AKṢAYAMATI

AKṢAYAMATI (‘thệ nguyện vô biên’ hay ‘khao khát vô hạn’) được gọi là Vô Tận Ý Bồ Tát, hay Vô Tận Huệ Bồ Tát hay Vô Lượng Ý Bồ Tát trong tiếng Hán, Vô Tận Ý Bồ Tát trong tiếng Nhật, và Blo-gros-mi-zad-pa trong tiếng Tây Tạng, một vị Bồ-tát ở trong pháp hội gồm vô số nhân vật ở trong trật tự của chính mình trên núi Linh-thứu ở Vương-xá, khi Đức Phật trình bày chi tiết về Pháp môn (Dharmaparyāya) hay “Đại Diễn Giải, một bản kinh về sự phát triển vĩ đại, dùng để hướng dẫn chư Bồ-tát và phù hợp với tất cả chư Phật” (mahānirdeśaṃ nāmadharmaparyāyaṃ sūtrāntaṃ mahāvaipulyaṃ bodhi- sattvāvavādaṃ sarvabuddhaparigraham : Sdmp. trang 1-4).

Ngài là một trong 16 Bồ-tát của Hiền kiếp (Bhadrakalpa) (Moc. 4832 b) và được ấn định ở góc phía tây của hướng bắc trong mạn-đà-la Kim Cang Giới (Vajradhatu) hoặc mạn-đà-la Đức Phật Đại Nhật (Vairocana) (GOS. CIX. trang 44-7).  Phật Thuyết Phật Danh Kinh (Nanjio, 404), với tựa Buddha-bhāṣita buddha-nāma Sūtra, xem ngài là 1 trong 10 vị Phật tương lai, guhya-nāma (mật danh) của ngài là Định Tuệ Kim Cang, có thể khôi phục về tiếng Phạn là Acala-prajñā-vajra. Bīja-mantra hay ‘âm tiết thần bí’ của ngài là vi (Moc. 4832 b)

        Bồ-tát Akṣayamati được cho là có nước da vàng nhạt, và biểu tượng của ngài là một thanh kiếm, trong một số trường hợp, biểu tượng này được thay thế bằng một cái bình, một cái bát, hay một bông hoa sen. Ba mô tả ngắn liên quan đến màu da, tư thế và biểu tượng của ngài được tìm thấy trong Niṣpannayogāvalī của Mahāpaṇḍita Abhayākaragupta (GOS. CIX).

Bản kinh này nói rằng Bồ-tát Akṣayamati có màu vàng và trong khi tay trái ngài nắm chặt và đặt trên ngực, thì tay phải của ngài biểu thị cử chỉ ban phát (Akṣayamatiḥ suvarṇavarṇo vāma-muṣṭiṃ hṛdyavasthāpya savyena vardamudraḥ: ibid. 50).  Ở những đoạn khác trong bản kinh này có nói rằng ngài có nước da màu vàng, tay phải cầm kiếm và tay trái – cầm một bông hoa sen, thể hiện cử chỉ che chở (Akṣayamatiḥ pīaḥ savyena khaḍgaṃ vāmenābhaya-kamalaṃ bibharti : ibid. 58). Cuối cùng, Bồ-tát Akṣayamati được mô tả là có nước da trắng, và 2 tay cầm bình cam lồ trí tuệ (Akṣayamatiḥ sito hastābhyāṃ jñānāmṛta kalaśadhārī : ibid. 67). 

Một bức tượng nhỏ bằng đồng của vị Bồ-tát này cho thấy tay phải giơ lên trong cử chỉ che chở (abhaya-mudrā, thủ ấn vô úy) với một bông hoa sen, trong khi tay trái đặt trên vạt áo với lòng bàn tay hướng lên trên (W. E. Clark, Two Lamaistic Pantheons, II, Fig. 4B3).

Theo Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh hay Mahāvaipulya-mahāsannipāta Sūtra (Nanjio, 61, tập 27), Bồ-tát Akṣayamati dường như là vị trung gian giữa: saha-loka-dhātu (thế giới ta-bà, tức là thế giới này) và thế giới của Phổ Hiền (Samantabhadra) Như Lai.  Bài kinh nói rằng một lần, Bồ-tát Akṣayamati nhập vào tầng định có tên là buddha-kṣetra-samādhi, trong khi ngài đang thiền định về Phổ Hiền Như Lai, để thỏa lòng ước nguyện của tôn giả Xá-lợi-phất, người mong muốn được nhìn thấy thế giới của Phổ Hiền Như Lai  Khi nhập định (samādhi), ngài đã tung một số bông hoa vào thế giới của Phổ Hiền Như Lai, và các Bồ-tát của thế giới đó muốn nhìn thấy thế giới này (saha-loka-dhātu), cũng như nhìn thấy Đức Phật Thích-ca và các đệ tử của Ngài.

 

Do đó, Phổ Hiền Như Lai chiếu sáng khắp vùng để tôn giả Xá-lợi-phất có thể nhìn thấy thế giới của Ngài, trong khi các Bồ-tát trong thế giới của Ngài có thể nhìn thấy Đức Phật Thích-ca và các đệ tử của Ngài ở thế giới này (saha-loka-dhātu: Moc. 4832 b). Theo Ngũ Thập Quyển Thư được viết bởi tu sĩ Tendai Singaku vào ngày thế kỷ 12 sau công nguyên, Bồ-tát Akṣayamati được thể hiện là 1 trong 8 vị Bồ-tát xuất hiện khi những Phật tử mộ đạo qua đời để dẫn họ đến thế giới Cực Lạc (Sukhāvatī) của Đức Phật A-di-đà.

Về cái tên, tức là Akṣayamati, Quan Âm Nghĩa Sơ hoặc Avalokita-parivarta của Sdmp. đề cập rằng danh hiệu ‘trí tuệ vô tận’ được ban tặng cho ngài, vì ngài có thể chuyển 80 lần giáo pháp vô hạn, mà ngài có, cho mọi chúng sanh hữu tình.  Lại nữa, trong Pháp Hoa Kinh Huyền Tán (tập 12) có đề cập rằng ‘hoài bão’ (mati) cứu độ chúng sanh của ngài là ‘vô biên’ (akṣaya) vì ngài, một vị Bồ-tát, không thể hoàn thành nhiệm vụ đó, trừ khi và cho đến khi chúng sanh không còn đau khổ.

Như một danh hiệu trao tặng, sự kính ngưỡng được dâng tặng cho ngài bằng cách gán cho ngài sự giảng giải và quyền tác giả của Akṣayamati-nirdeśa Sūtra – hiện chỉ còn ở bản tiếng Hán và tiếng Tây Tạng.

R. A. G.