ĀMISA, thường được sử dụng với nghĩa thức ăn, cả cứng lẫn mềm (khādanīyaṃ-bhojanīyaṃ). Từ này xuất phát từ thuật ngữ āma trong văn học Vệ Đà, nghĩa là sống hay chưa được nấu chín. Trong văn học Pali thuật ngữ āmaka (sống), āmagandha (mùi cá sống), āmagiddha (tham đắm về xác thịt) và chữ āma của Vệ Đà có những nghĩa này.

Āmisa có nghĩa ban đầu là ‘thịt sống’. Nó cũng có nghĩa là ‘nhiều thịt’ hay ‘xác thịt’ và có nghĩa ngược với ‘tâm’ hay ‘tinh thần’. Do vậy, Āmisa có nghĩa mang tính vật chất hay lợi lộc như là bốn loại thọ dụng (āmisanti khādanīyabhojanīyaṃ: J. IV, 58). Nghĩa tương tự cũng được quy cho āmisa trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya (I, 91), trong đây nói rằng āmisa là một trong hai loại thí (dāna), loại còn lại là pháp thí (dhammadāna).

Đức Phật không tán thành việc chư tăng dính mắc vào vật chất (āmisa). Trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya I, 12 ff.) đức Phật nói rằng các Tỳ Kheo không nên thừa tự vật thực mà nên thừa tự Pháp (dhamma-dāyādā). Nếu họ trở thành những người thừa tự vật thực, mọi người sẽ chê bai họ. Vào một dịp khác đức Ngài nói: “Chư Tỳ kheo, ngay đến một vị đạo sư (của tôn giáo khác) người xem trọng vật chất, là người thừa tự  vật chất và sống liên hệ đến vật chất. Như Lai không sống liên hệ với vật chất” (M. I, 480). Tương tự như vậy, vào một dịp khác đức Phật lại nói về những Tỳ kheo nào bận rộn vì vật chất và họ cũng không bị uế nhiễm vì vật chất (M. I, 319). Một người mà không dính mắc vào việc hưởng thụ vật chất được gọi là vantalokāmiso (người xa lìa dục lạc).

Việc tích chứa của cải vật chất của chư Tỳ kheo (āmisa-sannidhi) đã bị đức Phật quở trách. Những người như vậy được gọi là những vị gia chủ cạo trọc đầu (muṇḍakuṭumbika-jīvakā: DA. I, 83). Chư tăng cũng không được phép đưa thức ăn cho chư ni nếu thức ăn đó được cúng cho họ và tương tự chư ni cũng không được đưa thức ăn mà thí chủ dâng cúng cho mình cho chư Tỳ kheo tăng. Nhưng khi thức ăn dư thừa (ānisaṃ ussannaṃ) thì họ được phép phân chia sau khi đã thọ thực (Vin. II, 2690).

Āmisa còn có nghĩa là một số lợi ích vật chất. Āmisakiñcikkhahetu có nghĩa là ‘vì một số lợi ích về vật chất’ là một thuật ngữ thường được sử dụng. Những bài pháp ngắn, đề cập đến những người cố tình nói dối để đạt được lợi ích vật chất này hay lợi ích khác, xuất hiện nhiều nơi trong kinh điển, ví dụ như M. I, 268; III, 48; A. I, 128.

Āmisa còn được sử dụng với nghĩa ‘miếng mồi’ trong kinh điển Pali, ví dụ S. I, 67; IV, 158; J. III, 201; IV, 57; VI, 416.

H. R. P.