ANABHISAMAYA SUTTA
ANABHISAMAYA SUTTA xuất hiện trong Vacchagotta Saṃyutta (Tương Ưng Không Thuyết) của Tương Ưng Bộ Kinh (III, 260). Du sĩ Vacchagotta đi đến hỏi đức Phật tại sao có những quan điểm khác biệt về thế giới như là: thế giới là thường còn hay không thường còn; thế giới là hữu biên hay vô biên; sinh mạng và thân thể là một hay là khác; đức Như Lai tồn tại sau khi chết hay không tồn tại sau khi chết. Đức Phật trả lời rằng bởi do không hiểu (anabhisamaya) bản chất của sắc, thọ, tưởng, hành và thức, bởi do không hiểu sự sinh khởi (samudaya) và sự hoại diệt (nirodha) của chúng và con đường đưa đến sự hoại diệt đó (nirodhagāminīpaṭipādā).
Đức Phật phân tích một cá thể ban đầu được chia thành hai phần danh và sắc (nāma-rūpa); nếu phân tích thêm nữa sẽ được chia thành năm phần, phần danh (nāma) sẽ được chia thành bốn nhóm: thọ (vedanā), tưởng (saññā), hành (saṅkhāra) và thức (viññāṇa). Trong năm nhóm này có cả duyên sinh (paṭicchasamuppanna) và do vậy chúng chỉ là tạm thời tồn tại. Nếu một người hiểu được giáo lý duyên sinh này một cách thấu đáo, họ sẽ nhận thấy chân lý. Khi trả lời những vấn đề trên, bất luận là khẳng định hay phủ định đều không phải là đáp án, bởi vì chân lý là bất khả tư nghì, chỉ có thể tự mình lĩnh hội, không thể nào dùng ngôn từ hay thuật ngữ thế gian để mô tả hay biểu đạt. Một khi đã hoàn toàn thấu hiểu lý duyên sinh thì người ta sẽ hiểu rằng những câu hỏi trên chỉ là vô nghĩa. Do vậy đức Phật đã bỏ qua những câu hỏi này và không trả lời (avyākata) khi nói rằng những vấn đề đó không đưa đến hạnh phúc (atthasaṃhita), không phải là nền tảng để khai mở trí tuệ (ādibrahmacriyika), không đưa đến chán chường (nibbidā) hay dứt bỏ tham ái (virāga), dừng nghỉ (nirodha), tĩnh lặng (upasama), trí tuệ siêu việt (abhiññā), giải thoát (sambodha), hay Niết bàn (M. I, 431).
W.G.W.