AMBA JĀTAKA

AMBA JĀTAKA (1), câu chuyện về một nhà khổ hạnh nhiệt thành trong việc thực hiện bổn phận của mình (J, số 124).  Một kiếp, Bồ-tát là thủ lĩnh của 500 nhà tu khổ hạnh ở Himālaya và ở đó đã xảy ra một trận hạn hán khắc nghiệt làm các loài thú phải chịu thống khổ.   Một trong những nhà tu khổ hạnh đã giải cứu chúng.  Ông chặt một cái cây, khoét rỗng nó thành một cái máng và đổ hết nước mà mình chắt chiu kiếm được  cho những con thú uống.  Tuy nhiên, các con thú đến quá đông, nên ông dành hết thời gian của mình để đổ đầy nước vào máng và không có thì giờ để đi hái lượm đồ ăn.  Trông thấy tình cảnh của ông, các con thú thỏa thuận rằng mỗi con trong số chúng khi đi uống nước sẽ mang lại một số loại trái cây cho nhà tu khổ hạnh. Rất nhanh chóng, lượng trái cây như xoài (amba) trở nên dồi dào, thậm chí còn quá dư dả đối với cả 500 vị tu khổ hạnh.  Vị thủ lĩnh, Bồ-tát, đã chỉ ra lòng nhiệt thành của một người trong số họ đã mang lại lợi ích cho cả hội chúng như thế nào.

Câu chuyện này được kể liên quan đến một Tỳ-kheo hăng hái chu toàn các bổn phận của mình. Các cư sĩ, rất ấn tượng trước hành xử của ông, đã chu cấp thực phẩm liên tục đủ cho khoảng 500 vị và chúng Tăng trong tịnh xá đều được hưởng lợi từ đó.

Dòng đầu tiên của bài kệ trong chuyện tiền thân này giống với dòng đầu tiên của bài kệ trong chuyện tiền thân Cūḷajanaka (J. I, Số 52).

  1. R. G.

 

AMBA JĀTAKA (2), được Đức Phật kể liên quan đến Đề-bà-đạt-đa, người đã không thừa nhận Đức Phật là đạo sư của mình và quả báo là bị đọa vào địa ngục A-tỳ (J, IV, Số 474).

Trong chuyện tiền thân này, Đề-bà-đạt-đa là một thanh niên Bà-la-môn, con trai của giáo sĩ của nhà vua và là người sống sót duy nhất của gia đình – bị chết vì bệnh dịch hạch.  Anh ta theo học ở Takkasilā và khi đi du hành khắp các miền, anh ta đến ngôi làng Caṇḍāla, nơi có một vị thầy già sinh sống, ông biết một thần chú có thể thu được những trái xoài ngon trái mùa.

Chàng thanh niên, mong muốn học thần chú, đã làm những việc vặt vãnh cho ngài và gia đình ngài, và cuối cùng được dạy thần chú.  Tuy nhiên, vị thầy cảnh báo anh ta là không bao giờ được chối bỏ thầy mình.

Trở lại Ba-na-lại, chàng thanh niên Bà-la-môn đã kiếm được nhiều tiền bạc nhờ bán những quả xoài trái mùa.  Một trong những quả xoài này được dâng lên cho vua đang trị vì là Brahmadatta và anh ta được nhà vua triệu tập vào cung.  Sau đó, anh ta phục vụ cho nhà vua và được hưởng vinh hoa phú quý.

Một ngày, theo yêu cầu của nhà vua chàng thanh niên Bà-la-môn đã biểu diễn thần chú trước công chúng.  Khi nhà vua hỏi về thầy dạy câu thần chú này cho anh ta, chàng thanh niên, do xấu hổ về người thầy có xuất thân hạ đẳng, đã trả lời rằng mình được họ từ một giáo thọ nổi tiếng tại Takkasilā.  Và ngay lập tức, anh ta quên mất câu thần chú.  Lần tới, khi nhà vua cho gọi anh ta biểu diễn thần chú, anh ta đã không thể làm vậy.  Nhà vua quở trách anh ta vì lòng kiêu ngạo và ra lệnh trừng phạt.  Anh ta bị trục xuất và được bảo rằng chỉ được quay lại khi học được câu thần chú một lần nữa.

Chàng thanh niên Bà-la-môn, chẳng còn nơi nương tựa, đã quay trở lại với vị thầy già Caṇḍāla và xin ngài tha thứ nhưng vị thầy cự tuyệt. Cảm thấy vô cùng đau khổ, người Bà-la-môn đi vào rừng và chết ở đó.

Chàng thanh niên Bà-la-môn là Đề-bà-đạt-đa, trong khi vị thầy Caṇḍāla là Đức Phật và nhà vua là tôn giả A-nan.

  1. R. G.