AKANUMA, CHIZEN
AKANUMA, CHIZEN (1884-1937), một trong những nhà tiên phong vĩ đại trong lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo Pali ở Nhật Bản hiện đại. Là giáo sư của Đại học Ōtani ở Kyoto, ông chuyên về Phật giáo Pali và so sánh nó với tư tưởng Đại thừa bằng cách sử dụng các phương pháp khoa học hiện đại trong nghiên cứu Phật giáo. Hai trong số nhiều ấn phẩm của ông là ‘The Comparative Catalogue of Chinese Āgamas and Pāli Nikāyas’ và ‘A Dictionary of Indian Buddhist Proper Names-Part I, The Early Period’, những tác phẩm đã góp phần vào việc nghiên cứu Kinh điển Pali ngày nay.
Akanuma sinh ở Nagaoka (Quận Niigata), Nhật Bản, và kế vị chùa Jogan thuộc nhánh Ōtani của Tịnh độ tông (Shinshū). Năm 1908, ông tốt nghiệp Đại học Ōtani và tham gia khóa học sau đại học để tiếp tục nghiên cứu Phật giáo. Trong thời gian này, ông gia nhập Giáo hội Phật giáo ‘Kōkōdō’, được thành lập bởi Manshi Kiyozawa (1863-1903), người có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực Phật giáo. Ông cùng Shūgaku Yamabe, người sau này cũng trở thành giáo sư của Đại học Ōtani, thành lập Hiệp hội Shōyō-sha xuất bản tạp chí Phật giáo Katei-kōwa hàng tháng. Năm 1910, ông được Đại học Ōtani và ban chấp hành của Giáo hội Ōtani-ha trao tặng danh hiệu tông phái ‘Sōzu’ và văn bằng ‘Giko’ cho luận văn ‘Nghiên cứu về Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa tiếng Pāli’ của mình. Vào tháng 3 năm 1915, ông sang Tích Lan cùng S.Yamabe, theo sự sắp xếp của vị cao tăng – người mong muốn các học giả trẻ tiếp tục nghiên cứu Phật giáo ở Tích Lan và Anh. Trong thời gian 2 năm rưỡi ở Tích Lan, Akanuma đa nghiên cứu kinh điển Pali dưới sự hướng dẫn của trưởng lão Ñāṇissara, ở Māligākanda, Colombo. Vào tháng 11 năm 1917, ông sang Anh để nghiên cứu Phật giáo và trở lại Nhật Bản cùng Yumabe vào tháng 6 năm 1919. Vào tháng 9, ông được bổ nhiệm làm giáo sư của đại học Ōtani và cống hiến hết mình cho việc giảng dạy, nghiên cứu và xuất bản các tác phẩm của mình. Sau khi giành được danh hiệu ‘Dai-sōjō’ cao hơn, ông trở thành thầy phụ đạo của người kế vị trẻ tuổi của cao tăng, thủ thư trưởng của Đại học Otani và ngoài ra, còn là thành viên của hội đồng giáo dục của tông phái. Sau khi cha ông qua đời vào năm 1937, ông muốn từ chức giáo sư nhưng
bị những người khác thuyết phục ở lại vị trí này. Gia đình để ông ở lại Kyoto để trở về nhà của họ, ở chùa Jōgan, Nagaoka. Tháng 7 cùng năm, khi về nhà nghỉ hè, ông bị thương nặng trong một vụ tai nạn. Vào tháng 9, ông đến Kyōto khi còn khá khỏe mạnh, nhưng vào cuối tháng 10, ông trở lại Nagaoka để hồi phục sức khỏe. Tình trạng của ông trở nên trầm trọng, các biến chứng xảy ra và ông được nhánh Ōtani-ha của Tịnh độ tông (Shinshū) phong tặng danh hiệu ‘Gon-sōjō’. Ngày 30 tháng 11 năm 1937, ông qua đời ở tuổi 54.
Đóng góp cho nghiên cứu Pali. Vào khoảng năm 1890, muộn hơn gần 70 năm so với ở châu Âu, việc nghiên cứu kinh điển Pali mới được tiến hành ở Nhật Bản. Vào thời kỳ đó, mối quan hệ qua lại giữa kinh điển tiếng Hán và kinh điển tiếng Pali là một chủ đề được các học giả Pali tham gia nghiên cứu hết sức quan tâm. Quan điểm phổ biến là ngoài Tam Tạng tiếng Hán hiện tại, không còn bản kinh tiếng Hán nào khác được dịch từ tiếng Pali. Học giả J. Takakusu nghĩ ngược lại và nói rằng Shan-chien-lū-p’i-p’o-so là bản dịch tiếng Hán của Samantapāsādikā, chú giải Luật tạng (J. Takakusu, A Pali Chrestomathy, Tokyo, 1900). Trước đó, vào năm 1883, B. Nanjio đã cố gắng so sánh kinh điển Pāli, chẳng hạn như Luật tạng, Kinh Pháp Cú, bốn bộ Nikāya, Milinda vấn đạo (Milinda-pañha) v.v, với các bản dịch sang tiếng Hán (B. Nanjio Catalogy of the Chinese Translation of the Buddhist Tripiṭaka, Oxford, 1883). Takakusu đã chứng minh rằng 7 quyển của Thắng Pháp Pali hoàn toàn khác với 7 bản dịch Thắng Pháp sang tiếng Hán của Nhất Thiết Hữu Bộ (J, Takakusu, Abhidharma literature of the Sarvāstivādins: JPTS., 1905).
Được Takakusu khởi xướng, nghiên cứu kinh điển Pali ở Nhật Bản bắt đầu bằng một nghiên cứu so sánh giữa kinh điển tiếng Pali và kinh điển tiếng Hán. Các học giả Nhật Bản theo sau ông đã tham gia nghiên cứu về lĩnh vực Phật giáo sơ kỳ, Phật giáo Tiểu thừa và nghiên cứu lịch sử về sự phát triển của kinh điển Phật giáo, v.v. Đến nay, xu hướng này vẫn tiếp tục chiếm ưu thế ở Nhật Bản. M. Anesaki chỉ ra sự tương ứng giữa Phẩm hữu kệ (Sagāthavagga) với một phần của Tạp A-Hàm (Saṃyuktāgama) của bản dịch tiếng Hán (M. Anesaki, Le Sagātha-vagga du Saṃyutta-nikāya et ses versions chinoises, Muséon, 1905). Năm 1905, ông cũng đề cập đến mối quan hệ giữa Kinh Tập (Suttanipāta) và I-tsu-ching (M. Anesaki, The Suttanipāta in Chinese;. JPTS., 1907) và xuất bản The Four Āgamas in Chinese (Tokyo, 1908), so sánh chi tiết giữa năm Nikāya và bốn A-hàm tiếng Hán. Ki Watanabe đã xuất bản bài báo của mình có tựa đề là A Chinese Collection of Itivuttaka, trong
JPTS vào năm 1907. Năm 1913, B. Shiio đề cập đến mối quan hệ giữa Thắng Pháp Tạng với các tác phẩm Thắng Pháp tiếng Hán của Nhất Thiết Hữu Bộ và Shê-li-fu-p’i-t’an-lun (Sāriputrābhidharma-śāstra) trong Shūkyōkai (X, 3). Năm 1919, M. Nagai làm sáng tỏ mối liên hệ mật thiết giữa Giải Thoát Đạo (Vimuttimagga) tiếng Hán và Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) (M. Nagai, The Vimutti magga : JPTS., 1919). Sau này, các học giả trẻ như R. Higata, B. Watanabe và những người khác tiếp tục nghiên cứu về lĩnh vực này. Kết quả của họ được công bố trong phần chú thích của Taishō-shinshū-daizōkyo và các ấn phẩm khác. Nổi bật nhất trong số đó là tác phẩm của Manama, The Comparative Catalogue of Chinese Āgamas and Pāli Nikāyas. Ấn phẩm này đã được các học giả tha thiết mong chờ từ lâu, mặc dù nhiều học giả đạt được một phần mục tiêu này. Hai năm sau, vào năm 1931, Akanuma xuất bản A Dictionary of Indian Buddhist Proper Names-Part I, The Early Period. Nó là kết quả của những nỗ lực mà cả cuộc đời ông cống hiến, cụ thể là nghiên cứu so sánh về Kinh điển Phật giáo bao quát các lĩnh vực tiếng Phạn, tiếng Pali và tiếng Hán. Tác phẩm này đã mang lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực Phật giáo, và tiếp tục có ích cho đến tận ngày nay. Nghiên cứu Phật giáo ở Nhật Bản rất đa dạng vì các phương pháp nghiên cứu tuân theo các tông phái và các mảng chuyên sâu được lựa chọn, v.v. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không một nghiên cứu nào trong số này có thể thực hiện được nếu không có những thành tựu rực rỡ của các học giả đã đề cập ở trên, và các thành tựu khác nữa. Nghiên cứu so sánh Kinh điển tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Hán hiện nay được coi là một bước thiết yếu và cơ bản đối với mọi nghiên cứu nâng cao. May mắn thay, trong suốt 70 năm qua, các học giả Nhật Bản đã có cả khả năng lẫn cơ hội để công bố các kết quả nghiên cứu so sánh của họ.
Cuốn sách của Akanuma gồm 3 phần, liên quan đến nghiên cứu giáo lý, đó là Bukkyō-kyōri-no-kenkyū (Nghiên cứu Giáo lý Phật giáo), Genshi-bukkyō-no-kenkyū (Nghiên cứu Phật giáo sơ kỳ) và Bukkyō-kyōten-shiron (Nghiên cứu Lịch sử Kinh điển Phật giáo) được xuất bản sau khi ông qua đời vào năm 1937. Những cuốn sách này, cũng như tác phẩm trước đó của ông, Agon-no-bukkyō (Phật giáo trong các A-hàm), được xuất bản năm 1921, được các học giả đánh giá cao.
Liên quan đến bản dịch tiếng Nhật của Kinh điển Pali, S. Tachibana, người từng học ở Tích Lan, từ 1902, đã xuất bản nhiều bản dịch. Chúng được biên soạn trong Kokuyaku-daizōkyō. Takakusu, với tư cách tổng biên tập, đã hoàn thành toàn bộ bản dịch Tam tạng Pali vào năm 1941, gồm cả một số bản Kinh quan trọng nằm ngoài Tam tạng, trong 65 quyển với
tựa đề Nanden-daizōkyō. Tác phẩm này đánh dấu đỉnh cao hoạt động của ông, khiến ông bận rộn trong 6 năm với nỗ lực tổng hợp của toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu Kinh điển Pali ở Nhật Bản.
Như vậy, việc nghiên cứu Kinh điển Pali ở Nhật Bản đã có những bước tiến dài và đã thu được những thành tựu xuất sắc.
Các ấn phẩm của Akanuma
Bản dịch (từ tiếng Anh sang tiếng Nhật):
Rhys Davids, Buddhism, phác thảo về cuộc đời và giáo lý của Đức Phật Gô-ta-ma (1911); bản dịch tóm lược của Áo Nghĩa Thư (1915); P. Bigandet, The Life or legend of Gautama (1915).
(từ Tam Tạng tiếng Hán sang tiếng Nhật):
Pai-yūan-ching, cùng K. Niahio (1929); Abhidharmayāyānusāra-śāstra (1934); Ārya-Vasumitra- bodhisattva-saṅgīti (1934); San-mi-ti-pu-lun, bản duy nhất vẫn còn cho đến nay của tông Sammatīya (1934). Các tác phẩm khác là 5 bản dịch.
(từ Tam Tạng tiếng Pali sang tiếng Nhật):
Mahāli Sutta: D. I (1936); Sagāthavagga: S. I (1937). Nhiều bản dịch từ các kinh điển tiếng Pali được tìm thấy trong Agon-no-bukkyō.
Nghiên cứu :
Sáu tác phẩm chính của ông đã được đề cập, các ấn phẩm khác bao gồm khoảng 15 tác phẩm, đề cập đến Phật giáo tổng quát, các chú giải về kinh điển của tông Shin và sách thiêng mới được biên soạn, v.v. Hai ấn phẩm đáng được đề cập đặc biệt của ông:
(a) Kan-pa-shibu-shiagon-goshōroku. (danh mục so sánh các bộ A-Hàm tiếng Hán với các bộ Kinh Nikāya tiếng Pali, 1929).
Tác phẩm này được viết khi ông đang nghiên cứu Kinh điển tiếng Pali ở Colombo (mặc dù nó được xuất bản sau đó), để thuận tiện cho việc nghiên cứu của riêng ông, vì ông không có The Four Āgamas in Chinese của Anesaki. Cần lưu ý rằng trong tác phẩm của Anesaki, việc so sánh Tăng Nhất A-Hàm với Tăng Chi Bộ Kinh được đề cập ngắn gọn, trong khi Tăng Chi Bộ Kinh chưa được đánh giá về Tăng Nhất A-Hàm; và Anesaki áp dụng một phương pháp so sánh khó khăn trong đó các bản kinh tiếng Hán đã được khôi phục
về bản gốc trước khi so sánh, mặc dù nó chứa nhiều chú thích hữu ích. Ngược lại, Akanuma áp dụng phương pháp so sánh tuân theo dạng hiện tại của các bản Kinh nhằm tạo sự thuận tiện trong việc đọc chúng. Hơn nữa, Akanuma cũng đề cập đến Taishō-daizō-kyō và Shukusatsu-daizō-kyō. Akanuma đề cập đến các bài kinh và bài kệ tương tự hoặc là một của cả hai kinh điển, bao gồm 2.100 bản tiếng Hán và 18.000 bản tiếng Pali. Nội dung như sau: (1) tiếng Hán so với tiếng Pali: Trường A-Hàm với Trường Bộ Kinh; Trung A-Hàm với Trung Bộ Kinh; Tương Ưng A-Hàm với Tương Ưng Bộ Kinh; Tăng Nhất A-Hàm với Tăng Chi Bộ Kinh (2) Tiếng Pali so với tiếng Hán, theo thứ tự ngược lại với các bản đã nói ở trên. (3) Phụ lục: Một bản dịch khác của Tương Ưng A-Hàm. Tiểu Tương Ưng A-Hàm. Kinh Bảy Địa và Tam Đề Quán (chứa nhiều bài kinh khác). Đến nay, các bản A-hàm tiếng Phạn hiện vẫn còn. Bản dịch tiếng Tây Tạng của các bài kinh liên quan đến A-hàm. (4) Bổ sung, sửa chữa.
Dường như, ông có ý định sửa đổi và trình bày chi tiết phần A-hàm bên ngoài Danh mục của Nanjio. ông đã tặng tác phẩm của mình cho thầy mình, trưởng lão Ñāṇissara để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
(b) Indo-Bukkyō-koyūmeishi-giten (Từ điển Tên riêng Phật giáo Ấn Độ-Phần I, Giai đoạn sơ kỳ, 1931).
Như tựa đề cho biết, cuốn từ điển này (784 trang và 95 trang chỉ mục) bao trùm lĩnh vực Phật giáo Ấn Độ, với ngoại lệ chính là phần Đại thừa. Tác phẩm này được thực hiện vì ông mong muốn nghiên cứu kinh điển tiếng Hán, Phạn và Pali. Ông đã dành hơn 15 năm để biên soạn chỉ số thẻ. Khó khăn đặc biệt mà ông phải đối mặt là trên thực tế, nhiều từ có vài nghĩa trong bản dịch tiếng Hán của chúng. Những điều sau đây có thể được đề cập như là những điểm đặc biệt của cuốn sách: Tên được liệt kê theo tiếng Pali là tựa đề đầu; sau đó tuân theo các bản dịch tiếng Phạn và tiếng Hán theo cách phát âm của từ gốc. Dưới mỗi tựa đề là tóm tắt hoặc trích dẫn từ các bản tiếng Phạn, tiếng Pali và tiếng Hán. Nhìn chung, cũng bao gồm cả những con người và địa điểm liên quan với lịch sử và các truyền thuyết của Phật giáo. Tài liệu trích dẫn được phân loại và đánh số. Các nguồn thu thập tài liệu đều được đưa ra với các tham chiếu đến các trang. Tài liệu bao gồm bốn bộ A-hàm tiếng Hán, năm bộ Kinh Nikāya tiếng Pali, các bản Luật tiếng Pali và tiếng Hán, và phần Chuyện tiền thân của Taishō-daizō-kyō.
Ngoài ra, Thắng Pháp và các phần Thắng Pháp, Kinh điển Đại Thừa, và các kinh điển Ấn Độ khác được đề cập trong đó khi cần. Mỗi bài viết có tên viết tắt theo phân loại tên riêng, lên tới hơn 100. Chỉ mục cung cấp các từ tiếng Hán tương đương với từ tiếng Pali và tiếng Phạn, và các từ tiếng Hán theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Nhật. Nhiều loại danh sách (44), liên quan đến gia phả của các dòng tộc Thích Ca và Mahāsammata, các tông phái, 16 quốc gia cổ đại (mahājanapda), các địa ngục (niraya), v.v, cũng được cung cấp.
K. HA.