thiệu bởi trạng từ so sánh: ‘chỉ như’ (seyyathā); trong khi các hình tượng giống nhau đơn lẻ được gắn với dạng đơn giản hơn  là ‘như’ (yathā), hoặc theo sau là iva không thể xác định.

Các phép loại suy được sử dụng với mục đích làm sáng tỏ một số điểm giáo lý và do đó phép loại suy sẽ được rút ra từ các sự việc và nhân vật nổi tiếng về cuộc sống hàng ngày và môi trường xung quanh. Do đó, tình cờ là sau 25 thế kỷ chúng cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về khung cảnh chung của thời đại đó ở các quận phía bắc của Ấn Độ, dọc theo bờ sông Hằng. Do vậy, trong vùng khí hậu nhiệt đới đó, đời sống, văn hóa và tâm linh đều gắn liền với dòng sông hùng vĩ, đem lại cả sự sống và cái chết này không thể tách rời, do đó, nó đóng một phần rất nổi bật, đôi khi bằng tên riêng của nó, đôi khi là Sông Lớn (Mahā-nadī), đôi khi là các nhánh (kunnadī) của nó, Yamunā , Aciravatī, v.v.

“Làm tràn ngập khắp thế giới với cái tâm như sông Hằng (Gaṅgāsamena cetasā: M. I, 128) sâu thẳm, trải rộng, vô lượng, không ác tâm”. “Một người bị dòng sông cuốn đi những cực nhọc hiện tại” (nadīsu āyūhati: S. I, 48). “Tìm được một chỗ đứng cao và khô ráo, vị ấy đứng, không tiểu tiện… ngay cả vị A la hán, người đã đạt đến sự chấm dứt sinh tử, cũng vậy, vị ấy không đi vệ sinh” (loc. cit.) “Giống như đại dương khi thủy triều lên làm cho các dòng sông lớn dâng trào, và đến lượt chúng lại đóng góp những giá trị của mình ….., tuy nhiên khi vô minh lớn mạnh nó sẽ khiến cho nghiệp chướng tạo tác cũng lớn theo”, v.v… (S. II, 118). “Tôi thổi bay niềm tin cũ của mình như một cơn gió mạnh và cuốn trôi chúng như dòng nước chảy xiết” (mahā-vāte vā opunāmi sīgha-sotāya vā nadiyā pavāhemi: D. II, 132).

 Khái niệm về sự mát mẻ và sảng khoái là một chủ đề khác luôn lặp đi lặp lại và chắc hẳn là điều tuyệt vời ở một đất nước, nơi ánh nắng chói chang của mặt trời chói chang đôi khi bị che khuất bởi một cơn bão cát rát bỏng trong một cơn gió thiêu đốt. “Niềm vui sướng tựa như một cơn gió mát cho người nóng bức đầy mồ hôi, một hớp nước cho người đang khát”.

(vāto va sedakaṃ kanto pānīyaṃ va pipāsino: D. II, 265)

 

Sự mát mẻ của việc giải thoát khỏi ngọn lửa dục được nhắc đến rất nhiều lần, đến nỗi nó đã trở thành một từ đồng nghĩa với Niết bàn. Vì vậy, các vị A la hán mới hát rằng, “Bây giờ tôi thật là mát mẻ. Lửa dục thiêu đốt bên trong đã tắt hết”. (Sītibhūto ’smi nibbuto’ti: Thag.v. 79, 298)

“Gột sạch dục tham sinh khởi từ cảm xúc

Chờ đợi sự giác ngộ và sống trong sự thanh tịnh thuần khiết”

 (so vedayitāsu vītarāgo kālaṃ kaṅkha idh’eva sītibhūto’ ti: Thag. v. 416).

“Khi nào thật sự sống trong sự thanh tịnh và an lạc ấy, vị ấy sẽ đi trên con đường giác ngộ của mình”

 (ajalo jalasamāno sadā carati nibbuto : Thag. v. 1015).

“Giữa thế gian bị dục vọng thiêu đốt, vị ấy vẫn an lạc và thanh tịnh”

 (jhāyati anupādāno ḍayhamānesu nibbuto: Thag.v. 1060).

“Lửa dục đã hoàn toàn bị dập tắt, chỉ còn sự mát mẻ tợ nước hồ thu”

(parinibbuto udakarahado va sīto: Sn.v. 467).

Khi đạt được trạng thái giác ngộ, vị ấy sẽ hát vang bài ca về sự tự do (vimutti), sự giải thoát (vimokkha), bản chất bất toại của dục được xem là một sự ràng buộc (badhana) và xiềng xích (saṃyojana) của cả tâm trí và xác thịt. Chúng  là những chướng ngại (nīvaraṇa) cho sự giải thoát, là những lậu hoặc (āsava) che lấp chánh kiến. Tiến trình đi đến giải thoát là đi theo theo một con đường (magga), con đường Bát Chánh Đạo (ariya aṭṭhaṅgika magga) sẽ đưa đến Thánh Đạo (ariya-magga), có bốn Thánh Đạo tương ứng với bốn thánh quả (phala).

Học thuyết về nghiệp quả gắn liền với hành động (kamma) của mỗi cá nhân, sự so sánh giữa hành động và kết quả (kamma, vipāka) với nhân và quả (bīja, phala), thiện cũng như ác, thường được gặp và trổ quả cụ thể (ví dụ, A. IV, 237).

Ví dụ về chủng tử (bīja) được áp dụng cho thức (viññāṇa) trong đó nghiệp (kamma) được so sánh với đất (khetta) và tham ái (taṇhā) được so sánh với độ ẩm (sineha), giúp cho hạt giống trưởng thành. (A.I, 223).

Nhóm các vị Thánh Tăng (sāvakasaṅgha) là một kiểu mẫu được gọi là ruộng công đức (puññakhetta), để sinh gieo trồng quả thiện, ví như người tại gia cúng dường cho các vị ấy cũng giống như những hạt giống được gieo trồng vào mảnh ruộng này, sẽ sinh trưởng rất nhiều công đức (M. I; S.I, 220; A. I, 208, v.v.). Tất nhiên một mảnh ruộng không chỉ sinh quả lành, nó còn có cỏ dại như là sân hận, tham dục, giãi đãi và bất an, v.v. Ngoài sự tương tự của một cánh đồng (khetta) bị hư hại bởi cỏ dại sân hận (tiṇa-dosa: Dhp.v. 356) và những điều xấu xa khác, từ gốc rễ tam độc (mūla) mà mọi điều xấu xa phát sinh, chúng ta thấy những khuynh hướng xấu xa đó được so sánh với thuốc độc (visa: Thag.v. 758). Đến phần trình bày chi tiết về những trạng thái bất thiện đã nêu, chúng ta tìm thấy một kho tàng phong phú các từ đồng nghĩa minh họa trong Dhammasaṅgaṇi (Bộ Pháp Tụ). Dục vọng (lobha) hay tham lam (rāga) được so sánh (Dhs. § 1050) với vũng lầy (paṅka) trong đó người ta càng lún sâu hơn (osīdana: DhsA. 363); với người thợ may (sibbanī), vì nó khâu nối sự sống trong sự tái sinh; với người vợ (dutiyā), vì “đã dính vào ái dục, con người nhất định phải trải qua kiếp này qua kiếp khác” (taṇhādutiyo purriso, dīgham addhāna-saṃsāraṃ: Sn.v. 740); với một khu rừng rậm (vana) và bụi rậm (vanatha) trong đó không thể tìm được đường đi; với cái ách (yoga) và xiềng xích (gantha); với một loại dây leo (latā) bóp chết cái cây mà nó bám vào để sinh trưởng; với cái bẫy (pāsa) và lưỡi câu (balisa), lưới đánh cá (jāla) và dây xích chó (gaddhūla).

Một ví dụ thú vị là sự so sánh bốn nhóm dục (kāmacchanda), ái dục (bhava), tư kiến (diṭṭhi) và vô minh (avijjā) với lậu hoặc (āsava). Chúng được gọi như vậy vì tác dụng của chất chiết xuất hoặc chất tiết gây say của cây hoặc hoa, hoặc chất tiết ra từ vết loét mưng mủ (aruka) ngày càng tiết ra chất của nó (bhīyasomattāya āsavaṃ deti: A. I, 124). Chúng là những chất gây say, vì từ chúng nảy sinh lòng kiêu hãnh và sự hư hỏng trong con người (mānapurisamadādayo yenāti: Subhūti, Abhidānappadīpikāsūci, s.v. Āsavo). Trong các chất say, dục (kāma) và dục (bhava) được gọi là khát (pipāsa) và sốt (pariḷāha: Dhs. §§ 1097-8, tr. 195); trong khi suy đoán (diṭṭhi) được cho là rừng rậm (gahana) và hoang vu (kantāra: sđd. § 1199).

Có những ô nhiễm tinh thần khác, tất cả chúng đều được mô tả bằng những phép so sánh và loại suy, một số trong chúng được biểu lộ rõ ràng nhất. Như vậy trạng thái bệnh hoạn của tâm là trạng thái hôn mê (middha) của các cảm xúc xúc động, các ấn tượng thụ động và các hành khách quan, được so sánh với trạng thái buồn ngủ (soppaṃ pacalāyikā) giống như một tấm vải liệm (onāha: ibid. § 1157). Chướng ngại (nīrvaraṇa) đối với sự tiến bộ tâm linh không chỉ đơn thuần là chướng ngại vật, mà tạo thành một sự lây lan truyền nhiễm (parāmāsa), làm biến chất bất cứ thứ gì nó chạm vào (parāmaṭṭha: ibid. § 1181-3).

Những phép loại suy rút ra từ đời sống động vật trước hết cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về sự tiếp xúc của con người với thế giới động vật vào thời điểm đó, và thứ hai giúp chúng ta thấy được chiều sâu của sự thấu hiểu, của những người đã sử dụng phép loại suy, ở những điểm so sánh tinh tế, sự hiểu biết của họ về thế giới động vật, tập tính và đặc điểm của các loài động vật được sử dụng trong ví dụ; nhưng chúng cũng thường xuyên khiến chúng ta mỉm cười trước khiếu hài hước tinh tế ẩn sau phép loại suy, từ đó không phải lúc nào con người cũng trở nên tốt hơn.

Tất nhiên, trong số những động vật được thuần hóa được đề cập đến trong phép loại suy, chúng ta thấy có bò cái, bê và bò đực, dê và cừu đực, ngựa và lừa, con bò đực mang ách cày. Chúng tôi cũng gặp chó, mèo và chuột, và nhiều loài chim khác nhau, chẳng hạn như cú, chim cu, kền kền, diệc, diều hâu, công, quạ, vẹt và thiên nga. Sau đó, có những loài động vật trong rừng, với niềm tự hào về vị trí được trao cho voi và sư tử; xa hơn nữa là rắn, hổ, heo rừng, chó rừng, nai, thỏ rừng và khỉ. Có con nhện và con ruồi, con ong và con cá. Ngay cả cá sấu và rùa cũng không bỏ qua. Một số loài động vật đã mang đến nhiều liên tưởng đến hiện trường, chẳng hạn như đồng cỏ, sữa, bơ và mật ong, người thợ săn với cung tên, con dao, mồi câu, lưỡi câu và cái bẫy. Mỗi người và tất cả đều có một bài học để dạy cho chúng ta, và khiến chúng ta dừng lại một chút để ý nghĩa sâu xa hơn của lời Phật dạy tự nó sáng tỏ.

Ở đây chỉ đưa ra một vài dẫn chứng được chọn lọc.

Bò (go, gāvī) không chỉ là được tôn kính mà thậm chí còn được thờ cúng như một Thánh Mẫu, ở cả Ấn Độ cổ đại lẫn hiện đại. “Những vị Bà la môn thời cổ đại cho rằng bò, như là mẹ, la cha, và những người thân khác của họ, là bạn thân của họ (yathā mātā…. gāvo no paramā mittā), là sinh vật đem lại cho họ nhiều thứ như sức khỏe, thức ăn, sự mạnh mẽ; và để bày tỏ lòng tôn kính của mình, họ không bao giờ giết mổ bò” (Sn.vv. 296-7). Và do đó, sự nhân cách hóa ẩn dụ cho vị Tỳ

 

kheo không chỉ được nhìn nhận một cách siêu hình, như Đức Phật được gọi là con bò đực Sakya (Sakyapuṅgava: Sn. v. 690), hay về mặt đạo đức, mà còn về mặt vật chất. Như vậy, bậc trí giả không nên chỉ tìm niềm vui trong đồng cỏ của các bậc thánh (aryānaṃ gocare ratā: Dhp. v. 22), hoặc nuôi dưỡng các căn của mình trên nhiều loại cỏ của các trần cảnh (indriyānaṃ nānāgocarāni: S.V, 218), nhưng ngay cả những ngôi nhà mà Tỳ kheo khất thực cũng là đồng cỏ vật chất của vị ấy (gocara-gāma) và phải tìm nơi thích hợp để giúp ích cho người đang có ý định hành thiền (Vism. iv, § 37, tr. 103). Và trong quá trình rèn luyện như vậy để có đức hạnh lớn hơn, hiểu biết sâu sắc hơn và trí tuệ giác ngộ cao hơn (adhisīla-, adhicitta-, adhi-paññā-sikkhāya), một Tỳ kheo cũng phải  luôn để tâm đến trách nhiệm cần có của mình với các bạn đồng tu, “cũng như một con bò cái với một con bê con, ngay cả khi nó đang nhổ cỏ, vẫn để mắt đến con nó” (seyyathā pi bhikkhave gāvī taruṇavacchā thambañca ālumpati vacchakañca apavīṇati: M. I, 324). Hình ảnh đáng thương của con bò với bộ da lở loét (gāvī niccammā: S. II, 99) khiến nó không thể tựa vào tường hay gốc cây, dù ở dưới nước hay ngoài trời cũng sẽ bị các sinh vật dưới nước cắn hoặc bằng ruồi, sẽ biểu lộ sự thương cảm. Nhưng ngay cả như vậy, cũng phải cân nhắc khi tiếp xúc, rằng nó có giúp ích cho thể chất hay tâm linh hay không. Khi đã thấu rõ chất liệu nuôi dưỡng thân và tâm, mọi sự tiếp xúc sau đó sẽ không còn bị dính mắc, và “vị thánh đệ tử khi ấy đã làm xong việc cần làm” (loc.cit.). Một người có đức hạnh và trí tuệ viễn mãn sẽ nhận được sự tôn kính trùm khắp mà không phân biệt chủng tộc, xuất thân hay nguồn gốc của anh ta, giống như một con bò đực dũng mãnh, nhanh nhẹn và thuần phục, sẽ được chọn ra khỏi đàn, cho dù màu sắc của nó đồng nhất hay lốm đốm, màu trắng , đen hoặc đỏ (A. I, 162). Mặt khác, cuộc đời của con người giống như cuộc đời của một con bò tội nghiệp (govajjhūpama: A. IV, 138) vì mỗi một bước là gần hơn với cái chết trong lò mổ; hoặc giống như bò bị lùa quanh sân đập lúa (gāmaṇḍala: Thag.v. 1143). Bởi vì, đối với kẻ ngu muội, không sáng suốt, dục vọng của anh ta lớn dần theo tuổi tác, cũng như sừng của một con bò lớn lên theo năm tháng (gāvaṃ va siṅgine siṅgaṃ vaḍḍhati: J. IV, 172). Sừng lại được sử dụng trong một mối liên hệ khác để minh họa cho sự ngu xuẩn của con người, “giống như người muốn sữa và vắt sừng bò” (visāṇato gāvaṃ dohaṃ: J. VI, 371). Nhưng một người thông thái như hoàng tử Gopāla đi tìm đời tu hành lại cảm thấy mình như một con bò lạc trong rừng: “Ta đã thấy con đường mà hai anh em Hatthipāla và Assapāla của ta đã đi, giống như vết tích của một con bò bị lạc; và chính con đường đó tôi sẽ đi” (J. IV, 481).

4-R 18269 (5/64).

Tất nhiên, có mối liên hệ chặt chẽ với con bò và đàn gia súc là người chăn bò (gopāla), người thường xuyên gắn liền với đàn gia súc trong việc hướng dẫn, trông chừng và bảo vệ chúng, đã tạo cơ sở thích hợp cho những phép loại suy như vậy. Người chăn bò không làm chủ đàn bò mà chỉ trông coi đàn bò của người khác (gopo va gāvo gaṇayaṃ paresaṃ: Dhp. v. 19) là loại người có thể đọc tụng kinh điển, nhưng không biến chúng thành trí tuệ của mình khi thực hành.

Con bò đực (āsabha) khi không có sức mạnh sẽ không có giá trị bằng những con đực khác trong đàn. Vì vậy, Đức Phật thường được mô tả là con bò dũng mãnh nhất trong loài người (narāsabho sabbapajānam uttamo: Sn. v. 684) hoặc khi đứa bé sơ sinh được đưa đến cho đạo sĩ Asita ( A Tư Đà) , ông đã nói rằng đứa bé sẽ là một chú bò dũng mãnh nhất giữa các vì sao, chú bò dũng mãnh ở đây được hiểu là mặt trời (tārāsbha: Sn. v. 687). Ngài được mô tả như vậy vì có uy lực quá lớn như một con bò đực (usabhor iva chetva bandhanāni: Sn. v. 29). Các vị Tỳ kheo của Ngài cũng vậy, những người đã đạt đến quả vị A la hán nhờ đã đoạn trừ tất cả mọi cấu uế làm ô nhiễm thân tâm, được Đức Phật ví như những con bò đực đầu đàn dẫn đàn bò qua dòng nước (usabhā gopitaro gopariṇāyaka: M.I, 226 ). Và Tôn giả Sāriputta (Xá Lợi Phất) áp dụng phép loại suy để nói về chính mình trong khi giải thích hành vi của mình đã xúc phạm một vị Tỳ kheo kém hiểu biết: “Giống như một con bò đực bị cắt sừng (seyyathā usabho chinnavisāṇo: A. IV, 376), hiền lành, thuần phục, được huấn luyện tốt, đi lang thang từ đường này sang đường khác, từ ngã tư này sang ngã tư khác, không gây hại gì bằng chân hoặc sừng; cũng vậy, ta an trú với tâm rộng lớn, dồi dào, vô lượng, không sân hận, không ác ý”.

Các căn không trói buộc các sắc trần, và các sắc trần cũng không trói buộc các căn; bởi vì, cũng giống như hai con bò đực bị cột vào cái ách để cày, chúng không cột trói lẫn nhau mà là cùng bị trói vào cái ách, vì vậy căn và trần đều bị trói buộc bởi tham ái (chandarāga: S. IV, 163, 282). Hết lần này đến lần khác, con bò được đưa ra làm ví dụ về khả năng làm việc, mang ách cày, bị khuất phục, không có sáng kiến, không có trí thông minh. Như vậy một người ít học thì lớn già như trâu đực (balivaddo va jīrati: Dhp.v. 152); khối lượng xác thịt của nó được nhân lên, nhưng tuệ giác không tăng trưởng (Thag.v.v 1025).

Ngựa (assa) thường được nói đến là giống ngựa đã được huấn luyện kỹ càng, thuần chủng (ājañña) để cưỡi hoặc kéo xe (hayavāhin). Do đó, trong các ví dụ, chỉ những phẩm chất tốt của nó được sử dụng một cách tương tự: biết kiềm chế, như một con ngựa được huấn luyện tốt tránh đòn roi (asso bhadvo kosām iva: Dhp. C. 143). Sự hiền hòa nhẫn chịu được xem như tài sản chính của nó, và kết quả là tốc độ của nó như một con ngựa đua (sīghassa: ibid. v. 29), giống như cách mà người trí tiến lên, bỏ lại phía sau kẻ lười biếng về tinh thần. Các đức tính của một con chiến mã thuần chủng được huấn luyện tốt (assājāniya), khiến nó trở thành tài sản của một vương công (rājā) được liệt kê như tính trung trực (ajjava=uju-bhāva), tốc độ, kiên nhẫn và dễ dạy; và bốn đức tính này đủ điều kiện để một Tỳ kheo được cung kính và cúng dường (A. II, 113); đôi khi sự hiền lành cũng được thêm vào (A. III, 248). Trong những phần thi vị hơn của kinh điển, con ngựa thuần chủng thường được so sánh với những vị A la hán và những vị A la hán đang luyện tâm, khi nhìn lại những nỗ lực tu dưỡng tâm thức của họ, hãy nhớ lại sự kiểm soát và mục tiêu đã đạt được. “Như một kỵ sĩ cừ khôi có kỹ năng thuần phục ngựa thuần chủng, ta sẽ kiểm soát ngươi bằng sức mạnh tinh thần gấp năm lần” (Vijitasena trong Thag. v. 358). Indra và Brahmā tỏ lòng tôn kính Sunīta, bậc a la hán, “Kính chào ngài, ngài là bậc dõng mãnh giữa loài người” (namo te purisājañña: ibid. v. 629). Vì “ngay cả chư Thiên cũng ghen tị với những người đã điều phục các căn của mình, cũng như ngựa được người đánh xe thuần phục” (assā yathā sārathinā sudantā: Dhp.v.v 94). Ví dụ về người đánh xe ngựa thường được sử dụng, chính Đức Phật được gọi là bậc Vô Thượng giáo hóa chúng sinh (anuttaro purisadamma-sārathī).

Sự ngu xuẩn cố hữu của con lừa đã không thoát khỏi con mắt cảnh giác của ông thầy. Người xuất gia mà không nỗ lực tu tập giới hạnh, trí tuệ và thiền quán cao hơn thì được so sánh với con lừa, nó đi theo sau đàn gia súc mà tưởng mình là con bò (seyyathā gadrabho gogaṇaṃ piṭṭhito: A. I, 229). Ma vương cũng thấy đặc điểm này và dụ dỗ một số Bà la môn và gia chủ quấy rầy các Tỳ kheo và phỉ báng họ, “Những tên trọc này vai rũ xuống, mặt cúi gằm xuống như bị đánh thuốc khi ngồi thiền, giống như một con lừa ngồi thiền trên mép đống phân khi gánh nặng của nó được trút bỏ” (M. I, 334). Câu chuyện ngụ ngôn về con lừa đội lốt sư tử đã tìm thấy nguyên mẫu của nó trong Theragāthā (Trưởng lão Tăng kệ, câu 1080), trong đó Mahā-Kassapa (Đại Ca Diếp) so sánh một Tỳ kheo kiêu hãnh trong tấm y vá của mình với một con khỉ đội lốt sư tử (kapi va sīhacammena), rằng vẻ ngoài không mang lại lợi ích gì cho con đường tu tập.

Không tìm thấy trong bất kỳ văn bản nào nói rằng con chó (sunakha) đã từng được đối xử như một con vật cưng, như một người bạn tốt nhất của con người. Trong xã hội Ấn Độ giáo, chó là một con vật ô uế, dẫu cho nó có thể bị xích ngoài cổng như một con chó trông nhà. Sumedhā theri, một vị A la hán, nói: “Đừng để mình bị trói buộc bởi dục vọng của chính mình như con chó bị xiềng xích; nếu không những kẻ đói khát đó cũng sẽ đối xử với ngươi như vậy” (Thīg. v. 509). Chỉ những kẻ thấp hèn bị chối bỏ mới ăn thịt chó.

Mối thù truyền kiếp giữa mèo và chuột được Đức Phật mô tả một cách ngụ ngôn khi một số nhà sư lêu lổng quá lâu trong làng mà không tự kiềm chế, dẫn đến thất bại trong cuộc sống cao thượng, giống như một con mèo hung dữ vồ lấy con chuột và nuốt chửng nó; con chuột đã gặm nát bụng con mèo, do đó vô cùng đau đớn và chết (S. II, 270).

Trong số các loài động vật, đặc biệt là các loài sống trong rừng rậm, hầu như không có loài nào không được đề cập đến trong phép loại suy. Có lẽ được sử dụng nhiều nhất trong các phép loại suy là voi và sư tử, chúng được chọn vì sự độc lập, uy nghiêm và quyền thống trị tất cả, cũng như vì sự giận dữ mãnh liệt của chúng khi bị kích động và mất kiểm soát. Do vậy, Yasoja, một vị A-la-hán, tán dương niềm vui thích của lối sống ẩn dật:

Trong khu rừng rộng lớn và hùng vĩ,

Mặc bị mòng mòng cắn đốt,

Tôi vẫn sẽ lang thang như voi,

Tỉnh thức, chánh niệm và thận trọng (Thag. v. 244).

Abhibhūta, vị A-la-hán, đã khuyến khích những người thân của mình và những thuộc hạ cũ của mình rũ bỏ quân đội của vị vua ưa giết chóc, cũng như con voi với túp lều rơm (naḷāgāraṃ va kuñjaro: ibid. v. 256). Và Trưởng lão Tālapuṭa khi nhìn lại cuộc đấu tranh giải thoát của mình đã hát: “Tôi sẽ điều phục tâm của mình bằng sức mạnh của ý chí, giống như một con voi hung dữ được điều khiển bởi một người quản tượng điêu luyện” (ibid. v. 1139); và, “Tôi sẽ ràng buộc bạn, bằng sức mạnh mà sự rèn luyện mang lại, với đối tượng mà bạn nên thiền định, giống như một con voi bị buộc vào cột bằng những sợi dây chắc chắn” (ibid. câu 1141). Việc thuần hóa con voi bằng dây thừng, cột và móc là một câu chuyện ngụ ngôn thường được chấp nhận để kiểm soát tưởng và tâm. “Ngay cả khi một người cầm chắc cái móc khiến con voi hoang phải chống lại ý muốn của nó, tôi cũng sẽ khiến bạn quay lại” (ibid. câu 357); “như một con voi dữ dưới tay một người quản tượng tài ba” (gajaṃ va mattaṃ kusalaṃ kusaggaho: ibid. câu 1139). Nhưng khi được điều khiển, con voi vẫn giữ được sức mạnh và chứng minh được sự hữu ích của nó trong công việc và chiến đấu. “Ồ, giống như con voi xung trận, tôi sẽ phá vỡ mọi ham muốn về dục lạc của các giác quan?” (ibid: câu 1105)

Tuy nhiên, những con voi lại sợ sư tử, vì khi nghe thấy tiếng gầm của sư tử, chúng phá vỡ những sợi dây da đang trói buộc chúng và chạy tới chạy lui vì rất sợ hãi (S.III, 85). Vua sư tử của các loài thú cũng vậy; và Như Lai cũng vậy khi ban giáo pháp cho thế gian, đến nỗi chư thiên cũng nhận ra sự bất ổn của họ. Bản thân Đức Phật thường được so sánh với một con sư tử. Ngay cả sự nghỉ ngơi của ngài cũng trong tư thế của sư tử “giống như sư tử trong hang đá, đối với nó mọi sợ hãi và khiếp đảm đều đã qua đi” (Thag. câu 367) và lời dạy của ngài được ví như tiếng gầm của sư tử, “như vậy là bậc giác ngộ cất cao khúc khải hoàn, như sư tử rống trong khe đồi” (ibid. câu 177). “Bây giờ hãy chú ý đến lời nói của Ngài, ấn tượng như tiếng gầm của sư tử rừng” (ibid. câu 832). Giáo lý của Ngài không chỉ như tiếng gầm của sư tử, mà Ngài còn giảng dạy một cách cẩn thận và thấu đáo (sakkaccaṃ), như một con sư tử khi tấn công một con voi, một con trâu, một con báo hay bất kỳ sinh vật nhỏ nào, dù là một con thỏ rừng. hoặc một con mèo (A. III, 121). Sự so sánh tiếng rống của sư tử so với lời dạy của Đức Phật còn được truyền  ra xa hơn, như một lời cảnh báo cho những sinh vật nhỏ bé lang thang lạc lối; tương tự như vậy Đức Phật thuyết pháp không gây hại cho kẻ lang thang lạc lối (A. V, 32 ; Sn. v. 546).

So với tiếng sư tử rống của Đức Phật, những tà kiến của những người khác, những người, giống như Sarabha, đã từ bỏ chân lý, được ví như tiếng tru của chó rừng già yếu (jarasigāla: A. I, 187).

Nhà hiền triết tìm kiếm tự do như con nai trong rừng (migo araññamhi: Sn. câu 39), tự do đi lại ở nơi họ muốn, trên núi, nơi không có đám đông nào có thể đến (Thag. câu 1144).

Một cái tâm phóng dật nhanh chóng thay đổi như màu nghệ nhuộm (haliddā rāga) cũng được gọi là tâm khỉ (kapicitta: J. III, 148) vì lý do rõ ràng là tâm phóng dật giống như một con khỉ chuyền từ cành này sang cành khác (kapīva sākhaṃ pamuñcaṃ gahāya: Sn. câu 791), hay giống như con vượn lảng vảng trong ngôi nhà nhỏ có năm cửa sổ (Thag. câu 125), ám chỉ tâm và năm căn. “Giống như một con khỉ, đi trong rừng, nắm lấy một cành cây, buông nó ra thì bắt lấy một cành khác, giống như cái mà chúng ta gọi là suy nghĩ, tâm trí, thức, ý này hoại diệt, ý khác đã sinh khởi, cả ngày lẫn đêm”. (S. II, 95). Con khỉ cũng tượng trưng cho sự cuồng loạn và tham lam, vì chính những tật xấu đó đã khiến nó bị dính một chân vào bẫy; rồi lại dùng chân kia để gỡ bẫy, kết quả cũng bị dính, rồi lần lượt đến chân thứ ba, thứ tư và cuối cùng là miệng, cho đến khi toàn thân đều nằm trong bẫy. Như vậy một Tỳ kheo nếu không thúc liễm năm căn của mình và không an trụ trong chánh niệm (S. V, 148), rơi vào cạm bẫy của Ma vương.

Bằng sự thất niệm của mình, con người bị mắc kẹt như cá mắc lưới (macchāva kumināmukhe: Ud. p: 76), hay như cá mắc cạn (maccheva appodake khīṇasote: Sn. v. 777). Cái lưỡi câu bằng thịt (āmisagata balisa: S. II, 226) là một ẩn dụ rõ ràng cho sự ưu ái, tâng bốc và lợi ích. Nhưng cái lưới hay cạm bẫy (jāla) dường như được dành riêng để minh họa cho cái bẫy của tà kiến mà những kẻ đầu cơ mắc phải. Như vậy 62 tà kiến đều mắc vào lưới của Phạm thiên (Brahmajāla Sutta: D. I, tr. 12-46). Những cạm bẫy khác cũng được đề cập, chẳng hạn như cái chết (maccupāsa: Thag. v. 463), và vòng sinh tử lặp đi lặp lại giống như một trận lũ (oghapāsa: ibid. v. 680) mà con người bị mắc kẹt trong cạm bẫy của dục vọng (rāgapāsa : S.I, 124). Con rắn độc dữ (āgataviso ca ghoraviso ca āsīviso: A. II, 110) được ví như người mau giận và giận lâu. Nhưng hơn thế nữa: chính cuộc sống với khuynh hướng bám víu của nó được so sánh với một con rắn độc chết người. Không ai lại đưa cả bàn tay hay thậm chí một ngón tay của mình cho một con rắn như vậy khi đã biết rõ về nó; tương tự như vậy, con người sẽ được giải thoát bằng cách diệt trừ sự chấp thủ (M. II, 261); vì dục vọng chính là nọc độc của con rắn (kāmā kaṭuka āsīvisūpamā: Thig. câu. 451). Do đó, một Tỳ kheo nên từ bỏ mọi dục lạc thế gian, bất luận thanh hay trọc, như rắn lột da của chúng (urago jiṇṇam iva tacaṃ purāṇaṃ: Sn. Vv. 1-17).

Con sói (vaka) chỉ được nhắc đến trong thơ ca. Những người Bà La Môn và các ẩn sĩ, phô diễn “như những con sói đội lốt cừu” (urabbharūpena vakāsu pubbe: J. V, 241), được cho là đang lợi dụng sự cả tin bằng thủ đoạn cũ là giả vờ thánh thiện. Thật thú vị khi lưu ý đối chiếu của phép loại suy này trong Phúc âm Cơ đốc giáo, “những con sói đội lốt cừu” (Mathew, vii, 15).

Từ động vật có vú đến côn trùng. “Giống như con ong lấy mật từ bông hoa (Dhp. v. 49) và rời bỏ nó mà không làm tổn thương nó, không lấy đi màu sắc và mùi hương của nó, cũng như vậy, người trí đi qua ngôi làng bằng cách đi khất thực của mình”. Con người làm nô lệ cho dục vọng của mình như con nhện bám vào mạng của nó (Dhp. 11. 347”. Giống như những con ruồi thích thú trong giỏ thức ăn có thể mang đi bất cứ đâu, không một chút lo lắng về tương lai, do đó, chư thiên hưởng lạc trên các cõi trời mà không nghĩ đến sự vô thường của của họ (M. III, 148).

Vương quốc của các loài chim đã góp phần minh họa các điều kiện của đời sống xã hội giữa con người. Trong số các loài chim nói chung, chúng ta tìm thấy những phép loại suy với những suy nghĩ khi tung cánh, “Đừng mang những suy nghĩ xấu xa của ngươi đến với ta, như con chim hoang mang bay vào ngọn lửa”, ( Thag: câu 1156). “Như chim bay, khó dò dấu vết” (Ibid. câu 92). Chim cu Ấn Độ (karavika), nổi tiếng với âm sắc ngọt ngào, được so sánh với giọng nói của Đức Phật (M. II, 137), của Đại Phạm Thiên (MA. III, 382) và của cậu bé Vipassī con trai của Bandhuman, vị vương công, người sau này trở thành một vị Phật (D. II, 20). Đó là một trong 32 tướng của bậc đại nhân (mahāpurisalakkhaṇa). Người góa phụ không thể tự vệ được ví như con cú bị quạ mổ (J. VI, 508). Nhưng cuộc đời thật dễ dàng đối với kẻ không biết xấu hổ và trơ trẽn như quạ (sujīvaṃ ahirikena kākasūrena: Dhp. v. 244). Cảm xúc của Ma vương sau một lần tấn công Đức Phật thất bại được mô tả giống như cảm giác của một con quạ mổ vào thứ được cho là một tảng đá, mặc dù nó trông có vẻ ngon lành và béo tốt (S. I, 124). Chi tiết trong chuyện Tiền Thân Sonaka là ví dụ về con quạ nhìn thấy một xác chết trôi trên sông. Vì kho dự trữ lương thực dồi dào này, nó vô tình bị cuốn vào hiểm họa của biển cả, chỉ nhận ra hoàn cảnh khó khăn của mình khi chỗ thịt này đã  trôi quá xa, không còn thấy đất liền. Cũng vậy, đó là số phận của những kẻ chìm đắm trong dục lạc của giác quan (J. V. 255). Mặt khác, thiên nga (haṃsa) được tìm thấy trong phép loại suy chỉ để biểu đạt những tình cảm và đặc điểm cao quý. Tuy nhiên, bài hát của thiên nga phải để nói đến bài hát cuối cùng của con vật sắp chết, mà với những giai điệu ngọt ngào, du dương của giọng nói của Đức Phật (Sn.v. 350), ấm áp và trầm bổng (Thag.v. 1270). Con thiên nga duyên dáng nhô lên khỏi mặt hồ, bay vào đường đi của mặt trời đã tạo cơ sở cho những ví dụ về những bậc trí giả không dính mắc với gia đình và quê hương (Dhp. vv.  91 và 175). Con công với bộ lông mượt mà cũng không bằng con thiên nga bay lượn, người tại gia cũng không thể bằng vị tăng với tâm đắm chìm trong thiền định (Sn. v. 221).

Các loài chim nói chung tạo ra sự so sánh với tinh thần không bám chấp, nét đặc trưng của người tu hành. “Giống như một con chim với đôi cánh của nó mang chúng đi bất cứ nơi nào nó bay; vì thế vị Tỳ kheo hài lòng với y áo và thực phẩm đầy đủ” (D. I, 71); giống như một con chim có đốm cát bằng cách rũ mình ra khỏi bụi, cũng vậy, vị Tỳ kheo tốt trong chánh niệm rũ bỏ mọi bụi trần (S. I, 197). Và cũng nói thêm, nghề bói toán từ âm thanh do chim tạo ra (sakuṇa-vijjā) được Đức Phật coi là một nghề thấp kém (D. I, 9).

Thiên nhiên xung quanh cung cấp nhiều đối tượng để so sánh, chẳng hạn như cánh đồng lúa và lúa mạch; các loại cây trong đất nông nghiệp và trong rừng, chẳng hạn như cây cọ, cây sāla, cây đa, rặng tre, hoa và dây leo, quả và hạt, cỏ và gai.

Với gạo là lương thực chính, những cánh đồng lúa sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi, và các giai đoạn cày, gieo, trồng, chín và thu hoạch lặp đi lặp lại liên tục sẽ là những minh họa rõ ràng nhất về chính cuộc sống. Như vậy, hành là ruộng, thức là hạt giống và ái dục làm cho hạt nảy mầm và trổ quả (kammaṃ khettaṃ viññāṇaṃ bījaṃ taṇhā sineho); do đó, trong tương lai có sự tái sinh lặp đi lặp lại (evaṃ punabhavā-bhinibbatti hoti: A. I, 223). Nhưng, khi ruộng nhấp nhô, mấp mô, sỏi đá, nhiễm mặn, cày không sâu, nước tù đọng hoặc quá cao nước, quá xa nguồn nước và không có bờ bao che chắn thì ruộng đó không được coi là thửa ruộng trù phú; tương tự những người có tà kiến và ý định sai trái, những người làm điều sai trái trong lời nói và việc làm; những người kiếm sống bằng những phương tiện sai trái hoặc với nỗ lực sai hướng, những người áp dụng chánh niệm và định sai (tức là ngược lại với Bát Chánh Đạo), họ không tạo nên một cánh đồng hiệu quả, khi ấy họ sẽ không hưởng được thành quả trọn vẹn. (A. IV, 237). Nhưng những đệ tử chân chính cao thượng tạo thành một ruộng công đức vô lượng (M. I, 37). Vì, giống như cỏ dại là tai hại của đồng ruộng, dục vọng, ăn chơi và cuồng loạn là tai hại của loài người, do đó, quả giải thoát sẽ dành cho những người không mắc phải những cấu nhiễm đó (Dhp. câu 23-6).

Trong khi những cánh đồng cung cấp phép loại suy cho vòng tái sinh lặp đi lặp lại, thì lá cọ đã đưa ra minh họa thích hợp cho sự thoát khỏi đó; vì, giống như một cây thốt nốt bị chặt mất đọt (M. I, 250) không thể tăng trưởng thêm nữa, thì bậc toàn giác cũng vậy, trong đó tất cả các lậu hoặc và chướng ngại liên hệ đến sự tái sinh đều bị đoạn diệt. Mặt khác, cây đa với bộ rễ trên không và các nhánh lan rộng dường như không có giới hạn nào đối với sự phát triển và sự tồn tại của nó, có khi được coi là bóng mát ở ngã tư đường, nơi được so sánh với vị tu sĩ, người có thể mang lại niềm an ủi cho tất cả mọi người (A.III, 42); và cũng có khi nó bị xem như là biểu tượng của tham ái. “Giống như cây đa non, đây là những sự phát triển hướng nội do ‘Bản ngã’ sinh ra, con cháu của ái dục, thứ phát tán ra bên ngoài sự phát triển rối rắm của dục vọng, giống như mớ dây leo mọc um tùm trong rừng”.

                             (Sn.v. 272, Chalmers dịch).

Rừng rậm (vana), với ý nghĩa khác của nó là dục vọng (taṇhāvana), tự nhiên trở thành một hình ảnh điển hình về sự chằng chịt rối rắm của những bụi cây và dây leo. “Chặt rừng ái dục mới được giải thoát” (Dhp.v.283). Sự giải thoát Niết bàn chính là sự vắng mặt của mọi dục vọng (nir-vāṇa). Tất nhiên, bản thân cây leo thường được sử dụng cho sự dính mắc và bám chấp (Dhp. v. 334), sự thèm muốn của một người thiếu suy nghĩ. Mặt khác, hoa sen, sinh ra trong nước, tuy mọc lên từ bùn nhơ nhưng không cho một giọt nước nào bám vào cánh hoa (Sn. câu 71), trở thành ví dụ hoàn hảo của đời sống không dính mắc. Nhưng một lần nữa, “bất cứ pháp khả ái nào cũng đều là cái gai nhọn của giới luật cao thượng” (S. IV, 189). Nanda, đã đạt được tâm giải thoát khi chứng đắc quả A la hán, được Đức Phật nói là “đã nghiền nát tâm tham” (Ud. 24). Nhưng những cái gai vẫn còn một bài học khác, vì, một người nên đi khắp thế giới

“như kẻ không giày bước đi trong chông gai

chúng sẽ học tỉnh thức trong mỗi bước đi”

(Thag.v. 946).

Những phép loại suy từ đời sống thực vật cũng đa dạng như chính thực vật, và dường như xuất hiện thường xuyên hơn trong các tác phẩm mang tính thơ ca, chẳng hạn như Kinh tạng. “Hãy sống ngay thẳng như búp măng” (Sn. câu 38). “Từ bỏ thế gian như cây trút lá” (Ibid. 64). “Giống như trái chín sắp rụng, cái chết thường trực đe dọa con người từ khi mới sinh ra” (Ibid. 576). “Trong người kẻ chứa đầy dục lạc không tìm thấy chỗ dừng lại, như hạt cải không nằm trên mũi kim” (ibid. 625).

Bài học từ thiên nhiên đã đem lại cho chư tăng ni những bài học về các pháp đưa họ đến thắng lợi cuối cùng của sự viên mãn:

Khi cây và  bụi cây tươi mát nhờ mưa

Nở nụ và lan tỏa hương thơm

Cũng vậy, tôi tận hưởng đời sống ẩn dật ,

Có nên tỏ đức thay (Thag. 110)

Như cây bật gốc vẫn sống một thời gian

Vì vậy, tôi tiếp tục trong cuộc sống thấp hèn này.

Và bánh xe luân hồi tôi phá vỡ

Khi trí tuệ trong tôi bừng tỉnh (Thag. 90).

 

Những lời phát biểu đầy chất thơ tương tự được tìm thấy trong Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ, trong đây, những  người đã chứng đắc thánh quả đều biểu đạt kinh nghiệm của mình bằng những vần kệ. Chúng chứa đầy những phép loại suy so sánh chiến thắng của họ, thành tích của họ; những khó khăn trước đó của họ theo những cách nguyên bản nhất, đôi khi đẹp như tranh vẽ và thực tế, hoặc đôi khi truyền tải một ấn tượng chung. Subhā xinh đẹp (Thig. câu 338-65), con gái của một người thợ kim hoàn, đã nhận ra sự nguy hiểm của cuộc sống trên đời và trong 24 bài kệ, cô đã thuyết phục những người thân của mình về sự ưu việt của cuộc sống xuất gia, sử dụng nhiều phép so sánh, một vài trong số đó được cho là của Đức Phật (A. IV, 128; S. V, 112; M. I, 130). Do đó, những ham muốn trần tục được mô tả như những kẻ thù và những kẻ giết người, như một ngọn lửa rực cháy, một bụi gai, một hố sâu mê đắm. Và Sumedhā, trong nỗ lực xin cha mẹ cho phép xuất gia trong khi họ sắp xếp cho đám cưới của cô, đã so sánh dục vọng với nọc kịch độc của con rắn (Thig. câu 451).

Kinh Pháp Cú cũng chứa đầy những điều tương tự với đời sống thực vật.

“Như một bông hoa đẹp, có nhiều màu sắc, nhưng không có hương thơm, là những lời nói tốt đẹp nhưng vô ích của kẻ không hành động phù hợp” (Dhp. v. 51). “Như trên đống rác đổ ven đường, đóa sen mọc lên hương thơm ngào ngạt, như thế giữa những người cấu uế, đệ tử của Đức Phật đã dùng bằng tri kiến của Ngài khai sáng giữa những kẻ mù quáng” (ibid. v.v.) .58-9). “Như ngọn cỏ kusa, nếu sử dụng sai cách sẽ bị đứt tay” (ibid. câu 311). “Hương hoa không bay ngược chiều gió, hương của người đức hạnh… tràn ngập khắp muôn nơi: (ibid. câu 54).

Trong số những phép loại suy được trình bày chi tiết hơn, có thể kể đến ví dụ về lõi cây trong Mahā-sāropama Sutta Cūḷa-sāropama Sutta (M. I, 192-205): giống như một người đàn ông đi khắp nơi để tìm kiếm cốt lõi, tìm kiếm lõi của cây cao, già cỗi và đặc chắc, nhưng bằng lòng với việc chặt một vài cành và lá, hoặc một số chồi non, hoặc bóc vỏ hoặc chặt bỏ một số gỗ mềm, nhầm chúng với lõi mà anh ta cần, do đó cho thấy rằng anh ta không biết điều tốt mà anh ta tìm kiếm, – cũng vậy, một người sống cuộc đời xuất gia để tìm kiếm sự giải thoát, nhưng lại thỏa mãn với việc nhận được bố thí và sự tôn trọng, hoặc với việc giữ giới và tạo nên đức hạnh, hoặc với việc đạt được sự an định và đạt được sự nhất tâm, hoặc thậm chí với sự tăng trưởng của pháp học và thậm chí là khả năng thiền định, – một người như vậy sẽ trở nên phóng túng và buông thả, bất chấp những thành tựu của mình. Chỉ có người không thỏa mãn, không tự cao và không coi thường người khác, mong muốn thăng tiến trên con đường thực hành giác ngộ tâm linh, nỗ lực để vượt khỏi sắc giới lẫn  vô sắc giới cho đến khi diệt trừ hết mọi cấu nhiễm (āsava) nhờ khai mở trí tuệ, chỉ người ấy mới có thể được cho là đã tìm thấy những gì mình mong muốn, lấy được lõi cây, biết rõ đó là lõi cây, đó mới là đỉnh cao của đời sống phạm hạnh, đã đạt được cảnh giới tâm giải thoát bất động.

Phép so sánh tương tự, nhưng được viết tắt nhiều, đã được Tôn giả Mahā-Kaccāna sử dụng trong Madhupiṇḍika Sutta (Kinh Mật Hoàn, M. I, 111), và một lần nữa được ngài sử dụng trong Mahā-Kaccānabhaddekaratta Sutta (Kinh Đại Ca Chiên Diên Nhất Dạ Hiền Giả, M. III, 194-5), nơi ngài sử dụng phép loại suy, so sánh các Tỳ kheo đến với ngài để được giải thích về một bài kinh của Đức Phật (Bhaddekaratta Sutta (Kinh Người Biết Sống Một Mình): M. III, 187 – 9) thay vì tự hỏi Đức Phật, với những người đang tìm kiếm cái lõi của một cái cây trong tán lá của nó, v.v… Sử dụng cùng một ví dụ, Ānanda cũng quở trách các bạn đồng tu vì đã không hỏi Đạo sư khi đang gặp mặt trực tiếp với Ngài, và đến gặp Ānanda để giải thích, tìm kiếm gỗ tốt giữa các cành lá (Adhamma Sutta: A. v, 226).

Thành tựu tối thượng của tâm giải thoát (ceto-vimutti) chỉ có thể được mô tả đầy đủ trong thành tựu tiêu cực, chẳng hạn như sự chấm dứt hiện hữu (bhava-nirodha) và sự tịch diệt cuối cùng (nibbāna), dĩ nhiên là đối tượng hạng nhất đối tượng để so sánh loại suy. Vì vậy, chính Đức Phật đã giải thích trạng thái này cho Upasīva (Sn.v. 1074), “Như ngọn lửa bị sức gió thổi tắt từ nay về sau không thể được coi là còn hiện hữu, cũng vậy, bậc thánh nhân, một khi đã giải thoát khỏi thân và tâm, biến mất và không thể được coi là tồn tại”. Và với Kappa, ngài nói về Niết Bàn như một tòa thành trên đảo, nơi “cái cũ đã qua đi và không còn gì mới có thể tìm thấy; không còn cái chết và sự già nua nữa” (Sn.v 1094; Chalmers dịch).

Một ví dụ đáng chú ý nhất được Đức Phật đưa ra trong Alagaddūpama Sutta (Kinh Ví Dụ Con Rắn M.I, 135), trong đó Ngài so sánh lời dạy của mình với một chiếc bè (kulla), hữu ích cho mục đích vượt qua dòng luân hồi, nhưng nó phải bị loại bỏ một khi đã thành tựu, để khỏi trở thành gánh nặng và trở ngại. Bản thân bài kinh này được gọi là ví dụ về con rắn (alagadda-upama) hay dụ ngôn về con rắn nước: một người có tà kiến giống như một người nắm đuôi con rắn nước; một con rắn nước có thể cuộn lại trên người anh ta và cắn vào tay anh ta. Trong cùng một bài kinh, các pháp chướng ngại khác nhau (antarāyikā dhammā), là những lạc thú giác quan, được ví như một bộ xương, một cục thịt, một ngọn đuốc bằng cỏ khô, một hố than hồng rực, một giấc mơ, một thứ đồ vay mượn, một lò mổ, một cái cọc xiên, một đầu rắn.

Các vị Thánh đệ tử đã học nơi Đức Phật “thấy sự vật như chúng là”, không phải là những tu sĩ khổ hạnh, người đã rời bỏ đời sống tiện nghi và không chịu nhìn vào mọi vật. Chính vì họ nhìn mọi thứ theo cái thấy chân thật mà họ đã thoát khỏi sự dính mắc…. Đối với họ cũng vậy, thế giới của các sự kiện chứa đầy những bài học khách quan, và nhiều vị A la hán đã mang ơn vì đã đạt được thành tựu của mình đối với những sự cố nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như nước mưa nhỏ xuống từ mái nhà trong một cái hồ, do đó tạo ra một bọt bong bóng, sinh khởi và vỡ tan. “Ngay cả một bong bóng, cũng nhờ nhân duyên mà sinh khởi và hoại diệt” (DhpA. xiii, 3). Theo Kinh Pháp Cú (câu 170), “như bong bóng, như ảo ảnh, mọi người nên nhìn nhận thế giới như vậy”. Sau đó, có vị A la hán Sāmidatta, người đã nói về sự cân bằng của tuổi thọ sau khi đạt được tuệ giác tối thượng:

Như cây bật gốc vẫn sống một thời gian

Vì vậy, tôi tiếp tục trong cuộc sống thấp hèn này

Bánh xe luân hồi tôi đã phá vỡ,

khi tuệ giác trong tôi bừng tỉnh (Thag. câu 90).

Ngay cả Kaṇhamitta – với biệt danh là Valliya, cây leo, bởi vì anh ta giống như cây thường xuân và những loại cây như vậy không thể phát triển nếu không dựa vào thứ gì đó; anh ta cũng vậy, không thể tiến lên mà không dựa vào một người khôn ngoan – ngay cả anh ta cũng trở nên cẩn trọng, thông minh và có tuệ giác chín muồi sau khi đã nỗ lực đúng đắn, anh ta nói rằng:

Vì sông Hằng chảy trong sự tĩnh lặng và kiên định

Và và hòa mình trong đại dương bao la,

Cũng vậy, tôi nỗ lực trong tĩnh mịch và lặng lẽ

 Giải phóng tâm mình khỏi tham, sân và si 

(Thag. v. 168).

Với các căn nhạy bén, các nữ đệ tử của Đức Phật không bị tụt lại phía sau. Như vậy, Tỳ kheo ni Paṭācārā, kể lại trong những bài kệ của mình (Thīg. Vv. 115-16, Mrs. Rhys Davids dịch) cách mà bà đạt chứng được giác ngộ.

“Sau khi về liêu, tôi đốt đèn lên,

Và ngồi trên ghế, tôi nhìn vào ngọn lửa.

Nắm lấy chốt, tôi kéo tuột bấc xuống

Vào dầu………

Nhìn kìa! Niết Bàn của ngọn đèn nhỏ.

Bình minh của sự giải thoát! Trái tim tôi tự do!”

Muối, là một loại gia vị thiết yếu được sử dụng liên tục, rõ ràng đã được sử dụng tương tự theo nhiều cách khác nhau. Tôn giả Mahā-Moggallāna (Đại Mục Kiền Liên) so sánh mình với tôn giả Sāriputta (Xá Lợi Phất) như một nhúm muối nhỏ bên cạnh hũ muối lớn (S. II, 276). Hệ quả của việc tạo tác cũng được Đức Phật so sánh với muối: một nhúm muối trong cốc nước khiến nó không thể uống được, nhưng quăng nhúm muối vào sông Hằng, không có gì khác biệt; tương tự như vậy, một hành động ác nhỏ nhặt do một kẻ thủ ác phạm phải trong hành động, giới hạnh, trong tâm trí và trí tuệ sẽ đưa người đó xuống địa ngục, trong khi một hành động nhỏ nhặt tương tự do một người đã phát triển cao về giới hạnh và tuệ giác thực hiện, vị ấy có thể trải nghiệm trong hiện đời, nghĩa là vị ấy khắc phục được và không không để lại tàn nghiệp (A.I, 249-50). Và sau đó, tất nhiên, có lời phát biểu trang nghiêm nhất của Đức Phật, “Giống như đại dương chỉ có một vị, vị mặn, cũng vậy, giới luật Giáo Pháp này chỉ có một vị, vị giải thoát” (seyyathā pi Pahārāda mahāsamuddo ekaraso loṇaraso, evam eva kho Pahārāda ayaṃ, dhammavinayo ekaraso vimuttiraso: A. IV, 203). Cũng phải đặc biệt nhắc đến cuộc đối thoại tuyệt vời giữa Đức Phật và Dhaniya, người chăn cừu (Sn. câu 18-34). Dhaniya giàu có và cảm thấy an toàn với sự giàu có, địa vị xã hội, cuộc sống gia đình của mình và anh ấy nói với Đức Phật rằng anh ấy không sợ hãi, dù điều gì xảy đi nữa. Anh ta thậm chí còn thách thức thần mưa (pavassa deva). Nhưng đối với mỗi lời khoác lác nhỏ nhặt của mình, Đức Phật đều có sự đáp trả, đôi khi bằng cách chơi chữ, hoặc bằng những thuật ngữ được sử dụng tinh tế để đối lập, đồng thời ý nghĩa cao cả hơn của những lời Đức Phật nói ra cũng hiển nhiên. “Cơm của tôi đã được nấu chín” (pakkodano), Dhaniya nói, và Đức Phật trả lời “Trong tôi không có cảm giác xấu” (akkodano). Dhaniya đã xây dựng trang trại của mình bên bờ sông (anutīre Mahiyā samānvāso); nhưng Đức Phật không bị ràng buộc bởi cuộc sống gia đình và ở lại bên bờ sông nhưng chỉ trong một đêm (anitīre Mahiy’ekarattivāso). Ngọn lửa trong tim Dhaniya được thắp lên (āhito gini); ngọn lửa trong tim Đức Phật đã tắt (nibbuto gini). “Tôi có một người vợ ngoan ngoãn, đảm đang” (gopī mama assavā alohā); “Tôi có tâm, ngoan ngoãn và tự do” (cittaṃ mama assavam vimuttaṃ). “Tôi chưa bao giờ nghe một tin đồn ác ý nào về vợ tôi” (tassā na saṇāmi kiñci pāpaṃ). “Trong tôi không thể tìm thấy điều ác” (pāpam pana me na vijjati). Dhaniya nói: “Để kiếm sống, tôi chỉ làm việc cho bản thân mình” (atta-vetanabhato ‘ham asmi). Đức Phật trả lời: “Tôi không cần phải kiếm sống, cũng không cần tiền lương”. Dhaniya nói những con bò và bê của mình được buộc chặt bằng những sợi dây mới; nhưng Đức Phật tuyên bố đã phá vỡ mọi ràng buộc. Và do đó, Dhaniya liên tục thách thức thần mưa, “Hỡi thần mưa, hãy đổ xuống nếu ngài muốn” (attha ce patthayasī, pavassa deva), vì anh ta cảm thấy an toàn trong thành trì của mình; nhưng Đức Phật không biết sợ hãi, vì Ngài đã vượt qua cơn hồng thủy. Sau đó, cơn bão phá vỡ bờ sông, làm ngập đất nông nghiệp, phá hủy nhà cửa và chuồng ngựa của Dhaniya, cho anh ta thấy sự tạm bợ của vật chất thế gian. Và cùng với vợ, anh ta quy y Đức Phật, Ngài kết luận,

“Không có tai họa nào ập đến với người không nắm giữ”.

Thật thích hợp để kết thúc bài viết này với phần kết thúc nhiều bài kinh thường được lặp đi lặp lại (ví dụ: Aggi Vacchagotta Sutta: M. I, 488-9 ; Madhura Sutta: M. II, 90)”. Thật tuyệt vời, thưa Tôn giả Gotama; ví như như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc nhau (anekapariyayena); cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích”.

Xem thêm JPTS. 1906-7, trang 52 ff. và phụ lục (ibid. pp 58 ff.).

                                                           H. .G. A.v.Z .