AMOGHASIDDHI
AMOGHASIDDHI (bất không thành tựu), một trong các đức Phật Thiền (Dhyānibuddhas) trong Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Mật tông.
Để hiểu rõ hơn về khái niệm của Amoghasiddhi, cần phải phân tích ngắn gọn tư tưởng thông thiên học và tôn giáo mà khái niệm này trộn lẫn chặt chẽ với nhau. Để bắt đầu, người ta thấy quá trình tôn thờ Đức Phật với các thuộc tính siêu nhiên và huyền thoại là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phân nhánh của Phật giáo thành hai tông phái, Đại thừa (Mahāyāna) và Tiểu Thừa (Hīnayāna), với Hội đồng Kaṇiṣka vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Hình thức Phật giáo Đại thừa đã có nền tảng vững chắc ở phía bắc Ấn Độ. Từ thời kỳ này trở đi, các tác giả viết bằng tiếng Sankrit như Aśvaghoṣa (Vô Trước) bắt đầu xuất bản rất nhiều sách về Phật giáo Đại thừa. Sau đó, vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, Nārgājuna (Long Thọ), với học thuyết Trung quán tông của mình, đã thiết lập vững chắc nó như một hệ thống triết học và tôn giáo. Tất cả những sự phát triển này dẫn đến việc Đức Phật nguyên thủy không được xem như một người thường mà là một nhân cách được lý tưởng hóa. Sự thần thánh hóa của Ngài là bước tiếp theo. Dần dần, Ngài được xem là một vị thần nguyên thủy, bất diệt và có mặt khắp nơi, thuộc loại thuyết phiếm thần.
Trong Prajñāpāramitā Sūtra (Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa), nhiều kiểu chư Phật siêu hình và chư bồ tát siêu phàm được công nhận. Họ sẽ được tôn thờ và những lời cầu nguyện gửi đến họ. Kết quả của những sự phát triển này là nảy sinh khái niệm về năm vị Thiên Phật, vị đầu tiên trong số họ dường như là A Di Đà. Bởi vì Saddharmapuṇḍarīka (Kinh Pháp Hoa) (xii) của thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên đề cập đến Đức Phật này, sự khởi đầu của kỷ nguyên Cơ đốc giáo, đồng
thời với sự xuất hiện nổi bật của Đại thừa. Bước tiếp theo trong sự phát triển của khái niệm này là vị Thiên Phật duy nhất đã được nhân lên thành năm. Bây giờ, những Phật tử đầu tiên đã tin rằng có bốn vị Phật trên thế gian trong quá khứ và một vị nữa vẫn chưa đến. Chủ yếu là để kết hợp một vị Thiên Phật đó (vị Phật mà họ đã tạo ra bằng phương pháp siêu hình) vào nhóm năm vị này, mà sau này Ngài được đưa vào nhóm ngũ Phật. Ngoài ra, còn có một số nhóm năm bí ẩn khác như ngũ căn, ngũ uẩn (skandha); các điểm chính (với trung tâm là năm), v.v… Bất Không Thành Tựu là vị thứ năm trong nhóm chư Phật Thiên này. Bốn vị còn lại là Vairocana (Phật Tỳ Lô Giá Na), Aksobhya (Phật A Súc Bệ), Amitābha (Phật A Di Đà)và Ratnasambhava (Phật Bảo Sanh).
Dù nhóm các đức Phật này bắt đầu với năm vị như đã giải thích ở trên, sau này còn phát triển số lượng từ năm lên đến sáu, bảy và chín vị.
Hệ thống ngũ Phật Thiền (Dhyānibuddha) này, với tất cả các học thuyết về biểu tượng của nó, được liệt kê đầy đủ trong Guyhasamāja Tantra. Các lý thuyết liên quan đến hệ thống này có nhiều hình thức khác nhau trong các trường phái Phật giáo Đại thừa ở miền bắc Ấn Độ.
Ví dụ ở Nepal, ngũ Phật Thiền được gắn với học thuyết về đức Phật nguyên thủy Ādibuddha. Theo lý thuyết này, các tín đồ của họ được gọi là Aiśvarikas, Dhānibuddhas (Phật Thiền) là hình ảnh phản chiếu hoặc hóa thân của đức Phật Ādibuddha, vị Phật được xem là tự sinh, là vô tận, toàn năng và trùm khắp vũ trụ như đấng Brahman (Phạm Thiên) được đề cập trong kinh điển Upaniṣads (Áo Nghĩa Thư). Một trong những đặc tính của đức Ādibuddha là ngài sở hữu năm loại trí tuệ (jñāna), do đó ngài được gọi là pañca-jñānātmika. Bằng năm loại trí tuệ này, Ngài có khả năng tạo ra năm đức Phật Thiền (Dhyānibuddha) bằng cách nhập định (dhyāna) không rời. Theo Hodgson[1], năm loại tuệ (jñāna) và năm vị Phật Thiền tương ứng là:
Trí tuệ (jñāna) | Phật Thiền (Dhyānibuddha) |
Pháp giới thể tính trí (Suviśuddha dharma dhātu) | Tỳ Lô Giá Na Như Lai (Vairocana) |
Đại viên kính (cảnh) trí (Adarśana) | A Súc Bệ Như Lai (Akṣobhya) |
Diệu quan sát trí (Prativekṣaṇa) | Bảo Sanh Như Lai (Ratnasambhava) |
Bình đẳng tính trí (Śānta) | A Di Đà Như Lai (Amitābha) |
Thành sở tác trí (Kriyānuṣṭhāna) | Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi) |
Theo Hodgson, sự tạo ra Phật Thiền này được chỉ định bằng tên chung lokasaṃsarjana, và khi nó được lặp lại năm lần, ngũ Phật Thiền ra đời. Họ cũng giống như Ādibuddha, là thuộc cõi trời và tĩnh lặng. Tuy nhiên, những Dhyānibuddhas này đã không có được năng lực tích cực để sáng tạo và chi phối thế giới thường nghiệm từ đức Ādibuddha. Trách nhiệm này được trao cho năm vị bồ tát siêu hình được tạo ra bởi cùng một đức Ādibuddha toàn năng. Như vậy; có năm vị bồ tát siêu hình là nhóm tạo lập tích cực thứ ba, tương ứng với từng vị Phật Thiền, như sau:
Phật Thiền (Dhyānibuddha) | Bồ Tát (Bodhisattva) |
Tỳ Lô Giá Na Như Lai (Vairocana) | Văn Thù Sư lợi Bồ Tát (Samantabhadra) |
A Súc Bệ Như Lai (Akṣobhya) | Đại Thế Chí Bồ Tát (Vajrapāṇi) |
Bảo Sanh Như Lai (Ratnasambhava) | Bảo Thủ Bồ Tát (Ratnapāṇi) |
A Di Đà Như Lai
(Amitābha) |
Liên Hoa Thủ Bồ Tát hay Quán Thế Âm Bồ Tát (Padmapāṇi) |
Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi) | Phổ Chuỳ Thủ Bồ Tát (Viśvapāṇi) |
Trong số năm vị bồ tát được tạo ra này, ba tác đầu tiên đã nhập niết bàn. Trách nhiệm hiện tại là của vị bồ tát thứ tư. Khi xong trách nhiệm của mình ngài cũng sẽ nhập diệc, vị bồ tát thứ năm, Viśvapāṇi, người được tạo ra từ đức Phật Thiền Amoghasiddhi sẽ là vị kế tiếp gánh lấy trách nhiệm tiếp quản thế giới trong tương lai.
Như vậy, có thể thấy rằng chư Phật thiền và bồ tát tương ứng của họ đứng trong mối quan hệ cha con với nhau[2]. Nói cách khác, các Dhyānibuddha là những người cha tinh thần của các vị bồ tát; và bồ tát Viśvapāṇi là đứa con tinh thần của Phật Amoghasiddhi.
Bộ Ngũ Phật Thiền này và các vị bồ tát của họ được hình thành để tương ứng với năm vị Phật trên thế gian (mānuṣi), bốn vị trong số họ được cho là đã có mặt trong kiếp trụ (hay còn gọi là hiền kiếp) này. Năm vị Phật nhân gian này là: Krakucchanda (Phật Câu Lưu Tôn), Kaankamuni (Phật Câu Na Hàm Mâu Ni), Kāśyapa (Phật Ca Diếp); Śākyamuni (Phật Thích-ca-mâu-ni) và Maitreya (Phật Di Lặc). Trong số này, bốn vị đầu tiên đã xuất hiện trên thế gian và thời kỳ hiện tại là
của Phật Thích-ca-mâu-ni. Vị thứ năm, Phật Di Lặc, vẫn chưa ra đời. Amoghasiddhi, người được thảo luận ở đây, là Dhyānibuddhas, tổ tiên tâm linh, của Đức Phật Di Lặc tương lai này, người hiện đang chờ đợi thời gian của mình trên cõi trời Tuṣita (Đâu Suất) để xuất hiện trên thế giới khi đến thời.
Khi thế giới này đến thời kỳ bị hủy diệt vào lúc giáo pháp của đức Phật Thích-ca-mâu-ni không còn tồn tại nữa, Viśvapāṇi, vị bồ tát của đức Phật Amoghasiddhi sẽ tái tạo lại thế giới để đức Phật Maitreya ra đời. Những đức Phật thế gian này, khi kỳ hạn kết thúc, họ được cho là sẽ hòa làm một với đức Phật nguyên thủy Ādibuddha và nhập vào Niết bàn. Dù một vị Phật thế gian chứng ngộ quả vị Phật bằng việc thực hành các ba la mật (pāramitā) để tích lũy công đức và tu tập như một vị bồ tát, sự giác ngộ này được những người theo hệ thống Adibuddha [3] coi chỉ là một phần bản chất của Ādibuddha. Do đó Di Lặc, vị Phật nhân gian của ngài Bất Không Thành Tựu, sẽ là một phần bản thể của ngài.
Có những giáo phái Đại thừa khác đã phát triển một lý thuyết hơi khác về ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) của chư Phật và Bồ tát.
Những giáo phái Đại thừa không chấp nhận lý thuyết của Ādibuddha đã áp dụng lý thuyết (trikāyavāda) về ba thân (kāya) của Đức Phật trong để giải thích thứ bậc của chư Phật và Bồ tát. Theo hệ thống này, mỗi Dhyānibuddhas được cho là sở hữu ba thân riêng biệt (trikāya) đại diện cho ba khái niệm khác nhau. Như vậy, đức Phật sống ở thế gian phải mang thân vật chất của con người (mānuṣi) và phải tuân theo mọi quy luật tự nhiên chẳng hạn như sinh, bệnh và chết. Thân này theo như triết học Phật giáo được gọi là Nirmāṇakaya hay thân được tạo ra (hóa thân). Đây là thân của sự giác ngộ thực tế và Đức Phật có mặt trong thế giới con người dưới dạng hữu hình, có thể sờ thấy được, còn hai thân kia đều là siêu thế. Như vậy, năm vị Phật thế gian được đề cập ở trên là trạng thái Hóa thân của sự giác ngộ thực tiễn của năm vị Phật Thiền (Dhyānibuddhas). Do đó, vị Phật Thiền Bất Không Thành Tựu sẽ có Đức Phật Di Lặc là Hóa thân của Ngài trong hình dáng con người.
Thân thứ hai là một khái niệm siêu hình trong đó Dhyānibuddhas được quan niệm là có tính trừu tượng và thanh tịnh tuyệt đối. Đây không phải là thân theo nghĩa vật chất. Thân siêu hình này là một dạng thần thánh hóa của Pháp (dharma) và như vậy nó được gọi là Pháp Thân (dharmakāya). Do đó, đức Bất Không Thành Tựu; với tư cách là một Dhyānibuddha, đại diện cho khía cạnh siêu hình này (dharmakāya) của Đức Phật Di Lặc. Các Dhyānibuddhas được cho là ở Niết bàn, trong trạng thái định.
Thân thứ ba được đại diện bởi các vị Bồ Tát Thiền, họ cũng tạo thành một khái niệm trừu tượng giống như các vị Phật Thiền. Các vị bồ tát thiền được cho là hình ảnh phản chiếu của các đức Phật Thiền và hiện đang nhập định trên các tầng trời sắc giới (rūpadhātu). Sambhogakāya (báo thân) là thuật ngữ được dùng để chỉ các vị bồ tát này. Thân này (kāya) được coi là ở trong trạng thái an lạc tối thượng (sambhoga) như trạng thái phản chiếu của sự giác ngộ (bodhi). Theo đó, Viśvapāṇi, bồ tát của đức Phật Bất Không Thành Tựu, đại diện cho báo thân của Ngài.
Theo thứ tự tầm quan trọng giảm dần, các Dhyānibuddhas, đại diện cho pháp thân, là thân đầu tiên trong lý thuyết tam thân. Nó được cho là ngự trên cõi trời vô sắc giới (arūpadhātu). Thân này không tồn tại dưới dạng vật chất, mà là trạng thái định. Đó là thân giác ngộ bên trong của Đức Phật. Theo học thuyết Yogacāra (Du Già) của ngài Asaṅga (Vô Trước), giáo pháp do hóa thân Phật (nirmāṇakaya) tại thế gian (mānuṣi) truyền bá là công truyền, còn giáo pháp do pháp thân (dharmakāya) của các vị Dhyānibuddha truyền bá là bí truyền[4].
Với việc chấp nhận học thuyết về nhóm ngũ Phật Thiền này của những Phật tử Mật thừa, nó ngày càng trở nên phức tạp hơn bởi những học thuyết mới được thêm vào. Đến thế kỷ thứ 6 CN, yếu tố tôn thờ năng lượng nữ (śakti) đã được các Phật tử Mật thừa áp dụng rộng khắp[5]. Một khi hệ thống Dhyānibuddhas có chỗ đứng trong lòng Phật tử Mật tông, tất cả các vị Phật Thiền này đều có một vị phối ngẫu tức śakti (năng lượng nữ) như sau:
Dhyānibuddhas (Phật Thiền) | Śakti [6](vị phối ngẫu) |
Phật A Súc Bệ (Akṣobhya) | Locanā |
Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) | Vajradhatvīśvarī |
Phật Bảo Sanh (Ratnasambhava) | Māmakī |
Phật Di Đà (Amitābha) | Pāṇḍarā |
Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi) | Ārya Tārā |
Bắt đầu với sự phối ngẫu giữa các Śakti và các Dhyānibuddhas, biểu tượng của Phật giáo Mật tông đã bắt đầu phổ biến và phát triển những học thuyết này trong mọi khía cạnh có thể. Do đó, với những người theo thuyết Kim cương thừa, những khái niệm về chư Phật siêu hình này được luận bàn rất phức tạp. Tất cả điều này dẫn đến sự phát triển của việc thờ cúng vô số chư Phật và bồ tát trong Phật giáo Mật tông.
Trong bản kinh Mật thừa Guyhasamāja (Bí Mật Tập Hội) đã tìm thấy khái niệm của về việc thờ cúng rộng khắp trong Phật giáo đã được kết tinh một cách đúng đắn. Ở đây, năm vị Phật Thiền, quyến thuộc và chức năng của họ lần đầu tiên được mô tả rõ ràng[7]. Cách làm cho ý tưởng về các đức Phật Thiền trở nên đa dạng với các khái niệm về śaktis (người phối ngẫu), mantras (thần chú), v.v., được thấy rõ trong hai chương đầu của Mật điển Guyhasamāja[8]. Tín đồ đã tận dụng đặc tính thần bí của biểu tượng để phát triển những ý tưởng này và mang lại cho các đức Phật Thiền một vị trí nhất định trong giáo lý của họ. Trong Sarvatathāgata maṇḍala (Như Lai Tạng) của Mật Điển Guyhasamāja, như được mô tả trong chương 1 và 2, năm vị Phật Thiền (Dhyānibuddha) đã có vị trí tương ứng của mình trong hiện đồ mạn đà la, lần lượt mô tả về bồ đề tâm (tư tưởng giác ngộ). Amoghasiddhi đảm nhận vị trí của ngài ở phía bắc, đó là phương của ngài và đưa ra sự giải thích về bồ đề tâm như sau.
Prakrtiprabhāsvara dharmāḥ
Suviśuddhā nabhaḥ-samāḥ
Na bodhirnābhisamayamidaṃ
Bodhi-nayaṃ dṛḍhaṃ [9].
‘Tất cả các pháp đều rực rỡ tự nhiên và thuần khiết như bầu trời. Khi nơi tâm không còn tồn tại sự hiểu biết hay giác ngộ, đó chính là Bồ đề tâm’.
Một khía cạnh quan trọng khác là thực tế là năm vị Phật Dhyānibuddha trước đây được coi là tổ tiên của năm tộc (kula) mà năm vị Phật nhân gian thuộc về. Các đức Phật Thiền, các vị bồ tát của họ và các vị Phật nhân gian được phân bổ cho các kulas tương ứng của họ. Năm kula được nhắc đến là: sân hận (dveṣa), si mê (moha), tham dục (rāga), ước nguyện (cintāmaṇi) và cơ hội (samaya)[10]. Những tộc này sau sẽ được gọi là thành tựu (tathāgata), kim cương (vajra), ngọc (maṇi), hoa sen (padma) và hành động (karma). Tộc được tạo ra bởi Amoghasiddhi là tộc cuối cùng, được gọi là karma, toàn bộ đoàn quyến thuộc của Amoghasiddhi thuộc về tộc này.
Một khía cạnh quan trọng khác của biểu tượng này được thấy trong trường hợp của năm vị Phật Thiền (Dhyānibuddhas) khi họ được xem như là hiện thân của năm uẩn (skandha: rūpa ‘sắc’, vedanā ‘thọ’, saṃjñā ‘tưởng’, saṃskāra ‘hành’ và vijññāna ‘thức’ [11]. Dhyānibuddhas đã được nhân cách hóa
và các ngài được cho là đã tồn tại từ vô thỉ. Vì loại giáo lý này ít nhiều mang hình thức đa thần, lý thuyết về đức Ādibuddha, lần đầu tiên phát triển ở Nepal, cũng được ghép vào Phật giáo Mật Tông, với Vajradhara (đức Phật Nguyên Thủy, biểu trưng của Pháp Thân Phật) là Ādibuddha, do đó đưa ra toàn bộ giáo lý đưa ra đều mang tính độc thần. Mỗi vị Phật Thiền còn có màu sắc, thủ ấn (mudrā), vật cưỡi (vāhana), biểu tượng, v.v. của riêng mình.
Khi đức Amoghasiddhi được thể hiện dưới dạng hình tượng hoặc tranh vẽ, tay trái của ngài đặt trên đùi với lòng bàn tay hướng lên và tay phải bắt ấn vô úy (abhaya mudra). Màu da của ngài là màu xanh lá cây và hướng của ngài là hướng bắc. Trong sarvatathāgata-maṇḍala (Như Lai Tạng mạn đà la) được mô tả trong chương đầu tiên của Mật điển Guyhasamāja, theo đó, Ngài được tọa ở hướng bắc của mạn đà la. Do đó, trong bảo tháp, được quan niệm là biểu tượng của vũ trụ, vị trí của ngài cũng ở phía bắc, với Vairocana (Phật Tỳ Lô Giá Na) hoặc một vị Phật Thiền khác ở trung tâm, và ba vị Phật khác ở ba hướng còn lại. Trong mật điển được đề cập ở trên, vị trí trung tâm thuộc về đức Akṣobhya (Phật A Súc Bệ), còn đức Amoghasiddhi lại ở khắp phía bắc, và điều đáng chú ý là ngài không bao giờ được đứng vào vị trí của đức Ādibuddha (Đức Phật Nguyên Thủy) trong bất kỳ giáo phái nào[12]. Vật cưỡi (vāhana) của ngài là một cặp garuḍas (ca lâu la hay kim sí điểu) và biểu tượng nhận biết của anh ấy là một đôi chày kim cang (viśvavajra). Theo Bhaṭṭāchārya[13], đôi khi một con rắn bảy đầu được được đặt ở phía sau và những chiếc đầu mở rộng tạo thành chiếc ô che cho ngài. Có một sự thật thú vị là các thành viên trong tộc (kula) mà ngài làm cha đều là phụ nữ, tất nhiên là ngoại trừ đức bồ tát thiền của ngài, Viśvapāṇi. Hai vị phối ngẫu của Amoghasiddhi là Khadiravaṇī Tārā và Parṇaśavarī [14]. Thực tế là đức Amoghasiddhi không bao giờ được đặt vào vị trí trung tâm, do Akṣobhya hoặc Vairocana chiếm giữ, cho thấy rằng ngài bị xem là có vị thế thấp hơn các đức Phật Thiền này. Trong Kim Cang Giới Mạn Đà la (maṇḍala vajradhātu) của Kinh Kim Cương Đỉnh (Sarvatathāgata-tattva-saṃgraha [15], ch.ii), đức Phật
Vairocana (Phật Đại Nhật hay còn gọi là Phật Tỳ Lô Giá Na) chiếm vị trí trung tâm. Khi một đức Phật Thiền có vị trí có vị trí xứng đáng của mình trong manṇḍala, điều đó ngụ ý rằng các khái niệm khác nhau liên quan đến vị ấy cũng biểu thị ở đó: tức là, các chư thánh thuộc tộc ấy, ấn, thần chú của ngài, v.v. Đối với sự thỉnh cầu của bất kỳ vị thiên nào, bất kỳ vị Phật nào hoặc hóa thân nào của họ, thì chủng âm và thần chú của vị thiên cụ thể đó phải được sử dụng. Việc lựa chọn vị thánh để cầu khẩn phụ thuộc vào yêu cầu của người thờ cúng tại một thời điểm cụ thể. Vì vậy, nếu Amoghasiddhi hoặc bất kỳ hóa thân nào của ngài được triệu thỉnh, chủng âm, thần chú, thủ ấn, v.v., thuộc họ của ngài phải được sử dụng[16].
Những khía cạnh khác nhau liên quan đến Amoghasiddhi và các khái niệm được kết nối có thể được tóm tắt như sau: Hướng mà Ngài chủ trì luôn luôn là hướng bắc. Người phối ngẫu (śakti) của ngài là Āryatārā, thông qua người phối ngẫu ngài đã tạo ra hành động (karma) được chọn lựa cho dòng tộc của ngài (kula). Vị bồ tát hóa thân thực hiện năng lực sáng tạo của mình là Viśvapāṇi và ngài sẽ được đại diện trên thế gian bởi Đức Phật Di Lặc trong tương lai. Màu của ngài là màu xanh lá cây và như vậy tất cả các thành viên trong dòng tộc ngài đều có cùng màu này. Biểu tượng của ngài là chày kim cương đôi (viśvavajra) luôn có trên tay trong bất cứ tranh hay tượng. Ấn (mudrā) của của ngài là vô úy (abhaya), ấn được bắt bởi tay phải trong các hình ảnh đại diện. Trí tuệ (jñāna) của ngài là trí tuệ tích cực (kriyānuṣṭhāna), do vì ngài được tạo ra bởi đức Ādhibuddha. Ngài là vị Phật được nhân cách hóa của uẩn (skandha) thứ tư là hành uẩn (saṃskāra), bốn uẩn còn lại được phân bổ cho bốn Dhyānibuddhas còn lại. Ngoài những điều xấu xa, ngài đại diện cho lòng đố kỵ (īrṣyā). Ngài tượng trưng cho đại (bhūta) thứ tư là đất (pṛthivī), và giác quan (indriya) gắn liền với ngài là khứu giác (gandha). Anh ấy có một cặp kim sí điểu (garuḍas) làm vật cưỡi (vāhana) và chủng âm của ngài là la.
Trong sự tượng trưng này người ta thấy rằng ba cội rễ rāga (tham), dveṣa (sân) và moha (si) , đã được tạo thành năm nhóm bằng cách thêm krodha (phẫn, tức phẫn nộ) và īrṣyā (tật, tức ích kỷ, ganh ghét) để làm cho chúng tương thích với năm nhóm. Tương tự như vậy, bốn vị Phật Thiền khác mỗi vị đều có một trong những khái niệm này liên quan đến họ.
Trong mạn đà la, khi một trong năm yếu tố chiếm ưu thế; vị thánh được thỉnh cầu được coi là hóa thân của một đức Phật Thiền tương ứng với yếu tố đó. Do đó, hành giả cũng phải chọn vị Phật hoặc bồ tát để cầu khẩn phù hợp với bản chất của mình. Đức Amoghasiddhi, hoặc một thành viên trong tộc của ngài, sẽ được thỉnh cầu nếu người cầu nguyện có yếu tố saṃskāra (hành uẩn) vượt trội, vì hành uẩn vốn là uẩn của Amoghasiddhi.
Trong những bức vẽ mang tính biểu tượng, các đức Phật Thiền nằm ở vị trí tương ứng của họ trên đế tháp (caitya) và các hình ảnh có thể được xác định và phân biệt với nhau bằng các đặc điểm khác nhau liên quan đến mỗi vị Phật như vāhana (vật cưỡi), mudrā (ấn chú), v.v. Tất cả đều được thể hiện trong tư thế ngồi thiền trên đài sen. Vì vậy, Amoghasiddhi được thể hiện với tư thế ngồi kiết già, lòng bàn chân ngửa lên trên. Tay trái đặt trên đùi, lòng bàn tay ngửa ra và cầm một đôi chày kim cang, vốn là biểu tượng của ngài. Tay phải giơ lên bắt ấn vô úy (abhaya-mudrā), biểu thị sự bảo hộ. Khi hiện diện với người phối ngẫu của mình là Āryatārā, ngài sẽ ôm vị ấy.
Một vị thánh của bất kỳ tộc nào được thể hiện trong nghệ thuật đều mang hình tượng đức Phật Thiền của họ trên đảnh.
Trong Phật giáo Nhật Bản, thuật ngữ Dhyānabuddha không phổ biến lắm[17], nhưng bốn trong số các Dhyānabuddha, bao gồm cả Bất Không Thành Tựu, được coi là hóa thân của Vairocana (Tỳ Lô Giá Na Như Lai Hay Đại Nhật Như Lai).
A. G. S. K.
[1] Essays on the Languages, Literature and Religion of Nepal and Tibet, pp. 27-28
[2] Ibid. p. 28.
[3]Alice Getty, The Gods of Northern Buddhism, tr. 9.
[4] Ibid. tr. 26
[5] L. A. Waddell, Buddhism of Tibet, p. 14.
[6] Có ý kiến cho rằng dùng thuật ngữ Prajñā (trí tuệ) sẽ thích hợp hơn là thuật ngữ śakti (năng lượng nữ). – G.P.M.
[7] Guyhasamāja Tantra (ed. B. Bhattacharyya), ch. 1 và 11.
[8] ibid. pp. 11-13.
[9] ibid. ii, p. 13.
[10] ibid. i, p. 6.
[11] Jñānaviśuddhi (p.41): pañcabuddhasvabhāvatvāt
pañcaskandhā jināḥ smṛtāḥ
dhātave locanādyāstu
buddhakāyastato mataḥ
Sādhanamālā: Pañcaskandhā pañcatathāgatasvarūpā bhāyante (Trích dẫn từ phần dẫn nhập của Bhaṭṭācaryya cho đến Sādhanamālā, p. cxxiv).
[12] B. Bhaṭṭācaryya, An Introduction to Esoteric Buddhism p. 145.
[13] Ibid. p. 144. Xem thêm Getty, op. cit. 41.
[14] Ibid. pp. 145-46.
[15] D. L. Snellgrove, Buddhist Himalaya, p. 66.
[16] Về cách giải thích của các văn bản tiếng Tạng và tiếng Nhật, xem Getty, loc. cit.
[17] Xem a.v. AKṢOBHYA-G. P. M.