AKKHARA (tiếng Phạn, akṣara) đề cập đến một trong 5 nhánh của giáo lý Vệ-đà mà những tín đồ đạo Phật đã biết.

PED. (s.v.) nói rằng chỉ có 4 nhánh, nhưng bằng chứng rõ ràng từ kinh điển là có 5.  Trường Bộ Kinh (I, 88) nói một cách rạch ròi rằng truyền thuyết (itihāsa) là nhánh thứ 5, nghĩa là việc học truyền thống, thuộc về Bà-la-môn đương thời, gồm 5 nhánh.  Ngài Buddhaghosa (DA. I, 247) nói rằng nhánh thứ 4 không được diễn đạt cụ thể và nó đề cập đến Atharvaveda.  Đây là một giả thuyết vô ích, vì bản thân Atharvaveda là một bộ kinh Vệ-đà; vì vậy, sự đề cập không phải là 3, mà là 4 kinh Vệ-đà. Ngược lại, hoàn toàn không cần cho rằng một sự đề cập ngầm ở đây.  Sẽ đúng hơn nếu cho rằng Akkharappabheda đề cập đến 2 chứ không phải 1 nhánh, akkhara đề cập đến âm vị học và pabheda đề cập đến phân tích từ – nhằm nghiên cứu sự hình thành và cấu trúc của chúng, do đó đề cập đến hình thái học, chứ không phải chú giải, như đề xuất của T . W. Rhys. Davids.[1]  Giả thuyết này được chính ngài Buddhaghosa ủng hộ khi ngài giải thích akkharappabhedasikkhānirutti, cả hai đều xuất hiện trong Phân loại truyền thống của các vedāṅga.

Sau khi các bài thơ vịnh Vệ-đà đã xa vời, qua nhiều thế hệ, kể từ thời điểm chúng được sáng tác, nhiều sự linh thiêng đã được gán cho chúng.  Các thế hệ sau này coi những bài thơ vịnh này là sự linh thiêng đặc biệt, thường tôn


vinh các vị thần tự nhiên, vì khi đó chúng được coi là śruti hoặc sự soi rạng. Chúng được coi là đã được nghe (śruta) trực tiếp bởi các nhà tiên tri Vệ-đà.[2]  Do đó, được coi là có nguồn gốc từ thần thánh, mọi âm tiết của các bài thơ vịnh đều trở nên quan trọng, đồng thời được coi là linh thiêng và bất khả xâm phạm.  Nhiệm vụ khó khăn là bảo tồn nguyên vẹn những bài thơ vịnh này thuộc về các giáo sĩ Bà-la-môn, những người đóng vai trò trung gian giữa Thượng đế và con người, cũng như có sứ mệnh duy nhất là thực hiện buổi tế lễ và truyền lại những bài thơ vịnh này cho hậu thế.  Trong thời kỳ của các Bà-la-môn, tế lễ được tiến hành công phu với quy mô chưa từng có.  Việc cần thốt lên những bài thơ vịnh này một cách chuẩn xác, một nhu cầu phát sinh từ quan niệm ma thuật của kinh Vệ-đà, đã dẫn đến một nghiên cứu chuyên sâu về các chủ đề như âm vị học, hình thái học và ngữ pháp.  Kết quả là, chúng ta thấy sự phát triển của sáu vedānga, cụ thể là, (1) śikṣā hay khoa học về cách đọc và phát âm chuẩn xác, bao gồm kiến thức về chữ cái, trọng âm, âm lượng, việc sử dụng các cơ quan phát âm, và ngữ âm nói chung, nhưng đặc biệt là các quy tắc hài hòa đặc thù đối với kinh Vệ-đà; (2) chandas, nhịp phách ; (3) vyākaraṇa, phân tích ngôn ngữ hoặc ngữ pháp; (4) nirukta, giải thích những từ khó trong kinh Vệ-đà; (5) jyotiṣa, thiên văn học hay đúng hơn là lịch Vệ-đà; và (6) kalpa, nghi lễ, được đại diện bởi một số lượng lớn các bài kinh (Muṇḍaka Upaniṣad, I, 1, 4).  Trong số này, vedānga (1) và (2) được cho là nhằm đảm bảo việc đọc hoặc tụng đúng kinh Vệ-đà; vedānga (3) và (4) giúp hiểu kinh Vệ-đà và vedānga (5) và (6) giúp thực hiện các tế lễ một cách chuẩn xác.

Một điều thú vị cần lưu ý là trong 6 vedānga, thuật ngữ akṣara không xuất hiện.  Nhưng các bản kinh Phật giáo lại coi akkhara là một nhánh của giáo lý Vệ-đà (D. I, 88).  Có thể là bất cứ điều gì trong kinh điển Phật giáo mà akkhara muốn nói đều được đưa vào śikṣā của phân loại Vệ-đà.  Rõ ràng ngài Buddhaghosa đã nghĩ đến giả thuyết này khi ngài định nghĩa akkharasikkhā (DA. I, 247). 

Ban đầu, akṣara có thể mang nghĩa là ‘âm tiết’, nhưng vì những lý do được nêu dưới đây, sau đó được thay thế bằng thuật ngữ śikṣā.  Như đã đề cập ở trên, quan niệm kinh Vệ-đà có nguồn gốc thần thánh là nguyên nhân dẫn đến nỗ lực bảo tồn những bản kinh này ở dạng nguyên vẹn.  Ngay cả một âm tiết, đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ, cũng được coi là không thể thay đổi và sửa đổi, do đó nó (âm tiết) được gọi là akṣara.  Về sau, tầm quan trọng này của âm tiết (akṣara) đã khiến những người Bà-la-môn đồng nhất nó với Phạm Thiên (Brahman), Đấng cũng được họ coi là bất diệt và không thể thay đổi. 

       


Theo Muṇḍaka Upaniṣad (ibid.), có hai loại trí tuệ, tiểu trí (aparā) và đại trí (parā).  Tiểu trí bao gồm kiến thức về 6 vedāna và đại trí gồm kiến thức về âm tiết (akṣara), trong đó thuật ngữ này được dùng để biểu thị Phạm Thiên bất diệt.  Ở nơi khác,[3] akṣara, hay âm tiết, được đánh đồng với Phạm Thiên (Brahmā).  Những nỗ lực đồng hóa âm tiết này với Thực tại Tối hậu, Phạm Thiên, và nỗ lực gán các giá trị tương tự cho cả hai là kết quả trực tiếp của việc xem kinh Vệ-đà là sự soi rạng (śruti).  Các bản kinh Vệ-đà đạt được bảo tồn nguyên vẹn bằng cách này, vì truyền thống không dám thay đổi dù chỉ là một âm tiết. Theo kaṭha Upaniṣad (2.5) “những người sống cuộc sống của tín đồ tôn giáo (brahmacarya) với mong muốn biết từ ngữ của kinh Vệ-đà, âm tiết Phạm Thiên, tối cao.  Đó là sự hỗ trợ tốt nhất, sự hỗ trợ tối cao, biết ai sẽ được hỷ lạc trong cõi Phạm thiên.” Chāndogya Upaniṣad (1.4) nói rằng người phát âm âm tiết (akṣara), biết điều đó, và nương tựa vào âm tiết đó, nương tựa vào âm thanh vô úy, bất tử, vì các vị thần trở nên bất tử bằng cách nương tựa vào nó.  Đây dường như là một nỗ lực để khuyến khích việc nghiên cứu kinh Vệ-đà mà không thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong các bản kinh, một nỗ lực hướng đến việc bảo tồn các bản kinh Vệ-đà trong sự thuần khiết nguyên sơ của chúng. 

Phật giáo dành vị trí không đáng kể cho nhánh nghiên cứu này.  Đôi khi, một hình thức nghiên cứu như vậy bị lên án là vô ích và không có lợi.  Theo Phật giáo, việc nghiên cứu chỉ dựa vào ‘kinh điển’, mà không kiểm tra ý nghĩa (attha) chứa đựng trong đó bằng trí tuệ trực giác sẽ không đưa đến mục tiêu lợi lạc (M. I, 133).  Người học giáo lý Phật dạy – gồm 9 phần (aṅga), nhưng không có tuệ giác về Tứ Diệu Đế, được ví như đám mây đen (valāhaka) chỉ có sấm sét (gajjitā) mà không đổ mưa (no vassitā : A. II, 103).  Nghiên cứu kinh văn (pariyatti) không được coi là có khả năng dẫn người học đến mục tiêu lợi lạc khiến anh ta phải xuất gia (A. III, 86).  Việc nói từng dòng giáo lý cho người không quen biết (padaso) được coi là một tội ưng đối trị (pācittiya) (Vin. IV, 14).  Chú giải Luật tạng cũ định nghĩa thuật ngữ pada là dòng, âm tiết (akkhara), cụm từ (byañjana), v.v…  Vì vậy, việc truyền đạt các chỉ dẫn liên quan đến tầm quan trọng âm tiết của các bản kinh, chứ không phải giá trị giáo lý, được coi là phạm tội theo giới luật của tăng đoàn. 

 


Vì vậy, chúng ta thấy Phật giáo lên án những bài kinh (suttanta) có từ ngữ đa dạng và đẹp đẽ (cittakkhara cittavyañjana) do các nhà thơ sáng tác (kavikata: A, I, 72).  Tuy nhiên, những bài kinh này lại được đặt ngang hàng với những bài kinh giàu nghĩa lý, chứa đựng vẻ đẹp tư tưởng (gambhīrattha) do Đức Phật thuyết giảng.  Những bài kinh này được coi là một trong những mối nguy hiểm tương lai (anāgata-bhayāni) đối đầu với Giáo Pháp (Sāsana), khi mà nhiều người vui thích với nó (A. III, 107).  Có lẽ, do khó bảo tồn sự thuần khiết của kinh văn, nên nhu cầu bảo tồn – vốn ngày càng tăng, ngày càng trở nên rõ ràng hơn, và các tu sĩ đã phát triển một khuynh hướng cho rằng việc học Pháp (pariyatti) quan trọng hơn việc tu hành (paṭiyatti: AA. I, 92-3). Sự thay đổi này gợi nhớ đến sự thay đổi diễn ra trong truyền thống Vệ-đà, một sự thay đổi bắt buộc đến từ nỗ lực bảo vệ các bản kinh khỏi bị pha tạp.

D. J. K.



[1] Dialogues of the Buddha, I, 109.

[2] Bṛhadāraṇyaka Upaniṣad, 2. 4.10.

[3] Taittirīya Āraṇyaka, 10, 26.1 b.