AMBAṬṬHA SUTTA
AMBAṬṬHA SUTTA của Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya) (I, 87 ff.), được thuyết cho thanh niên Ambaṭṭhamāṇava ở Ichānaṇkala, một ngôi làng Bà la môn ở Kosala, khi anh ta đến thăm đức Phật. Đây được xem là một bài kinh quan trọng nhất của đức Phật nói về giai cấp. Thanh niên Bà la môn Ambaṭṭha được thầy mình là Pokkharasādi gửi đến để xem thực hư việc đức Phật có 32 tướng tốt của một bậc đại nhân và có xứng với danh tiếng của mình hay không. Ambaṭṭha đã miệt thị dòng tộc Thích Ca trước mặt đức Phật, và gọi họ là những kẻ đê tiện và khi được đức Phật hỏi về xuất thân của mình anh ta đã trả lời mình thuộc dòng Kaṇhāyana. Nói về nguồn gốc của tộc Kaṇhāyana, đức Phật đã chỉ ra rằng Ambaṭṭha không thuộc dòng dõi cao quý, mà là con trai của một tỳ nữ tộc Thích Ca. Sau đó, một loạt những câu hỏi về giai cấp Bà la môn và sát đế lợi được đưa ra và đức Phật đã cho thấy dòng dõi Sát đế lợi của tộc Thích Ca vẫn ở địa vị ưu thắng so với giai cấp Bà la môn và tất cả những người thuộc giai cấp Sát đế lợi đều chiếm địa vị tối thắng, nhưng trong đó Ngài là người có giới hạnh và trí tuệ bậc nhất giữa chư Thiên và loài người. Đây là kết thúc tụng phẩm thứ nhất (paṭhama-bhāṇavāra) của bài kinh.
Ở tụng phẩm thứ hai, đức Phật giảng giải chi tiết về giới hạnh (sīla) và giới đức (caraṇa) và tám loại vô thượng trí đức (vijjā) để giải thích về giới đức và trí tuệ đã nói ở trên.
Đức Phật sau đó đi tới đi lui để Ambaṭṭha thấy rõ những quý tướng của Ngài. Khi Ambaṭṭha kể tường tận mọi thứ đã được nghe thấy cho thầy mình là Pokkharasādi, thì sau đó ông cũng đến gặp đức Phật và cũng được nghe những gì mà Ambaṭṭha đã được nghe. Ông được thấy 32 tướng tốt của đức Phật và thỉnh Ngài hôm sau về nhà dùng cơm. Sau khi dùng cơm đức Phật đã thuyết pháp và Pokkharasādi đã trở thành đệ tử của Ngài.
Phân tích bài kinh, Winternitz nói (History of Indian Literature, II, 37) rằng với lịch sử phân chia giai cấp của Ấn Độ và thái độ của đức Phật với vấn đề giai cấp trong kinh Ambaṭṭha là vô cùng quan trọng. Nói về lịch sử của tộc Thích Ca và tộc Ṛṣi Kṛṣṇa (Kaṇha), có một điều hoang đường và thậm chí là mang tính lịch sử gắn với bài kinh này. Ambaṭṭha Sutta đã chứng minh cho thấy đời sống của một bậc A la hán và việc chứng đắc Niết bàn đều phụ thuộc vào giai cấp (ibid. p. 44).
- C. Law nói (History of Pali Literature, II, 86 ff.) rằng có vài luận điểm về giai cấp trong bài kinh này không thuyết phục lắm, nhưng ông đồng tình với Rhys Davids (Introduction to the Ambaṭṭha Sutta, Dialogues of the Buddha, I, 98 ff.) rằng chủ đề về giai cấp là một vấn đề nhức nhối vào thời điểm nói ra bộ kinh và dường như đã tồn tại một sự khác biệt trầm trọng về chủ đề giai cấp giữa hai tôn giáo, Phật giáo và Bà la môn giáo.
H.R.P.