ALĀTACAKRA (Pali: Alātacakka)

ALĀTACAKRA (Pali: Alātacakka), bánh xe lửa, của một ngọn lửa xoáy cuộn trong không trung, được sử dụng làm phép so sánh được hầu hết các trường phái tư tưởng Phật giáo ưa thích. Nó tượng trưng cho sự nhất thời, do đó, bản chất hư ảo và không có cốt lõi của các pháp, và cũng tượng trưng chuyển động không ngừng nghỉ.

Các vị Nguyên Thủy, những người hết sức trung thành với giáo lý vô ngã (anatta), đã sử dụng ví dụ về bánh xe lửa alātacakka) để minh họa sự vô ngã của các pháp.  Trong Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) (trang 543), ngài Buddhaghosa nói rằng đối với một người mà sự phân biệt giữa Chân lý, luật nhân quả, các pháp môn, đặc tính, v.v., là rõ ràng, thì các hành (saṅkhāra) dường như là rỗng (assāra, nissāra), một đặc tính được minh họa bằng nhiều ví dụ khác nhau, chẳng hạn như ảo ảnh (marīci), giấc mộng (supina), bánh xe lửa (alātacakka), thành phố cõi trời (gandhabbanagara), bọt biển (pheṇa), v.v…

Ngài Long Thọ (Nāgārjuna), người đã cố gắng chỉ ra sự hạn chế và thiếu sót của thuật ngữ thực nghiệm khi mô tả ‘thực tại’, cố gắng chỉ ra bản chất lừa dối và hư ảo của các ý nghĩa (padārtha) gắn liền với các từ theo quy ước thế gian (lokavyavahāra), bằng cách so sánh chúng với những thứ như bánh xe lửa (alātacakra). (Mādhyamika Kārikā, 172.3).  Theo ngài Long Thọ, không thể mô tả thực tại bằng những thuật ngữ như vậy mặc dù chúng đã được chấp thuận rộng rãi (prasiddhiṃ upagata) vì thực tế là con mắt trí tuệ (matinayana) của chúng sanh bị màn đêm vô minh (avidyā timira) che phủ.

Nói đi thì cũng phải nói lại, Duy thức tông (Vijñānavāda) sử dụng ví dụ bánh xe lửa (alātacakra) để chứng minh giáo lý của chính mình.  Trong Kinh Lăng già (Laṅkāvatāra Sūtra) (trang 9) ghi lại về việc Đức Phật và đoàn chúng tăng biến mất như thế nào sau khi thuyết giảng Kinh Lăng già, Rāvaṇa vô cùng kinh ngạc và thốt lên một bài kệ (i, 43) nhằm giải thích về pháp tánh (dharmata) là thuộc về cõi tâm (cittagocara) và kẻ ngu không thể lĩnh hội được ở dạng chân thực của nó vì những kẻ này những kẻ này bị mê lầm trước mọi hình thức vọng tượng (mohitā viśvakalpanaiḥ).  Pháp tánh hư ảo này được minh họa bằng nhiều ví dụ khác nhau, một trong số đó là bánh xe lửa (alātacakra).

Danh sách các ảo ảnh (māyā) được liệt kê trong Mahāvyutpatti (2832) có đề cập đến bánh xe lửa (alātacakra).

Bên cạnh đó, bánh xe lửa (alātacakra) cũng được sử dụng để tượng trưng cho chuyển động không ngừng nghỉ. Một trong 4 lời nguyện, được các vị Bồ-tát phát nguyện sau khi quán chiếu về pháp tánh và lợi ích của tất cả mọi người, bao gồm việc phổ biến các phương pháp định tâm cho mọi người trên thế gian loạn động, mê lầm như một mạng nhện hay sợi dệt chằng chịt, rối rắm như cuộn chỉ, làm những người này trôi lăn trong luân hồi (saṃsāra), thứ mang bộ dạng của một bánh xe lửa (Lal. trang 148). Ở đây, ví dụ về bánh xe lửa (alātacakra) được sử dụng để giải thích sự trôi lăn không ngừng nghỉ của chúng sanh luân hồi.

Vì vậy, nhiều trường phái Phật giáo ưa thích ví dụ về bánh xe lửa (alātacakra) này và họ thường xuyên sử dụng nó để chứng minh giáo lý của mình.

D. J. K.