ĀMAGANDHA SUTTA

ĀMAGANDHA SUTTA, bài kinh thứ 2 của Phẩm Cūla thuộc Kinh tập (Sutta Nipāta) (Sn. trang 42-45) được Đức Phật thuyết giảng cho Bà-la-môn Āmagandha đang bị bệnh vàng da (paṇḍuroga) do không ăn cá, thịt cũng như axit và muối.

Āmagandha, nhận ra rằng mình cùng các môn đồ đang mắc cùng một căn bệnh, đã đi đến một ngôi làng, nơi mà cư dân cúng dường thức ăn cho họ, giúp chữa khỏi bệnh của họ.  Tại ngôi làng này, ông gặp Đức Phật và hỏi là Ngài có ăn cá và thịt hay không (điều mà người Bà-la-môn nói là āmagandha). Sau đó, Đức Phật trả lời rằng, với Ngài, thuật ngữ āmagandha không phải là cá và thịt, mà là dục vọng hay phiền não (kilesa). Hơn nữa, Ngài còn cho biết thêm, là trong trong quá khứ, một Bà-la-môn tên Tissa đã từng hỏi câu hỏi tương tự như này với Đức Phật Ca-diếp, và Đức Phật Ca-diếp đã trả lời tương tự.

Khi kể lại cuộc đàm thoại của Đức Phật Ca-diếp với Bà-la-môn Tissa, Đức Phật Thích-ca kể rằng Đức Phật Ca-diếp đã không giải thích ngay thuật ngữ āmagandha cho Bà-la-môn Tissa, mà chỉ nói rằng Ngài không ăn āmagandha – mà Tissa hiểu là thịt và cá.  Về sau, khi thấy Đức Phật Ca-diếp ăn cá và thịt, Bà-la-môn Tissa đã trách Ngài nói dối, và ca ngợi đức hạnh của những ẩn sĩ chỉ sống bằng khoai lang và trái cây.

Sau đó, Đức Phật tiếp tục giải thích rằng āmagandha là hành vi trái ngược với ngũ giới (pañca-sīla). Những phẩm chất như độc ác, nói xấu sau lưng, bội bạc, kiêu ngạo, hẹp hòi (ādanasīla), sân hận (kodha), tự cao và tự phụ (mānātimāna) cũng được cho là āmagandha. Chú giải (SnA. I, p. 280) tóm tắt āmagandha là bao gồm mọi bất thiện pháp (āmagandho nāma sobbe kilesā pāpakā akusalā dhammā). Chỉ kiêng ăn thịt cá không giúp kẻ phàm phu chưa đoạn trừ nghi hoặc (kaṅkhā) đạt được sự trong sạch.  Người trí dứt trừ mọi khổ đau nhờ thấu hiểu Giáo pháp và không dính mắc vào những điều mắt thấy tai nghe.  Bài kinh kết thúc bằng việc liệt kê các yếu tố dẫn đến sự trong sạch. Khi bài kinh kết thúc, Bà-la-môn Tissa xin xuất gia và sau đó trở thành đại đệ tử của Đức Phật Ca-diếp.

Bài kinh này đặc biệt thú vị, vì là hiện thân cho những lời dạy của một vị Phật quá khứ, đồng nhất với quan điểm của một vị Phật sau này. Do đó, quan điểm này đã trở thành một sự phổ quát (dhammatā).

I. K.