ANAGĀRIKA
ANAGĀRIKA, nghĩa của từ: an+agārika, nghĩa là, một người không phải là gia chủ, hay một cư sĩ; là một người không nhà, một người chọn đời sống không gia đình[1], một người đi từ đời sống thế tục đến đời sống xuất thế (agārasmā anagāriyaṃ[2]) để chấm dứt mọi sự khổ đau[3] và nhờ đó kết thúc vòng sinh tử luân hồi (punabbhava).
Cuộc sống thường được cho là đầy rẫy khổ đau[4] bởi những học thuyết của tôn giáo Ấn Độ và kết thúc vòng đau khổ đó là ước nguyện của tất cả bọn họ. Nhưng cái chết không được xem là sự kết thúc vì sự tái sinh sẽ còn tiếp diễn cho đến khi nào nghiệp lực đem lại sự tái sinh còn hiện hữu[5]. Định lý tương tục (santati) trong đó sự sống và cái chết đóng vai trò của chúng được gọi là ‘luân hồi’ (saṃsāra)[6]. Một khi lực này dừng lại, khối đau khổ hiện diện trong sự sống và cái chết không còn nữa.[7]
Có rất nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến phương tiện chấm dứt đau khổ này và trạng thái đạt được khi làm như vậy, bởi vì có nhiều cách giải thích khác nhau về bản chất của con người và thế giới (nānā te saccāni sayaṃ thunanti, tasmā na ekaṃ samaṇā vadanti)[8].
Rời bỏ cuộc sống gia đình, để tìm kiếm sự thật về thế giới và con người, là một đặc điểm rất phổ biến trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Vì vậy, Yājñavalkya đã rời bỏ vợ và nhà của mình và đi vào pravrajyā (con đường thực hành) với đối tượng này[9]. Trong số bốn giai đoạn của cuộc đời được các Bà la môn đề ra, giai đoạn thứ tư hoặc giai đoạn cuối cùng là giai đoạn của một sannyāsin [10] (vị xả ly), người bỏ vợ con và lui vào rừng để thiền định và tìm kiếm sự hợp nhất với ātman (Đại Ngã) hoặc đấng Phạm Thiên tối cao (brahma-sahavyatā).
Đến tới thế kỷ thứ 6 TCN thể chế này dường như đã trở nên phổ biến với một cuộc nổi dậy chống lại các thực hành tôn giáo đồi bại, các nghi thức tôn giáo như hiến tế đẫm máu và chủ nghĩa nghi lễ bên ngoài. Văn học Phật giáo đầy những lời chỉ trích về những thực hành như vậy [11]. Các nhà lãnh đạo của phong trào cách mạng này tuyên bố rằng chỉ có thể đạt được sự giải thoát bằng cách phát triển tâm (bhāvanā) bằng việc thực hành khổ hạnh. Phong trào này được cổ súy rộng rãi bởi những tầng lớp ngoài Bà la môn, và sự phổ biến của nó thể hiện rõ qua sự ủng hộ của công chúng.
Có bằng chứng rõ ràng là từ những văn bản Pali, nó được coi là một điều vinh dự khi tự mình theo đuổi lý tưởng này. Cuộc sống như vậy được gọi là cuộc sống cao quý (brahmacariya)[12]. Những chàng trai trẻ xuất thân từ những dòng dõi tôn quý đã rời bỏ gia đình và tham gia với tư cách là anagārikas (hành giả) dưới sự hướng dẫn của những vị thầy tôn giáo danh tiếng và tuân theo pháp (dhamma) và luật (vinaya) của vị ấy. Những văn bản nói về các vị thầy này thường được tìm thấy trong các văn bản Pali. Họ được mô tả là những người lãnh đạo một nhóm hành giả và được mọi người kính trọng (saṅhī c’eva gaṇī ca gaṇācariyo ca ñāto yasassī titthakaro sādhusammato bahu janassa rattaññū cirapabbajito addhagato vayo anuppatto[13]). Bản thân Siddhattha Gotama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm) đã rời bỏ cuộc sống tại gia để tìm lời giải cho cuộc đời, và đã đến gặp một số vị thầy tâm linh nổi tiếng nhất khi ấy. Người đầu tiên là Ālāra Kālāma[14] và người tiếp theo là Uddaka Rāmaputta. Thất vọng với cả hai người, ngài gia nhập với một nhóm anagārikas (pañcavaggikā[15]) khác, những người đang cố gắng đạt được sự giải thoát (mokkha) bằng các phương pháp thực hành khổ hạnh nghiêm ngặt. Về sau, Ngài cũng từ bỏ chúng, và đạt được giác ngộ vô thượng bằng cách đi theo con đường trung đạo giữa tự hành xác (atta-kilamathānuyoga) và tham dục (kāmasukhalli-kānuyoga[16]).
Mỗi nhóm trong số những người vô gia cư sống ẩn dật này đều có giáo lý và giới luật riêng[17]. Đôi khi họ chỉ trích pháp và luật của các nhóm khác và tranh luận trong các hội chúng công khai; nhưng đôi khi họ đến thăm nhau tại nơi ở của họ (paribbājakāyatana) và có những cuộc thảo luận thân thiện.
Chúng ta thấy một số nhà lãnh đạo anagārika rất có uy tín đã đến thăm Đức Phật[18] như thế nào, và đôi khi Đức Phật và các đệ tử của Ngài đến thăm các vị lãnh đạo của anagārika trong các ārāma[19] của riêng họ và thảo luận các vấn đề liên quan đến cuộc sống của anagārika (brahma-cariya). Nhưng, nói chung, có sự tranh cãi giữa các nhóm anagārika.
Vì những anagārika này phụ thuộc vào sự hào phóng của công chúng để nuôi sống họ, nên mỗi nhóm đều đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động của mình sao cho thu hút công chúng ngày càng nhiều hơn. Đôi khi sự nổi tiếng ngày càng tăng của một nhóm bị một nhóm khác quan sát với sự ghen tị. Vì vậy, lần nọ một nhóm du sĩ anagarika nhận thấy thấy sự phổ biến ngày càng tăng của các tu sĩ Phật giáo như……… nói với vị thầy Susīma của mình rằng nên gia nhập Tăng đoàn của đức Phật, học hỏi giáo lý và sau đó truyền dạy lại cho đồ chúng, rồi sau đó họ có thể thuyết giảng cho công chúng và lấy lại uy tín đã mất[20].
Một nhóm khác cũng vậy, phẫn nộ trước danh tiếng của tu sĩ Phật giáo, đã lên kế hoạch làm mất uy tín của họ bằng một kế hoạch tinh vi. Họ thuê một paribbājikā (nữ du sĩ ngoại đạo) trẻ đẹp tên là Sundarī, và thuyết phục cô ấy giả vờ rằng cô ấy thường lui tới am cốc của các Tỳ kheo và tạo ấn tượng với công chúng rằng cô ấy đã qua đêm với các sa môn. Sau đó, các paribbājikās đã thuê vài người giết cô ấy và giấu xác gần nơi ở của các Tỳ khi. Vài ngày sau, thi thể được tìm thấy và tin đồn lan rộng rằng các sa môn đã giở trò đồi bại với người phụ nữ và rằng họ đã phạm tội giết người. Mọi người bắt đầu lăng mạ và chỉ trích các tu sĩ Phật giáo, bao gồm cả chính Đức Phật. Nhưng sau đó, âm mưu đã được tiết lộ khi bọn tội phạm bắt đầu cãi nhau. Một số Tỳ kheo như Ānanda không thể chịu đựng được những lời lăng mạ muốn rời khỏi tịnh thất, nhưng Đức Phật đã khuyên nhủ họ rằng cuối cùng sự thật sẽ chiến thắng[21].
Tăng đoàn do Đức Phật thành lập chỉ là một trong số các nhóm Anagārika, những người tìm kiếm con đường thoát khỏi đau khổ trong luân hồi. Siddhattha Gotama rời bỏ thế gian không phải với ý nghĩ thành lập một nhóm riêng biệt, mà với ý định chứng ngộ chân lý dưới một vị thầy danh tiếng nào đó. Nhưng, sau nhiều lần tìm kiếm, Ngài đã phải nỗ lực rất nhiều và tự mình nhận ra sự thật[22]. Sau khi nhận ra sự thật, Ngài đã công bố nó với thế giới. Những người thỏa mãn với lời dạy đã trở thành đệ tử của Ngài[23]. Ngài là người tiên phong đã dẫn dắt họ và giúp đỡ họ trên con đường giác ngộ[24].
Trong sách có một cách thức, mô tả suy nghĩ của một người rời bỏ cuộc sống gia đình để đi xuất gia, như sau: “Tôi là đối tượng của sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, não; bị khổ như vậy làm sao bây giờ tôi tìm cầu chấm dứt khối khổ này”[25]. Sau khi đã quyết định như vậy, vị ấy suy nghĩ thêm, “Cuộc sống tại gia đầy chướng ngại. Đó là con đường ô uế; không thể sống cuộc sống cao thượng cực kỳ thanh tịnh và trong sạch bằng cách sống cuộc sống của một gia chủ. Làm sao bây giờ, nếu tôi cạo bỏ râu tóc, đắp y vàng, xuất gia, xuất gia, sống không gia đình”[26]. Cuộc sống của một gia chủ được cho là đầy chướng ngại vật, bởi vì nó bị ám ảnh bởi những chướng ngại vật như vợ con và những bất lợi khác, chẳng hạn như rất ít cơ hội để hành thiện nghiệp. Xuất gia (pabbajjā), tức là rời bỏ đời sống gia đình để giữ lấy tình trạng không gia đình, được mô tả như là sống ngoài trời, bởi vì những chướng ngại (sambādha) đã đề cập ở trên không tìm thấy trong cuộc sống đó[27].
Sự Thực Hành của các Anagarika Phật Giáo và Mục Đích Của Sự Thực Hành: Trong đạo Phật, giải thoát khỏi luân hồi là lạc tối thượng (paramasukha) và được gọi là Niết Bàn hay sự tĩnh lặng[28]. Mục đích của cuộc sống vô gia cư để đạt được thành tựu này. Thành tựu này được giải thích trong các bản kinh là thành tựu cao nhất của đời sống cao thượng (brahmacariyapariyosāna)[29]. Nó phải tự mình đạt được trong đời này bằng trí tuệ (sayaṃ-abhiñña). Chính vì mục đích này mà những người con của những gia đình quyền quý đã từ bỏ mọi của cải thế gian và chấp nhận cuộc sống vô gia cư [30].
Sinh tử lặp lại mãi trong vòng luân hồi vì vô minh chính là bản chất của vạn pháp. Chính vô minh này làm duyên để sinh khởi tham dục (taṇhā), và do vậy vòng luân hồi có thể được chấm dứt nếu thật sự hiểu được bản chất của pháp bằng tri kiến như thật (yathābhūta-ñāṇa) của họ thì sẽ chiến thắng được taṇhā. Sự hành trì của các hành giả Phật giáo chính là để đạt được loại trí tuệ vô thượng này (aññā hay abhiññā).
Quá trình tu tập này được chia thành ba giai đoạn lần lượt, gồm có giới hạnh (sīla), thiền định (samādhi) và trí tuệ (paññā). Trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) quá trình tháo gỡ mớ rối rắm của luân hồi được diễn tả bằng những lời này, “Vị Tỳ kheo nhiệt thành, thuần thục, trí tuệ, trụ vững chắc trong giới, định và tuệ sẽ tháo gỡ được mớ bòng bong này”[31]. Vị đệ tử, với ý định tìm ra lời giải cho mọi sự tồn tại trong đời, phải tuần tự đi trên con đường này, vì chỉ có trí tuệ vô thượng chỉ có thể sinh khởi trong sự an định, và người ta chỉ có thể an định tâm mình bằng cách khắc phục những yếu tố khiến tâm dao động. Bởi vì giới là nền tảng (patiṭṭhā) của mọi pháp hành. Vị đệ tử khi đã, khi tu tập theo lộ trình này, phải thường xuyên đặt tâm trí của mình vào nó (satataṃ samitaṃ), vì một khi lơ là nó, vị ấy sẽ phải bắt đầu lại từ đầu[32].
Vị ấy không thể hài lòng với bất kỳ thành tựu nào khác ngoài thành tựu mà mình đã quyết tâm đạt được khi từ bỏ thế giới. Trong kinh Cūḷasāropama (Tiểu Kinh Ví Dụ Lõi Cây)[33] đức Phật đã đưa ra một ví dụ về một người đi tìm lõi (sāra) của một cái cây, và nói rằng nếu một người thỏa mãn với những thứ có được hơn là lý tưởng mình đặt ra khi rời bỏ đời sống thế tục thì cũng giống như người đi tìm lõi cây nhưng lại hài lòng với những bộ phận khác như cành, lá, quên mất mục đích tìm lõi ban đầu của mình, đức Phật nói, “do vậy, sự nghiệp cao thượng không nên thỏa mãn với danh văn lợi dưỡng, cũng không nên mãn nguyện với những thành tựu có được từ thực hành, giới, định, tuệ hay thần thông. Sự nghiệp cao cả nhất phải là lý tưởng giải thoát, mới chính là sự nghiệp cốt lõi và tối thượng”.
Trong Phật giáo Đại thừa có một khía cạnh khác của đời sống xuất gia được nhấn mạnh như là mục tiêu của con đường này, đó là quên mình để phụng sự chúng sanh. Đây là khía cạnh mà những người theo Đại thừa đã lấy để chỉ trích những người theo Nguyên thủy, họ cho rằng một vị A la hán an trụ niết bàn là thể hiện sự ích kỷ, và chưa thấu đáo, vị ấy phải tiếp tục thực hiện sự nghiệp bồ tát, luôn sẵn lòng vì chúng sanh mà phụng sự, dù có phải mạo hiểm cả mạng sống, họ phải từ chối sự an trụ niết bàn và theo đuổi mục tiêu này. Vị ấy được xem như là người luôn đáp ứng hết thảy mọi người (yuṣmāsu dāsatvam upaimi bhaktyā [34]). Vị ấy luôn chịu đựng những sự thống khổ nhất để giúp người khác thoát khỏi khổ đau. Trong Vyādhrīparivarta của Svarṇabhāsottama Sūtra[35] chúng ta thấy được vị bồ tát đã hy sinh thân mình để cứu cọp mẹ bị đói và để cứu con của nó không bị ăn mất.
Hai con đường Phạm Hạnh (Brahmas cariya): Có nhiều bằng chứng trong kinh điển chỉ ra rằng một vị anagārika vẫn có thể cứu độ chúng sanh trong khi sống giữa loài người. Khi chúng ta nghiên cứu về sự nghiệp của đức Phật, rõ ràng rằng Ngài đã không lẩn trốn khỏi xã hội trong suốt 45 năm truyền dạy giáo pháp. Ngài đã cùng với chúng đệ tử đi khắp nơi truyền dạy Phật pháp cho mọi người. Ngài dành thời gian cho tất cả mọi người từ vua chúa như Bimbisāra cho đến người thợ hớt tóc Upāli và ngay cả kẻ giết người như Aṅgulimāla, dạy dỗ và chỉ dẫn họ tu tập những pháp khác nhau. Thay vì chạy trốn khỏi cuộc đời, các tu sĩ Phật giáo lại trở thành những người phụng sự chúng sanh, những người vốn đã từ bỏ những vướng bận của đời sống gia đình để có thời gian sống độc cư và chuyên tâm thiền định, nay lại bận rộn để truyền dạy Giáo Pháp cao quý để đem lại lợi ích cho mọi người. Trong Mahāvagga[36] (Đại Phẩm) chúng ta thấy rằng, đức Phật sau khi tụ tập các đệ tử của mình đã nói rằng, “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Chớ nên có đi hai con đường giống nhau”. Đức Phật được gọi là ‘Vị giáo chủ với lòng đại bi vô lượng’ (mahākāruṇika nātha) bởi vì Ngài làm tất cả chỉ để giúp chúng sanh thoát khổ[37]. Nhưng sự thật này rất rõ ràng, dù những vị du sĩ không nhà sống giữa quần sanh, họ vẫn thanh tịnh, hay nói cách khác, họ ở trong trần nhưng không nhiễm bụi trần (loke jāto anupalitto lokena)[38]. Có những đoạn đức Phật dạy chúng đệ tử phải sống thanh tịnh như hoa sen. Một đóa sen vươn lên từ bùn trong ao. Nó ngoi ra khỏi bùn, xuyên trong nước và nhô lên khỏi mặt nước, tỏa hương thơm ngát, không nhiễm mùi bùn.[39] Trong Mahāmaṅgala Sutta[40] (Kinh Đại Phúc Đức) khi đang thảo luận về những điều tốt lành (maṅgala), đức Phật nói “Nếu một người mà tâm không dao động khi tiếp xúc với thế gian pháp (loka-dhamma), nếu người đó không sầu muộn, không nhiễm ô, đó thật sự là là phúc lành cao thượng nhất”. Trong kinh điển Pali không chỉ có một ví dụ đức Phật khuyên một đệ tử hãy từ bỏ đời sống thế tục. Từ bỏ đời sống gia đình là một lợi thế để giúp cho việc cứu độ chúng sanh, nhưng đời sống của một vị anagārika không có nghĩa là phải rời bỏ mọi thứ liên hệ đến chúng sanh.
Thêm nữa khi tìm hiểu về Luật Tạng, điều này càng trở nên rõ ràng hơn. Giới Luật là một bộ luật được xây dựng để hướng dẫn các Tỳ kheo sống chan hòa với xã hội. Luật đất đai và dư luận xã hội là hai yếu tố chính được xem xét khi xây dựng hầu hết các luật này. Nếu các vị Tỳ kheo được kỳ vọng sống một cuộc sống hoàn toàn tách biệt với xã hội thì sẽ không có nhu cầu đặc biệt nào cần đến dư luận xã hội và luật pháp của đất nước, vì tất cả mọi người có thể lui vào rừng và tìm kiếm con đường giải thoát mà không lãng phí thời gian để nghĩ về phong tục, tập quán và phép tắc.
Mặc dù đây là tinh thần chung mà cuộc sống anagārika đã bắt nguồn, nhưng chúng ta thấy một sự phát triển song song ủng hộ việc từ bỏ xã hội hoàn toàn. Về khía cạnh này, Kinh Khaggavisāṇa[41] (Kinh Tê Giác) và một số bài kinh khác đề cập đến lý tưởng của muni (hay hiền nhân) là rất quan trọng. Trong Kinh Khaggavisāṇa (Kinh Tê Giác), người tu sĩ được khuyên nên sống một cuộc đời cô độc, tách biệt khỏi xã hội và từ bỏ mọi ràng buộc với xã hội[42]. Vị ấy nên sống một mình như con tê giác sống đơn độc. Điều quan trọng là thực hiện mục tiêu giác ngộ ngay lập tức bằng cách thiền định trong ẩn dật. Xã hội được coi là một nơi nguy hiểm để sinh sống, một nơi sinh sôi nảy nở mọi pháp bất thiện, một vòng xoáy của những hành vi sai trái. Do đó, vị anagarika nên tìm đến một nơi vắng vẻ (panta-senāsana) cách xa nơi ở của con người và thiền định để đạt được mục tiêu. Chính những ý tưởng như vậy rõ ràng đã kích động các nhà Đại thừa bảo vệ chống lại lý tưởng A la hán.
Lời chỉ trích của đức Phật với các vị Anagārika khác: Chỉ những đặc điểm bên ngoài không tạo nên vị sa môn (samaṇa) thực sự. Đức Phật nói: “Ta không gọi một người là sa môn chỉ vì người đó mặc áo cà sa màu vàng và cạo đầu. Một người mà tham dục chưa trừ diệt, ác tâm chưa trừ diệt, chưa làm chủ được sân hận, khi những trần cấu này chưa được loại trừ, chúng sẽ khiến vị sa môn bị ô nhiễm, đó không phải là một vị sa môn chân chánh. Chỉ người nào đã trừ diệt những điều này mới thật sự là sa môn”.[43]
Điều này đã chỉ ra yếu tố quan trọng nhất trong đời sống của một vị anagārika là buông bỏ vật chất không bằng buông bỏ tâm nhiễm ô: buông bỏ vật chất chỉ là để giúp ích cho việc buông bỏ những vướng mắc nơi tâm. Trên cơ sở này, Đức Phật chỉ trích các nhóm khác nhau thực hành các thực hành khổ hạnh nghiêm ngặt với mong muốn đạt được mục tiêu giải thoát. Một số người tin rằng bằng cách hành xác, bằng cách từ chối các nhu cầu của cơ thể, chẳng hạn như thức ăn và nước uống, họ có thể đạt được mục tiêu[44]. Một số tin rằng bằng cách bắt cơ thể chịu đựng những loại thực hành khắc nghiệt, chẳng hạn như đứng bằng một chân, ngủ trên giường gai, được bao quanh bởi năm ngọn lửa (bốn ngọn lửa bao quanh và một mặt trời thiêu đốt trên đầu) (pañcatapas), sống như con chó (kukkuravata, và như con bò (govata), bằng cách quan sát sự im lặng nghiêm ngặt (monavata), họ có thể thành công trong việc đạt được mục tiêu. Trong Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta)[45], Đức Phật nói rằng có hai cực đoan mà một vị Tỳ kheo nên tránh, đó là, đắm say các dục vọng (kāmasukhallikānuyoga) vốn mang tính phàm phu, không giúp ích gì cho việc giải thoát, và khổ hạnh ép xác (attakilamathānuyoga) khiến thân đau đớn, tâm không minh mẫn, không giúp ích gì cho việc giải thoát. Đức Phật kịch liệt lên án những pháp hành này là vô ích và nói rằng chính Ngài cũng đã từng thực hành những pháp khắc nghiệt không ai sánh nổi, nhưng không hề đem lại chút lợi ích nào, thậm chí chạm một chút đến mục tiêu cũng không có.[46] Ngài nói, bởi vậy, một người không thể đạt được thanh tịnh bằng những pháp bên ngoài, mà phải là chế ngự được tam độc tham, sân, si từ trong tâm của mình. Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada[47]) có một bài kệ:
Dù trang sức lộng lẫy,
Nhưng nhiếp phục an bình,
Tự chế, tu phạm hạnh,
Không sát hại sanh linh,
Ðó là Bà-la-môn,
Tỳ kheo hay khất sĩ.
Đức Phật cũng chỉ trích Đức Phật cũng chỉ trích nỗ lực của một số nhóm nhằm giải thích và duy trì mục tiêu của họ bằng phương tiện tranh cãi và lập luận. Đức Phật nói rằng người xuất gia chân chính sẽ tránh xa những lập luận như vậy[48], vì theo Ngài, mục tiêu của đời sống phạm hạnh phải là tự mình chứng ngộ được một điều gì đó (sacchikātabba), một trạng thái siêu thế vượt ngoài tầm hiểu biết của thuật ngữ thế gian (atakkāvacara) được dùng trong tranh luận và thảo luận. Những cuộc thảo luận như vậy thường chỉ dẫn đến tranh giành và cãi vã, và những điều này sẽ khiến họ ngày càng xa mục tiêu hơn là giúp ích trong việc đạt được mục tiêu. Một lần, Ngài bày tỏ sự tán thành của mình đối với một nhóm tu sĩ mà Ngài thấy đang thảo luận điều gì đó liên quan đến Giáo pháp, “Chư Tỳ kheo, thật đáng khen,” Ngài nói, “các thầy đã rời bỏ đời sống thế tục nhờ vào niềm tin, và cúng chính nó khiến các thầy có những cuộc thảo luận như vậy. Này các Tỳ kheo, khi các thầy tụ họp, chỉ có hai lựa chọn: hoặc là bàn luận về Chánh Pháp, hoặc là giữ im lặng” (dhammī vā kathā ariyo vā tuṃhībhāvo)[49].
Các thành viên trong Tăng đoàn Phật giáo: Sự phân chia giai cấp không tồn tại trong Tăng đoàn của đức Phật. Bất luận là người thuộc giai cấp nào đều có thể gia nhập Tăng đoàn và phải cam đoan thực hành con đường thánh đạo để đưa đến giác ngộ giải thoát. Trong Tăng đoàn tất cả đều bình đẳng. Khi đã trở thành thành viên của Tăng đoàn, họ phải buông bỏ địa vị xã hội và giai cấp của mình, và sẽ trở thành một thành viên của dòng Thích Tử (sakyaputtiyo samaṇo), cũng như nước từ nhiều nguồn khác nhau nhưng khi đổ về biển chúng sẽ thành nước biển[50]. trong số những vị đệ tử đáng tôn kính của đức Phật có những người từng là chiên đà la và thợ hớt tóc trước khi vào Tăng đoàn, họ đã nhận được sự tôn kính bằng cách thực hành giới hạnh (sīla) nghiêm mật. Cánh cổng của Tăng đoàn luôn rộng mở, và bất kỳ ai cũng có thể tham gia để tu tập và đạt được giải thoát. Quan điểm này dựa trên niềm tin rằng dòng dõi của một người không liên hệ gì đến sự tu tập hay phẩm hạnh[51] của vị ấy. Một người trở nên cao quý hay thấp hèn là do nơi tạo tác của họ.
Từ bỏ đời sống sa môn: có những trường hợp các vị sa môn đã từ bỏ đời sống tu sĩ để quay về đời sống thế tục trước kia của mình. Hành động này được gọi là ‘quay trở lại đời sống thấp hèn’ (hīnāyāvattana). Du sĩ Sabhiya phẫn nộ vì vị giáo chủ Pūraṇa Kassapa không thể làm sáng tỏ những vấn đề tôn giáo ông còn khúc mắc đã quyết định như vầy, “Liệu bây giờ mình có nên quay lại đời sống phàm tục và tận hưởng mọi dục lạc thế gian’ (hīnāyāvattivā kāme paribhuñjeyyanti)[52]. Nhưng sau đó anh ta nhớ đến đức Phật Gotama và tìm đến Ngài để nhờ Ngài làm sáng tỏ những hoài nghi, và sau khi nghe Ngài thuyết giảng, anh ta đã trở thành đệ tử của Ngài. Ngoài ra trong Kinh Cūḷamāluṅkyaputta[53], chúng ta thấy vị Tỳ kheo Māluṅkyaputta đe dọa đức Phật rằng nếu Ngài không có câu trả lời thỏa đáng về vấn đề bản chất và sự khởi đầu của thế giới, bản chất của chân lý tối thượng, v.v vị ấy sẽ phá vỡ giới luật và hoàn tục. Điều này cho thấy không có giới luật nào đủ cứng và chắc để níu giữ một người ở lại với đời sống xuất gia, và vị ấy có thể tùy ý vào ra như mình muốn. Xem thêm PABBAJJĀ.
W. G. W.
[1] PED.
[2] D. I. 63.1.
[3] M. I, l92
[4] S. IV, 421.
[5] S. IV, 421.
[6] Vism. 463.
[7] S. IV, 421.
[8] Sn. 1 72.
[9] Bṛhad-drayuaka Upaniṣad, Iv, 4, 22
[10] Vedic Index, 1, 69.
[11] Sn. 50-55.
[12] M. I, 163.
[13] D. I. 48.
[14] M. I, 165.
[15] M. I, 170: Vin. I, 8.
[16] M. I, 171.
[17] M, I, 108.
[18] S. III, 257-8.
[19] M. I, 481.
[20] S. I, 122.
[21] UdA, 256 f.
[22] Vin. I, 8.
[23] D. I. 63.
[24] M. I, 16.
[25] M. I, 192.
[26] MA. II, 208.
[27] MA. II, 206.
[28] Dhp. V. 204.
[29] Vin. II 292.
[30] loc. cit.
[31] Vism. 3.
[32] A. II, 206.
[33] M. I, 198-205.
[34] Bc. L.a. 8
[35] Ed. Jonames Nobel, 201- 40
[36] Vin, I, 21
[37] Mhv. 3.
[38] A.II, 39.
[39] Sn. 101.
[40] Sn. 47.
[41] Sn. 6-12
[42] Tuy nhiên, cần nhớ rằng cần có các pháp hành khác nhau để đối trị với các loại phiền não và tạp khí khác nhau. – G. P. M.
[43] M. I, 281.
[44] M. I, 77-83.
[45] S. V, 420.
[46] M. I, 77-9.
[47] v. 142.
[48] Sn. 153.
[49] M. I, 161.
[50] Vin. II, 239.
[51] Sn. 82.
[52] Sn. p. 92.
[53] M. I, 428.