AMIDA-JŌDO-HEN

AMIDA-JŌDO-HEN, một hiện đồ minh họa cõi Cực Lạc (Sukhāvatī) của đức Phật Di Đà, khái niệm này bắt nguồn từ Trung Quốc cổ đại và phát triển ở Nhật Bản.

Từ này trong tiếng Nhật nghĩa là Amida (Amitābha), Jōdo (Cực Lạc quốc), Hen (muôn vẻ hay biến đổi, ý chỉ sự muôn màu muôn vẻ ở cõi Cực Lạc của đức Phật Di Đà). Tiếng Phạn của nó cũng được cho là tương đồng với ‘maṇḍala’.

Nhiều cách diễn đạt tương tự cũng được sử dụng: Saihō-Jōdo-Hen hay hiện đồ mô tả cảnh Tây Phương cõi Cực Lạc, Gokuraku-Jōdo-Hen hay hiện đồ cõi Cực Lạc, Jōdo-Mandara hay hiện đồ cõi Tịnh Thổ, Saihō-Jōdo-Tō hay bức tranh cõi Tịnh Độ ở phương tây. Tất cả đều mang nghĩa chỉ cõi Cực Lạc của đức Phật Di Đà.

Không chắc liệu loại hiện đồ Cực Lạc Cảnh này cũng phổ biến ở Ấn Độ hay không, nhưng có bằng chứng đáng tin cậy là  maṇḍala đã tồn tại ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 7, vào đời Đường.

Đại sư Thiện Đạo (Shan-tao) được cho là người đầu tiên đưa hiện đồ cõi Tây Phương Cực Lạc vào Tịnh Độ tông . Theo như Vãng Sanh Tây Phương Tịnh Độ Thụy Ứng Chuyện (Chuyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc của các vị cao tăng). Lúc còn ở tuổi niên thiếu, Ngài Thiện Đạo đã được thấy cõi Tây Phương Cực Lạc của đức Phật Di Đà, sau khi xuất gia ngài đã tự mình họa vẽ trên 300 bản về cảnh giới Tây Phương. Trong cuốn Quán Niệm Pháp Môn (Quán Niệm Pháp Môn) của mình, ngài đã thừa nhận niềm tin của mình như sau: Nếu một người họa vẽ cảnh giới Tây Phương Cực Lạc theo như những gì mô tả trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ (Sukhāvatīvyūha Sūtra) và phát nguyện tha thiết ngày đêm, người này có thể giải thoát chính mình khỏi thế giới đầy trói buộc kéo dài tám ngàn muôn ức kiếp này.

Trong Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy (Tịnh Độ Nhập Môn) của K’uei-chi có nói rằng niềm tin vào đức Phật Di Đà không gì hơn là tôn kính cõi Cực Lạc của Ngài. Nếu không thể tô vẽ toàn cảnh cõi Cực Lạc thì vẽ một hai bức vẫn hơn là không vẽ bức nào.

Từ các nguồn tư liệu Nhật Bản cũng có thể thấy trong thời kỳ này Tịnh Độ Trung Quốc đã đạt đến thời kỳ hưng thịnh nhất. Cuốn Enryakuji-zasu-Enchin-den (Tiểu sử ngài Enchin, vị Kanchō (trụ trì) của chùa Enryaku của tác giả Miyoshi Kiyoyuki đã nói rằng (vào năm 635 CN) Tê-yüan đã tặng một bức họa đồ cảnh giới Tây Phương Cực Lạc cho một vị tăng người Nhật là Enchin. Đây là một trong những bảo vật của hoàng hậu Trung Hoa Tsê-t’ien. Theo như ông thì có thể thấy trong số những vương tôn quý tộc thời kỳ này, bà cũng là một người có niềm tin vào cõi Tây Phương Cực Lạc.

Không chỉ có giới quý tộc mà ngay cả giới trung lưu và những người lao động cũng có niềm tin vào cõi Cực Lạc. Kim Ngân Nê Họa Tịnh Độ Biến Tướng Tán (Tranh tán dương cõi Cực Lạc được họa bằng vàng, bạc và nhiều màu sắc tuyệt đẹp khác) nói rằng góa phụ Chin, vợ của Đại Vương Gia, danh họa tuyệt đỉnh của Hồ Châu, đã vẽ một bức Tây Phương Cực Lạc cảnh bằng vàng, bạc và nhiều màu sắc tuyệt đẹp khác để hồi hướng công đức cho người chồng đã khuất của bà. Trong Li-tai-ming-hua-chi (Lịch Đại Danh Họa Ký) của Chang-yüan có nói rằng các tuyệt tác về Cực Lạc Cảnh giới được lưu giữ ở chùa An-kuo và chùa Yun-hua ở Kinh đô Trường An. Một nhà thơ nổi tiếng Bạch Cư Dị (Po-chü-I), đã chi một khoản tiền cực lớn để mời họa sĩ Tu-tsung-ching vẽ về cảnh giới Cực Lạc theo như những gì được mô tả trong Kinh Vô Lượng Thọ Và Kinh Di Đà (Amitābha-sukhāvatīvyūha-sūtra) (xem tập thứ 71 của Bạch Thi Văn Tập hay Tuyển Tập Thơ Của Bạch Cư Dị). Bức tranh có khổ rộng 3 feet và cao 9 feet.

Tất cả những bức tranh về Cực Lạc Cảnh đều thuộc thời Nhà Đường (618-906 CN). Cùng với sự hưng thịnh của của Tịnh Độ Tông dưới thời nhà Tống (960-1279 CN), các bức tranh về Cực Lạc Cảnh trở nên phổ biến và được cả hai giới tăng lẫn tục họa vẽ. Trong Quán Kinh Cửu Phẩm Đồ Hậu Tự (Minh họa Cửu Phẩm Liên Hoa của cõi Cực Lạc theo như mô tả trong kinh Vô Lượng Thọ), Yüan-chao nói rằng hòa thượng I ở tỉnh Ku-su đã mời họa sĩ vẽ một bức Cực Lạc Cửu Phẩm Liên Hoa khổng lồ. Người ta cũng kể rằng đại sư Chōgen (Trùng Nguyên) thuộc phái Tịnh Độ Nhật Bản đã mang về Nhật một số bức vẽ từ Trung Quốc.

Không riêng Trung Quốc mà ở Tây Vực (Hsi-yü) một số tác phẩm đã được các nhà khảo cổ tìm thấy, ví dụ như ở hang Đôn Hoàng bởi M.A Stein.

Ở Nhật Bản, giai đoạn thịnh hành nhất trong việc sử dụng cực lạc cảnh là từ thế kỷ thứ 7-12, cũng gần như cùng một thời điểm với Trung Quốc. Vào  thời Nara, những hiện đồ này chủ yếu được làm bởi những gia đình hoàng gia. Một số vẫn còn được tìm thấy ở những ngôi chùa ở thành phố Nara; bức tranh tường nổi tiếng của chùa Hōryū ở Nara quá đơn giản để được gọi là một Amida-jōdo-hen. Dù vậy nó vẫn được xem là một trong những ví dụ điển hình và sơ khai của hiện đồ Cực Lạc Cảnh. Ngoài ra, chùa Yakushi vẫn còn lưu giữ một bức được họa vào năm thứ 6 triều đại Jitō (692 CN); chùa Kōfuku có một bức được vẽ vào năm thứ hai của triều đại Tempyō (730 CN); chùa Amida giữ một bức được vẽ vào năm thứ 13 của triều đại Tempyō (741 CN); chùa Kōfuku lưu giữ một bức được vẽ vào năm thứ 5 của thời đại  Tempyōhō-ji (761 CN).

Ngoài những bức này, một số còn được đề cập trong các nguồn lịch sử khác nhau của Trung Quốc. Trong quyển thứ 22 của Shokunihonji (Lịch sử Nhật bản tập 2) có nói rằng Nhật Hoàng Junnin truyền lệnh bắt mỗi lãnh đạo cấp địa phương đều phải họa Amida-jōdo-hen để hồi hướng công đức cho vị Nhật Hoàng quá cố Kōmyō vào năm thứ tư của triều Tempyōhōji (760 CN). Người ta cũng nói rằng ngài Brahma, vị tu sĩ người Ấn Độ, lúc lâm chung đã bảo đệ tử làm một bức Cực Lạc Cảnh bằng những sợi vải thượng hạng được Nhật Hoàng cúng dường. Đây là vào năm thứ tư của triều đại Tempyōhōji (760 CN) và điều này được khắc trên bia đá của Nantenjiku-baramonsōjō-bi. Bức hiện đồ nổi tiếng của Chiko (Chikō-maṇḍala) và của bức hiện đồ của chùa Taima (Taima-maṇḍala) được cho là Amida-jōdo-hen của triều đại này.

Triều đại Heian của Nhật tương đương với triều Tống của Trung Hoa. Trong giai đoạn này Amida-jōdo-hen được vẽ không phải dạng tranh hiện đồ (maṇḍala) mà thuộc dạng tranh tường. Sanmondōshaki (bia ký được viết trên tường hoặc tháp của chùa Enryaku) nói rằng vào năm thứ 5 của triều đại Enohō (927 CN) Zōmyō mời một họa sĩ vẽ Amida-jōdo-hen trên tường  của Saitōjōgyōdō và Tōtōjōgyōdō (khu thiền đường phức hợp phía đông và phía tây của chùa). Cùng với sự phổ biến của Wōjō-worship (ngày vía đức Phật Di Đà) Amida-jōdo-hen là điều không thể thiếu đối với Phật tử của tông Tịnh Độ. Họ ngồi trong chánh điện nơi có những bức hiện đồ cực lạc cảnh trên tường, quán niệm cảnh giới cực lạc với sự tĩnh lặng chuyên nhất. Đôi khi những đường đi kinh hành nhỏ được xây tách biệt với khuôn viên chùa, chỉ để dành cho phương pháp thiền hành này. Mội lối đi kinh hành nhỏ ở Hōkōji được xây bởi đại sư Heichin là một ví dụ về kiểu thực hành như vậy.  (Xem Nihonwōjōgokurakuki, Tiểu sử những vị danh tăng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc).

Trong thời đại này maṇḍala đã được nâng cao theo quan điểm phát triển của hội họa. Trong triều đại này giới quý tộc đã trang hoàng cửa và tường lâu đài của họ với những bức tranh tuyệt đẹp về cảnh giới Cực Lạc. (Xem tập 18 của Eigwa-monogatari, truyện về sự thịnh vượng của gia tộc Hujiwara).

Tóm lại, Phật giáo trong thời đại Heian là Phật giáo Tịnh Độ của đức Phật Di Đà. Sau đó họ đã đạt đến đỉnh cao trong việc họa hiện đồ Cực Lạc Cảnh. Sự kết hợp của tôn giáo và hội họa đã đã đạt được một cách hoàn hảo nhất trong việc vẽ maṇḍala này, và nó được làm một cách toàn tâm bởi những nghệ sĩ thuộc tín đồ Tịnh Độ. Dù maṇḍala cực kỳ phổ biến ở Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng những hiện đồ ngày nay hiện còn khá ít. Nhưng từ những bức này, một số bức đã được đề cập ở trên, người ta thấy rằng có những bức chỉ có hai hoặc ba vị bồ tát làm đệ tử bên cạnh đức Phật Di Đà, còn trong những bức được vẽ chi tiết, có hơn 500 vị, gồm cả chư Phật, chư Bồ tát, chư thiên và cả động vật.

S. K.