ĀJĪVIKAS
ĀJĪVIKAS (ngoài ra, trong tiếng Pali là Ājīvaka), một giáo phái không phải Bà-la-môn phát sinh ở miền bắc Ấn Độ vào thời Đức Phật, người sáng lập giáo phái này là vị đạo sư được biết đến trong kinh điển Pali với tên Makkhali Gosāla và trong kinh điển của Kỳ Na giáo với tên Gosāla Maṅkhaliputta. Trong kinh điển Pali, Gosāla xuất hiện với tư cách là một trong lục sư ngoại đạo thường được nhắc đến cùng nhau.[1] Một vài câu nói trong kinh điển Pali, và một số lượng lớn hơn trong kinh điển của Kỳ Na giáo, cho phép chúng ta tái hiện lại phần nào tiểu sử của vị giáo chủ này. Cả hai nguồn đều đồng ý rằng ông ta có xuất thân khiêm tốn, và đưa ra những câu chuyện về nguồn gốc của ông rõ ràng là dựa trên những từ nguyên kỳ lạ về tên ông.[2] Dường như ông đã trở thành một nhà tu khổ hạnh từ sớm, và trong một thời gian, ông đã kết giao với Vardhamāna, Nigaṇṭha Nātaputta của Phật giáo, trước khi Vardhamāna bắt đầu tuyên bố giác ngộ viên mãn và được gọi là Mahāvīra. Hai nhà tu khổ hạnh được cho là đã cùng nhau rong ruổi hết nơi này đến nơi khác trong 6 năm,[3] và một số câu chuyện được kể về những cuộc phiêu lưu của họ, trong đó Gosāla thường xuất hiện như một kẻ đạo đức giả thô lỗ.[4] Cuối cùng thì họ chia tay, sau một cuộc tranh cãi về khả năng hồi sinh của xác chết.[5]
Sau khi rời khỏi hội chúng của Vardhamāna, Gosāla được cho là đã khổ hạnh trong 6 tháng, từ đó ông có được trí tuệ và thần thông ở mức độ nhất định.[6] Sau đó, ông tuyên bố mình là một jina, hay một bậc giải thoát viên mãn, và bắt đầu giáo hóa. Phần lớn cuộc đời làm đạo sư của ông diễn ra ở Xá-vệ, trong xưởng của một nữ thợ gốm, tên là Hālā-halā, rõ ràng là một cư sĩ thuần thành.[7] Tuy nhiên, rõ ràng là giống như Đức Phật và Mahāvīra, ông cũng du hành khắp thung lũng sông Hằng. Ông được các nhóm tu khổ hạnh đã sinh sống tại đó hỗ trợ, những người nhớ lại một số đạo sư trước đây, chẳng hạn như Nanda Vaccha và Kisa Saṅkicca, tên của họ thường được nhắc đến với tên của Gosāla trong kinh điển Pali.[8]
Một câu chuyện chi tiết về những ngày cuối cùng của Gosāla được kể trong Kinh Bhagavatī của Kỳ Na Giáo, trong đó dường như ông đã chết vì sốt, sau 16 năm làm jina. Câu chuyện, loại bỏ các yếu tố siêu nhiên và truyền giáo, liên kết cái chết của Gosāla với một cuộc tranh cãi gay gắt với Mahāvīra, trong đó hai giáo chủ được ủng hộ bởi các tín đồ của mình, và đồng thời hai giáo sĩ Kỳ Na Giáo đã thiệt mạng.[9] Dường như cho đến khi vụ việc này xảy ra, Kỳ Na Giáo
và Ājīvika đã có quan hệ khá thân thiết với nhau, nhưng từ đó trở đi hai giáo phái đã có sự bất hòa. Bản thân Ājīvika rõ ràng đã tuyên bố rằng Gosāla chết vì khổ hạnh Ajlvika tự sát được gọi là ‘Thức uống Tinh khiết’ (suddhapānaga), trong giai đoạn cuối cùng liên quan đến việc kiêng hoàn toàn mọi đồ uống.[10] Có lý do để tin rằng cái chết của Gosāla xảy ra không lâu trước khi Đức Phật nhập diệt, và câu chuyện trong Kinh Đại-bát-niết-bàn kể về việc Đức Phật nghe nói về sự qua đời của Nigaṇṭha Nātaputta hay Mahāvīra[11] thực sự đề cập đến tin tức về cái chết của Gosāla[12].
Chúng hội lõa thể do Gosāla thiết lập trên cơ sở các nhóm khổ hạnh trước đó, có nhiều điểm chung với Kỳ Na giáo. Thuật ngữ Ājīvika đôi khi được coi là một tính ngữ xúc phạm,[13] nhưng cũng có thể đã được sử dụng để chỉ đặc tính suốt đời của những lời thề mà các nhà tu khổ hạnh Ājīvika đã phát nguyện.[14] Các đạo sĩ Ājīvika dường như đã được kết nạp bằng cách nhổ tận gốc tóc[15] và các thử thách đau đớn khác. Giống như Kỳ Na giáo Digambara, họ thường khỏa thân hoàn toàn. Họ nhịn ăn nghiêm ngặt và thực hiện các tư thế khổ hạnh theo kiểu haṭha-yoga,[16] bao gồm cả khổ hạnh trong những chiếc bình đất lớn.[17] Họ dường như cũng có những nghi lễ ma thuật bí mật theo kiểu mật tông.[18] Họ chủ yếu sống thành đạo tràng, nhưng cũng có những Ājīvika sống đơn độc, trú ngụ trong rừng sâu.[19] Rõ ràng họ cũng thực hành ca hát và nhảy múa theo nghi lễ.[20] Mặc dù về lý thuyết, lối sống của họ dường như cực kỳ khắc khổ, nhưng các đạo sĩ Ājīvika bị kinh điển Phật giáo và Kỳ Na giáo buộc tội là phóng túng và đồi bại, trong các vấn đề về ăn uống và quan hệ tình dục, và họ dường như thường hoạt động như những nhà chiêm tinh hoặc thầy bói.[21] Dường như, họ đã cực kì nỗ lực để được tín đồ ủng hộ, và những gia chủ của họ rất đông đảo và có thế lực. Ít nhất là trong thời Đức Phật tại thế, Ājīvika dường như là đối thủ nặng ký nhất của Tăng đoàn Phật giáo. Đức Phật được cho là đã chỉ trích họ cực kì gay gắt, và đã tiên đoán những kiếp tái sinh bất hạnh cho họ.[22] Tuy nhiên, có một số đoạn ám chỉ mối quan hệ tương đối thân thiện giữa các tu sĩ Phật giáo và Ājīvika. Theo đó, một cư sĩ Ājīvika được ghi nhận là đã cúng dường bữa ăn cho Đức Phật và các đệ tử của Ngài,[23] và vua Tần-bà-sa-la của xứ Ma-kiệt-đà trong một dịp được cho là đã cúng dường trai Tăng theo lệnh của một đạo sĩ khổ hạnh Ājīvika.[24] Một Ājīvika thân thiện đã thông báo việc Đức Phật nhập Niết-bàn cho trưởng lão Đại Ca-diếp và các đệ tử của ngài.[25] Tuy nhiên, nhìn chung, dường như Ājīvika đã chế giễu giới luật tương đối lỏng lẻo của các tu sĩ Phật giáo trong khi các tu sĩ Phật giáo cáo buộc Ājīvika là những kẻ đạo đức giả và phóng đãng.
Chắc chắn rằng Ājīvikas đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Trong thời kỳ Maurya, rõ ràng họ là một nhân tố rất quan trọng trong đời sống tôn giáo của Ấn Độ, và vua A-dục đã cúng dường cho họ những hang động nhân tạo ở vùng đồi Barābar gần Gayā[26]. Trong Sắc lệnh trụ cột thứ 7 của vua A-dục, họ được đề cập đến trong số các đạo giáo chính của Ấn Độ, sau Tăng đoàn Phật giáo, bên cạnh Bà-la-môn giáo, và trước Kỳ Na giáo. Cháu trai của vua A-dục, Daśaratha, cũng cúng dường hang động cho Ājīvikas; trong những bản khắc cúng tiến, ông nhấn mạnh thực tế rằng các khoản đóng góp được thực hiện ngay sau khi ông dâng hiến, cho thấy ông đặc biệt ưu ái giáo phái Ājīvikas [27]. Nhưng với sự sụp đổ của Mauryas, tầm quan trọng của Ājīvikas bị suy giảm nhanh chóng. Ngoại trừ kinh điển chú giải của Phật giáo và Kỳ Na giáo, tài liệu tham khảo quan trọng duy nhất về họ trong kinh điển sau này có nguồn gốc từ phía bắc là ở Vāyu Purāṇa, nơi họ được mô tả là một cộng đồng tôn giáo của công nhân và thợ thủ công, những người thờ kính yêu tinh và không tôn trọng các quy tắc varṇa và āśrama chính thống[28]. Tuy nhiên, có đủ tài liệu tham khảo về họ trong kinh điển tiếng Phạn cho thấy rằng họ không hoàn toàn biến mất cho đến cuối thời trung cổ.
Ở miền nam Ấn Độ, Ājīvika đã để lại dấu vết rõ ràng hơn. Truyền thống Tích Lan ghi lại sự xuất hiện của Ajlvikism trên đảo thậm chí trước cả Phật giáo, kể từ khi vua Paṇḍukābhaya được cho là đã thiết lập một tu viện Ājīvika[29]. Nhiều bản khắc từ Madras, Mysore và Andhra cho thấy các đạo tràng Ājīvika trú ngụ ở những vùng này cho đến thế kỷ 14, và thường bị buộc phải trả các loại thuế địa phương đặc biệt. Ājīvika cũng được nhắc đến trong kinh điển Tamil, và ba bản, Maṇimēkalai, Nīlakēci, và Civañānacittiyar, đưa ra những phác thảo về giáo lý của họ.
Giáo lý cơ bản của Ājīvika là toàn bộ vũ trụ bị chi phối một cách khắt khe bởi một nguyên tắc gọi là niyati hay định mệnh. Do đó, Ājīvika thường được đề cập trong kinh văn triết học là Niyativādins. Bản tóm tắt nổi bật nhất về các giáo lý của họ nằm trong Kinh Sa-môn quả[30], chỉ ra rằng họ tin rằng con đường saṃsāra (luân hồi) được sắp đặt một cách cứng nhắc, và mọi linh hồn đều phải trải qua cùng một lộ trình dài vô tận trước khi đạt đến sự giải thoát cuối cùng. Quá trình luân hồi hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ nỗ lực nào
của con người, vì vậy, mặc dù rõ ràng là phụ thuộc vào ý chí của con người, trên thực tế đã được định mệnh tự định đoạt. Giống như Kỳ Na giáo, Ājīvikaa thời kỳ đầu dường như rất thích thú với những danh sách và danh mục dài, và đoạn được đề cập ở trên chứa một sự phân loại dài về các phạm trù của vũ trụ, nhiều chi tiết không thể giải thích đầy đủ. Cả Kinh Sa-môn quả và Kinh Bhagavatī của Kỳ Na Giáo[31] đều quy cho các tín đồ Ājīvika có niềm tin rằng linh hồn chắc chắn phải trải qua 8.400.000 đại kiếp (mahākappa) trước khi thoát khỏi luân hồi. Có bằng chứng cho thấy Ājīvika, giống với Kỳ Na giáo và Phật giáo, cũng duy trì một giáo lý về tiến trình và suy tàn của vũ trụ[32]. Giống như Kỳ Na giáo, họ tin rằng linh hồn là vật chất theo một nghĩa nào đó và có kích thước hữu hạn, đạt đến kích thước 500 do-tuần ở dạng lìa khỏi xác[33].
Trong thời gian sau này, các giáo lý của Ājīvika dường như đã trải qua những thay đổi và phát triển đáng kể, và những mô tả về chủ nghĩa Ajīvika trong kinh điển Tamil khác rất nhiều so với mô tả trong kinh điển Phật giáo và Kỳ Na giáo trước đó. Người sáng lập Ājīvika, Makkhali Gosāla, trong một bản kinh, mang địa vị của một vị thần, người hiện thân với những người thờ phượng mình trong những lần hiển linh chói lọi[34]. Nhà chú giải Malliṣeṇa của Kỳ Na giáo đề cập rằng các tín đồ Ājīvika tin rằng các đạo sư của họ thỉnh thoảng trở về từ Niết-bàn để khôi phục giáo lý thuần khiết[35]. Những đoạn này gợi ý rằng, ở một số nhóm Ājīvika ít nhiều, khuynh hướng hữu thần đã xuất hiện, giống như những khuynh hướng nảy sinh trong Phật giáo để sản sinh ra Đại thừa.
Một số đặc điểm khác của giáo lý Ājīvika sau này, như được đưa ra trong các nguồn tiếng Tamil, cũng đáng quan tâm. Rõ ràng, một số nhóm Ājīvika tin rằng vũ trụ hoàn toàn tĩnh, và thời gian cũng như mọi chuyển động, thay đổi và phát triển trong thời gian đều là hư ảo[36]; giáo lý này, được gọi là avicalita-nityatvam, hay thường hằng bất biến, có một số điểm tương đồng với Sūnyavāda (Tánh Không) của Trung Quán tông của Phật giáo Đại Thừa, và Vedānta của Ấn Độ giáo. Các giáo lý của đạo sư nguyên tử học, Pakudha Kaccāyana, một trong lục sư ngoại đạo của kinh điển Pali[37], tuyên bố sự tồn tại của bảy loại nguyên tử cơ bản, đất, nước, lửa, gió, niềm vui, nỗi buồn và sự sống, dường như vẫn còn tồn tại trong Ājīvika phía nam, nơi được cho có một lý thuyết rất giống với giáo lý này.[38] Một đạo sư khác trong số lục sư ngoại đạo, Pūraṇa Kassapa, được các tín đồ Ājīvika nhớ đến như một đạo sư trong giáo phái của họ[39] và được nhà chú giải Guṇabhadra của Kỳ Na Giáo đề cập tư cách là giáo chủ của giáo lý thuyết định mệnh (niyativāda)[40] vào cuối thế kỷ 14.
Cũng như các tu sĩ Phật giáo, Ājīvika dường như đã biến mất ở Ấn Độ do quá trình đồng hóa dần dần. Dường như, những nhánh phát triển khuynh hướng hữu thần đã hòa nhập với Vaiṣṇavism, trong khi những nhánh vẫn duy trì chủ nghĩa vô thần nguyên thủy của Makkhali Gosāla đã hợp nhất với Kỳ Na giáo Digambara; có thể các nhóm Ājīvika khác đã sát nhập với mật tông trung cổ, mà họ có một số nét tương đồng.[41] Có lẽ Ājīvika có một số ảnh hưởng trong việc khuyến khích các khuynh hướng thuyết định mệnh trong một số nhánh của tư tưởng của đạo Hindu, nhưng chắc chắn ảnh hưởng của nó đối với triết học và tôn giáo sau này là rất nhỏ, và không có bằng chứng nào cho thấy Phật giáo đã từng bị ảnh hưởng đáng kể bởi nó. Phật giáo, Kỳ Na giáo và Ājīvika, ba hệ thống phi Bà-la-môn xuất hiện cùng lúc và ở cùng một vùng của Ấn Độ, đã có những lịch sử rất khác nhau-Phật giáo đã trở thành một trong những tôn giáo lớn của thế giới, Kỳ Na giáo tồn tại như một tôn giáo nhỏ nếu không muốn nói là tầm thường ở vùng đất khởi nguồn của nó, trong khi Ājīvika chỉ được ghi nhớ trong các luận chiến của các đối thủ.
A. L. BASHAM.
THAM KHẢO : History and Doctrines of the Ājīvikas của A.L. Basham (London, 1951) là chuyên khảo duy nhất về chủ đề này. Những đánh giá quan trọng về tác phẩm này, chỉ trích một số cách giải thích của nó là đánh giá của W. Schubring (ZDMG. Quyển 104, 1954, trang 256-63) và Helen N. Johnson (JAOS. Quyển 74, 1954, trang 63-5).
Các nghiên cứu quan trọng nhất về Ājīvika trước đây là nghiên cứu của A, FR Hóernle (Ājīvika, ERE. I, trang 259-69) và B.M. Barua (The Ājīvikas, Journal of the Department of Letters, Đại học Calcutta, II, 1920 , trang 1-80). Rất có giá trị cho việc nghiên cứu bối cảnh hình thành của Ājīvika là AK Warder, ‘On the relationships between early Buddhism and other contemporary systems’ trong BSOAS. XVIII, 1956, trang 43-63.
[1] Ví dụ, D. I,47 ff.; M. I, 198,250; S.I,60; Vin. II, 111 ff. v.v.
[2] DA. I,143-4; Bhagavatī Sūtra, XV, 540.
[3] Bhagavatī Sūtra, XV, 541.
[4] Jinadāsa’s cūrṇī to Avaṣyaka Sūtra (Ratlam, 2 quyển, 1928-9), quyển I, trang 282 ff.
[5] Bhagavatī Sūtra, XV, 542-4.
[6] ibid. XV, 545.
[7] ibid. XV, 539.
[8] Ví dụ, M. I, 524; A. III, 384; DA. I, 162, v.v.
[9] Bhagavatī Sūtra, XV, 550-3.
[10] A. L. Basham, History and Doctrines of the Ājīvikas, trang 127ff.
[11] D. II, 72-3.
[12] A, L. Basham, op. cit., trang 75.
[13] A. F. R. Hoernle. trong ERE. Quyển I, trang 259.
[14] DhpA. II, 52.
[15] J. III, 541.
[16] J. I, 403.
[17] Aupapātika Sūtra, 41, cùng Abhayadeva’s commentary
[18] J. III, 541-2; Vāyu Purāṇa, 69, 286-7.
[19] J. I, 390.
[20] A. L. Basham, op. cit. trang 116-7.
[21] ibid. trang 123 ff.
[22] M. I, 483: A. III, 276.
[23] Vin. II, 165.
[24] Vis. IV, 74.
[25] Vin. II, 284.
[26] A. L. Basham, op. cit. trang 150 ff.
[27] ibid., trang 157.
[28] Vāyu Purāṇa, 69, 284-8.
[29] Mhv. X, 101-2.
[30] D.I. 53-4.
[31] Bhagavatī Sūtra, XV, 550.
[32] A. L. Basham, op. cit. trang 254.
[33] Petavatthu, iv, 3, trang 57 ; Nīakēci, 712.
[34] Nīakēci, 672-3, cùng Vāmanamnni’s commentary.
[35] Syādvādamañjari, ed. A. B. Dhruva (Bombay, 1933), trang 3.
[36] Nīakēci, 694-6, cùng Vāmanamnni’s commentary. Xem Basham, op. cit. trang 235 ff.
[37] D. I, 56.
[38] Maṇimēkalai, xxvii, 113ff. Xem Basham, op. cit. trang 262 ff.
[39] Nīakēci, 668.
[40] To Haribhadra’s Saddarśanasamuccaya. ed. L. Snail, Calcutta, 1905, trang 20.
[41] A. L. Basham, op. cit. trang 186.