ĀLAMBANA-PRATYAYA

ĀLAMBANA-PRATYAYA, một trong 4 duyên (pratyaya) được liệt kê trong Thắng Pháp câu-xá (Abhidharmakośa) của ngài Vasubandhu  (trang 43) cũng như trong Trung Quán luận thích (Mādhyamika-vṛtti) của ngài Nāgārjuna (trang 76).

Ngược lại với 24 duyên được trình bày bởi các Thắng Pháp Sư (Ābhidhammika) Pali, các vị Nhất Thiết Hữu Bộ cho rằng chỉ có 4 duyên và không hơn.  Trong số này, sở duyên duyên (ālambana-pratyaya) là một đối tượng của nhận thức nhưng đối với nó không thể có hoạt động của tâm thức.  Đối tượng này là một duyên bất biến của quá trình tâm, mặc dù nó không phải là nhân trực tiếp của nó.  Các vị Nhất Thiết Hữu Bộ tin rằng bản chất của tâm thức mới phát sinh là do các đối tượng bên ngoài quy định; do đó tầm quan trọng của sở duyên duyên.  Như trong trường hợp ārammaṇa-paccaya hay sở duyên duyên của các nhà Nguyên Thủy, ở đây cũng nói rằng tất cả đối tượng hay vạn pháp trong vũ trụ đều có thể làm sở duyên duyên vì vạn pháp có thể làm đối tượng của nhận thức, sắc (rūpa) là sở duyên duyên của 5 khía cạnh giác quan của tâm thức, đồng thời vạn pháp cũng có thể làm sở duyên duyên của giác quan thứ 6 hay ý thức (manovijñāna). Theo cách này, cả pháp hữu vi (saṃskṛta-dharma) lẫn pháp vô vi (asaṃskṛta-dharma) như Niết-bàn đều có thể làm sở duyên duyên (Abhk. trang 43).

Duyên này không thoát khỏi sự chỉ trích ngài Nāgārjuna.  Vì sở duyên (ālambana) được nói là đối tượng-duyên chi phối sự khởi lên của các tâm sở, nên ngài Nāgārjuna chỉ ra rằng nếu tâm sở đã hiện diện, thì không cần đối tượng; nếu tâm sở không hiện diện, thì cả hai không thể có mối liên hệ nào (Mdhvṛ. trang 84). Xem ĀRAMMAṆA, ĀRAMMAṆA PACCAYA.

D. J. K.