ĀKĀSA SUTTA

ĀKĀSA SUTTA Có 4 bài kinh cùng mang tên này trong Tương Ưng Bộ Kinh.  Đầu tiên là bài kinh thứ 5 của Tương Ưng Xá-lợi-phất (S. III, 237); thứ hai là bài kinh thứ 5 của Tương Ưng Mục-kiền-liên (S. IV, 266); thứ ba là bài kinh thứ 2 của Phẩm Sống một mình của Tương Ưng cảm thọ (S. IV, 218); và thứ tư là bài kinh thứ 7 của Phẩm Balakaraṇīya của Tương Ưng Đạo (S. V, 49).

Bài kinh đầu tiên là cuộc đối thoại giữa tôn giả Xá-lợi-phất và tôn giả A-nan tại Kỳ-đà viên.  Tôn giả A-nan nói rằng ngài đã chứng đắc và an trú không vô biên xứ (ākāsānañcayatana), bằng cách vượt khỏi sắc tưởng (rūpasaññā), đoạn diệt hữu đối tưởng (paṭighasaññā), và không tác ý các dị tưởng (nānattasaññā).

Bài kinh thứ hai do Tôn giả Mục-kiền-liên thuyết cho các Tỳ-kheo ở Kỳ-đà viên.  Tôn giả giải thích về cách ngài đạt được năng lực an trú trong không vô biên xứ, bằng cách vượt khỏi sắc tưởng, đoạn diệt hữu đối tưởng, và không tác ý các dị tưởng.

Hai bài kinh trên, chủ đề thảo luận chính là không vô biên xứ (ākāsānañcayatana).

Bài kinh thứ ba được Đức Phật thuyết giảng cho một vị Tỳ-kheo tại Kūtāgārsālā gần Vesāli.  Đức Phật dạy rằng có nhiều cảm thọ (vedanā) khác nhau như cảm thọ vui (lạc thọ), cảm thọ khổ (khổ thọ), và cảm thọ không vui cũng không khổ (bất khổ bất lạc thọ) khởi lên trong thân này, chỉ như các loại gió thổi trên trời – gió từ 4 phương, gió có bụi và gió không có bụi, gió mát và gió nóng, gió nhẹ và gió mạnh.

Bài kinh thứ tư được Đức Phật thuyết giảng cho các Tỳ-kheo tại Kỳ-đà viên . Cũng như có nhiều loại gió thổi trên trời, một Tỳ-kheo thực hành Bát chánh đạo, tứ niệm xứ (sati paṭṭhāna), tứ chánh cần (sammappadhāna), tứ như y túc (iddhipāda), ngũ căn (indriya), ngũ lực và thất giác chi (bojjhaṅga), đạt đến viên mãn thiền định.