ĀJĪVA, sinh kế, phương thức sinh sống hoặc nghề nghiệp mà một người kiếm sống.  Do đó, một người bắn cung để kiếm sống được gọi là yodhājīvin, và những người kiếm sống bằng sáng tác hoặc đọc các bài tán ca là mantassa-ājīvino.  Tuy nhiên, từ này thường xuất hiện trong cặp đối lập của thuật ngữ sammā-ājīva (chánh mạng) và micchā-ājīva (tà mạng).

Thanh tịnh sinh kế (ājīva-pārisuddhi) là một trong những điều kiện thiết mà một vị Tỳ-kheo cần có, trước tiên là mong cầu hoàn thiện đạo đức, và cuối cùng là để đạt được hạnh phúc Niết-bàn. Nó được gọi là nhân duyên hay làm cho một người trở thành sa-môn (samaṇa-karaṇa-dhamma) hay làm cho một người trở thành bà-la-môn (brāhmaṇa-karaṇa- dhamma).  Nó được viên mãn một cách hợp lệ khi sinh kế của một vị Tỳ-kheo hoàn toàn thanh tịnh (parisuddha), trong sạch (uttāna), cởi mở (vivaṭa), không khiếm khuyết (acchiddavā) và được chế ngự (saṃvuta : M. I, 272).  Việc tu tập chánh mạng (sammā-ājīva), tạo nên bước thứ 5 của Bát Chánh Đạo, là phương tiện mà hành giả có thể hy vọng đạt được mục đích này.

Trong Kinh Ambalaṭṭhikā Rāhulovāda có nói rằng thân, khẩu, ý một vị Tỳ-kheo không nên gây hại cho chính mình hay cho người khác, mà nên có ích cho chính mình cũng như cho người khác.  Ở đây, chủ đề bàn luận không phải phương thức thực hiện chánh mạng.  Tuy nhiên, trong đó chúng ta tìm thấy một nguyên tắc chung có thể được chấp nhận như một nền tảng của chánh mạng.  Ở những bài kinh khác (op. cit. III, 75) có những định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ ‘chánh mạng’ và ‘tà mạng’. Trong trường hợp của Tỳ-kheo, tà mạng là kiếm sống bằng những phương pháp như mưu mô (kuhana), ba hoa (lapana), gợi ý (nemittakatā), hạ uy tín (nippesikatā) và cầu lợi dưỡng (lābhena lābhaṃ nijigiṃsanatā), là những sinh kế thấp kém và không xứng đáng với một vị sa môn.  Định nghĩa ājīva-pārisuddhi trong Thanh Tịnh Đạo (trang 19) giải thích chi tiết các thuật ngữ này. Theo đó, việc từ chối các vật dụng cần thiết được cúng dường, làm điệu bộ hoặc chuẩn bị cách cư xử, được gọi là mưu mô.  Ba hoa bao gồm nói quanh co, thuyết phục, gợi ý, tâng bốc và nịnh bợ.  Gợi ý là đưa ra một dấu hiệu hoặc ra dấu.  Lăng mạ, miệt thị, sỉ nhục và chế giễu, dùng đến bịa đặt hoặc nói xấu sau lưng là hạ uy tín. Tìm kiếm hoặc tìm cầu của cải vật chất bằng phương tiện của cải vật chất được gọi là ‘cầu lợi dưỡng’. Vì để mắt đến lợi dưỡng, danh dự, hoặc tiếng tăm, nếu một vị Tỳ-kheo dùng đến bất kỳ điều nào trong số này, vị ấy phạm tội sống cuộc đời bại hoại.

Trường Bộ Kinh (I, trang 9) nói rằng Đức Phật được mọi người tán dương vì cuộc sống thanh bai mà hầu hết các Sa-môn và bà-la-môn đều không có.  “Mặc dù sống bằng thực phẩm do tín đồ dâng cúng, nhưng một số Sa-môn và Bà-la-môn lại kiếm sống bằng tà mạng hay thủ đoạn thấp kém (tiracchāna-vijjā). . . . . . .Sa-môn Gô-ta-ma tránh xa thủ đoạn thấp hèn như vậy.  Trong số những thủ đoạn thấp kém, mà một số Sa-môn và Bà-la-môn sử dụng để kiếm kế sinh nhai, xem chỉ tay, tiên đoán, bói toán, cúng tế, xin lời sấm từ thần thánh, và hành nghề thầy thuốc chữa bệnh về mắt, mổ xẻ hay chữa bệnh cho trẻ em chỉ là một số ít.

Cùng với những tội này còn có sáu tội khác được nêu trong Luật (V, trang 146) và được mô tả trong Thanh tịnh đạo là cấu thành tà mạng. “Vì lý do sinh kế, vì nguyên nhân sinh kế, làm mồi cho dục, nếu một Tỳ-kheo (1) tự xưng được pháp thượng nhân (uttarī-manussa-dhamma) nhưng kỳ thực mình không có (một tội pārājika) ; (2) làm người môi giới (một tội saṅghādisesa); (3) nói, ‘Tỳ-kheo trong chùa của mình là một vị A-la-hán’ (một trọng tội-tullaccaya-đối với Tỳ-kheo biết rõ điều đó không phải sự thật); (4) Tỳ-kheo ăn thức ăn thượng vị mà vị ấy yêu cầu cho riêng mình (tội pācittiya); (5) Tỳ-kheo không bị bệnh nhưng ăn cơm hoặc cà ri mà vị ấy yêu cầu cho riêng mình (tội ác tác-dukkaṭa); hoặc, nếu một Tỳ-kheo ni (6) ăn thức ăn thượng vị mà vị ấy yêu cầu cho riêng mình (tội paṭidesanīya); thì một Tỳ-kheo như vậy được cho là tà mạng, không phù hợp với bổn phận của một Sa-môn chân chính.”

Chánh mạng thường được định nghĩa một cách tiêu cực, nhưng người thực hành nó luôn được kỳ vọng sẽ tu tập những phẩm chất tích cực đó như bố thí, ái ngữ và lòng nhân ái, những điều mang lại hạnh phúc cho chính mình và cho người khác.  Theo Trung bộ Kinh, có hai loại chánh mạng, một dẫn đến hạnh phúc thế gian và một dẫn đến hạnh phúc xuất thế gian. Do đó, Đức Phật dạy, (1) “Ở đây, này các Tỳ-kheo, một Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh kế phù hợp với chánh mạng, đó là hữu lậu (sāsava), phước báo (puññabhāgiya) và đưa đến quả sanh y (upadhi-vepakka)”, và lại nữa, (2) “Này các Tỳ-kheo, bất cứ cái gì ghê tởm, từ bỏ, khước từ, viễn ly tà mạng với tâm hướng thượng (ariya-citta), vô lậu (anāsava), kết hợp với chánh đạo (ariya-magga-samaṅgino), và tu tập theo chánh đạo (ariya-magga-bhārino), chánh mạng đó được cho là vô lậu, cao thượng, xuất thế (lokuttara) và là một đạo chi (maggaṅga).”

Hơn nữa, người ta nói rằng việc tu tập chánh mạng như một chi phần của Bát chánh đạo luôn đi kèm và theo sau là chánh kiến, chánh tinh tấn và chánh niệm.  Do đó, chánh kiến, liên quan đến chánh mạng, là biết chánh mạng là đúng và tà mạng là sai. ‘Chánh tinh tấn’ là nỗ lực để tránh tà màng và kiếm được chánh mạng, trong khi chánh niệm phát huy trong nỗ lực này được gọi là ‘chánh niệm’.

Chánh tinh tấn (viriya) là yếu tố cần thiết nhất để tránh tà mạng và thực hành chánh mạng.  Sau khi từ bỏ những loại tìm kiếm (anesana)  vật dụng cần thiết sai lầm, một vị Tỳ-kheo nên chọn phương tiện đúng đắn như là tiếp tục khất thực (piṇḍapāta). Một thánh đệ tử của Đức Phật sẽ không bao giờ sinh kế bằng những thủ đoạn thấp kém bị Đức Phật lên án.  Có lần, tôn giả Xá-lợi-phất nói rằng (Vism. trang 34),

“Và cho dù ruột của tôi có lòi ra

Và kéo lê trên đất, hay thậm chí

Mạng sống của tôi bị nguy hiểm,

Tôi vẫn sẽ không đánh mất chánh mạng của mình.

Vì tôi thỏa mãn tâm mình

Bằng cách xa lánh mọi tìm cầu sai lầm;

Và tôi sẽ không bao giờ thực hiện

Những tìm cầu mà Đức Phật lên án.”

(bản dịch:  Path of Purification, trang 42.)

Không chỉ chư Tỳ-kheo mà cả cư sĩ cũng phải sinh kế bằng những phương tiện chân chính.  Thái độ chung mà cư sĩ nên áp dụng trong việc kỷ luật bản thân được thảo luận trong các bài kinh như Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (q.v.). Tóm tắt chú giải bài kinh của mình, nhà chú giải dẫn nguyên văn lời dạy của Đức Phật (DA. III, trang 952), “Này Thiện nam tử, vị Thánh đệ tử từ bỏ 4 ác nghiệp và tránh 6 cửa thất thoát tài sản (apāyamukha).  Kết giao với 16 loại bạn bè và sau đó, sau khi sắp xếp cuộc sống gia đình vào nề nếp và chu toàn những bổn phận như hỗ trợ vợ, kiếm sống bằng những nghề nghiệp chân chính.”

Làm giàu là một trong những bổn phận của người cư sĩ, nhưng làm giàu một cách chân chính được xem là hiếm có ở thế gian (A. II, trang 66).  Tuy nhiên, cư sĩ cần cố gắng hết sức để làm giàu mà không vi phạm thập thiện nghiệp đạo (dasa kusala-patha), vì làm giàu như vậy được gọi là theo chánh đạo (dhamma-laddha).  Cư sĩ cần tránh buôn bán vũ khí (sattha), con người (satta), động vật để lấy thịt (maṃsa), chất gây say (majja) và chất độc (visa) (ibid. III, trang 208).  Cư sĩ không nên dùng đến những phương pháp như gian lận bằng cân, tiền đồng hoặc đo lường, hối lộ, gian lận và lừa đảo, gây thương tật, giết người, xiềng xích, ăn trộm, cướp bóc hoặc bạo lực (D. III, trang 176).   Sống bằng những phương tiện thấp kém như vậy không phải là cách sống đúng đắn và ngay thẳng của người cư sĩ.  Thay vào đó, cư sĩ nên làm giàu bằng nhiệt huyết và lao động (uṭṭhāna-viriya), bằng sức mạnh đôi tay (bāhābala) và mồ hôi trán (sedāvakhitta).  Người cư sĩ cần làm công việc chân chính của mình một cách khéo léo và không biết mệt mỏi, đồng thời cần nỗ lực bảo vệ sự giàu có mà mình làm ra.  Với sự giàu có mà mình làm ra, người cư sĩ phải có một cuộc sống cân bằng, không được vượt quá tài sản của mình (A. IV, trang 281). Quan điểm chú  giải của cái sau là điều này.  Một cư sĩ khôn ngoan nên chia thu nhập của mình thành bốn phần.  Phần đầu là để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của mình.

Hai phần dùng để đầu tư kinh doanh và phần thứ 4 để dự phòng cho các nhu cầu tương lai.  Một số người nói rằng phần đầu tiên cũng được dùng để làm từ thiện; nhưng nhà chú giải có xu hướng rút ra từ cả bốn phần cho mục đích từ thiện (AA. IV, trang 138).

Thực hành chánh mạng cho thấy nhiều kết quả khác nhau.  Một mặt, nó có lợi cho việc đạt được quả báo thế gian. Như vậy, 2 trong số 32 tướng đại nhân mà Đức Phật Thích-ca đã có, hay quả thực, bất kỳ Vị Phật hay chuyển luân vương (cakkavatti) nào cũng sẽ có, được cho là kết quả của việc tu tập chánh mạng trong tiền kiếp (D. III, trang 176).  Hai tướng này là hàm răng đều và sáng bóng (sama-danta sukka-dāṭhā).  Hơn nữa, nhờ thực hành tương tự, mà những đệ tử của Ngài đều sẽ có tâm thanh tịnh.  Người tu tập chánh mạng sẽ không bị nói xấu, tổn hại thân thể hoặc bị cầm tù trong đời này.  Sau khi chết, vị ấy sẽ không bị đọa vào bất kỳ ác đạo nào trong 4 ác đạo, mà sẽ có lợi ích khi tận hưởng các đối tượng giác quan thiện.  Đối với lợi ích xuất thế, việc thực hành chánh mạng đưa hành giả đến với tứ đạo và quả (maggaphala), và làm cho vị ấy dự phần vào hỷ lạc của Niết-bàn. Xem Upāsaka-janālaṅkāro (Pali viết bằng chữ Sinhala. Edd. Rajjama Dhīrālaṅkāra cùng những tác giả khác, Colombo, 1926, trang 106).

C. W.