ANĀGĀMIN

ANĀGĀMIN (trong Phật giáo Nguyên thủy). Nghĩa đen của từ anāgāmin là bất lai, là một người không còn quay trở lại cõi dục giới (kāmadhātu) nữa; người này đã chứng được quả thứ ba trong bốn Thánh quả để phá vỡ những kiết sử (saṃyojana) trói buộc khiến một người không thể chứng đắc quả vị A la hán. A na hàm (anāgāmin) là quả vị đã gần với thánh quả a A la hán, vị này sau khi chết sẽ được sinh về cõi cao nhất ở Thiên giới là Tịnh Cư Thiên và ở đó chứng đắc A la hán quả, không bao giờ còn trở lại cõi dục giới nữa.

Một vị A Na Hàm đã phá vỡ được tham dục (kāmayoga), nhưng vẫn chưa phá vỡ được dục hữu (bhavayoga). Vị ấy vẫn chưa hoàn toàn đập tan những chướng ngại tinh thần hay còn gọi là lậu hoặc (āsava) làm ô nhiễm tâm của một người và không để vị ấy thấy rõ bản tánh chân thật của vạn vật (yathā-bhūtañāṇadassana). Vị ấy, một khi đã diệt trừ hết mọi dục ái và dục hữu, và cả lậu hoặc (āsava) cũng đã bị phá vỡ, sẽ chứng đắc thánh quả A la hán (it, 95, 96). Trong kinh Mahāli, sự chứng đắc của đệ tử được giải thích như sau: Một người chứng được Sơ quả Tu đà hoàn (sotāpanna) bằng cách phá vỡ ba kiết sử là thân kiến (sakkāya-diṭṭhi), sự nghi hoặc về Phật, Pháp và Tăng (vicikicchā) và giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa). Vị ấy sẽ chứng được nhị quả Tư đà hàm, còn gọi Nhất lai (sakadāgāmin) bằng cách làm suy yếu tham dục, sân hận và si ái (rāga, dosamoha) cùng với việc đoạn trừ ba kiết sử trước. Như vậy vị ấy chỉ còn một lần tái sinh trở lại cõi này là sẽ chấm dứt toàn bộ sinh tử (saṃsāra). Khi chứng được tam quả A nam hàm hay Bất lai quả (anāgāmin), tức là sẽ tái sinh dưới dạng tự sinh, không cần sự giao hợp của cha mẹ, bằng cách diệt trừ năm trong mười kiết sử của dục giới (pañcorambhāgiyāni saṃyojanāni), cụ thể là, tin rằng có một cái ngã trường tồn hay còn gọi là thân kiến sakkāya-diṭṭhi), sự nghi hoặc về Phật, Pháp và Tăng (vicikicchā) và giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa), tham dục (kāmachanda) và sân hận (vyāpāda). Và khi trừ diệt hoàn toàn phiền não (āsavānaṃ khaya) vị ấy sẽ trở thành A la hán. Trừ diệt lậu hoặc (anāsava), chứng được vô tướng giải thoát (cetovimutti), tuệ giải thoát (paññāvimutti) và chứng đắc lục thông (lục thông + thắng trí) (abhiññā) và nhận thấy thật tướng của vạn pháp (diṭṭhevadhamme: D. I, 156-7)

Một vị thánh quả A na hàm sẽ không quay trở lại cõi dục giới một lần nào nữa, nếu không thể chứng đắc A la hán quả trong kiếp hiện tại cũng sẽ chấm dứt sinh tử với một trong năm cách tùy theo ngũ căn của vị ấy (indrya-vemattatā vasena). Saṅgīti Sutta (Kinh Phúng tụng hay Chúng Tập Kinh) nói rằng: Bậc Thánh Bất Lai có 5 hạng là, nghĩa là, Bậc Thánh Bất Lai ở cõi sắc giới phạm thiên chưa đến một nửa tuổi thọ sẽ chứng đắc A la hán Thánh Quả (antarā-parinibhāyi), Bậc Thánh Bất Lai sống quá một nửa tuổi thọ của cõi sắc giới phạm thiên sẽ chứng đắc A la hán Thánh Quả (upahacca-parinibbāyī), Bậc Thánh Bất Lai không cần phải tinh tấn nhiều, cũng sẽ chứng đắc A la hán Thánh Quả (asaṅkhāra-parinibbāyī), Bậc Thánh Bất Lai cần phải tinh tấn nhiều, sẽ chứng đắc Arahán Thánh Quả (saṅkhāra-parinibbāyī), Bậc Thánh Bất Lai sẽ chứng được Thánh quả A la hán khi được sinh về cõi trời sắc cứu cánh  (Akaniṭṭha). Ngài Buddhaghosa trong Paññābhāvanānisaṃsa-niddesa của Visuddhi-magga (Thanh Tịnh Đạo) đã giải thích những thuật ngữ theo cách này: Antarā-parinibhāyi là người sẽ chứng đắc Niết bàn sau khi tái sinh về cõi Vô Phiên Thiên (suddāvāsa, hay cảnh giới hoàn toàn tinh khiết là cảnh giới tuyệt đối riêng biệt của các vị A Na Hàm) mà chưa đến một nửa tuổi thọ của mình ở cõi ấy. Asaṅkhāra-parinibbāyī là vị sẽ chứng đắc thánh quả A la hán một cách dễ dàng, không cần dụng công. Saṅkhāra-parinibbāyī thì phải còn cần đến một chút nỗ lực và dụng công để chứng được thánh quả A la hán. Akaniṭṭhagāmī là người khi hết tuổi thọ trong cõi trời sắc giới tầng thấp, tuần tự tái sinh lên tầng trời bậc cao, cho đến tầng trời akaniṭṭhabhava (Cõi trời sắc cứu cánh), trở thành bậc Thánh A la hán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời ấy (Vism. P. 612).

Trong một vài trường hợp đức Phật có nói đến quả vị này khi nói về pháp hành của những tôn giáo khác. Trong Itivuttaka (Kinh Phật thuyết như vậy, (39) Ngài nói như sau, “Này các Tỳ kheo, hãy sống ưa muốn ẩn dật thiền tịnh; thích thú ẩn dật thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán trí, hành trì hạnh đi đến các ngôi nhà trống. Một trong hai quả sẽ được chờ đợi là, ngay trong hiện tại được chánh trí (aññā), hay nếu có dư y chứng được quả Bất lai (anāgāmitā)”.

“Này các Tỳ kheo, hãy sống Này các Tỳ kheo? hãy an trú cho lợi ích của học tập, cho trí tuệ tối thượng, cho cốt lõi giải thoát, cho niệm được tăng thượng. Này các Tỳ-kheo, an trú cho lợi ích của những điều này…. thời được chờ đợi là một trong hai quả này, ngay trong hiện tại được chánh trí, hay nếu có dư y chứng được quả Bất lai.

Lại nữa trong Tăng Chi Bộ Kinh Ngài nói như sau: Và khi tư tưởng của một vị Tỳ kheo hiểu được con đường mình đã chọn, và khi những trạng thái bất thiện, ác tâm sinh khởi được chế ngự được, tư tưởng của vị ấy hướng về ý niệm vô thường, ý niệm về vô ngã, ý niệm về bất tịnh, ý tưởng về sự nguy hiểm trong mọi thứ; về sự hoại diệt của thế giới, tư tưởng của vị ấy xoay quanh ý niệm này; biết nguồn gốc và sự kết thúc của thế giới, suy nghĩ của vị ấy bao trùm những ý niệm này, rồi vị ấy hướng về sự buông bỏ, hướng về sự xả ly ái dục, về sự làm cho nó hoại diệt….. thời được chờ đợi là một trong hai quả này, ngay trong hiện tại được chánh trí, hay nếu có dư y chứng được quả Bất lai, không còn quay lại cõi giới này nữa” (A. V, 108). Vấn đề cơ bản được nói đến ở đây là dục hữu (bhavayoga) vẫn chưa được phá trừ ở vị Thánh Bất Lai.

Có một vài ví dụ khi các tín đồ cư sĩ đến gặp đức Phật xin chứng thực về quả vị này, “Con không còn bị bất kỳ sự trói buộc nào từ năm kiết sử của dục giới (pañcorambhā-giyāni saṃyojanāni), như lời Ngài đã nói, Bạch đức Thế Tôn.” Đức Phật biểu lộ sự hoan hỷ bằng tuyên bố, “Này gia chủ, đó là những gì ông đã đạt được, là quả lành mà ông đã gây tạo, ông đã biểu đạt thành tựu của một vị Thánh Bất Lai” (S. V, 177, 178).

Trong kinh Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Đại Bát Niết Bàn), đức Phật nói về vận mệnh của những vị đệ tử đã tịch diệt, Ngài nói “Tỳ kheo Nandā, thiện nam tử Kalkudha, Kālinga, Nikaṭa, Kaṭissbha, Tuṭṭha, Santuṭṭha, Bhadda và Subhadda – tất cả đều đã an trú niết bàn (parinibbāna) không còn quay lại thế gian này nữa” (D. II, 92).

                                                               W. G. W.