ALAMBUSĀ JĀTAKA
ALAMBUSĀ JĀTAKA, (Số 523), được Đức Phật kể lại, liên quan đến một vị Tỳ-kheo bị một người phụ nữ – từng là vợ tiền kiếp của ông, cám dỗ.
Một kiếp, Bồ-tát sinh vào một gia đình Bà-la-môn ở Kāsi. Khi lớn lên, ngài trở thành một tu sĩ khổ hạnh trong rừng. Một con nai cái uống nước có tinh dịch của Bồ-tát rớt vào, đã sinh ra một cậu bé. Bồ-tát, khi biết rằng mình là cha của đứa trẻ, đã đặt tên cho cậu bé là Isisiṅga và bày tỏ tình thương của một người cha đối với cậu. Khi Bồ-tát đến tuổi già; ngài căn dặn con trai mình, lúc này đã là một tu sĩ khổ hạnh thực hành những tư thế khổ hạnh khốc liệt nhất, hãy đề phòng trước sự dụ dỗ của nữ nhân. Vào lúc đó, cung Vua trời Đế-thích bị rung chuyển bởi uy lực đến từ công đức của Isisiṅga. Vua trời Đế-thích vô cùng lo sợ chàng thanh niên khổ hạnh sẽ làm mình mất ngôi thiên chủ, và ông nghĩ ra một kế nhằm hủy hoại công đức của anh ta. Sau đó, ông sai thiên nữ Alambusā đến cám dỗ nhà tu khổ hạnh, cố gắng hủy hoại công đức của chàng ta. Cô đã hoàn thành nhiệm vụ và khiến chàng ta nằm bất tỉnh trong vòng tay mình trong 3 năm. Sau đó, khi tỉnh lại, hiểu rõ những gì đã xảy ra, chàng từ bỏ dục lạc (kāmarāga) và chứng nhập thiền định (jhāna) nhờ phát triển thiền quán. Alambusā, thấy được công đức của nhà tu khổ hạnh và biết rằng chàng đã chứng nhập thiền định, đã sợ hãi và cầu xin sự tha thứ, lời cầu xin đã được Isisiṅga chấp nhận một cách dễ dàng.
Vào cuối bài pháp, vị Tỳ-kheo có liên quan chứng đắc Sơ Quả (sotāpattiphala). Aiambusā chính là người vợ trong tiền kiếp của ông, Isisinga chính là vị Tỳ-kheo, và tu sĩ khổ hạnh cha chính là Đức Phật (J. V, trang 162-61). Ở những chuyện tiền thân khác, Isisiṅga được kể là bị cám dỗ bởi Nalinikā (Nalinikā Jātaka: J. V, trang 193-209). Câu chuyện về Isisiṅga (Skt. Ṛṣyaśṛṅga) cũng được đề cập trong Rāmāyaṇa, trong đó có nói đến một số thiên nữ đến cám dỗ nhà tu khổ hạnh (I, ix).
Trong chú giải Trường Bộ Kinh, tên của nhà tu khổ hạnh được ghi là Migasiṅga, và câu chuyện được trích dẫn như một trường hợp giải thích sai về thức diệt (II, trang 370. Xem thêm VinA. I, trang 214).
I. K.