AMBALAṬṬHIKĀ-RĀHULOVĀDA SUTTA
AMBALAṬṬHIKĀ-RĀHULOVĀDA SUTTA, một bài kinh của Trung Bộ Kinh (I, trang 414-20). Như tên gọi gợi ý, bài kinh này chứa đựng lời giáo huấn của Đức Phật cho tôn giả La-hầu-la tại khu rừng Ambala (Ambalaṭṭhikā)[1]. Đây là một trong nhiều bài kinh mà Đức Phật đã thuyết giảng cho tôn giả La-hầu-la[2].
Các lời giáo huấn xoay quanh 2 chủ đề chính-lên án việc cố ý nói dối và tầm quan trọng của việc thường suy ngẫm về thân, khẩu và ý. Đức Phật không chỉ sử dụng vô số ví dụ để đưa ra lời giáo huấn của mình mà còn thực sự chứng minh một số trong số đó[3]. Sau khi rửa chân bằng nước do tôn giả La-hầu-la chuẩn bị, Đức Phật, sau khi để lại một ít nước trong chậu, so sánh hạnh Sa-môn của những người cố tình nói dối nhưng không tàm quý lượng nước ít ỏi đó. Sau đó, Ngài đổ hết nước trong chậu, lật úp chậu, và lật ngửa chậu trống không và nói “cũng vậy là hạnh Sa-môn của những người cố tình nói dối nhưng không tàm quý-bị đổ đi, lật úp và trống không”. Tiếp theo, Ngài dùng ví dụ con voi của vua khi ở trên chiến trận, mạng sống của nó được an toàn miễn là nó không sử dụng chiếc vòi của mình. Nhưng thời điểm nó sử dụng chiếc vòi của mình, tính mạng của nó sẽ gặp nguy hiểm và không còn việc gì mà nó không thể làm. Cũng vậy, người cố tình nói dối nhưng không tàm quý thì không có việc ác nào không dám làm. Đức Phật kết luận lời giáo huấn lên án việc nói dối của mình bằng cách dạy rằng không nên nói dối dù chỉ để giỡn chơi.
Tiếp theo, Ngài dạy về tầm quan trọng của việc thường suy ngẫm về thân nghiệp, trước, trong và sau khi làm. Trước khi làm thân nghiệp, nếu suy ngẫm thấy nó gây hại cho mình, gây hại cho người, hoặc cả hai, thì chớ nên làm. Khi đang làm thân nghiệp, nếu suy ngẫm thấy điều này, thì nên từ bỏ thân nghiệp đó. Sau khi làm xong thân nghiệp, nếu thấy thân nghiệp đó gây hại, thì nên sám hối với vị Thầy bổn sư hoặc các vị thiện tri thức và cần tránh tái phạm trong tương lai.
Đức Phật kết thúc bài Pháp bằng cách nói rằng một Tỳ-kheo cần tự tu học để tịnh hóa thân, khẩu, ý sau khi thường xuyên quán chiếu.[4]
Trong bản khắc trên đá Bhābrū (hay Bairat) của vua A-dục, bài kinh này nằm trong số bảy bản kinh mà vua A-dục đã khuyên chư Tăng và cư sĩ thường xuyên nghe và suy ngẫm. Bài kinh này được đề cập là Lāghulovāde (liên quan đến musāvāda).
- R. G.
[1] Theo chú giải (MA. III, trang 124-9) Ambalaṭṭhikā là một thiền phòng nằm ở ngoại ô Trúc Lâm tịnh xá.
[2] trong số những bài kinh khác có Mahārāhulovāda Sutta (M. I. trang 420 f.), Cūḷarāhulovāda Sutta (M. III, trang 277 f.) được lặp lại như Rāhula Sutta trong S. IV, trang 105 f. Rāhulasaṃyutta (S. II, trang 244 ff.; vài bài kinh với tựa đề ‘Rāhula Sutta’, cụ thể là Sn. vv. 335-42, S. III, 135-6, A. II, 164).
[3] Trong chú giải có nói rằng La-hầu-la lúc đó là một Sa-di mới bảy tuổi. (Xem thêm A A. I, trang 258.) Vì trẻ nhỏ thích nói dối và nói rằng chúng đã thấy những gì chúng không thấy hoặc chúng không thấy những gì chúng thực sự thấy, nên Đức Phật nghĩ rằng Ngài sẽ cho Sa-di La-hầu-la lời khuyên để Sa-di La-hầu-la có thể làm theo bằng cách tận mắt chứng kiến. Để đạt được mục đích này, Đức Phật đã sử dụng bốn ví dụ về chậu nước, hai ví dụ về con voi và một ví dụ về chiếc gương. (Xem thêm AA. III, trang 152- ….. Ambalaṭṭhikā Rāhulovāde daharass’eva sato musāvāda veramani kathitā.)
[4] Trong chú giải, ngài Buddhaghosa nói thêm rằng cần tịnh hóa thân nghiệp và khẩu nghiệp bằng cách quán chiếu vào buổi sáng sau bữa ăn sáng. Cần tịnh hóa ý nghiệp bằng cách quán chiếu khi đi khất thực.