ĀKĀŚAGARBHA
ĀKĀŚAGARBHA, Hư Không Tạng, một vị Bồ-tát. Ngài còn được gọi là Gaganagañja (Ngọc Thiên, viên ngọc quý trên trời). Từ này nghĩa là kho lớn chứa vô lượng trí tuệ như hư không, bao gồm mọi công đức như không khí. Lý do mà vị Bồ-tát này được gọi là Hư Không Tạng (Ākāśagarbha) được giải thích trong Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh: “Giả dụ có vị đại phú giàu có không thể tính kể, có kho tàng gồm vô số loại châu báu, bố thí rộng rãi cho mọi người, đặc biệt là người nghèo và tang quyến. Giả dụ ông mở kho tàng của mình để bố thí cho mọi người bao nhiêu tùy thích, và do đó ông vô cùng hài lòng. Giống như vị đại phú đó, Bồ-tát Hư Không Tạng thực hành các thiện nghiệp của mình” (Số 3, § 8, chương 16).
Tú Diệu Nghi Quỹ nói rằng những ai muốn đạt được hạnh phúc và trí tuệ thì nên kính ngưỡng vị Bồ-tát này, vì mặt trời, mặt trăng và các vì sao đều là hóa thân của Bồ-tát Hư Không Tạng (Taishō, XXI, 422 b). Quyển 2 của Hư Không Dựng Bồ Tát Kinh (Kinh Bồ-tát Hư Không Tạng, Ākāśagarbha-bodhisattva Sūtra) nói rằng, “Phật tử tắm nước thơm, mặc y phục sạch sẽ, thắp hương lô hội và quay mặt về phía đông vào đêm khuya. Anh ta trình diện Aruṇa (bình minh) đỏ trước tâm mình và đọc cho mình nghe: ‘Người, đấng đại từ, sẽ xuất hiện và chiếu sáng thế gian này. Xin thương xót con vì lòng từ bi và bảo vệ con.’ (Taishō, XIII, 672 c). Tương truyền rằng khi bình minh ló dạng ở phương đông thì Bồ-tát Hư Không Tạng sẽ xuất hiện. Aruṇa là một từ tiếng Phạn có nghĩa là bình minh. Do đó, có thể phỏng đoán rằng vị Bồ-tát này có nguồn gốc từ việc thờ cúng chư thiên.
Kinh Đại Lạc Kim Cương Bất Không Tam Muội Gia Bát Nhã Ba La Mật Đa Lý Thú Thích nói rằng 3 vị thần, Brahmā, Nārāyaṇa và Maheśvara, được coi là bản sao của Tam bảo (tri-ratna) trong Phật giáo.[1] Đức Phật được đồng nhất với Bồ-tát Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva), Pháp được đồng nhất với Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokiteśvara), và Tăng được đồng nhất với Bồ-tát Hư Không Tạng (Taishō, XIX, 616 b). Sau đó, dường như Bồ-tát Hư Không Tạng là bản sao của Maheśvara.
Chúng ta đọc trong Lăng Già Kinh Trung Ngoại Đạo Tiểu Thừa Niết Bàn Luận của luận sư Āryadeva (Thánh Thiên) rằng các tín đồ của Maheśvara, một trường phái ngoại đạo, khẳng định rằng vạn vật trên thế gian, dù sống hay không sống, đều được sinh ra từ Maheśvara. Bầu trời là đầu, mặt đất là thân, nước là nước tiểu, núi là phân, tất cả chúng sanh là những con sâu trong bụng, gió là cuộc sống, lửa là hơi ấm, tội lỗi và hạnh phúc là hành động của ngài (Taishō, XXXII, 157 c).
Phần 19 của Mahāpảinirvāṇa Sūtra (Kinh Đại Bát Niết-bàn) nói rằng mọi chúng sanh hữu tình đều do Maheśvara tạo ra, người vui mừng trước hạnh phúc của chúng sanh và đau xót trước nỗi khổ của chúng sanh. Maheśvara chịu trách nhiệm về tội và phước của tất cả chúng sanh (Taishō, XII, 476 b). Bồ-tát Hư Không Tạng được đồng nhất với Maheśvara, tính cách của ngài có thể được thu thập từ những trích dẫn trên.
Có hai giả thuyết liên quan đến trú xứ của ngài: đó là phía đông và phía tây. Phần Bồ-tát Hư Không Tạng (Số 14 của Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh) nói rằng vị Bồ-tát này phụng sự ‘Đức Phật đính một viên ngọc’ ở ‘cõi trang hoàng lộng lẫy’ về phía đông, và ngài đến thế giới loài người này cùng 1,2 tỷ vị Bồ-tát để diện kiến, tôn thờ và cúng dường
Đức Phật Thích-ca (Taishō, XIII, 93 f.). Trong khi đó, Hư Không Dựng Bồ Tát Kinh (Kinh Bồ-tát Hư Không Tạng, Ākāśagarbha-bodhisattva Sūtra) nói rằng có một cõi nước tên là ‘vạn hương’ ở xa về phía tây, nơi có một Đức Phật tên là ‘kho hoa rực rỡ’. Bồ-tát Hư Không Tạng từ cõi nước này đến thế giới loài người cùng với 8 tỷ vị Bồ-tát để diện kiến, cúng dường và nghe Đức Phật Thích-ca-mâu-ni thuyết pháp (Taishō, XIII, 647 c).
Quyển 5 và 13 của chú giải Kinh Đại Nhật: Đại Tì Lô Già Na Thành Phật Kinh Sớ (Taishō, XXXIX, 635 c và 713 a), và quyển 2 của nghi lễ Thanh Long Tự Nghi Quỹ (Taishō, XVIII, 156 a) nói rằng ngài cư ngụ ở phía tây. Ngài là đối tượng thờ cúng chính trong phần Bồ-tát Hư Không Tạng, nằm ở phía tây, trong hình minh họa biểu lộ của mạn-đà-la Thai Tạng Giới (Garbhadhātu) (Thai Tạng Giới Mạn đồ la). Tuy nhiên, ngài là một thị giả ở phía bên phải của Đức Phật Thích-ca ở Phần Đức Phật Thích-ca, nằm ở phía đông. Ngài cũng được thể hiện như một vị Thánh của phương nam trong số 16 vị Bồ-tát của hiền kiếp (bhadrakalpa) trong vùng ngoại vi thứ 2 của mạn-đà-la ‘thành tựu Phật quả’ trung tâm, trong hình minh họa biểu lộ của mạn-đà-la Kim Cang Giới (Vajradhātu).
Bồ-tát Hư Không Tạng được thể hiện theo nhiều cách. Quán Hư Không Tạng Bồ Tát Kinh nói rằng Bồ-tát Hư Không Tạng, có lòng từ bi thương xót chúng sanh, được thể hiện bằng hình tượng một tu sĩ hoặc hình muôn nghìn ứng thân. Nó nói rằng tượng ngài được thể hiện trên một quy mô lớn, có tầm vóc bằng với tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, ngồi kiết già và tay cầm một viên ngọc như ý (cintāmaṇi) (Taishō, XIII, 677). Quyển 5 của chú giải Kinh Đại Nhật mô tả hình tượng mặc y phục màu trắng, tay trái cầm một bông hoa sen gắn một thanh kiếm lớn phát ra ánh sáng, và ngồi trên một tòa sen. Nó không đưa ra bất kỳ mô tả nào về tay phải. Thanh kiếm lớn tượng trưng cho trí tuệ sắc bén, và bộ y phục màu trắng tượng trưng cho sự thanh tịnh không vết nhơ (Taishō, XXXIX, 635 c).
Trong Niệm Tụng Kết Hộ Pháp Phổ Thông Chư Bộ, ngài được mô tả là toàn thân có màu vàng tía, trên đầu gắn năm vị Phật, tay trái bắt thủ ấn vô úy (abhaya-mudrā), trong khi tay phải cầm bông sen xanh. Nó nói rằng bông sen này chứa một viên pha lê màu đỏ thẫm có một vị Bồ-tát ở bên trong, ngồi trong vòng nguyệt quế, đặt trên một tòa sen xanh (Taishō, XVIII, 906 c).
Hư Không Tạng Bồ Tát Năng Mãn Chư Nguyện Tối Thắng Tâm Đà La Ni Cầu Văn Trì Pháp (Taishō, XX, 601 c-602 a), Lý Thú Thích (ibid. XIX, 610c) và quyển 2 của nghi lễ Thanh Long Tự Nghi Qũy (ibid. XVIII, 156 a) mô tả các dạng hình tượng khác nhau. Hình tượng của vị Bồ-tát này xuất hiện 2 lần trong hình minh họa biểu lộ của mạn-đà-la Thai Tạng Giới. Hình tượng được thể hiện trong phần Bồ-tát Hư Không Tạng có màu da thịt. Đầu ngài đội vương miện có năm vị Phật. Ngài ngồi trên một tòa sen, tay tay phải cầm kiếm trong khi tay trái đặt ở hông, cầm một bông hoa sen có chứa một viên ngọc (Manual of the two Maṇḍalas, II, 77 a). Một hình tượng khác trong phần Đức Phật Thích-ca cũng có màu da thịt; ngài cầm một cây phất trần trắng ở tay phải và một bông sen ở tay trái, và đứng trên một tòa sen (ibid. 66 a). Hình tượng trong số 16 vị Bồ-tát của hiền kiếp trong mạn-đà-la Kim Cang Giới nắm tay trái chống hông và tay phải cầm hoa sen đính viên ngọc như ý (ibid. 36 a).
Có những loại Bồ-tát Hư Không Tạng khác được giải thích trong các bản khác. Họ được gọi là ngũ đại Bồ-tát Hư Không Tạng, xuất hiện trong năm hình thức khác nhau, đại diện cho năm thuộc tính khác nhau của cùng một vị Bồ-tát. Họ tương ứng với mối quan hệ giữa Đức Phật Đại Nhật ở trung tâm của mạn-đà-la và bốn Đức Phật bao quanh Đức Phật trung tâm. Theo Du Kỳ Kinh (Kinh Yoga), họ đại diện cho những thuộc tính sau của một vị Bồ-tát: Pháp giới (Dharmādhatu), Kim Cang (Vajra), Bảo Quang (Ratnaprabha), Hoa Sen (Padma) và Nghiệp (Karma). Ngũ Đại Hư Không Tạng Bồ Tát Tốc Tật Đại Thần Nghiệm Bí Mật Thức Kinh và Giác Thiền Sao đưa ra những giải thích khác nhau về điểm này.
Kinh Yoga mô tả cách vẽ hình Đại Bồ Tát Hư Không Tạng Kim Cang: “Vẽ một đường tròn rõ ràng, lớn bằng chính người bạn và chia nó thành năm vòng tròn nhỏ hơn. Vẽ một Bồ Tát Hư Không Tạng màu trắng trong vòng tròn bên trong, tay trái cầm móc và tay phải cầm viên ngọc. Vẽ một Bồ Tát Hư Không Tạng màu vàng trong vòng tròn phía trước, tay trái cầm móc và tay phải cầm tia sét kim cương. Vẽ một Bồ Tát Hư Không Tạng màu xanh lam trong vòng tròn bên phải, tay trái cầm móc và tay phải cầm viên ngọc hình cỏ ba lá chiếu sáng rực rỡ. Vẽ một Bồ Tát Hư Không Tạng màu đỏ trong vòng tròn ở phía sau, tay trái cầm móc và tay phải cầm bông sen lớn, màu đỏ. Vẽ một Bồ Tát Hư Không Tạng màu tím sẫm trong vòng tròn bên trái, tay trái cầm móc và tay phải cầm chớp giao nhau. Đó được gọi là nghi lễ cầu tài lộc có
nhờ sự gia hộ của ngũ Đại Bồ-tát Hư Không Tạng. Họ được vẽ trên một tấm lụa xanh hoặc vàng (Taishō, XVIII, 263 b).
Ngũ Đại Hư Không Tạng Bồ Tát Tốc Tật Đại Thần Nghiệm Bí Mật Thức Kinh nói rằng các chữ tiếng Phạn hūm viết ở phía đông, trāḥ ở phía nam, hrīḥ ở phía tây, aḥ ở phía bắc và vaṃ ở trung tâm tự biến thành các vị Bồ-tát Hư Không Tạng với các biệt danh đức hạnh của các vị Bồ-tát này, đó là, giải thoát (mokṣa), công đức (guṇa), thành tựu (siddhi), nguyện (praṇidhāna) và thanh tịnh (amala : Taishō, XX, 607 f.).
Kinh này cũng hướng dẫn cách vẽ 7 vị vua tinh tú, 8 vị thiên tử, 28 chòm sao và 36 con chim, tạo thành một loại mạn-đà-la Bồ-tát Hư Không Tạng. Phần 2 của Tối Thượng Căn Bổn Đại Lạc Kim Cang Bất Không Tam Muội Đại Giáo Vương Kinh mô tả cách vẽ hình Bồ-tát Hư Không Tạng trong mạn-đà-la này (Taishō. VIII, 792 c). Quyển 2 của Lý Thú Thích đưa ra 9 mạn-đà-la có hình tượng chính là vị Bồ-tát Hư Không Tạng. (ibid. XIX. 612 c)
Ngũ đại Bồ-tát Hư Không Tạng, được minh họa trong số 62 trong bộ tranh mô tả của Kakuzen, cưỡi 5 con thú cưỡi (vāhana), tức là sư tử, voi, ngựa, công và kim sí điểu garuḍa (Taishō, phần tranh mô tả, v, 41 a).
Vị Bồ-tát trong phần Bồ-tát Hư Không Tạng trong mạn-đà-la Thai Tạng Giới được gọi là Kim Cang Như ý, trong phần Đức Phật Thích-ca-mâu-ni được gọi là Kim Cang Vô lượng, và vị Bồ-tát của hiền kiếp được gọi là Kim Cang Phú Quý (Manual of the Maṇḍala, phần ii, 77 a; 66 a; 36 a). Điều này được đưa ra trong phần mô tả của Thai Tạm Kim Cang Giáo Pháp Danh Hiệu (Taishō, XVIII, 203 b, c; 205 c), và sẽ dễ dàng hiểu được từ những gì đã nói ở trên.
Có nhiều chủng tự (bīja) tượng trưng đặc trưng cho vị Bồ-tát này. Chúng là ī (chú giải Kinh Đại Nhật: Taishō, XXXIX, 713 a), ā (ibid; 691 a), trāṃ (Lý Thú Kinh: Taishō, VIII, 785 a; Lý Thú Thích, (ibid. XIX, 613 a). Bồ-tát trong phần Bồ-tát Hư Không Tạng trong hình minh họa biểu lộ của mạn-đà-la được đại diện bởi chủng tự ī và trong phần Phật Thích-ca được đại diện bởi chủng tự ī, a hoặc su. Vị Bồ-tát của hiền kiếp được đại diện bởi chủng tự a (Manual of the Maṇḍala, phần ii, 77 a ; 66 a ; 36 a) hoặc đôi khi là traḥ và oṃ được sử dụng như trong trường hợp của Đức Phật Bảo Sinh (Ratnasambhava).
Theo Manual of the Maṇḍala, một thanh kiếm ngọc tượng trưng cho vị Bồ-tát trong phần Bồ-tát Hư Không Tạng của mạn-đà-la Samaya, vì ngài có công đức của Bộ Ngọc. Vị Bồ-tát trong phần Đức Phật Thích-ca được tượng trưng bằng viên ngọc như ý trên hoa sen, và vị Bồ-tát của hiền kiếp được tượng trưng bằng viên ngọc hình cỏ ba lá (phần ii, 77 a; 66 a; Phần i, 36 b).
Phần kho tàng công thức linh thiêng và phần thủ ấn bí truyền trong chú giải Kinh Đại Nhật đưa ra công thức linh thiêng của ngài: Ākāśa samanta anugata vicitrāmbara dhara svāhā (Taishō, XXXIX, 718 b).
Vị Bồ-tát này, là một trong số 16 vị Thánh của hiện kiếp, có Oṃ gagaṇa gañja svāhā (Manual of the Maṇḍala, phần I, 36 a). Cầu Văn Trì Pháp và Niệm Tụng Kết Hộ Pháp Phổ Thông Chư Bộ đưa ra Namo Ākāśagarbhāya oṃ mālā kamala maulī (vòng hoa, hoa sen và vương miện) svāhā (Taishō, XX, 601 c ; XVIII, 906 c).
Đại Hư Không Tạng Bồ Tát Niệm Tụng Pháp đưa ra công thức linh thiêng của Bồ-tát ngọc báu trong mạn-đà-la Samaya của Kim Cang Giới: Oṃ Vajraratna hūṃ (Taishō, XX, 604 b).
Vị Bồ-tát này chủ yếu được tôn thờ vì những đức hạnh kể trên. Kōbō-Daishi[2] (774-835) đã hướng dẫn một tu sĩ cách ghi nhớ ý nghĩa của tất cả các giáo lý bằng cách trì tụng công thức này một triệu lần. Khi còn trẻ, ông thường lên núi và tu khổ hạnh để mong được vị Bồ-tát này ban cho công đức. Người ta cho rằng ông đã được vị Bồ-tát này truyền cảm hứng (Sangōshiiki, Complete Collection of Shingonshū, Quyển 40).
Kakuban (1095-1143) thực hành nghi lễ của vị Bồ-tát 7 lần khi còn trẻ nhưng không đạt được thành tựu (siddhi). Mãi đến lần thứ 8, mật nghĩa mới được giới thọ sư của ông tiết lộ. Mỗi lần, ông thực hành nghi lễ trong 100 ngày (The Collections of Kōgyō-Daishi, phần ii, 909 ff.). Đến nay, nghi lễ của vị Bồ-tát này vẫn được tín đồ của Phật giáo mật tông thực hiện.
Có nhiều nghi lễ cúng dường vị Bồ-tát này. Về nghi lễ này, có 3 cuốn sách trong The Collections of Kōgyō-Daishi,
mặc dù tính xác thực của chúng vẫn còn là một dấu hỏi. Quyển 14 đề cập đến nghi lễ bí mật về Bồ-tát Hư Không Tạng để đạt được thành tựu trong 7 ngày. The Collections of Kōgyō-Daishi đưa ra tới 17 nghi lễ, chương trình, tuyên bố mong cầu, thủ ấn và thực hành bí mật. Các chương 43 và 44 của The Collections of Gyōrin của Jōnen thuộc tông Tendai (Taishō, LXXVI), tập 5 của Book of Iconography trong 10 quyển (ibid. Phần Tranh mô tả. Quyển III), chương 26 của Miscellaneous Collection of Sacred Beings của Shinkaku (Taishō, phần Tranh mô tả, III), chương 62-64 của The Collections of Kakuzen (ibid. V), các chương 76 đến 78 của Byaku-hokku-shō (ibid. VI), Asabashō của Shōchō (1205-82) và Byaku-hō-shō đề cập đến vị Bồ-tát này. Nhiều cuốn sách khác ở Nhật Bản đưa ra những mô tả tương tự như trên.
Có rất nhiều tác phẩm được đặt theo tên của vị Bồ-tát này và chú giải về những bản này trong Tam tạng kinh điển tiếng Hán. Các tác phẩm quan trọng nhất gồm: Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh Hư Không Tạng Phẩm (Taishō, XIII, 93 f.). Đại Tập Đại Hư Không Tạng Bồ Tát Sở Vấn Kinh (ibid,613 f), Hư Không Tạng Bồ Tát Kinh (ibid. 647 f.). Phật Thuyết Hư Không Tạng Bồ Tát Thần Chú Kinh (ibid. 656 f). Hư Không Tạng Bồ Tát Thần Chú Kinh (ibid. 662 f.), Hư Không Dựng Bồ Tát Kinh (ibid. 667 f.). Quán Hư Không Tạng Bồ Tát Kinh (ibid. 677 f.). Hư Không Tạng Bồ Tát Năng Mãn Chư Nguyện Tối Thắng Tâm Đà La Ni Cầu Văn Trì Pháp (Taishō, XX, 60l f.). Đại Hư Không Tạng Bồ Tát Niệm Tụng Pháp (ibid. 603f.). Thánh Hư không tạng bồ tát đà la ni kinh (ibid. 604 f.). Phật Thuyết Hư Không Tạng Bồ Tát Đà La Ni Kinh (ibid.607). Ngũ Đại Hư Không Tạng Bồ Tát Tốc Tật Đại Thần Nghiệm Bí Mật Thức Kinh (ibid. 607 f.). Hư Không Tạng Bồ Tát Vấn Thất Phật Đà La Ni Chú Kinh (Taishō, XXI, 561 f.). Như Lai Phương Tiện Thiện Xảo Chú Kinh (ibid. 565 f.).
Các ngôi chùa sau đây ở Nhật Bản lưu giữ tượng điêu khắc của vị Bồ-tát này: Kōryūji ở Yamashiro, Hōrinji của Nara, Gakuonji của Yamato, Hokusō-bō của Owari, Shōinji của Ise, Koōnji của Kawachi và Kinshōji của Ōmi. Tranh Bồ-tát Hư Không Tạng vẽ trên lụa được tìm thấy tại: Sambōin ở Kyōto, Emman-in ở Ōmi, Kongōji ở Kawachi và Enkakuji ở Kamakura. Tất cả những tranh và tượng này từng được triều đình Nhật Bản tuyên bố là bảo vật quốc gia.
Ngũ đại Bồ-tát Hư Không Tạng, được lưu giữ ở Kwanchi-in, Tōji, Kyōto, là những tranh và tượng được biết đến nhiều nhất, bởi vì chúng được coi là do E-un (798-869) mang về từ Trung Quốc.
Vì Bồ-tát Hư Không Tạng được cho là có quyền năng hóa giải tai ương, nên nghi lễ đã được thực hiện một cách sốt sắng để loại bỏ những tai họa khác nhau – vốn được cho là sẽ xảy ra vào một năm cụ thể trong chu kỳ 60 năm.
Theo Quán Hư Không Tạng Bồ Tát Kinh (Taishō, XII, 677 b), Bồ-tát Hư Không Tạng được cho là có liên hệ với Bồ-tát Quán Thế Âm. Kinh Bồ-tát Hư Không Tạng được dịch sang tiếng Hán bởi Ratnacinta và được trích dẫn trong chương 62 của Kakuzen’s Collection có một tuyên bố tương tự như tuyên bố về 33 hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, trong phẩm Phổ Môn (Samanlamukha của Saddharmapuṇḍarīka Sūtra: Taishō, phần tranh mô tả, v, 40 b).
K. Ō.
[1] Ở Java cổ đại, ngũ Thiền Phật được đồng nhất với các thành phần của Tam thần Ấn giáo (Trimūrti). Chẳng hạn, Phật A-súc-bệ dường như là Īśvara (Maheśvara). Xem N. J. Krom, Barabuḍur, II, trang 300-G. P.M.
[2] Đây là tên sau khi mất của ông; lúc còn sống, ông được biết đến với cái tên Kūkai và lập nên tông Shingon của Nhật Bản, nhờ cảm hứng từ các tu sĩ Trung Quốc.—G. P. M.