ĀKĀSA
ĀKĀSA, không gian, không khí, bầu trời, ngoài trời.
Nghĩa của từ này thay đổi tùy theo ngữ cảnh, nhưng khái niệm cơ bản về không gian chiếm ưu thế. Về mặt từ nguyên, bắt nguồn từ từ tiếng Phạn kāś (tỏa sáng, có thể nhìn thấy), ākāsa là phương tiện mà trong đó các đối tượng có thể được nhìn thấy; nhưng không bị các đối tượng chiếm giữ; do đó là không gian. Trong văn học triết học tiếng Phạn, ākāsa đại diện cho khoảng chứa tinh tế và thanh tao, được cho là tràn ngập vũ trụ, phương tiện của ánh sáng và sự sống, cũng như không khí là phương tiện của âm thanh.
Nhưng trong thuật ngữ Phật giáo, ākāsa không phải thực tại, cũng chẳng phải thực tại tột cùng (paramattha), mà là một chế định (paññatti), một ý tưởng hay khái niệm tương ứng với một tập các thuộc tính. Không gian chế định (ākāsa-paññatti) này không phải là một khái niệm tương ứng với danh chế định (nāma-paññatti), chẳng hạn như ý tưởng về đất đai hay đồi núi; mà biểu lộ một số thuộc tính nhất định, hoặc bao hàm chúng (attha-paññatti, nghĩa chế định) như những quan điểm chủ quan, không tương ứng với sự vật riêng lẻ. Không liên kết, thậm chí là về mặt khái niệm, với một đối tượng tương ứng, ākāsa là một thường hằng chế định (nicca-paññatti) mà “nhờ đó tâm có thể phân biệt được các đối tượng trong nhận thức bên ngoài” (Shwe Zan Aung, Comp. of Phil. Phần mở đầu, trang 16). Không có thực tại khách quan nó được nói
đến như là cái mà một đối tượng bị giới hạn và hạn chế (paricchedarūpa). Không gian (ākāsa) là cái mà nhờ đó các đối tượng được nhận thức là khác biệt với nhau; đó là khả năng – nhưng không phải là thực tế – bị chiếm giữ. Như vậy, không gian là nhận thức bên ngoài về vật chất còn thời gian là nhận thức của tâm. Cũng giống như các sự kiện xảy ra trong thời gian, các đối tượng được đặt trong không gian cũng vậy. Cả hai đều cần thiết trong tiến trình và sự nối tiếp của các tâm sở, mà không có một thực tại riêng lẻ nào của riêng mình.
Do đó, bản thân không gian, chứ không phải không gian chế định, phụ thuộc vào các đối tượng được nó giới hạn. Về mặt lý thuyết, việc mở rộng hoặc tăng đối tượng sẽ làm giảm lượng không gian có sẵn. Và như vậy không gian: phụ thuộc vào cả 4 nhân duyên quy định nguồn gốc của các hiện tượng vật chất: kamma, citta, utu và āhāra. Vì, giống như các chế định về các đơn vị khối lượng (rūpakalāpa : nhóm vật chất) bắt nguồn từ sự phụ thuộc vào ý chí, các khía cạnh tâm, sự thay đổi thể chất, sự hấp thụ dinh dưỡng từ các nguyên liệu có sẵn, và các đơn vị như vậy chuyển động như các điện tử (electron) trong không gian bên trong nguyên tử, vì vậy bản thân không gian cũng phụ thuộc y hệt vào các điều kiện tương tự. Tất nhiên, các lý thuyết nguyên tử và điện tử về vật chất hiện đại không tìm thấy một vị trí nào trong quan niệm về vật chất như hình dung của các nhà chú giải cổ đại, nhưng điểm tương đồng được tìm thấy trong các khái niệm cũ và mới là rất đáng chú ý. Không gian (ākāsa) không phải là môi trường tích cực trong đó vật chất (rūpa) di chuyển, mà nó giới hạn các đơn vị vật chất (rūpakalāpa). Các đơn vị vật chất cùng không gian giữa chúng tạo thành một đối tượng vật chất khi nó đi vào trường của các giác quan với các đặc tính rắn chắc và mở rộng của nó, và vạn pháp biến đổi khác tạo nên hình dạng (ruppanato rūpaṃ) cho nó. Từ không gian chế định trung tâm này, với tư cách là một tiềm năng của sự chiếm hữu, ý nghĩa của nơi hay thậm chí là vùng tái sinh được bắt nguồn ((kahiṃ ākāśe pravṛttajīvo : Mhvu. II, 49). Nhưng ngay cả khi được nâng lên cấp giới (không giới, ākāsa-dhātu), nó vẫn là không gian trống rỗng bị chiếm giữ bởi các giới khác, khoảng không mà trong đó các giới được đặt vào (ākāśagatika : Sdmp. 214). Theo ngài Phật Âm (DhsA. 326), cũng từ đây các khái niệm về trên, dưới và ngang qua được hình thành.
Theo thường lệ, không gian (ākāsa) được đề cập tách biệt khỏi tứ đại (mahā-bhūta) và không được các Tạng coi là một đại, ngoại trừ trong Đại Kinh Giáo giới La-hầu-la (Mahā Rāhulovāda Sutta), trong đó Đức Phật khuyên tôn giả La-hầu-la phát triển định tâm giống như không gian rộng mở (ākāsasamaṃ bhāvanaṃ bhāvehi : M. I, 424). Và không giới là gì? (katamā ca Rāhula ākāsa-dhātu)? Nội (ajjhattika)
không gian là không gian được bao bọc bởi vật chất, chẳng hạn như lỗ miệng hoặc lỗ mũi; ngoại (bāhira) không gian là không gian bao quanh vật chất. Chánh tri kiến (sammappaññā) đối với không giới này tẩy sạch ý nghĩ (cittaṃ virājeti) khỏi những quan niệm sai lầm về ‘tôi’ và ‘của tôi’.
Sáu giới (cha dhātuyo) được liệt kê đầy đủ trong Kinh Phúng tụng (D. III, 247) và trong bài kinh đầu tiên của Đại Phẩm thuộc Tăng Chi Bộ Kinh (I, 176), trong đó chúng được cho là những phần thiết yếu của Giáo pháp cùng với giáo lý về 6 xúc xứ (cha phassāyātanāni), 18 ý xứ (aṭṭhārasa manopavicārā) và Tứ diệu đế (cattāri ariyasaccāni). Sáu giới được liệt kê là địa giới (paṭhavī-dhātu), thủy giới (āpo-dhātu), hỏa giới (tejo-dhātu), phong giới (vāyo-dhātu), không giới (ākāsa-dhātu) và thức giới (viññāṇa– dhātu), không có bất kỳ mối liên hệ bên trong nào được đưa ra; tuy nhiên, trong Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇi) có nói rõ rằng không gian không hòa lẫn (asamphuṭṭhaṃ) với tứ đại, như tứ đại hòa lẫn với nhau (Dhs, § 633).
Từ tất cả những điều này, có thể nhận thấy những điểm đáng quan tâm sau đây. Trước hết, đó là thái độ kiên quyết của Phật giáo Nguyên thủy vốn thừa nhận không gian chỉ là một khả năng. Có lẽ, điều này không có gì đáng ngạc nhiên trong tư tưởng triết học hiện đại, nhưng nó hẳn là một ‘cú sốc’ trong thời kỳ đầu khi không chỉ các trường phái ở Ấn Độ coi không gian là một thực tại, mà điều này còn được các vị thầy tiếng tăm của triết học Hy Lạp chấp nhận. Vì nhìn chung, không chỉ các ‘quan niệm’ của Plato tồn tại vĩnh viễn, mà không gian nói riêng, mặc dù bắt nguồn sự tồn tại của nó như một hình thành logic từ các ‘quan niệm’ này, đối với Aristotle, đã không còn là một thuyết tương đối biện chứng và trở thành một thực tại phụ thuộc vào vật chất. Thực tại vô hình này đã phát triển thành một sự phân biệt giữa sự tồn tại thực thể của không gian và sự tồn tại thực chất tách rời vật chất. Do đó, Aristotle đã cẩn thận phân biệt không gian với vật chất và hình dạng.
Một điểm khác cần lưu ý là sự tách rời không ngừng trong triết học Phật giáo về không gian (ākāsa) và sự giãn nở (paṭhavī). Không gian là một tiềm năng và một giới hạn của vật chất. Sự giãn nở là sự rắn chắc của vật chất, là một trong tứ đại (mahā-bhūta). Nói cách khác, không gian là tâm và sự giãn nở là vật chất. Nhưng trong quan điểm của nhiều triết gia phương Tây (giai đoạn đầu và giai đoạn sau), không gian được đồng nhất với sự giãn nở, mặc dù theo Locke, ‘không gian thuần túy’, không có khả năng đối kháng cũng như chuyển động, được phân biệt với sự rắn chắc (Essay concerning Human Understanding, II, iv).
Trong triết học Phật giáo, nó là sự rắn chắc, địa giới (paṭhavī), mang lại sự mở rộng cho các đối tượng, trong khi không gian (ākāsa) bao quanh các giới hạn của nó. Nó không phải là một sự giãn nở vốn có tạo cơ sở cho một sự mở rộng thực sự, mà là một khoảng không (suñña) không có điểm chung nào với không khí, ether hoặc vật chất dưới mọi hình thức.
Ākāsa với tư cách là không gian thuần khiết và khoảng không trống rỗng đã tự tìm thấy ứng dụng của mình trong những ý nghĩa triết học ít cứng nhắc hơn. Và do đó, chúng ta thấy thuật ngữ này được sử với nghĩa ngoài trời (abbhokāsa: D. I, 63 ; M. III, 132 : A, II, 210), như một nơi không có mái che, đôi khi được đề xuất là thích hợp cho đời sống đơn giản và mục đích thiền định. Không gian vô tận (ākāsānañca), hay không vô biên xứ (āyatana), tạo thành đối tượng của mức định (jhāna) đầu tiên trong các mức định cao (định vô sắc giới) và sẽ được trình bày chi tiết trong phần ĀKĀSĀNAÑCĀYATANA. Nhưng ngay cả khi là một lỗ mở hạn chế (paricchinn’ākāsakasiṇa), nó cũng tạo thành một đề mục để định tâm đang lăng xăng, hỗ trợ cho hành thiền (kammaṭṭhāna). Xem KASIṆA. Tuy nhiên, ở đây cũng vậy, nó không bao giờ được ban tặng những đặc điểm tích cực và, nếu được phát triển đúng cách, việc định tâm như vậy sẽ dẫn đến tuệ giác về tánh không và không thật cốt yếu của vạn hữu, qua đó tâm trở nên giải thoát và chứng đạt giải thoát viên mãn của Niết-bàn.
H. G. A. v. Z.