ĀKĀSĀÑANCĀYATANA
ĀKĀSĀÑANCĀYATANA, Không vô biên xứ, trạng thái đầu tiên trong bốn trạng thái vô sắc (arūppa). Để vượt qua mọi sắc thân thô thiển bắt nguồn từ nghiệp (karaja-rūpa, sắc nghiệp sanh), bằng phương tiện của trạng thái tứ thiền trong sắc giới, thoát khỏi ái dục (rūpāvacara-catutthajjhānavasena : Vism. X, § 2, trang 271), hành giả không còn an trú đề mục về không gian hạn chế (paricchinn’ākāsa-kasiṇa), được tạo ra để đưa tâm đang lăng xăng về nhất tâm (citt’ekaggatā). Như vậy, thoát khỏi dính mắc vào những giới hạn của nó, hành giả an trú vào không gian vô biên (ananta-ākāsa). Ở đây, không gian vẫn được vật chất hóa bởi các ranh giới của đề mục (kasiṇa) – giờ đã trở thành vô sắc (arūpa) bằng cách loại bỏ mọi ranh giới. “Với sự siêu việt hoàn toàn của các sắc tưởng (sabbaso rūpasaññānaṃ samatikkamā), với sự biến mất của tưởng về phản ứng giác quan (hữu đối tưởng) (paṭigha-saññānaṃ atthaṅgamā) và với việc không chú ý đến các tưởng về tính đa dạng của các ấn tượng giác quan (dị tưởng) (nānatta- saññānaṃ amanasikārā), hành giả ý thức chỉ có không gian vô biên (ananto ākāso ti), nhập vào và an trú trong không vô biên xứ” (ākāsānañcayatanaṃ upasampajja viharati: Vbh . 245; Vism. X, § 12, trang 273).
Nó không chỉ vượt ngoài sắc hay sắc tưởng, mà vượt ngoài cả những phản ứng giác quan đối với những tưởng như vậy (hữu đối tưởng), điều cần thiết để chứng đạt mức định vô sắc (arūpa- jhāna) đầu tiên. Chỉ khi nào không còn chú ý đến sự đa dạng của các ấn tượng giác quan (dị tưởng) và loại bỏ mọi thức về dục giới (kāmāvacara-citia-cetasikānaṃ pahāna), hành giả mới chứng được không vô biên xứ. Đặc điểm ‘vô biên’ (ananta) không chỉ đề cập đến không gian (ākāsa) tới mức đã loại bỏ các ranh giới, mà còn đề cập đến trạng thái tâm tràn ngập không gian vô biên (anantaṃ: Vbh. 262) .
Trong các bản kinh, không vô biên xứ (ākāsānañcayatana) thường được đề cập khi liệt kê các mức định (ví dụ, Nivāpa Sutta: M. I,159) hoặc khi giải thích về 7 loại chúng sanh, được phân biệt bởi các trạng thái tâm thức (ví dụ Mahā Nidāna Suttanta: D. II, 69), hoặc khi giải thích về 8 giai đoạn giải thoát (aṭṭha vimokkhā), chẳng hạn, được Đức Phật giải thích cho tôn giả A-nan trong Kinh Đại Bát Niết-bàn (D. II, 112). Trong bối cảnh được đề cập sau cùng (8 giai đoạn giải thoát), sau khi Đức Phật đưa ra lời răn cuối cùng, các giai đoạn của tiến trình tâm thức của Ngài được đề cập trước khi Ngài chứng đạt giải thoát hoàn toàn (parinibbāyi : ibid. 156).
Tỳ-kheo chứng đạt và an trú không vô biên xứ được cho là “đạt đến sự bất động” (ānejjappatto hoti: A. II, 184). Dường như, thuật ngữ này đã bị hiểu lầm như thể trạng thái này là vô vi (asaṅkhata), khiến nó đồng nhất với Niết-bàn. Tuy nhiên, điểm gây tranh cãi này đã bị Theravāda (Kvu. vi, 4) bác bỏ.
H. G. A. v. Z.