ĀKAÑKHEYYA SUTTA
ĀKAÑKHEYYA SUTTA. Có hai bài kinh mang tên này. Thứ nhất là bài kinh đầu tiên của Phẩm Ước Nguyện (Ākaṅkheyya Vagga) trong Tăng Chi Bộ Kinh (V. trang 131-3); thứ hai là bài kinh thứ 6 của Trung Bộ Kinh (I, trang 33-6). Hai bài kinh này được Đức Phật thuyết giảng cho các Tỳ-kheo tại Kỳ-đà viên.
Ở phần đầu của cả hai bài kinh, Đức Phật yêu cầu các Tỳ-kheo phải sống một cuộc đời có giới hạnh (sīla), giới bổn (pātimokkha) và oai nghi chánh hạnh (ācāragocara) và phòng hộ bằng cách chế ngự giới bổn (pātimokkhasaṃvarasaṃvutta). Hơn nữa, Đức Phật còn dạy rằng, hãy thấy sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhất, Tỳ-kheo nên học và hành trì giới luật. Nếu một Tỳ-kheo có ước nguyện được các bạn đồng phạm hạnh (sabrahmacārī) yêu mến, được cúng dường các vật dụng cần thiết, ban công đức cho các thí chủ cúng dường các vật dụng cần thiết cho mình, và cho những thân quyến đã qua đời của mình, hài lòng với những vật dụng cần thiết mà mình nhận được, có thể kham chịu được nóng lạnh, đói khát, ruồi muỗi đốt, tiếp với với gió và mặt trời, rắn cắn, lời lăng mạ, những cơn đau nhức của thân, vượt qua nỗi sợ hãi, yêu ghét, dễ dàng chứng đắc bốn mức thiền (jhāna) và chứng đạt tâm giải thoát bằng cách đoạn trừ lậu hoặc (āsava), thì vị ấy phải viên mãn giới hạnh, phấn đấu nội tâm định tĩnh, thiền định không gián đoạn, và khai mở tuệ giác (vipassanā), sống một đời sống độc cư.
Trong bài kinh thứ hai, Đức Phật lặp lại những gì đã nói trong bài kinh thứ nhất và nêu ra một số khát vọng khác làm lay động tâm của một Tỳ kheo, chẳng hạn như chứng ngộ những giải thoát vô sắc (rūpe āruppā) khi còn ở trong thân xác, vào dòng Thánh (sotāpanna), thành bậc Nhất lai (sakadāgāmi), được hóa sinh (opapātika), chứng đạt các loại thần thông (iddhi), có thể nghe cả 2 loại tiếng, cụ thể là, tiếng chư thiên và tiếng con người, thông qua thiên nhĩ thông (dibba-sota), biết tâm của chúng sanh khác bằng trực giác, có thể nhớ lại các tiền kiếp của mình, chứng đạt tâm giải thoát bằng cách đoạn trừ lậu hoặc.