ĀLI và KĀLI

ĀLIKĀLI. Những từ ghép này bắt nguồn từ từ tiếng Phạn āli, có nghĩa là ‘chuỗi’, cùng với a (nguyên âm đầu tiên) của ka (phụ âm đầu tiên).

Āli (a + āli), như một từ ghép, là thuật ngữ được sử dụng trong Phật giáo Mật tông để biểu thị 14 nguyên âm của bảng chữ cái tiếng Phạn được ghép lại thành một âm tiết thần bí (chân ngôn, mantra). Các chân ngôn được coi trọng trong Phật giáo Mật tông đến mức có thể nói chúng là xương sống của tông này, và āli là một trong những chân ngôn quan trọng như vậy. 35 phụ âm của bảng chữ cái được coi là giống hệt nhau và đều được gọi là kāli (ka + āli). Để tạo điều kiện cho việc hiểu rõ ràng về ālikāli, cần một bản tường thuật ngắn gọn về lịch sử phát triển của chân ngôn.

Ban đầu, có các chân ngôn Vệ-đà, tất nhiên, mang một ý nghĩa nào đó.  Sau đó, chúng được kế tiếp nhờ những câu chú (paritta) bảo bộ của Phật giáo, vốn cũng được sử dụng như những chân ngôn.  Như vậy, sẽ thấy rằng ngay cả những tu sĩ Phật giáo sơ kỳ cũng có niềm tin nhất định vào uy lực âm thanh của một ngôn từ, uy lực khác với những gì nằm trong ý nghĩa được chấp nhận của nó.  Về sau, trong Phật giáo Đại thừa đã phát triển hệ thống rút ngắn những bài kinh rất dài thành những công thức nhỏ, để giúp những đệ tử tại gia phàm phu thuộc lòng.  Về mặt chuyên môn, chúng được gọi là Đà-la-ni (dhāraṇī). Bước tiếp theo trong trình tự tiến hóa của chúng là hình thành các chân ngôn thậm chí còn ngắn hơn cả Đà-la-ni. Bằng cách này, Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa của Phật giáo Đại thừa, có 8.000 khổ thơ, đã được rút gọn thành một chân ngôn một âm tiết, pram.

Những tu sĩ Mật tông tin rằng những chân ngôn này, không có gì khác ngoài những âm tiết vô nghĩa, lại thiêng liêng và có uy lực to lớn.  Nếu được thốt ra một cách chính xác và lặp đi lặp lại, họ tin rằng những chân ngôn này có thể giúp chứng được cả Phật quả. Người tụng phải tiếp tục toàn tâm toàn ý thốt ra những chân ngôn, cho đến khi không còn cảm giác mệt mỏi (tāvajjapet yāvat khedo na bhavati : Sādhanamālā, trang. 10).

Một bước tiến nữa của quan niệm chân ngôn trong mật tông là việc các chữ cái (varṇa) của bảng chữ cái cũng được biến đổi thành các chân ngôn trong ālikāli tương ứng đại diện cho nguyên âm và phụ âm. 

Không thể hiểu rõ khái niệm ālikāli nếu không có quan điểm về nguyên tắc triết học của ‘nhị nguyên trong bất nhị’ mà Đạo Phật mật tông chỉ dạy.  Tính đồng nhất căn bản của luân hồi (saṃsāra) và giải thoát (Niết-bàn) là giáo lý triết học căn bản của Phật giáo mật tông.  Rõ ràng; có tính nhị nguyên của hữu (luân hồi) và phi hữu (Niết-bàn).  Hành giả yoga phải bắt đầu quá trình tu tập của mình trong tính nhị nguyên rõ ràng này và việc tu tập là quan niệm về sự hữu này trong hiểu biết về phi hữu của nó.  Điều này khiến hành giả nhận ra bản chất như mộng của tính nhị nguyên rõ ràng của nó như một vấn đề của kinh nghiệm bản thân (svayaṃvedya). Để đạt được điều này, bản thân hữu (luân hồi) phải được sử dụng làm phương tiện (upāya).  Bằng cách này, hành giả quán tưởng bản chất như mộng của hữu (luân hồi) và nhờ đó chứng được hiểu biết về tánh không (śūnyatā), hiểu biết đó được gọi là trí tuệ (prajñā). Như vậy, trí tuệphương tiện này là hai khía cạnh của thực tại bất nhị tối hậu trong bản chất nhị nguyên cơ bản của nó. Hai khía cạnh này được biểu hiện trong sắc giới là nam và nữ (tương ứng là phương tiệntrí tuệ).  Mục tiêu tối hậu và chân lý tột cùng trong Phật giáo Mật tông là sự hợp nhất của hai khía cạnh này, đó là nhận ra tính bình đẳng cốt yếu của luân hồiNiết-bàn.  Ở đây người ta thấy ý nghĩa bí truyền của các thực hành sexo-yogic của Phật giáo Mật tông.

Tính nhị nguyên rõ ràng này, cũng như kết quả từ sự hợp nhất của chúng, được thể hiện trong Phật giáo Mật tông bằng một số lượng lớn các cặp. Chính trong cách thể hiện này, người ta tìm thấy 2 thuật ngữ đang được thảo luận, tức là ālikāli.  Như vậy, trong khía cạnh giáo lý, sự hợp nhất của phương tiệntrí tuệ được gọi là bồ đề tâm (bodhicitta) hay đại an lạc (mahāsukha), kinh nghiệm thần bí tối thượng.

Ở khía cạnh vũ trụ, đó là sự hợp nhất của mặt trăng (nam) và mặt trời (nữ) dẫn đến lửa.  Ở khía cạnh tình dục, đó là vajra, kim cương (nam) và padma, hoa sen (nữ) dẫn đến śukra (tinh dịch). Về mặt sinh học, đó là śukra (tinh dịch của nam giới) và rakta (máu huyết của nữ giới), dẫn đến bīja (con).  Quan điểm tương tự này được hình thành ở khía cạnh phát âm của kāli (nam, phụ âm) và āli (nữ, nguyên âm) trở nên hợp nhất, dẫn đến akṣara (âm tiết).  Âm tiết kết quả này là sự thể hiện âm thanh của sự liễu tri hay Niết-bàn. Do đó, ālikāli, được kết hợp với nhau, là một trong những khía cạnh của thể hiện ký hiệu rất phức tạp của trí tuệphương tiện trong Phật giáo mật tông.

Có một sơ đồ khác theo đó triết học biểu tượng này được thể hiện với chính cơ thể  người. Theo đó, có 2 tĩnh mạch, lalanārasanā, ở bên trái và bên phải của cơ thể người, và bắt đầu từ lỗ mũi. Về mặt cá nhân, chúng tương ứng với trí tuệphương tiện, là trạng thái hiện hữu (luân hồi).  Được coi là lực quan trọng và ở bên trái có bản chất của máu huyết của nữ giới nữ (rakta) và ở bên phải có bản chất là tinh dịch của nam giới (śukra) (tương đương sinh học của nam và nữ về hai khía cạnh của thực tại), hơi thở đi lên và xuống những kinh mạch này.  Chừng nào hơi thở còn tiếp tục theo cách này, thì tư tưởng còn tiếp tục lang thang không kiểm soát.  Tư tưởng phải được điều chỉnh theo hơi thở bằng cách tập trung tư tưởng vào quá trình hít thở.  Như vậy quá trình này bắt đầu. Chính trong quá trình tập trung này ālikāli được đề xuất là đối tượng tập trung, như một dạng chân ngôn.  Hành giả phải quán tưởng chuỗi nguyên âm (āli) đang vào ra cùng hơi thở ở bên trái cơ thể và chuỗi phụ âm (kāli) ra vào ở bên phải.  Sự tập trung này giúp kiểm soát hơi thở và tư tưởng (cp. ānāpānasati). 

Tiếp theo, hành giả phải quán tưởng tĩnh mạch thứ 3 avadhūti ở trung tâm cơ thể, nơi lalanārasanā gặp nhau.  Tĩnh mạch trung tâm này đại diện cho sự hợp nhất của trí tuệphương tiện và do đó là nơi ở của trạng thái tiến bộ tâm linh cao nhất (đại an lạc). Do đó, về mặt tượng trưng, việc hơi thở đi dọc theo hai tĩnh mạch theo cách trên biểu thị luân hồi.  Sự gặp gỡ của chúng khơi dậy bồ đề tâm ở trong avadhūti.  Sự gặp gỡ của chúng về mặt biểu tượng giống như nhiều cặp khác đã đề cập ở trên và chúng phục vụ cùng một mục đích.

Theo cách này, sự thể hiện tượng trưng tương tự được mở rộng cho ālikāli. Các tĩnh mạch rasanālalanā lần lượt được coi là nam tính và nữ tính, và tương ứng được đồng nhất với kāliāli. Phương pháp tượng trưng được mô tả ở trên cũng đã áp dụng ở đây.

Ngoài những điểm đã thảo luận ở trên, ālikāli, giống các chân ngôn khác, có thể được coi là phương tiện tịnh hóa cơ thể, khi được đặt trong mạch máu của cơ thể.  Giống như bất kỳ chân ngôn nào khác, hai thuật ngữ này cũng không có ý nghĩa từ nguyên.  Chúng chỉ là những thuật ngữ vô nghĩa với ý nghĩa thần bí nhất định được gán cho chúng.  Hai thuật ngữ này, với ý nghĩa như những chân ngôn, đã giúp hành giả có được đối tượng thiền định để tiến bộ tâm linh; và trong ý nghĩa làm biểu tượng của trí tuệphương tiện, trong mối liên hệ với vô số những từ tương đương khác, chúng biểu thị những thực hành sexo-yogic của những tu sĩ Mật tông. 

A. G. S. K.

THAM KHẢO : s. B. Das Gupta, An Introduction to Tāntric Buddhism, D. L. Snellgrove, The Hevajra Tantra, I (Introduction)