AKṢOBHYA

AKṢOBHYA.[1] Tiếng Tây Tạng: Mi bskyod-pa, Mi’khrugs-pa; tiếng Hán: Pu-tung-fu; tiếng Nhật: Ashuku; tiếng Mông Cổ: Aksobi, Ulu Kudalukci (Hōbōgirin, 39 ; Mochizuki, I, 24).  Đức Phật hay Đấng chiến thắng (Jina) của Đông Độ Thiên (Abhirati, Diệu Hỷ Quốc).  Ngài là một trong ngũ Thiền Phật (Dhyānibuddha) của Phật giáo mật tông, nơi Ngài có một đối tác tên là Locanā (Trái đất). Trong Phật giáo Lạt ma, Ngài có Phật nhân (mānuṣibuddha) là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni (Kanakamuni) và Bồ-tát là Bồ-tát Đại Thế Chí (Vajrapāṇi).  Màu phổ biến nhất của Ngài là xanh lam đậm (hiếm khi có màu vàng), tay phải Ngài cầm chày kim cương (vajra) trong khi tay trái bắt thủ ấn xúc địa (bhūmisparśamudrā, thủ ấn chạm đất).  Thú cưỡi (vāhana) của Ngài là một con voi màu xanh lam.

Phật A-súc-bệ (Akṣobhya) là vị Phật được thờ phổ biến nhất trong các chùa ở Java, Nepal và Tây Tạng cổ đại.  Ở Trung Quốc, Ngài không quá nổi bật, thậm chí ở Nhật Bản Ngài còn ít được thờ hơn, chỉ giới hạn trong tông Shingon (Chân ngôn tông).  Ở đó, Ngài được xếp vào cùng loại với các Go-chi-nyorai (Thiền Phật) khác – loại Phật hầu như không đi vào thần học dân gian – do đó, hình tượng đại diện về Ngài thi thoảng lắm mới được tìm thấy.

           


Ở Ấn Độ, cũng như ở các vùng đất Theravāda, thực tế là Ngài không được biết đến; tuy nhiên, dư âm mờ nhạt của Ngài dường như đã được nghe thấy ở Tích Lan[2], Miến Điện[3] và Campuchia[4].

Guṇa-kāraṇḍvyūha lần theo nguồn gốc của Phật A-súc-bệ – được cho là ở Nepal, nơi Ngài được đề cập là Thiền Phật thứ hai.  Nó đề cập đến Đấng Tự Hữu (Ādi Buddha hay Svayambhū), vị mong muốn từ một người biến thành nhiều người.  Bản thân ước muốn này đã là Bát nhã (Prajñā).  Trong khoảnh khắc khởi ước muốn, ngũ Thiền Phật được tạo ra, và Phật A-súc-bệ là một trong số đó (BH Hodgson, Transactions of the RAS. I, 232 f.).  Quan điểm này của Phật giáo Nepal cũng phù hợp với Pañca-Tathāgata-mudrā vivaraṇa của Advayavajra-saṅgraha, trong đó ngũ Thiền Phật tượng trưng cho ngũ uẩn (skandha), và Phật A-súc-bệ tượng trưng cho thức (vijñāna) (GOS. XL, trang 23).

Về Phật A-súc-bệ ở Java cổ đại, Sir Charles Eliot thiên về quan điểm cho rằng ngũ Thiền Phật (được thể hiện trong phòng trưng bày thứ 4 ở Baraḍudur) thường được biết đến nhiều hơn ở đất nước này với tư cách là năm Đức Như Lai.  Trong tác phẩm Kamayāhānikan của người Java, khi mô tả quá trình trở thành một vị Phật, Phật Thích-ca-mâu-ni được giới thiệu.  Đây không phải một nhân vật lịch sử mà là một nhân vật siêu phàm. Từ bên phải của mình, Phật Thích-ca-mâu-ni tạo ra Bồ-tát Thế Gian Tự Tại (Lokeśvara) (và Bồ-tát Đại Thế Chí từ bên trái).  Tiếp theo, Bồ-tát Thế Gian Tự Tại tạo ra Phật A-súc-bệ và Phật Bảo Sinh (Ratnasambhava) (và Bồ-tát Đại Thế Chí tạo ra Phật A-di-đà (Amitābha) và Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi)).  Từ khuôn mặt của Phật Thích-ca-mâu-ni, Phật Đại Nhật (Vairocana) xuất hiện. Như vậy, năm Đức Như Lai (tức là ngũ Thiền Phật) được giải thích ở Java (Hinduism and Buddhism, III, 166, ft. nt. 2, 173 – xem tái bản năm 1954).

Vị vua Java Kretanāgara (1268-92 sau công nguyên) của Siṅgasāri được biết đến, từ một bản khắc trên bệ của một bức tượng về ông trong trang phục như một tu sĩ, là đã được khởi xướng trong các nghi lễ bí truyền ở khu đất hỏa táng và sau đó được đồng nhất với Phật A-súc-bệ (Eliot,


ibid. 169; và Nihar-Rajan Ray, Sanskrit Buddhism in Burma, trang 13; N.J. Krom, Barabuḍur, II, 306, đề cập đến tên sau khi hiến tế của nhà vua là Jñānabajreśvara). Krom cho rằng Java học theo truyền thống của Nepal.  Ở phía đông Java, đặc biệt là trong thời gian cai trị của các vua của Siṅgasāri và Majapahit, thuyết đồng bộ đang thịnh hành đã dẫn đến việc xây dựng một điện thờ Phật giáo-Saivite kết hợp như lăng mộ của Krětanāgara tại Jajawa, nơi thần Śiva được tôn phong bên dưới Phật A-súc-bệ. Học giả này đề cập thêm rằng Phật A-súc-bệ xuất hiện với tư cách là Īśvara, ngũ Thiền Phật được đồng nhất với các thành phần của Tam thần Ấn giáo (Trimūrti) (op. cit. 146 f., 294, 300).

Mô tả chi tiết có thể thu được từ phần Pañcākāra của Advayavajrasaṅgraha đã đề cập ở trên. Trong đó, Phật A-súc-bệ được đề cập là bắt nguồn từ âm tiết Hūm[5] màu xanh lam – được đặt trong quỹ đạo của mặt trời[6]; Ngài có một khuôn mặt và 2 tay; thủ ấn (mudrā) của Ngài là thủ ấn xúc địa, và tư thế, vajraparyaṅ a, Ngài đại diện cho thức vũ trụ nguyên thủy; Ngài là hiện thân của dòng họ Kim Cương (Vajra), đại diện cho mùa đông, buổi trưa, vị cay, nhĩ căn, yếu tố ether, âm thanh và nhóm chữ cái Ca (âm vòm); xanh lam là màu sắc của ngài, con voi là thú cưỡi của ngài, chày kim cương (vajra) là biểu tượng của ngài; khi được đặt một bảo tháp, tượng Ngài hướng về phía đông[7] – là hướng đặc trưng của Ngài.

Các hình thức khác cũng được đề cập trong các tác phẩm mật tông.[8] Trong một số tác phẩm mật tông này, Phật A-súc-bệ này được thể hiện với 4 hoặc 6 tay, ngồi hoặc đứng, cũng như trong sự hợp nhất thần bí (yab-yum) với đối ngẫu tâm linh của Ngài. Theo Piṇḍikrama trong Niṣpannayogāvalī (trang 5), anh Ngài có 8 tay, màu xanh lam và có vẻ ngoài giận dữ; mặt phải màu trắng, mặt trái màu đỏ; 3 tay phải cầm chày kim cương, đĩa và hoa sen, trong khi tay trái cầm chuông, kiếm và  ngọc như ý (cintāmaṇi); tay phải và tay trái chính cầm Prajñā Sparśavajrā, đối ngẫu của Ngài, còn được gọi là Māmakī (nước), trong khi kết quả của sự hợp nhất thần bí là Bồ-tát Đại Thế Chí. Một số lượng lớn các sự bắt nguồn cũng được liệt kê.  Những sự bắt nguồn này là của cả hai giới, ví dụ, Heruka và Prajñāpāramitā, để trích dẫn hai trong số một số bắt nguồn này.


Thật khó để truy nguyên nguồn gốc của Phật A-súc-bệ.  Ngài được nhắc đến trong Đạo Hạnh Bát Nhã Kinh Vimalakīrtinirdeśa, được dịch sang tiếng Hán vào giữa thế kỷ thứ 2.  Do đó, có lẽ Ngài đã được thờ phượng từ rất lâu đời.  Dường như, tên Ngài được đề cập lần đầu trong kinh Bát-nhã-ba-la-mật (Prajñāpāramitā), biểu tượng của hội chúng nhiệt thành, bất động, lắng nghe chăm chú (acalākampāṣokbhya-parṣad) trong Suvikrāntavikramī paripṛcchā-Prajñāpāpramitā Sūtra, ed. R. Hitaka (chương ii, trang 26).

Trong Bát thiên tụng bát-nhã (Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā) (AsP. ed. R. Mitra, XIX, 366 ff. ed. U. Wogihara, 743 ff.; E. Conzé, trsl. 141), Phật A-súc-bệ lần đầu được đề cập liên quan đến lời thọ ký rằng Gaṅgadevā-bhaginī sẽ trở thành Đức Như Lai Suvarṇapuṣpa ở cõi Phật (Buddha-kṣetra) của Phật A-súc-bệ tên là Diệu Hỷ Quốc (Abhirati), và -cũng như tất cả những vị cư trú ở đó-sẽ được gọi là “đã thoát ra khỏi bùn lầy” (uttīrṇapaṅkās) và “đã tiến gần đến sự chứng ngộ” (bodhipariniṣpattyupagatās).  Trong một đoạn khác (chương xxvii, Mitra, 450 ff., Wogihara, 353 ff., Conzé, 184 ff.) Phật Thích-ca tán thán những người thực hành Phạm hạnh (brahmacaryā) với Phật A-súc-bệ (và Ratnaketu), an trú trong Bát-nhã-ba-la-mật; nếu họ có niềm tin vững chắc (adhimokṣyanti) và lắng nghe Giáo Pháp trước sự hiện diện (-āntikād) của Phật A-súc-bệ, họ sẽ đạt được phẩm hạnh ‘bất thối chuyển’ (avinivartanīyatā, tức là không còn trở lại cõi người).

Cuối cùng, Phật Thích-ca giao phó và truyền trao cho tôn giả A-nan kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa như là ‘kho tàng Pháp bảo vô tận’ (akṣayo dharmakośaḥ) và bằng ‘thần thông’ của mình (ṛddhyabhisaṃskāra) cho thấy Phật A-súc-bệ đang thuyết Pháp cho một hội chúng “bao la như đại dương, sâu thẳm và bất động” (sāgaropamāyāṃ gambīrāyāṃ aksobhyāyāṃ parṣadi).

Có nhiều truyền thuyết thú vị về Phật A-súc-bệ và cõi trời của Ngài, Diệu Hỷ Quốc.  Phần về cuộc đời của Đức Phật, trong quyển I của Kinh Kim Quang Minh (Suvarṇaprabhāsa Sūtra) đề cập đến Phật A-súc-bệ – một trong 4 vị Phật ngồi trên một đài sen.  Quyển V của bài Kinh này đề cập Ngài là Đức Phật của phương Đông.  Kể rằng, xưa kia có một vị Bồ-tát vào yết kiến Đức Phật Samantacakṣu tại một cõi nước tên là Abhirta hay Abhirati (Diệu Hỷ Quốc).  Sau khi nghe thuyết pháp, Ngài phát nguyện thực hành các hạnh không sân hận.  Vì vậy, Ngài


được Đức Phật Samantacakṣu, tứ thiên vương, vua trời Đế-thích và Phạm Thiên gọi là Phật A-súc-bệ.[9]

Chi tiết cụ thể hơn được trình bày trong quyển I của Akṣobhya-Tathāgala-vyūha, số 4 và 5 của Từ-bi Liên-hoa kinh (Karuṇā-puṇḍarīka), do Lokarakṣa dịch từ Yue-tsi vào thời Hậu Hán.  Kể sau khi Phật A-súc-bệ phát nguyện, Đức Phật đã thọ ký rằng Ngài sẽ trở thành một vị Phật trong tương lai.  Về sau, Ngài thực hành các đức hạnh cho đến khi giác ngộ và trở thành Phật A-súc-bệ tại Diệu Hỷ Quốc.

Diệu Hỷ Quốc của Ngài không có địa ngục, không có ngạ quỷ (preta), cũng không có súc sanh.  Mọi người thực hành các thiện nghiệp và trái đất bằng phẳng và trên đó mọc những cây có chiều cao bằng nhau.  Không có núi cũng chẳng có thung lũng, không có đá hay lở đất.  Đất mềm đến mức nó đàn hồi khi bước lên.  Không có bệnh tật do tác động của gió, lạnh hay tâm trạng.  Không có ai xấu ác.  Ít tham, sân, si.  Không có nhà tù và không có những kẻ ngoại đạo.  Mọi người mặc y phục ngũ sắc đẹp, thơm, mềm, không phai màu. Thức ăn rất ngon và có mùi thơm.  Bất cứ khi nào một người muốn ăn, thức ăn sẽ hiện ra trước mắt họ, như ở cõi trời Tam thập tam.

Cư dân sống trong những lâu đài làm bằng 7 loại vật quý.  Bể tắm chứa đầy nước có tám phẩm chất. Nước xuất hiện và biến mất theo ý muốn của một người.  Phật A-súc-bệ là Đấng giáo chủ tại đây và người dân ở đó sống trong hòa bình và thanh bình.  Họ không ràng buộc luyến ái và không quan hệ xác thịt. Vì vậy, không ai có lòng tham dục có thể được sinh ra ở đó. Khí hậu không nóng cũng không lạnh, nhưng dễ chịu.  Lúc nào cũng có những làn gió thơm thổi nhè nhẹ.

Phụ nữ của cõi nước này xinh đẹp và giọng nói êm ái.  Họ tự do lấy y phục và đồ trang sức từ những cây ban điều ước.  Những đứa trẻ được sinh ra không hề đau đớn.  Không có bụi bẩn ở bất cứ đâu. Dù không có mặt trời, mặt trăng nhưng trời không tối vì nơi đây được hào quang của Phật A-súc-bệ chiếu sáng. Khi Phật A-súc-bệ bước đi, đóa sen vàng ngàn cánh mọc lên nâng đỡ chân Ngài. Nếu một vị Bồ-tát muốn được sinh ra ở đây, vị ấy cần thực hành những đức hạnh giống như đức hạnh của Phật A-súc-bệ. Khi Phật A-súc-bệ thuyết pháp, nhiều người nghe đắc quả A-la-hán. Ở cõi nước của Phật A-súc-bệ, các vị Bồ-tát có được những phương tiện đặc biệt để tu tập tâm linh. Con trai và con gái của những gia đình tốt được sinh ra ở đó nhờ nghe tên của Phật A-súc-bệ.


Phần 3 của Kinh Pháp hoa (Saddharmapuṇḍarīka Sūtra) nói rằng xưa kia có một Đức Phật tên là Mahābhijñā-jñānābhibhū.  Trước khi xuất gia, Ngài có 16 người con trai.  Người con cả là Jñānākara.  Sau đó, họ nghe cha mình thuyết Kinh Pháp hoa và đều xin xuất gia.  Họ, lần lượt, thuyết bài kinh này cho những người khác.  Sau đó, Jñānākara trở thành Phật A-súc-bệ ở phương Đông và cõi Trời của Ngài có tên là Diệu Hỷ Quốc.  Trong số 16 người con trai, người thứ 9 trở thành Đức Phật ở phương Đông Bắc và chính là Phật Thích-ca-mâu-ni.

Theo Từ-bi Liên-hoa kinh (Karuṇāpuṇḍarīka), vua Aśatru, tiền thân của Phật A-di-đà, có 1000 người con trai.  Khi ẩn sĩ Ratnasamudra, từng là quan đại thần của vua, thổ lộ ước nguyện chứng ngộ của mình với con trai thứ 9 của nhà vua, thì chàng hoảng tử này cũng khởi lên ước nguyện tương tự và thực hành các công hạnh Bồ-tát.  Kết quả là chàng hoảng tử được ban cho những bánh xe trời có ngàn nan hoa và ánh sáng của chúng giống như ngọn lửa lớn. Những bánh xe này tìm đường đến cả những thế giới không có chư Phật và tạo ra âm thanh tuyệt vời.  Những người nghe được âm thanh liền giải thoát khỏi những tập khí xấu ác và đạt được trí tuệ đưa đến giác ngộ.  Chính vị hoàng tử này sau này trở thành Phật A-súc-bệ.

Duy-ma-cật sở thuyết kinh (Vimalakīrti Nirdeśa Sūtra) đề cập Diệu Hỷ Quốc là quốc độ của cả cư sĩ Vimalakīrti lẫn Phật A-súc-bệ.  Nhờ thần thông siêu phàm của Phật A-súc-bệ, cư sĩ Vimalakīrti có thể hiển hiện quốc độ này cho những người mong muốn được chiêm ngưỡng.

Chương 1 trong quyển I của Kinh Kim Quang Minh (Suvarṇaprabhāsa Sūtra) đề cập Phật A-súc-bệ là vị Phật ở phương Đông, trong số 4 vị Phật ở 4 phương bảo hộ cho bài kinh này.  Phần về cuộc đời Đức Phật nói rằng khi Bồ-tát Suketu đang thiền định về cuộc đời Phật Thích-ca-mâu-ni ở Vương-xá, căn phòng của Bồ-tát được chiếu sáng bởi thần lực của Đức Phật và 4 vị Phật ngồi tòa sen xuất hiện, bao gồm cả Phật A-súc-bệ của phương Đông. Trong Kinh A-di-đà (Amitābha Sūtra), Phật A-súc-bệ được cho là một trong những vị Phật tán thán Phật A-di-đà.

Phật A-súc-bệ được thể hiện trong nhiều mạn-đà-la của Phật giáo Mật tông.  Trong số này, một trong những mạn-đà-la đơn giản nhất là mạn-đà-la ‘Năm Biểu Hiện’ gồm năm vị
Phật và hội chúng của các vị. Phần sau đây[10] là một đoạn trích từ Advayavajrasaṅgraha, trong đó có giải thích về Năm Biểu Hiện.

Ở trung tâm của mạn-đà-la này, người ta nhìn thẳng vào âm tiết paṃ đa sắc màu.  Âm tiết paṃ này biến thành một bông sen 8 cánh nhiều màu sắc với âm tiết raṃ màu đỏ ở trung tâm.  Âm tiết Raṃ này trở thành một đĩa mặt trời, trên đó có âm tiết hūṃ màu xanh lam đậm từ đó Phật A-súc-bệ xuất hiện với một khuôn mặt và 2 tay, trong tư thế ngồi kiết già và bắt thủ ấn ‘xúc địa’.[11]  Thân Ngài có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, vì chứa mọi phẩm hạnh tuyệt vời, thập lực, vô úy và những thứ còn lại.  Thân Ngài không có lỗ, thịt hay xương, vì nó không thực cũng không hư, như ánh sáng tinh khiết được phản chiếu trong một tấm gương. Ngài có màu đen vì lòng đại bi tràn ngập và có biểu tượng là một chày kim cương đen, hiện thân của năm thành phần của cái tuyệt đối thanh tịnh.  Ngài không có lông, tóc ở trên đầu hay thân và khoác y phục tôn giáo.  Đầu Ngài được đánh dấu bằng Đức Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva), vì Ngài chính là bản thể của Đức Kim Cương Tát Đỏa, trong đó không có sự phân biệt giữa Không và Từ bi. Ngài cũng là hiện thân của nhân và quả, trong đó đặc tính Không ở chỗ nó bao hàm tất cả các hình thức có thể có. Ngài là Pháp thân vì Ngài là hiện thân của chư Phật vô vi; Ngài là Hóa (Nirmāṇa) thân vì Ngài đại diện cho thật tánh của thức tạo tác; Ngài là Tự tánh thân (svābhāvika) vì đây là vị duy nhất của ba thân đó. Vì vậy, người ta nói:

‘Pháp là tâm vô vi; Báo (Sambhoga) được đặc trưng bởi hỷ lạc tương hỗ;

Hóa (Nirmāṇa) là cái được tạo ra một cách đa dạng;

Tự tánh (Svãbhavika) là cái có sẵn trong vạn pháp.’

Vì Ngài không bị nhiễm ô bởi tư tưởng phân biệt, v.v., nên Ngài thuộc về dòng dõi Kim cương, và dòng dõi Kim cương không bị nhiễm ô bởi người thế tục.  Cơ sở biểu tượng hóa bên ngoài và bên trong của Ngài là cơn thịnh nộ, nước kim cương, giữa trưa, vị cay, trí tuệ được hiển lộ, không gian, âm thanh, chuỗi phụ âm Ca.  Câu chân ngôn của Ngài là: oṃ āḥ vajradhṛk hūṃ”.   

Trong Phật giáo Trung-Nhật, trong mạn-đà-la Kim Cang Giới (Vajradhātu) chín phần, Phật A-súc-bệ (Ashuku Nyorai) ở trung tâm của mạn-đà-la phía đông, với Vajrasādhu (Kongō-ki Bosatsu, E.), Vajrarāga (Kongō-ai Bosatsu, S.),


Vajrasattva (Kongō-satta Bosatsu, w.) và Vajrāraja (Kongo-ō, N.) (Tajima, Bull. de la Maison Franc. Jap., trang 169, 174 ff.).  Trí tuệ (jñāna) truyền thống của Ngài là Đại Viên Kính Trí, trí tuệ như gương soi (Ādarśajñāna), chân ngôn của Ngài:ha hoặc hūṃ; về thủ ấn của Ngài, cp. Si-do-in-dzou, trang, 64, n. 2, và (Hōbōgi-rin, trang. 40).

Trong Phật giáo Mật tông tiếng Phạn, Phật A-súc-bệ đôi khi cũng ở vị trí phía đông (cp. G. Tucci, Indo-Tibetica, III, 1, trang 153; III, 2, trang 182 ff.; S. B. Dasgupta , Introd. trang 87) ; nhưng theo Bí mật tập hội (Guhyasamājatantra) (i, trang 5) và vòng của nó (đặc biệt là Pañcakrama I, 27 ff. và passim), Phật A-súc-bệ thường ở trung tâm của mạn-đà-la và Phật Đại Nhật ở vị trí phía đông (cp. Hình thu nhỏ được mô tả ở Bản I của Niṣpannayogāvalī và trang 35/5.  Có lẽ, sự thay đổi này xảy ra do sự nhấn mạnh vào các nghi lễ Abhctāra, W. Wassiljew (trang 188) đề cập đến một bản kinh (Taishō, XX, Số 1192 : Miao-chi-hsiang-p’ing-teng-pi-mi-tsui-shang-kuan- men-ta-chiao-wang-ching), trong đó Phật Thích-ca, theo lời thỉnh cầu của Bồ-tát Di Lặc, đã phát ra 5 tia sáng từ bạch mao (ūrṇā) của Ngài, biến chúng thành ngũ Thiền Phật, Thiền Phật đầu tiên, ra khỏi tia sáng đen, là Phật A-súc-bệ và Phật Đại Nhật là Thiền Phật thứ hai, ra khỏi tia sáng trắng.

Trong vòng mật tông của Hevajra hay Heruka, phóng chiếu lý tưởng của Phật A-súc-bệ, xu hướng nhấn mạnh khía cạnh tối và vị trí trung tâm của Phật A-súc-bệ đã được nêu bật.

Theo Quyển 2 của Shê-chên-shih-ching, Phật A-súc-bệ có màu xanh lam[12].  Lòng bàn tay phải, với các ngón tay duỗi thẳng, đặt trên đầu gối phải, các đầu ngón tay chạm đất, trong khi tay trái nắm một góc tấm y lên trái tim.  Màu xanh lam là màu của sự hàng phục-hàng phục ma quỷ.

Quyển 51 của Asabashō trích dẫn Rokushomandara-nakushaku như sau: “hình tượng (của Phật A-súc-bệ) giống như hình tượng của chư Phật.  Vai phải Ngài để trần, tay trái nắm một góc tấm y.  Cánh tay trái gập lại để đặt nắm tay lên trái tim. Năm ngón của bàn tay phải


duỗi ra để che đầu gối, đồng thời các đầu ngón tay chạm đất.  Trái đất là biểu tượng của cái bất biến, rắn chắc, cụ thể, hữu hình. Phật A-súc-bệ cũng có nghĩa là bất biến. Eigon-shō nói, “toàn thân Ngài có màu vàng, nắm tay trái đặt ở một bên, trong khi tay phải duỗi thẳng cho đến khi chạm đất”.

Chủng tự (bīja) của Phật A-súc-bệ là hahūṃ.  Hahetu (nhân), nhân của sự giác ngộ, tức là bồ đề tâm (bodhi-citta). Hūṃ biểu thị sự hàng phục ma quỷ, ma phiền não, nhờ bồ đề tâm.  Trí tuệ Ngài là Đại Viên Kính Trí (ādarśa-jñnāna), ‘Trí tuệ của Tấm gương lớn’[13] phản ánh tánh không (śūnyatā) cũng như các đối tượng, và biểu lộ ‘tánh không’ của vạn pháp cũng như vạn pháp trong ‘tánh không’.  Do đó, Phật A-súc-bệ do đó trở thành hiện thân của trí tuệ này.  ‘Thủy’ đại, liên kết với Ngài, là Đại Viên Kính Trí như đại dương ở trạng thái tĩnh lặng có bề mặt như tấm gương.  A Súc Như Lai Niệm Tụng Cúng Dường Pháp  nói rằng thủ ấn xúc địa (bhūmi-sparśa mudrā) là thủ ấn chính của Phật Phật A-súc-bệ.  Số 3 của Lược Xuất Niệm Tụng Kinh nói rằng: Khi Phật A-súc-bệ bắt thủ ấn xúc địa, Ngài có thể duy trì thủ ấn tam-muội-da (samaya-mudrā) gồm hai ngón tay giữa duỗi ra chạm vào nhau sau khi 2 bàn tay được nối theo thứ tự ngược lại. Đây là thủ ấn của chày kim cương một ngạnh, tượng trưng cho sự bình đẳng của bồ đề tâm bất kể sự khác biệt giữa chư Phật và chúng sanh khác.

Một tượng đồng được thờ trong chùa Shinnō ở Kōyasan, có niên đại từ thời Hakuhō (645-710 sau công nguyên) và một tượng gỗ ở Hōryū-ji, có niên đại từ thời Fujiwara (969-1068 sau công nguyên), là hai trong số những tượng nổi tiếng nhất của Phật A-súc-bệ được tìm thấy ở Nhật Bản.  Có một câu chuyện về nữ hoàng Kōmyo (701-60 sau công nguyên) liên quan đến điều này.  Khi bà phát nguyện phục vụ 1000 người bằng cách cho họ tắm, người đàn ông cuối cùng đến là một người bị bệnh phong. Bà cho anh ta tắm với tâm hoan hỉ và chữa bệnh cho anh ta.  Sau đó, bệnh nhân này đột nhiên trở thành Phật A-súc-bệ với diện mạo thù thắng và tán thán hành động từ bi của bà.  Người ta


nói rằng hoàng hậu đã xây dựng một ngôi chùa thờ Phật A-súc-bệ trong hoàng cung.  Điều này được lấy làm bằng chứng về việc thờ Phật A-súc-bệ vào thời của bà.

Phật A-súc-bệ được thể hiện trong mũ đội đầu của các vị Bồ-tát như Mañjuśrī, Yamāntaka, Tārā và Prajñāpāramitā[14].  Ngài cũng được thể hiện tương tự trong hình tượng Ấn giáo trong chiếc mũ đội đầu của Mahācīna-Tārā (Ugra-Tārā) của kinh điển Mật tông Phật giáo, vị mà các tín đồ Ấn giáo hấp thu thành Tārā và coi là một trong mười nữ thần Mahā-Vidyā[15].



[1] Bài viết này chủ yếu dựa trên các tư liệu do các  Messrs, Zenkhyō Nakagawa và D. T. Devendra cung cấp, những người mà chúng tôi vô cùng biết ơn.-Tổng biên tập.

[2] Được đề xuất là được thể hiện trên một bia đá tưởng niệm anh hùng thời trung cổ. (S.Paranavitans, ArtA. XXII, 1/2,153 ft).

[3] Trong bảo tháp Śrīmad Dhānyakaṭaka ở đảo Dhauaśrī (ở Miến Điện), thế kỷ 16, lữ khách Buddhagupta (thầy của Tārānātha) ghi nhận Phật A-súc-bệ là bản chất trung tâm của mạn-đà-la năm kula (Nihar-Ranjan Kay, Sanskrit Buddhism in Burma, 88). Vị Thánh tối cao trong dòng dõi này (D. L. Snellgrove, The Hevajra-Tantra, 1, 119).

[4] G.Coedès tìm thấy một Pūryatathāgata (Đức Như Lai ở phương đông, phương của Phật A-súc-bệ) được đề cập trong một số bản khắc ở Campuchia (L. P. Briggs, The Ancient Khmer Empire, 221).

[5] S. B. Dasgupta nghĩa là Ya khi nhận xét rằng các tantra không hoàn toàn phù hợp về việc phân bổ bīja (chủng tự) cho các vị Thánh khác nhau (An Introduction to Tantrỉc Buddhism, 64 và nt. 2).

[6] Mặt trăng (Moc. I, 24; II, 1316).  Đề cập thứ hai là về mạn-đà-la Kim cương giới của Nhật Bản nơi Phật A-súc-bệ (trong Samaya-maṇḍala) được đặt ở phía đông của đĩa mặt trăng.

[7] Alice Getty nghĩ rằng chính Bồ-tát Kim Cang Tát Đỏa là vị chiếm vị trí phía đông của Phật A-súc-bệ, trong Padma t’an-yig, và đề cập đến một tượng bạc của Bồ-tát Kim Cang Tát Đỏa có Phật A-súc-bệ  trên tóc (The Gods of Northern Buddhism, trang 6). N. J. Krom nói rằng ở Tây Tạng, điểm của la bàn và vị trí của bàn tay thay đổi (op cit. 146 f.).

[8] B. Bhattacharyya, Indian Buddhist Iconography tái bản lần thứ 2, chương vi và vii.

[9] Phật A-súc-bệ là giả thuyết của Hevajra, thường được đề cập là dvesātman, người có bản tánh phẫn nộ (Snellgrove, The Hevajra Tantra, I, 29).

[10] Sao chép lại (với sự cho phép của nhà xuất bản, Messrs. Công ty TNHH Bruno Cassirer (nhà xuất bản), Oxford) từ phần trình bày của David Snellgrove trong Buddhist Texts throgh the Ages, 249 f.

[11] Chủ yếu là do thủ ấn xúc địa, ý tưởng về Phật A-súc-bệ đã được truy nguyên từ Phật Thích-ca-mâu-ni lịch sử (D. L. Snellgrove, Himalayan Pilgrimage, trang 37).

[12] Nơi chư Phật được đánh đồng với các vị thần Bà-la-môn, thì Phật A-súc-bệ được đánh đồng với Viṣṇu.

[13] Về Đại Viên Kính Trí, Jñānasiddhi của Indrabhūti nói, “Giống như một người nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình trong một tấm gương, thì pháp thân (dharma-kāya) cũng được nhìn thấy trong Trí Kính (Gương Trí Tuệ)”.

“Như vậy, Phật A-súc-bệ, khi hướng về thế gian, phản ánh thực tánh của vạn pháp bên ngoài ‘có’ và ‘không’ (dharma-nairātmya): tuy nhiên, khi hướng về pháp giới (dharma-dhātu), Ngài lại phản ánh tánh của Phật Bảo Nhật”.  Về phần giải thích chi tiết cho điều này, xem Foundations of Tibetan Mysticism của Lama Anagarika Govinda, trang 112 ff.

[14] Alice Getty, op. cit. trang 37.

[15] B. Bhattacharyya ;op. cit. trang 191 và hình 136.