ALINDĀ
ALINDĀ, hoàng hậu của Ikṣvāku, vua xứ Ba-na-lại và mẹ của Kuśa. Ikṣvāku, không có con nối dõi, theo lời khuyên của thầy tư tế, đã phái tất cả các cung nữ trong hậu cung của mình, ngoại trừ hoàng hậu Alindā, ra ngoài ba lần mỗi hai tuần để họ có thể thân mật với bất kỳ người đàn ông nào họ thích. Khi vua trời Đế-thích nhìn thấy điều này, ngài biến thành một Bà-la-môn già nua ốm yếu đến gặp nhà vua và bày tỏ mong muốn có được một người phụ nữ cho mình. Được nhà vua yêu cầu chọn một người, ngài đã chọn hoàng hậu Alindā và không ưng với bất kỳ cung nữ nào khác. Bất chấp sự phản đối của mọi người trong hoàng cung, ngài vẫn thuyết phục nhà vua giữ lời hứa danh dự và dẫn hoàng hậu miễn cưỡng ra khỏi thành phố. Ở đó, trong một túp lều lá, Alindā đã dành cả đêm với ngài và lắng nghe lời ngài than thở: “Bây giờ, nàng hãy chiều ta, hãy chiều ta, đỡ ta dậy, đặt ta lên giường, đặt ta lên giường”, và v.v. Sáng hôm sau, vua trời Đế-thích xuất hiện trước mặt hoàng hậu với bộ dạng thật và ban cho bà một điều ước. Hoàng hậu ước có được một hoàng nam, sau đó vua trời Đế-thích đưa cho bà một viên thuốc để khuấy trong nước và uống. Ngài nói rằng con trai bà sẽ mạnh như một con sư tử và không ai can đảm bằng cậu ta. Nhưng nước da và ngoại hình cậu ta sẽ không được ưa nhìn, vì bà không mang lại cho vua trời cảm giác rung động của tình yêu.
Khi nghe hoàng hậu thuật lại câu chuyện này, nhà vua đã nổi giận. Ông nghiền viên thuốc trên một hòn đá, hòa tan nó trong nước và cho 499 hoàng hậu Bà-la-môn trẻ của mình uống nó bằng cỏ kuśa. Vì hoàng hậu Alindā không được đưa hỗn hợp thuốc nên bà đã lấy giọt nước trên hòn đá nghiền thuốc và uống nó bằng cỏ kuśa. Cả 500 hoàng hậu đều hạ sinh hoàng nam, nhưng nhưng chỉ có hoàng nam của Alindā là xấu xí. Do đó, nhà vua đặt tên cho cậu ta là Kuśa, trong khi tất cả những người con khác là một tên nào đó kết hợp với từ kuśa. Họ được ban mọi tiện nghi và sau đó là cơ sở vật chất để học nghệ thuật hoàng gia. Nhưng Kuśa, người không được ban gì, đã thông thạo mọi nghệ thuật bằng trí tuệ của chính mình và vượt trội hơn tất cả các anh trai của mình. Do đó, khi đến thời điểm chọn người kế vị, chàng được đánh giá là ứng viên sáng giá nhất cho ngai vua.
Lúc đầu, hoàng hậu Alindā phản đối mong muốn cưới một cô gái xinh đẹp của con trai mình với lý do rằng cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông xấu xí và một người phụ nữ xinh đẹp sẽ không bao giờ thành công. Bà khuyên con trai mình nên cưới một công chúa cũng không đẹp như mình. Nhưng vì Kuśa từ chối, nên bà đã cử sứ giả đi khắp nơi để tìm một cô dâu phù hợp. Tại Kaṇṇakubja, thủ đô của Śūrasena, họ tìm thấy công chúa Sudarśanā, con gái của Mahendraka, vua xứ Madrakas, và báo lại tin tức cho hoàng hậu. Hoàng tử Kuśa kết hôn với công chúa Sudarśanā nhưng theo kế hoạch của Alindā, hai người chỉ gặp nhau khi trời tối. Bà giải thích cho Sudarśanā rằng đây là quy định của triều đình vua Ikṣvāku hoặc là một giao ước giữa bà và các vị thần rằng họ không được gặp nhau cho đến khi con trai họ được 12 tuổi.
Bị Sudarśanā thúc ép muốn gặp Kuśa vào ban ngày, hoàng hậu Alindā đã để Kuśadruma, người đẹp trai nhất trong số các anh trai của Kuśa, ngồi trên ngai vàng và chỉ rằng đây là chồng cô, trong khi Kuśa đứng sau ngai vàng cầm lọng che. Khi Sudarśanā hỏi người đàn ông xấu xí đó là ai, hoàng hậu Alindā trả lời rằng mặc dù thô lỗ nhưng anh ta là một người đàn ông có phẩm chất cao đẹp và anh ta chính là người mang lại cho họ sự thoải mái và bảo vệ vương quốc được an toàn. Bản thân Kuśa đã được hoàng hậu giúp đỡ nhiều lần khi muốn gặp vợ mình. Nhưng lần nào Kuśa cũng làm phiền cô ấy và Alindā phải xoa dịu. Cuối cùng, Sudarśanā cũng nhận ra chồng mình và đòi được trở về với cha mẹ của mình và sẽ tự tử nếu được chấp thuận. Alindā đồng ý. Khi Kuśa cũng quyết định đi theo cô về Kaṇṇakubja, Alindā hối hận đến mức suy sụp và ngã quỵ xuống đất. Trong khi đó, Śakra đã trao cho Kuśa viên ngọc Jyotirasa, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của chàng và khiến chàng ta trở nên đẹp trai đến nỗi ngay cả Alindā cũng không thể nhận ra con trai mình.
Đức Phật cho biết Alindā chính là hoàng hậu Māyā (Mhvu. II, 425.2 ff.; III, 2.20 ff.).
Đối với bản Pali, xem KUSA JĀTAKA.
C. W.