AMATA SUTTA
AMATA SUTTA (1) nằm trong phẩm thứ 2 của Tương Ưng Vô Vi (Asaṅkhata) của Tương Ưng Bộ Kinh (IV, 370). Đức Phật thuyết giảng về sự bất tử và con đường dẫn đến đó. Bài kinh này trong 45 đoạn là sự lặp lại của các bài kinh còn lại trong phẩm này, bắt đầu bằng bài kinh vô vi (Asaṅkhata Sutta) (q.v.).
L.R.G.
AMATA SUTTA (2), bài kinh đầu tiên của phẩm cùng tên (phẩm bất tử) trong Tương Ưng Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna-saṃyutta) (S. V, 184). Nói về tứ niệm xứ-quán thân, thọ, tâm và pháp-Đức Phật khuyên các Tỳ-kheo an trú tâm theo một trong bốn xứ này, nhưng đồng thời, Ngài cảnh báo các Tỳ-kheo chớ có nhầm lẫn những phương tiện này với cứu cánh là sự giải thoát tột cùng của Niết-bàn, ở bài kinh này được gọi là bất tử (amata): “Này các Tỳ-kheo, hãy kéo an trú tâm, nhưng các ông chớ có bỏ sự bất từ”.
Bất chấp lời cảnh báo này, chúng ta nghe rằng tông Andhakas cùng các nhóm phụ của họ gồm Pubbaseliyas, Aparaseliyas, Rājagirikas và Siddhatthikas, nhầm lẫn giữa khía cạnh chủ quan và khách quan của tứ niệm xứ. Họ cho rằng các đối tượng của chánh niệm (thân, thọ, tâm và hành) chính là chủ thể ý thức (KvuA. i, § 9), nhầm lẫn các đối tượng của tu tập với chính sự tu tập.
Trong quá trình tranh luận về điểm tương tự này, Theravādin trích dẫn một câu nói khác của Đức Phật: Những ai dự phần thân hành niệm thì người đó thực sự dự phần vào sự bất tử (A. I, 45). Theo điều này, sự bất tử được chỉ ra là tương đương, hay ít nhất là kết quả trực tiếp của, việc tu tập và phát triển chánh niệm. Do đó, khi việc tu tập hay phương tiện, và kết quả của nó hay mục tiêu, được đặt cùng nhau trên một nền tảng bình đẳng như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số tông phái đã có sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, phần thú vị nhất là, tông Andhakas và các nhóm phụ của họ cũng trích dẫn những lời dạy của Đức Phật để ủng hộ quan điểm của họ rằng tất cả các pháp đều là tứ niệm xứ, những lời này được ghi lại trong bài kinh tiếp theo: “Ta sẽ dạy các ông về sự tập khởi và chấm dứt của tứ niệm xứ: sự tập khởi và chấm dứt của thân theo sự tập khởi và chấm dứt của thức ăn; sự tập khởi và chấm dứt của thọ theo sự tập khởi và chấm dứt của xúc; sự tập khởi và chấm dứt của tâm sự tập khởi và chấm dứt của danh-sắc; sự tập khởi và chấm dứt của pháp theo sự tập khởi và chấm dứt của tác ý” (S. V, 184). Căn cứ vào bản này, họ đã nhầm lẫn nguồn gốc của thân, thọ, tâm và pháp (tức là đối tượng của sự tu tập) với sự sinh khởi của chánh niệm trên đó (tức là bản thân sự tu tập chủ thể) và kết luận rằng tất cả các pháp đều là chánṇh niệm.
- G. A. v. Z.
AMATA SUTTA (3), một bài kinh trong bộ 10 bài kinh trong Phẩm Khema (A. IV, 455), tất cả đều giống hệt nhau, cũng giống với 10 bài kinh của Phẩm Pañcāla trước đó, ngoại trừ từ từ khóa đặt tên riêng cho từng bài kinh. Trong dạng viết tắt của mình, bài kinh bất tử (Amata sutta) được trình bày như sau: amataṃ amatan’ti āvuso vuccati : “Bất tử, bất tử”, này Hiền giả, được nói đến như vậy. Phần còn lại của bài kinh này được cung cấp từ kinh bài kinh đầu tiên của phẩm trước đó (Phẩm Pañcāla).
Đức Phật đã tuyên bố điều gì bất tử? Tôn giả A-nan chính là người cung cấp câu trả lời: Bất tử là trạng thái chứng đạt, ly dục, vượt qua các mức định (jhāna) sắc giới và vô sắc giới, diệt thọ tưởng, và hành giả thấy bằng trí tuệ, đoạn trừ các lậu hoặc (paññāya c’assa-disvā disvā āsavā pariíckhīṇā honti). Điều này là được Đức Phật gọi là bất tử.