ALLEGORIES

ALLEGORIES hay những biểu tượng tượng trưng trong kinh điển không thể tìm thấy trong các bản kinh Phật giáo Nguyên thủy.  Những câu chuyện tiền thân nổi tiếng về Đức Phật và những người có liên hệ về mặt lịch sử với Ngài trong kiếp sống cuối cùng của Ngài, thường được các nhà diễn giải hiện đại giải thích là ngụ ngôn, truyền thuyết và thần thoại.  Mặc dù mỗi câu chuyện tiền thân chứa đựng một bài học đạo đức và là một minh họa về một đức hạnh hay sự viên mãn cụ thể, nhưng chắc chắn chúng không phải là chuyện thần thoại trong mắt của các Phật tử trong suốt nhiều thế kỷ.  Ngay cả việc động vật được tạo ra để nói đến và đôi khi có cho những phẩm chất cao quý hơn cả con người cũng không phải là cơ sở để xếp chúng vào xứ sở thần tiên của chuyện thần thoại.  Chúng ta không phải là người quyết định tính lịch sử của những câu chuyện đó, cũng như không phải người đo lường tính chính xác của chúng bằng thước đo khoa học hiện đại.  Sức mạnh của các hành giả yoga không biến mất khỏi Ấn Độ ngay cả trong thế kỷ 20 này, và ảnh hưởng không thể lý giải của chân ngôn (mantra) đã được công nhận rộng rãi, không chỉ ở phương Đông huyền bí.  Việc tồn tại của sự sống, có thể ở hình thức khác ngoài con người, trong các cõi giới ngoài thế giới này, chưa bao giờ bị bác bỏ hoặc nghi ngờ một cách hợp lý.  Và, mặc dù không nên nhầm lẫn giáo lý tái sinh với giáo lý luân hồi của linh hồn của Ấn Độ giáo, thì cũng không cần phải bác bỏ những câu chuyện tiền thân cùng việc xác định các nhân vật (trong những câu chuyện đó) chỉ là những ẩn dụ, trên cơ sở giáo lý cơ bản về ‘vô ngã’ (anattā) trong đạo Phật.  Việc nhớ lại các tiền kiếp (pubbe-nivāsānussati) là một trong năm thần thông (abhiññā, trang 97 ff.) thế gian (lokiya), và về cơ bản không khác với trí nhớ, năng lực chắc chắn không chỉ dành riêng cho con người. Phương thức trình bày dưới dạng câu chuyện là một cách chuyển thể của giáo pháp về chân lý tuyệt đối (paramattha sacca, chân đế) thành cách giải thích thông thường (vohāra-desanā).

Chuyện tiền thân là những minh họa lịch sử, nhưng chúng chắc chắn không phải là ẩn dụ, ngụ ngôn, thần thoại hay truyền thuyết.

Ngược lại, tính biểu tượng đã được tìm thấy trong những bài kinh sớm nhất, chẳng hạn, khi các giác quan được gọi là các cánh cửa (pañca-dvāra) – được một đối tượng giác quan tiếp cận và là nơi mà tâm hướng (āvajjana) sự chú ý đến.  Khởi đầu của một đời sống tiến bộ tâm linh nhất quán, không thối chuyển, luôn được gọi là nhập lưu (sotāpatti) mà chắc chắn sẽ đến được giải thoát cuối cùng. Những phép so sánh này và những phép so sánh tương tự mang lại sự tương đồng mà không cần đồng nhất sẽ được đề cập ở bài về ANALOGIES.

H. G. A v. Z.