ĀMA
ĀMA, một từ tiếng Phạn được dùng làm thuật ngữ chuyên môn trong triết học Māhbyamika để biểu thị một giai đoạn nhất định trong sự nghiệp của một vị Bồ-tát, khi đang thực hành ba-la-mật (prajñāpāramitā), nhưng lại rơi vào tà kiến, nên không thể chứng ngộ lý tưởng trong sự nghiệp của mình.
Từ này được định nghĩa theo nhiều cách trong Đại bát-nhã sơ phần (Śatasāhasrikāprajñāpāramitā) (ed. Prātapacandra Ghoṣa, Calcutta; 1902, trang 485-90). Ở đây, từ này được ghép với mūdha, thành mūdhāma. Ở chú thích, chính bản kinh này giải thích từ mūdha hay mudhā nghĩa là si mê hay huyễn mộng (vyarṭha), và āma là cầu đạo (dharmatṛṣṇā). Do đó, từ ghép này mang nghĩa là ‘cầu đạo si mê’ (vyartha-dharmābhilāṣaḥ). Ở đây, dường như mūdha hay mudhā là dạng sửa đổi của từ mūḍh trong tiếng Phạn, nghĩa là si mê. Về từ āma, một trong những nghĩa tiếng Phạn không chuyên môn của nó là ‘không lĩnh hội’. Do đó, có thể thấy rằng, vì vị Bồ-tát tu tập ba-la-mật (prajñāpāramitā) sai đường, nên vị ấy đi đến giai đoạn ‘không lĩnh hội đạo’ giống như khi một người ăn phải thức ăn có hại. Tà kiến làm Bồ-tát tu tập sai đường được coi là có hại với vị ấy và do đó giai đoạn mà vị ấy tin vào những tà kiến sai lầm được gọi là āma, vì giai đoạn như vậy trong sự nghiệp của vị Bồ-tát được gọi là một khiếm khuyết hay bệnh. Do đó, ý tưởng về khiếm khuyết hay bệnh được quy cho từ này là sự mở rộng từ nghĩa gốc của nó. Vì thế, ý tưởng ‘cầu đạo si mê’ được quy cho từ ghép mūdhāma, có thể có liên hệ về mặt từ nguyên với nghĩa ban đầu của nó trong tiếng Phạn.
Trong các trang tiếp theo (486-90) của bản kinh này, tác giả không còn sử dụng từ ghép mūdhāma và chỉ sử dụng từ āma để diễn đạt ý tưởng của toàn bộ từ ghép. Do đó, từ āma trở thành một thuật ngữ chuyên môn có nghĩa là ‘cầu đạo si mê’.
Sau khi thiết lập ý nghĩa chuyên môn này của từ āma, bản kinh này giải thích thêm về thuật ngữ này dưới hình thức đối thoại giữa tôn giả Xá-lợi-phất (Śāradvatīputra) và tôn giả Tu-bồ-đề. Tôn giả Xá-lợi-phất muốn biết làm thế nào mà một vị Bồ-tát không lại bị mūdhāma. Sau đó, tôn giả Tu-bồ-đề giải thích rằng đôi khi một vị Bồ-tát, trong khi thực hành lục độ ba-la-mật sai cách, chứng được 3 loại định, cụ thể là, không định, vô tướng định và vô mục đích định (śūnyatā-nimittāpraṇihitasamādhīnāyamya). Khi chứng được những loại định này, vị ấy bao giờ chứng được quả vị A-la-hán (śrāvakabhūmi, Thanh Văn địa), Độc Giác Phật (pratyekabuddha-bhūmi, Độc Giác Phật địa) hay Bồ-tát (bodhisattvanyāma). Ở đây, cần lưu ý rằng trong trường hợp của A-la-hán và Độc Giác Phật thì thuật ngữ bhūmi (địa) là hậu tố của từ, còn trong trường hợp của Bồ-tát thì lại là bodhisattvanyāma mà không phải bodhisattvabhūmi. Điều này rất quan trọng vì thuật ngữ āma hiện đang được thảo luận. Ở đây, có thể thấy nyāma (từ ni và āma) là trạng thái chính xác mà một vị Bồ-tát cần chứng đạt trái ngược với āma, trạng thái sai lầm. Do đó, nếu một vị Bồ-tát đạt được trạng thái āma sai lầm này do thiếu phương tiện thiện xảo (anupāyakauśalyena) thì vị ấy không thể chứng được Niết-bàn, vì vị ấy đang mắc một căn bệnh, tức là không lĩnh hội được đạo, āma (ayamucyate bodhisattvasya mahāsattvasyāmaḥ: Śspp. trang 485 ff). Như vậy, khi vị Bồ-tát khao khát chứng ngộ trạng thái chân chính mà đi sai đường, do thiếu phương tiện thiện xảo, và trở thành nạn nhân của āma, thì có thể thấy rằng vị ấy có ước muốn (tṛṣṇā) chứng ngộ trạng thái chân chính, mặc dù không đạt được. Do đó, nhà chú giải giải thích là vyartha-dharmābhilāṣaḥ hay cầu đạo si mê. Vị Bồ-tát đi sai đường do thiếu phương tiện thiện xảo và do đó, quan điểm về pháp của vị đó trở nên mê lầm.
Khi tôn giả Xá-lợi-phất hỏi tôn giả Tu-bồ-đề về nguyên nhân khiến cho một vị Bồ-tát trở thành nạn nhân của āma, tôn giả Tu-bồ-đề trả lời rằng thuật ngữ này chỉ được dùng để biểu thị trạng thái này của một vị Bồ-tát chứ không biểu thị trạng thái của bất kỳ ai khác. Sau đó, ngài giải thích thêm rằng nếu một vị Bồ-tát, trong khi thực hành ba-la-mật coi mỗi uẩn trong năm uẩn (skandha) là không (śūnya); vô thường (anitya), khổ (duhkha), vô ngã (anātma), vô tướng (animitta) hay vô mục đích (apraṇihita), sẽ rơi vào trạng thái āma.
Sau đó là phần giải thích thêm về nyāma, trạng thái đúng đắn mà một vị Bồ-tát cần chứng đạt. Ý chính của phần bàn luận này là nếu một vị Bồ-tát biết rằng cần phải đoạn trừ năm uẩn (skandha) và phương pháp đoạn trừ chúng, thì đó là một đặc điểm của trạng thái nyāma. Một đặc điểm khác là vị Bồ-tát phải biết rõ ràng mỗi đế trong Tứ Diệu Đế là gì và phương pháp chứng ngộ từng đế một.
Một đặc điểm nữa của Bồ-tát chân chính như vậy là khả năng phân biệt các cặp sau: bất tịnh (śaṅkleśa) và thanh tịnh (vyavādāna); các pháp cần được đùng đến và các pháp không (sevitavyāḥ dharmāḥ, na sevitavyāḥ dharmāḥ); chánh đạo (mārga) và tà đạo; hữu học (śikṣā) và vô học; có phương tiện thiện xảo và thiếu phương tiện thiện xảo (upāyakauśalya và anupāyakauśalya). Vị ấy cũng phải phân biệt được 6 ba-la-mật và có thể chọn ba-la-mật đúng đắn. Đó là những đặc điểm chân chính của một vị Bồ-tát không bị rơi vào trạng thái āma.
Tiếp theo, giống như trường hợp Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa, bản kinh này tự mâu thuẫn khi nói rằng nếu Bồ-tát hiểu và thừa nhận các pháp này (imān dharmān) theo cách này, thì sẽ dẫn đến āma. Sau đó, để sửa lại mâu thuẫn này, một cách giải thích khác về nyāma trái ngược với āma này được đưa ra. Trong phần bàn luận này, nyāma được giải thích liên quan đến các loại tánh không (śūnyatā) khác nhau. Như thường xảy ra với kinh văn Bát-nhã-ba-la-mật, trong lời giải thích này, mệnh đề được đưa ra ở câu trước cũng bị hủy bỏ bởi mệnh đề được đưa ra ở câu sau. Vì lời giải thích này không giúp chúng ta hiểu rõ về āma, nên bàn luận về chủ đề của nó được coi là không liên quan.
A. G. S. K.