AMĀVATURA

AMĀVATURA (Trận lụt ở Ambrosia), tác phẩm văn xuôi lâu đời nhất của Sinhala hiện còn, viết về cuộc đời Đức Phật, đã được viết vào 25 năm đầu của thế kỷ 13, nếu không muốn nói là nửa sau của thế kỷ 12, bởi Guniḷugōmī, người trước đó đã biên soạn một bản tóm lược về giáo Pháp, Dharma-pradīpikāva (Ngọn đuốc giáo Pháp).  Cả 2 đều được mô tả là chú giải (parikathā).  Tác giả của tác phẩm này chọn danh hiệu purisadammasārathī (Điều ngự sĩ) như được áp dụng cho Đức Phật, làm chủ đề của mình.

Cuốn sách này gồm 18 chương. Chương 1, có tựa là Durdānta-damana (Điều phục chúng sanh cang cường) đưa ra danh sách 208 tựa đề của 208 chuyện tiền thân minh họa tính cách của Bồ-tát, người đã điều phục nhiều loại chúng sanh cang cường khác nhau và đưa họ vào con đường Đức hạnh.  Chương 2, Svasantāna-damana (Tự điều phục), thuật lại cuộc đời của Thái tử Tất-đạt-đa cho đến khi thành đạo.  Câu chuyện từ khi thành đạo được tiếp tục cho đến khi Ngài chấp nhận tịnh xá Kỳ-đà viên do trưởng giả Cấp-cô-độc cúng dường, nằm chương 3, Parasantāna-damana (Điều phục tâm người khác).  Nguồn tài liệu tác giả tham khảo cho 3 chương này là chủ yếu đến từ Chú giải chuyện tiền thân (Jātakaṭṭhakathā). Chương 4, Gṛhapati-damana (Điều phục các gia chủ), đề cập đến việc hóa độ gia chủ pāli (như được kể trong bài kinh Upāli của Trung Bộ Kinh) và câu chuyện về Diṭṭha-maṅgalikā dựa trên chuyện tiền thân Mātaṅga.  Chương 5, Brāhmaṇa-damana (Điều phục các Bà-la-môn), đề cập đến câu chuyện về Bà-la-môn Kūṭadanta. Ở đây, tác giả tham khảo nguồn tài liệu từ bài kinh Kūṭadanta của Trường Bộ Kinh. Chương 6, Rāja-damana (Điều phục các vị vua), đề cập đến câu chuyện về vua A-xà-thế, lấy từ Kinh Sa-môn quả.  Chương 7 có tên là Añgulmal-damana (Điều phục Aṅgulimāla) ở cuối chương, và Cora-damana (Điều phục các tướng cướp) ở cuối tác phẩm, tiêu đề sau, Cora-damana, phù hợp hơn.  Đề cập đến câu chuyện về tướng cướp Aṅgulimāla như được nêu trong kinh Aṅgulimāla của Trung Bộ Kinh. Chương 8, Paribrājaka-damana (Điều phục các du sĩ), chủ yếu đề cập đến câu chuyện về Sabhiya dựa vào bài kinh Sabhiya của Kinh tập (Sutta Nipāta).  Chương này còn có một mô tả về Đức Phật Ca-diếp lấy từ Chú giải Phật Sử (Buddhavaṃsaṭṭhakathā)[1]. Chương 9, Māṇavaka-damana (Điều phục các thanh niên), thuật lại việc Đức Phật điều phục thanh niên Bà-la-môn Saccaka, từ bài kinh Cūlasaccaka của Trung Bộ Kinh. Trong chương 10, Digambara-damana (Điều phục các nhà tu khổ hạnh lõa thể), kể câu chuyện về một người Licchavi, Sunakkhatta, để cho thấy cách Đức Phật điều phục con trai của Pāṭika, một nhà tu khổ hạnh lõa thể.  Nguồn tài liệu cho chương này được tác giả lấy từ bài kinh Pāṭika của Trường Bộ Kinh[2]. Chương 11, Jaṭila-damana (Điều phục các nhà tu khổ hạnh đầu bù tóc rối), chủ yếu đề cập đến câu chuyện về Puṇṇa lấy từ bài kinh Puṇṇovāda của Trung bộ kinh.  Chương 12, Tāpasa-damana (Điều phục các nhà tu khổ hạnh), kể về câu chuyện của nhà tu khổ hạnh Bāvarī từ phẩm Pārāyana của Kinh tập và chú giải Kinh tập.  Chương 13, Bhikṣu-damana (Điều phục các Tỳ-kheo), để về cách Đức Phật điều phục 500 Tỳ-kheo Thích-ca và Koliya, những người đã không còn hứng thú với Tăng đoàn.  Chương này dựa vào chuyện tiền thân Kuṇāla và bài kinh Mahāsamaya của Trường Bộ Kinh.  Chương 14, Nāga-damana (Điều phục kẻ mạnh), không chỉ đề cập đến câu chuyện về Nandopananda, vua rắn, người đã được tôn giả Mục-kiền-liên điều phục, mà còn đề cập đến câu chuyện Đức Phật điều phục vua voi Nālāgiri, từ nāga vừa có nghĩa là rắn vừa có nghĩa là voi.  Câu chuyện đầu tiên được lấy từ Thần túc thông nghĩa thích (Iddhividhi-niddesa) của Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) và câu chuyện sau lấy từ chuyện tiền thân Cullahaṃsa.  Chương 15, Yakṣa-damana (Điều phục các dạ-xoa), kể về việc điều phục dạ xoa Āḷavaka như được nêu trong bài kinh Āḷavaka của Tương Ưng Bộ Kinh.  Chương 16, Asura-damana (Điều phục các A-tu-la) đề cập đến việc hóa độ Rāhu.  Ở đây, tác giả tham khảo tài liệu từ nhiều chú giải khác nhau, đặc biệt là chú giải Kinh Pháp cú (Dhammapadaṭṭhakathā). Chương 17, Deva-damana (Điều phục chư thiên), đề cập đến câu chuyện về vua trời Đế-thích, như được đưa ra trong Kinh Đế-thích sở vấn (Sakkapañha Sutta) của Trường Bộ Kinhkinh Cūlataṇhāsaṅkhaya của Trung bộ kinh.  Chương 18, chương cuối, Brahma-damana (Điều phục Phạm thiên), đề cập đến câu chuyện về Phạm thiên Baka, lấy từ kinh Brahmanimantanika của Trung bộ kinh và từ chuyện tiền thân Phạm thiên Baka. Cuốn sách này kết thúc với một đề cập ngắn gọn về nội dung của nó.  Những câu chuyện được chọn là một chỉ số cho chất lượng tâm tác giả, vì ông đã chọn những câu chuyện nói về trí tuệ, lòng dũng cảm, từ tâm và bi tâm của Đức Phật, tránh những tài liệu huyền thoại phổ biến và những câu chuyện đề cập đến thần thông.  Trong nhiều trường hợp các câu chuyện đi lạc khỏi chủ đề chính.  Tuy nhiên, Guruḷu-gōmī lại giới thiệu chúng là một phần của chủ đề chính, để giữ cho dòng chảy của Buddhacarita chính (Cuộc đời Đức Phật) không bị xáo trộn.[3]

Ngôn ngữ của Amāvatura không phải là ngôn ngữ nói vào thời điểm đó, mà là một ngôn ngữ được mô phỏng theo tiếng Pali, để bám sát phiên bản tiếng Pali trong câu chuyện của nó.  Nó được đặc trưng bởi sự mạnh mẽ, đơn giản và thẳng thắn.

Một số tác giả sau này đã làm theo phương pháp mà Guruḷu-gōmī đã sử dụng trong Amāvatura để tán dương nhân cách của Đức Phật.  Năm 1228, trưởng lão Mayūrapāda đã viết Pūjāvaliya, trên biệt danh arahaṃ (Bậc xứng đáng); năm 1726 Vālivita Samṇaṅkara Saṅgharāja đã viết Sārārtha-Saṅgrahaya trên biệt danh Buddho (Đấng Giác Ngộ); và vào năm 1773, Tibbaṭuvāvē Siddhārtha Buddbarakṣita đã viết Śrī-Saddharmāvavāda-saṅgrahava trên biệt danh satthā (Đạo sư).

E. H. P.

[1] Amāvaiura, ed.  Vāliviṭiyē Sōrata (1948) trang 192.

[2] C. E. Godakumbuni cho rằng nguồn của tác giả cho chương này là Sunakkhatta Sutta của Majjhima Nikāya (Sinthalese Literature, trang 67).  Vāliviṭiyē Sōrata cho rằng Pāṭika Sutta của Dīgha Nikāya là nguồn của chương này (Amāvaiura, trang 192).  So sánh chương này với bài kinh này với các bài kinh nói trên chứng minh rằng nhận xét của Vāliviṭiyē Sōrata là đúng.

[3] Martin Wickramasinghe, Sinthalese Literature (trsl. E. R. Sarathcbandra), trang 70. ibid. trang 68.