ALĪNACITTA JĀTAKA
ALĪNACITTA JĀTAKA (Số 156, J. II, 17-23), câu chuyện về Bồ-tát khi trong một kiếp sinh làm vua Alīnacitta. Được Đức Phật kể lại liên quan đến một Tỳ-kheo thối thất tinh tấn.
Cách Ba-na-lại không xa có một ngôi làng với 500 người thợ mộc. Một hôm, gần nơi làm việc của họ, một con voi giẫm phải gốc cây keo (còn lại sau khi chặt) và bị thương ở chân, trở nên sưng tấy và mưng mủ, khiến nó vô cùng đau đớn. Con voi đi khập khiễng bằng ba chân về phía người thợ mộc, với hy vọng nhận được sự giúp đỡ. Những người thợ mộc rút gốc cây ra và xử lý vết thương. Không bao lâu, vết thương lành lại.
Để tỏ lòng biết ơn, con voi đã ở lại với những người thợ mộc, đỡ đần công việc cho họ. Đến giờ ăn, họ lần lượt cho voi ăn, mỗi người cho một phần. Con voi tiếp tục hỗ trợ cho đến khi về già, nó trở về rừng, để lại voi con của mình phục tùng những người thợ mộc.
Chú voi con cũng sẵn lòng hỗ trợ những người thợ mộc. Sau khi xong việc, nó thường xuống sông chơi và những đứa con của những người thợ mộc sẽ chơi đùa cùng nó. Chuyện nói rằng động vật được thuần hóa không bao giờ đại tiểu tiện trong nước. Nhưng một ngày nọ, một bãi phân khô của chú voi bị trận mưa làm rơi xuống dòng sông, trôi xuống hạ lưu và mắc kẹt trong một bụi cây ở bến tàu ở Ba-na-lại.
Khi những con voi của nhà vua được dẫn đến chỗ này để tắm, chúng ngửi thấy mùi phân của con voi thuần chủng và không chịu xuống sông. Những người huấn luyện voi, điều tra nguyên nhân, đã phát hiện ra bãi phân và khuyên nhà vua đem con voi có bãi phân này về triều đình.
Theo đó, nhà vua đi ngược dòng để rước voi về. Những người thợ mộc sẵn sàng dâng chú voi cho ông nhưng con voi chỉ rời đi sau khi nhà vua đền bù thỏa đáng cho họ. Trở lại thành phố, nhà vua phong con voi là Quốc tượng.
Một thời gian sau, Bồ-tát nhập thai hoàng hậu nhưng nhà vua băng hà trước khi ngài được sinh. Quốc tượng không được thông báo về việc nhà vua băng hà vì lo ngại nó sẽ chết vì vỡ tim. Vua Kosala lợi dụng tình thế bao vây Ba-na-lại. Nhưng theo yêu cầu của cư dân Ba-na-lại, ông đã đình chiến trong một tuần, vì các nhà chiêm tinh phán rằng khi đó hoàng hậu sẽ hạ sinh một hoàng nam, nếu điều này xảy ra, họ sẽ không nhường vương quốc. Lời tiên tri đã ứng nghiệm và hoàng tử được đặt tên là Alīnacitta. Sau đó, các cư dân Ba-na-lại đã giao chiến với vua Kosala, nhưng vì không có người lãnh đạo, quân đội của họ dần thất thế.
Các quan đại thần đến gặp hoàng hậu và đề nghị thông báo cho Quốc tượng biết về những việc đang xảy ra. Đích thân hoàng hậu báo tin cho voi. Bà mang vị hoàng tử cho chú voi và đề nghị hoặc voi giết hoàng tử, hoặc giành lại vương quốc cho hoàng tử.
Con voi ra trận và chỉ cần nghe thấy tiếng rống của nó, quân địch đã hoảng sợ bỏ chạy toán loạn. Voi bắt vua Kossl làm tù binh và sau đó thả ông ta ra cùng lời khuyên hãy cư xử chu đáo với hoàng tử trẻ. Sau đó, vua Alīhacitta trở thành chuyển luân vương, cai trị cõi Diêm-phù-đề. Ngài cai trị được lòng dân và sau khi mạng chung sinh lên cõi trời.
Đức Phật xác định các nhân vật trong chuyện tiền thân trên. Vị Tỳ-kheo kiếp nay từ bỏ tinh tấn chính là Quốc tượng trong kiếp sống đó, đã từng kham nhẫn như vậy. Vị vua già là Đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Hoàng hậu là hoàng hậu Mahāmayā và voi cha là tôn giả Xá-lợi-phất.
Người ta nói rằng một chuyện tiền thân khác, chuyện tiền thân Saṃvara (Số 462), cũng kể về vị Tỳ-kheo này.
Một dịp khác, Đức Phật đã kể chuyện tiền thân này để minh họa cho lòng biết ơn của tôn giả Xá-lợi-phất. Tôn giả Xá-lợi-phất xuất gia cho Rādha làm đệ tử để đền ơn một thìa thức ăn mà Rādha từng biếu ngài. Vào ngày trưởng lão Rādha xuất gia, Đức Phật tuyên bố rằng đây không phải là lần đầu tiên tôn giả Xá-lợi-phất đền ơn (DhpA, II, 106).
L. R. G.