AMALA-VIJÑĀNA

AMALAVIJÑĀNA. Từ này có nghĩa đen là ‘thức vô cấu uế hay thức vô nhiễm’.  Từ amala được các học giả Phật giáo giải thích theo nhiều cách khác nhau. Obermiller dịch là ‘vô nhiễm’ trong Uttaratantra của mình, và Monier-Williams đưa ra các từ tương đương như: không vết nhơ, không dơ bẩn, trong sạch sẽ, thanh tịnh hoặc tỏa sáng (Sanskrit-English Dictionary).  J. Takakusu dịch từ amala-vijñāna là ‘vô cấu thức’ (The Essentials of Buddhist Philosophy). Gần đây, ‘thanh tịnh tột cùng’ dường như là từ tương đương phổ biến nhất của amala, xem, ví dụ, Hawaii Hongwanji        Betsuin: Glossary of Buddhist Terms (Engl.-Skt.-Jap.) ed của K. Kumata.

Các dịch giả Tây Tạng cổ đã dịch từ này là dri-ma-med-paḥi rnam-par-śes-pa hay ‘thức vô cấu uế’.

Tuy nhiên, nhìn chung nó không được dịch sang tiếng Hán, và chỉ có phiên âm ở nhiều hình thức khác nhau là phổ biến.  Bản dịch của nó là Vô Cấu Thức hoặc thức vô cấu uế rất hiếm khi được sử dụng.  Nhiều phiên âm khác đã được sử dụng, ví dụ như A ma la thức, A mạt la thức, Yêm ma la thức, Úm ma la thức hoặc an-mo-lo-shih. Điều này cho thấy rất khó để diễn tả ý nghĩa thực sự của từ này.

Lý thuyết về thức này đã được thiết lập trong hệ thống của một trong các trường phái của Duy Thức Tông (Vijñānavāda) (Shê-lun) được thành lập ngài Paramārtha (Chen-ti, 499-569 sau công nguyên). Đặc biệt, trường phái phụ này được gọi là ‘tông cửu thức’ (hoặc Cửu Thức Gia) vì lý thuyết về thức của họ xếp thức này là thức thứ 9.[1]

 

Nhìn chung, ālaya-vijñāna hay ‘tàng thức’ được coi là thức cao nhất trong số các thức được liệt kê trong hệ thống Duy Thức Tông, trong khi trường phái này thêm thức mới vào phía trên tàng thức. Thức mới thành lập được giải thích và định nghĩa trong nhiều bài kinh và bộ luận (śāstra) của trường phái Duy Thức Tông sau này.

Tập đầu tiên của Quyết Định Tạng Luận (Vinirṇīta-piṭaka-śāstra, Nanjio, Số 1235) nói rằng : Sau khi thanh lọc tàng thức, vô cấu thức (amala-vijñāna) sẽ xuất hiện.  Tàng thức là vô thường và bất tịnh.  Nhưng vô cấu thức là thường hằng và thanh tịnh. Sau khi chứng ngộ chân như (tathatā), vô cấu thức sẽ xuất hiện.  Tàng thức chứa đựng nhiễm ô và gây ra đau khổ. Nhưng vô cấu thức thì không. Tàng thức không phải là nền tảng của Phật quả mà là nền tảng của mọi nhiễm ô và đau khổ. Vô cấu thức không phải là nền tảng của nhiễm ô hay đau khổ như vậy mà là nền tảng của Phật quả. Tương tự tập đầu tiên của Tam Vô Tính Luận (Traya-svdbhāva-prakaraṇa, Nanjio, Số 1219) có nói rằng vô cấu thức là kiến giải duy nhất không có tà kiến hay thay đổi. Do đó, được gọi là chân như.

Lại nữa, Chuyển Thức Luận (Vidyā-pravartana-śāstra, Nanjio, Số 1214) nói rằng khi cả chủ thể lẫn đối tượng đều biến mất, thì tâm sở tại thời điểm này được gọi là sattva.  Sattva này chính là vô cấu thức.

Trong Thập Bát Không Luận       (Aṣṭādaśa-sūnyatā-śāstra, Nanjio, Số 1187), chúng ta thấy một tuyên bố tương tự: vô cấu thức chính là tâm thanh tịnh (citta-viśuddhi).  Chỉ khi bị ô nhiễm từ ngoài vào (āgantuka), nó mới trở nên bất tịnh.

Tập 6 của Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận (Mahāyāna-sūtrālaṅkāra, Nanjio, số 1190) đề cập đến điểm sau: chân như được gọi là tâm (citta); tâm này là tâm thanh tịnh, và tâm này chính là vô cấu thức.

Hơn nữa, thức này cũng được đề cập trong nhiều kinh Đại thừa, như Nhập Lăng Già Kinh (Laṅkāvatārasūtra, Nanjio, 176), Đại Thừa Mật Nghiêm Kinh (Ghana-vyūha Sūtra, Nanjio, số 92 và 444), Kim Cang Tam Muội Kinh (Vajrasamādhi Sūtra, Nanjio, số 429), Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh và v.v.

Căn cứ vào những tài liệu này, ngài Paramārtha đã giải thích về thức và lập nên lý thuyết Duy Thức Tông.  Thật không may, quan điểm về loại thức này của ngài Paramārtha chỉ có thể được tìm thấy dưới dạng trích dẫn của các tác giả khác. Ví dụ, Giải Thâm Mật Kinh Sớ (chú giải Sandhinirmocana Sūtra) của Yüan’ts’ê trích dẫn quan điểm của ngài như sau: (theo ngài Paramārtha) amala-vijñāna thứ 9 có thể dịch là vô cấu thức, và tánh của nó là chân như (tathatā). Tathatā có 2 nghĩa, một là tánh, tức là chân như hay thực tại, hai là căn, tức là vô cấu thức (amala-vijñāna) hay lý trí (buddhi).  Tứ Phần Luật Sớ Sức Tông Nghĩa Ký (chú giải Dharmaguptavinayapiṭaka) của Ting-pin cũng trích dẫn một quan điểm tương tự như trên, và hai mặt này của tathatā  được đồng nhất với dharmatathatājñānatathatā của Svarṇa-prabhāsottama-sūtra.

Từ những quan điểm này có thể kết luận rằng ngài Paramārtha giải thích vô cấu thức (amala-vijñāna)là chân như và chân như trí.

Đối lập với ngài Paramārtha, Tao-chi của chùa Fu-ch’êng-ssu ở đời Đường khẳng định rằng tánh của vô cấu thức chỉa là chân như và không chứa chân như trí, bởi vì vô cấu thức là tên của tánh tâm thanh tịnh chứ không phải là tên của một căn.

Bên cạnh những vị thầy được đề cập ở trên, T’ien-t’ai Fa-li và Ta-chüeh chấp nhận sự tồn tại của thức này, trong khi ngược lại, ngài Huyền Trang và tông của mình không chấp nhận điều này và họ định nghĩa vô cấu thức là khía cạnh thanh tịnh của tàng thức.

Theo Tattvaratnāvạlī, có hai trường phái chính trong trường phái Duy Thức Tông sau này : một trường phái được gọi là Nairākāravāda-yogācāra và trường phái còn lại là Sākāravijñānavāda. Nairākāravāda-yogācāra được ngài Paramārtha du nhập vào Trung Quốc và phát triển thành tông Shê-lun và Sākāravijñānavāda được du nhập bởi ngài Huyền Trang và phát triển thành tông Fa-hsiang.  Nhìn chung, về loại thức này, Nairākāravāda-yogācāra luôn khẳng định trong khi Sākāravijñānavāda luôn phủ nhận, ở cả Ấn Độ và Trung Quốc.            

S. K.


[1] Tông Shê-lun coi tàng thức đã trở nên thanh tịnh và vô cấu là chân như (tathatā) và đặt cho nó cái tên đặc biệt là vô cấu thức (amala-vijñāna) – xem Takakusu, op. cit. trang 83.  Tông Shê-lun còn được gọi là Samparigraga-G.P.M.