AMBATTHALA

AMBATTHALA, tên của một cao nguyên ở Mihintalē, một địa điểm mà theo như truyền thuyết, là nơi thánh tăng Mahinda (con trai vua A Dục) đã gặp vua Devānampiya Tissa khi trên đường đến Tích Lan. Từ amba trong tiếng pali nghĩa là ‘xoài’, và nó là cây xoài nơi vị trưởng lão đã đặt câu đố cho nhà vua. Mihintalē (Pali: Missaka-pabbata) là một mỏm đá. Nơi dựng bảo tháp có tên là Ambastala (Ambatthala) đứng ngày nay có lẽ là nơi rộng rãi nhất trong số ít địa điểm bằng phẳng ở đây.

Theo như truyền thuyết, một phần tro cốt của thánh tăng Mahinda được lưu giữ bên trong tháp được xây trên Ambatthala và đây được cho là nơi được tôn kính nhất ở Mihintalē.

Cách ngôi tháp khoảng vài bước chân, có một bia ký khắc chữ Brāhmī (một trong những chữ viết lâu đời nhất được sử dụng trên Tiểu lục địa Ấn Độ và Trung Á – ND) (có niên đại khoảng thế kỷ thứ I TCN), ở đó đức vua Kuṭaksṇṇa Tissa đã khắc hình ảnh của các vị thánh tăng Mahinda, Iṭṭiya, Uttiya và Bhaddasāla. Tên của Sambala, được ghi trong biên niên sử của Tích Lan với tư cách là một trong những người cùng nhóm đã đưa đạo Phật vào đất nước này, lại không xuất hiện ở phần có thể đọc được vì phần lớn bia ký đã bị hư hỏng. Lưu ý rằng vào thế kỷ trước (Edward Muller, Ancient Inscriptions in Ceylon, p. 30, Ins. No. 20), bia ký vẫn chưa được chỉnh sửa, nhưng gần đây đã được S. Paranavitana chỉnh sửa chính xác hơn (A Concise History of Ceylon, p. 50).

Đại Sử (Mahāvaṃsa) cho rằng vua Mahādāṭhika Mahānāga (7-19 CN) chính là người đã xây dựng ngôi tháp, và ông đã hoàn thành nó hết sức huy hoàng. Vào lúc hoàn tất ông đã tổ chức một buổi lễ được gọi là Giribhaṇḍapūjā. Trong số 4 mái vòm bằng đá quý ở 4 lối vào mà ông đã trang hoàng ở sân trong, thì không còn dấu vết gì. Ngôi chùa dành cho bảo tháp được xây dựng bởi vua Kanṭṭha Tissa, còn được gọi là Meghavaṇṇābhaya (167-86 CN), và khi vua Goṭhābhaya (249-63 CN) phát hiện ngôi chùa tháp trong tình trạng đổ nát, ông đã ra lệnh xây dựng lại. Vua Kittisirimegha-vaṇṇa (301-28 CN) đã cho làm một bức ảnh của ngài  Mahinda với kích thước thật và đặt tại địa điểm này. Một tài liệu còn mô tả ấn tượng về một cuộc lễ hội được tổ chức nhân dịp nó được chuyển đến thủ đô. Bức ảnh đã được trưng bày và tôn kính ở Anurādhapura, đặt ở chùa Sotthiyākara, nằm trong Đại Tự Viện (Mahāvihāra), cội bồ đề và một am thất được đặt ở góc đông nam của cung điện hoàng gia, sau đó nó được đưa trở lại Ambatthala. Nhà vua đã thiết lập một lễ hội cúng dường cho nó vào ngày thứ 13, tức là trước khi bắt đầu lễ Tự Tứ (Pavāraṇā), và ra lệnh rằng các nghi lễ tương tự nên được tổ chức hàng năm trên đảo. Vua Dhātusena (455-73 CN) dường như đã mở rộng ngôi tự viện Ambatthala – ông được cho là đã xây dựng nó, và trái với những gì có thể mong đợi, ông không giao trách nhiệm cho các vị trưởng lão mà là giao cho hội huynh đệ không chính thống, được gọi là Dharmaruci (xem thêm Dharmaruci), người đã thỉnh cầu ông về việc đó.

Trong tình trạng hiện tại, tòa tháp vẫn còn dáng vẻ được cải tạo lần đầu tiên vào thế kỷ 19 và sau đó thỉnh thoảng được tu bổ thêm (Pl. XXX). Chiều cao của nó vào khoảng 30-33 ft. Nhìn chung, đây là một công trình vừa phải, đường kính đáy 29 ft, đứng trên một bệ hình tròn lát đá có đường kính 97 ft. Xung quanh là hai hàng cột đá hình tam giác đồng tâm, tất cả đều cao bằng nhau, tức là 14 ft mỗi cột. Những đầu cột được chạm trổ và đồng nhất với những cái xung quanh tu viện Thūpārāma (xem thêm), Anurādhapura, ngoại trừ thực tế là chúng nằm trên đỉnh của các đầu cột, không giống như những cái ở điện thờ khác có mộng (miếng gỗ được tạo hình cho khớp vào một lỗ mộng để ghép nối – ND). Những cây cột, được cho là có nguyên mẫu bằng gỗ, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 7-8 CN, từ các ghi chép về văn bia được tìm thấy trên một trong số chúng cũng như trên đá lát trên nền mà chúng đứng. Từ hoàn cảnh của các cột bao quanh, cấu trúc hoàn chỉnh đã được phân loại là một thūpaghara hoặc cetiyaghara (ngôi tháp đá), hoặc vaṭa-dā-gē (trong tiếng Sri Lanka).

Danh tính của bảo tháp hiện đang được tôn thờ là Ambatthala, tuy nhiên, Paranavitana đặt nghi vấn rằng có lẽ vào thời điểm tìm thấy tháp, đã có sự nhầm lẫn liên quan đến hai bảo tháp được tìm thấy gần nhau tại đây.  Ông kết luận rằng bảo tháp này thực chất là Silāthūpa, được xây dựng để kỷ niệm khoảng thời gian ngắn ngủi trong thời gian Đức Phật thiền định trong chuyến viếng thăm Tích Lan lần thứ ba (Mhv. i, 83). Các cuộc nghiên cứu đã tiết lộ một phần của cổ tháp bằng đá, đó là phần đế được đúc tuyệt đẹp và phần đầu tiên của bảo tháp gốc ở mái vòm. Paranavitana nghĩ rằng tháp Mahasāya, tháp đá khổng lồ trên đỉnh cao nguyên, mới thật sự là tháp là Ambatthala (ASCAR. for 1951 pp. 21-3).

D.T.D