ALAGADDŪPAMA SUTTA

ALAGADDŪPAMA SUTTA, bài kinh thứ 22 của Phần 3 (Tatiya Vagga) của Trung Bộ Kinh (I, trang, 130-42), được Đức Phật thuyết giảng tại Kỳ-đà Viên, liên quan đến một vị Tỳ-kheo tên là Ariṭṭha, từng là một người huấn luyện chim ưng (gaddhabādhi) trong một kiếp xưa, đã nảy sinh một tà kiến.  Tỳ-kheo Ariṭṭha cho rằng theo giáo lý mà ông hiểu, thì những pháp như dục lạc, mà Đức Phật tuyên thuyết là chướng ngại cho đời sống phạm hạnh, thực tế, không phải là chướng ngại đối với một người đam đắm chúng.  Khi Đức Phật nghe được điều này, Ngài cho gọi Tỳ-kheo Ariṭṭha và hỏi rằng có phải ông đang mang quan điểm đó hay không.


Tỳ-kheo Ariṭṭha thừa nhận.  Sau đó, Đức Phật quở trách ông và nói rằng các dục lạc vui ít (appasādā kāmā), khổ nhiều (bahu-dukkhā) và phiền não nhiều (bahūpāyāsā).  Khi mang tà kiến như vậy, Tỳ-kheo Ariṭṭha cho thấy mình không có một chút kiến thức nào về Giáo pháp và Luật. Một người học Giáo Pháp, chỉ với mục đích chê trách người khác và hí luận, mà không thâm hiểu, thì giống như một người tìm thấy một con rắn (alagadda), tóm vào đuôi và lưng rắn và bị nó cắn, do đó gặp tai họa. Mặt khác, người thâm hiểu Giáo pháp giống như người dùng khúc cây chẻ đôi ghim chặt con rắn và tóm chặt cổ nó.

Trong bài kinh này, Đức Phật đề cập đến ví dụ chiếc bè, nói rằng Pháp giống như một chiếc bè nên được dùng để vượt qua dòng nước và sau đó bị bỏ lại.  Ngay cả Chánh pháp cuối cùng cũng phải bỏ, huống hồ là Phi pháp.

Phần cuối của bài kinh này chủ yếu dành cho một loạt câu hỏi do các Tỳ-kheo hỏi Đức Phật về sự chế ngự bản ngã.  Bài kinh này được ngài Buddhaghosa trích dẫn trong Papañcasūdani (MA. I, 136), để ví dụ về một bài kinh mà ý nghĩa của nó được minh họa bằng nhiều ví dụ khác nhau.

I. K.