ANABHRAKA
ANABHRAKA, một từ tiếng Phạn (cũng có khi được đánh vần là anabharaka) có nghĩa đen là ‘không có mây’. Đây là một trong 18 tầng trời của cõi sắc giới (rūpa-dhātu) và là cõi thấp nhất trong các cõi giới của tứ thiền sắc giới. Phiên âm tiếng Hán tương đương là wu-yūn-ti’en (vô vân thiên, không có mây), wu-yin-ti’en (vô âm thiên, không có bóng râm), wu-kua-ai (vô quái ngại, không có chướng ngại). Nó được dịch sang tiếng Tạng là sprin-med hay vô vân. Nhưng trong văn học Pali và trong những tác phẩm ban đầu như Mahāvastu (Đại Sự) cõi giới này không được nói đến.
Nó được xác định trong quyển thứ sáu của Li-shih-a-p’i-t’an-lun (Lập Thế A Tỳ Đàm Luận ‘Lokasthiti-abhidharma-śāstra’: Nanjio, No. 1265) như sau: Tại sao cõi dhyāna-bhūmi lại được gọi là anabhraka? (1) Bởi vì (trong tầng trời này) mọi loại đau khổ và hạnh phúc đều biến mất, (2) bởi vì không còn hỷ lạc hay sân giận, (3) bởi vì tất cả cảm thọ và tri giác đều rõ ràng, (4) bởi vì mọi chư thiên đều nhận được loại công đức này. Do vì bốn nguyên nhân này mà tầng trời này được gọi là anabhraka hay không còn chướng ngại.
Ngoài ra trong quyển thứ 21 của A-p’i-ta-mo- shun-cheng-li-lun (A Tỳ Đạt Ma Thuận Chính Lý Luận, ‘Abhidharma-nyāyānusāra’: Nanjio, No, 1297) nói rằng: “Bên trên dhyāna-bhūmi không có mây, bởi vì dhyāna-bhūmi nằm trên cùng của những cõi trời không có mây nên nó được gọi là vô vân thiên (anabhraka).
Cách giả thích trước đã định nghĩa anabhraka là cõi trời không có chướng ngại và cách giải thích sau này là cõi trời không có mây.
Trong quyển thứ bảy của Li-shih-a-p’i-t’an-lun (Lập Thế A Tỳ Đàm Luận) thì nói rằng, để được sinh về cõi trời này, nghiệp của tứ thiền tron hạ phẩm (hsia-p’in) là cần thiết, và thọ mạng sẽ là 300 kiếp. Nhưng trong Chang-so-chih-lun (Trường Sở Trí Luận được viết bởi ḥphags-pa: Nanjio, no, 1320) thọ mạng ở đó lại là 125 kiếp và có vóc người cao 125 do tuần (Xem W. Kirfel, Die Kosmographie der Inder, p. 46).
S.K.