ANĀGATA SUTTA
ANĀGATA SUTTA xuất hiện trong Yodhājīva Vagga của Pañcamaka-nipāta (Quyển Bốn) trong Tăng Chi Bộ Kinh (III, 100).
Những mối nguy hại dù vắng mặt ở hiện tại, nhưng vẫn có thể xảy ra trong tương lai (anāgatabhayāni[1]), nó có thể gây chướng ngại cho quá trình tu tập của vị Tỳ kheo khi vào rừng độc cư, là nội dung được thảo luận trong kinh này. Đức Phật nhắc nhở chư Tỳ kheo phải quán chiếu những mối nguy hại trong tương lai này, và nỗ lực hết mình để chứng được giác ngộ giải thoát. Những mối nguy hại này có thể đến từ bên trong nội tâm của một người cũng có thể đến từ bên ngoài. Những mối nguy hại trước như già nua, suy yếu, bệnh tật, khổ não được tìm thấy trong thân thể, thức ăn có độc, v.v Những điều còn lại là những mối nguy hại đến đời sống ẩn cư trong rừng của vị Tỳ kheo, như là nguy hiểm đến từ dã thú, những loài độc hại, phi nhân, trộm và cướp. Những mối nguy hại này có thể làm cản trở tiến trình tu tập của vị Tỳ kheo. Những điều nguy hại khác nếu xảy ra sẽ khiến tâm vị ấy bị dao động và khó để tiếp tục con đường tu tập, như là đói khát, hạn hán, binh biến, chiến tranh và xung đột trong nước; sự mục nát bên trong Tăng đoàn sẽ khiến cho mọi người thực hành sai giới hạnh, sai thiền định và đưa đến tà kiến dai lệch trong việc thọ nhận Giáo Pháp. Khi những điều này xảy ra, Pháp và Luật sẽ bị giảng dạy sai lệch và chư tăng sẽ sống đời trụy lạc, hưởng thụ như hàng thế tục. Vào lúc ấy không ai có khả năng thiền định và tu tập theo Chánh Đạo.
Vì vậy để thực hành tốt đời sống tu sĩ, cần phải ưu tiên cho môi trường thích hợp.
Những mối nguy hại được nói đến trong kinh được chia thành bốn nhóm, mỗi nhóm có năm yếu tố.
Bài kinh này tên là Āraññaka Sutta trong Sutta Saṅgaha (số 85).
W.G.W.
[1] Anāgatabhayāni xuất hiện ở vị trí thứ ba trong bảy dhammapaliyāya được đề cập trong bia ký thứ tư được khắc trên trụ đá của vua A Dục. Dharmananda Kosambi nhận dạng nó trong kinh này (IA, XL, p. 39).