AJITA KESAKAMBALῙ, (hay là Ajita Kesakambala, Tiếng Phạn Ajita Keśakambalī, Ajita Keśakarnbala)
AJITA KESAKAMBALῙ, (hay là Ajita Kesakambala, Tiếng Phạn Ajita Keśakambalī, Ajita Keśakarnbala), 1 trong 6 vị giáo chủ nổi tiếng của ngoại đạo được Kinh điển Phật giáo đề cập là cùng thời với Đức Phật, 5 người còn lại là Pūraṇa Kassapa, Makkhali Gosāla, Pakudha Kaccāyana, Sañjaya Belaṭṭbaputta và Ni-kiền-tử Nhã-đê-tử (D. II, 150; Avś. trang 102; Mhvyut. § 179). Dường như, Ajita có chút tiếng tăm nhất định với tư cách là một đạo sư, vì ông được mô tả là giáo chủ của một lượng lớn tín đồ, nổi tiếng và được biết đến là một nhà ngụy biện (titthakara), được nhiều người tôn kính, một người từng trải qua nhiều năm khổ hạnh, cao tuổi và ốm yếu (D. I, 48; M. I, 198; v.v.). Ông lớn Đức Phật nhiều tuổi và sống khổ hạnh lâu năm hơn Ngài nhiều (S. I, 68; Sn. trang 92; Rockhill, The Life of the Buddha, trang 49 tham khảo trong Dulva).
Tóm tắt ngắn gọn nhất về giáo lý của Ajita được tìm thấy trong Kinh Sa Môn Quả của Trường Bộ Kinh và đáng chú ý là tất cả những khẳng định của ông đều mang tính chất phủ định:không có bố thí, cúng tế hay cúng dường, cũng không có phần thưởng hay quả báo cho hành động của một người, không có kiếp sau, không có cha, chẳng có mẹ, cũng không có chúng sanh tự được sinh ra. Không có nhà tu khổ hạnh hay Bà-la-môn nào đã đạt đến sự viên mãn, những người sau khi đã hiểu và thấy rõ về (bản chất) thế gian cũng như các cõi giới khác, truyền đạt trí tuệ của mình cho người khác. Cơ thể của một người được tạo thành từ tứ đại. Sau khi người này qua đời, Thổ sẽ trở về với đất, Thủy sẽ trở về với nước, Hỏa sẽ trở về với lửa và Phong sẽ trở về với không khí, trong khi các căn đi vào hư không. Bốn người đàn ông khiêng quan tài đựng xác anh ta. Cho đến khi đến được nghĩa địa, họ sẽ thốt lên những lời ca ngợi, nhưng ở đó xương của anh ta bị phai màu và những lễ vật của anh ta biến mất thành tàn tro. Nói về việc bố thí là giáo lý của kẻ ngu vì chúng lừa dối khi nói rằng việc bố thí sẽ mang lại lợi ích. Khi chết, (thi thể) của người trí và kẻ ngu đều bị chặt đứt, tan hoại và không tồn tại sau khi chết (D. I, 55). Một đoạn rất giống với đoạn này về
giáo lý tà đạo được tìm thấy trong Sūtrakṛtāṅga của Kỳ Na giáo và có lẽ được đồng nhất với giáo lý của Ajita (xem SBE. XLV, trang 340). Do đó, ông ta phủ nhận có kiếp trước và kiếp sau, đức hạnh và ác hạnh, cõi trời và địa ngục, và quả báo của thiện nghiệp hay ác nghiệp. Ngài bác bỏ mọi kiến thức bằng tuệ giác. Bằng cách tuyên bố cúng tế là vô ích, ông tố cáo chủ nghĩa nghi lễ của đạo Bà-la-môn. Với triết thuyết của mình, cho rằng con người được cấu thành bởi tứ đại, sẽ tan rã khi qua đời, ông đã bác bỏ triết thuyết về linh hồn của Áo nghĩa thư. Quan điểm của ông rất gần với quan điểm của Cārvākas, những người theo chủ nghĩa Duy vật, những người theo hệ thống Lokāyata được cho là do Brhaspati, một nhân vật huyền thoại, sáng lập. Cārvākas không tin vào kiếp sau và đưa ra giả thuyết rằng con người được cấu thành bởi tứ đại – Thổ, Thủy, Hỏa và Phong, và ý thức là sản phẩm từ sự kết hợp của Tứ đại, sẽ bị tiêu diệt cùng thân thể vào lúc chết. Ajita Kesakambalī, rõ ràng là một người theo chủ nghĩa duy vật, cũng giảng dạy giáo lý đoạn diệt (ucchedavāda). Ông được mô tả là người sáng lập lịch sử của Chủ nghĩa duy vật Ấn Độ (B. M. Barua, A History of Pre-Buddhistic Indian Phylosophy, trang 288). Barua cũng bày tỏ quan điểm rằng Ajita ở khía cạnh tiêu cực trong học thuyết của mình cho thấy sự tương đồng với Epicurus, trong khi ở khía cạnh tích cực trong những suy đoán của mình, ông ta có vẻ là một người Khắc kỷ hơn là một người theo thuyết Epicurean, luận điểm cơ bản của ông ta là không có gì là ngoài vật chất, không điều gì là có thật (ibid. trang 293). Giáo lý của ông là giáo lý về phi nghiệp (akiriyavāda).
Mặc dù đoạn Pali chỉ đề cập đến tứ đại và không nhắc đến quan điểm của Ajita về linh hồn, nhưng đoạn Sūtrakṛtāṅga tương đồng của Kỳ Na Giáo lại đưa ra lý thuyết về linh hồn của ngoại đạo, một lần nữa gần giống với quan điểm của Cārvāka cho rằng – linh hồn không khác với thể xác, ‘Từ lòng bàn chân trở lên, từ ngọn tóc trên đầu trở xuống, bên trong bề mặt da là (thứ được gọi là) linh hồn (jīva) hay thứ tương tự, ātman. Toàn bộ linh hồn sống; khi (thể xác) này chết đi, nó cũng không còn sống được nữa. Nó tồn tại khi thể xác còn tồn tại, nó không tồn tại lâu sau khi thể xác bị tàn hoại…Như một người đàn ông rút thanh kiếm ra khỏi bao và giơ lên (bạn, nói): ‘Này anh bạn, đây là thanh kiếm, và đó là bao (kiếm)’, vì vậy không ai có thể rút (linh hồn ra khỏi thể xác của bạn) và giơ lên (bạn, nói): ‘Này anh bạn, đây là linh hồn và đó là thể xác’…’’ (SBE. XLV, trang 340). Do đó, giáo lý của Ajita được gọi là Taṃ-jīva-taṃ-sarīra-vāda (linh hồn và thể xác là một) trái ngược với giáo lý linh hồn tách biệt với thể xác (aññaṃ-jīva-sarīra-vāda).
Không có dấu hiệu nào trong đoạn Kinh Sa Môn Quả cho thấy Ajita như Cārvākas ủng hộ chủ nghĩa hưởng thụ. Nhưng Sūtrakṛtāṅga tiếp tục nói về đạo sư ngoại đạo, “Vì vậy, thực hiện nhiều việc khác nhau, họ tham gia vào nhiều thú vui và trò vui khác nhau để hưởng thụ.”.
Một số người đã đồng nhất Ajita Kesakambalī với Kambalāśvatara, một Cārvāka, được đề cập trong Tattvasaṅgraha của Sāntaraksita. (Xem A. K. Warder, ‘On the Relationship between Earlt Buddism and other Contemporary Systems’, trong BSOAS. Tập XVIII, 1956, trang 43 ff.) Lý thuyết của Kambalāśvatara cho rằng ý thức bắt nguồn từ chính thể xác được trang bị 5 hơi thở, prāṅa, apāna, … (Tattvasaṅgraha, 1864).[1]
Ngoài đoạn được đề cập, còn có một vài tài liệu tham khảo rải rác khác về giáo lý của Ajita trong kinh điển Pali và trong Kinh văn sau này. Đoạn Kinh Sa Môn Quả mô tả giáo lý của Ajita lặp lại ở những nơi khác như quan điểm của một nhà ngụy biện điển hình mà không đề cập đến tên của Ajita (M. I, 515; S. m, 207). Đôi khi, Ajita bị nhầm với các giáo chủ ngoại đạo khác. Mặc dù Ajita dứt khoát phủ nhận tái sinh, nhưng trong một trường hợp, ông được mô tả là đang thảo luận về sự tái sinh của các đệ tử của mình (S. IV, 398). Trong Tăng Chi Bộ, dường như Ajita Kesakambalī đã bị nhầm với Makkhali Gosāla, vì sự so sánh này phù hợp với Ajita hơn (A. I; 286). Pāyāsi, thủ lĩnh của Setavya ở Kiều-tất-la, người xuất hiện trong bối cảnh vài năm sau khi Đức Phật nhập diệt, tuyên bố quan điểm rất giống với quan điểm của Ajita Kesakambalī, “Chết là hết, ngoài việc được sinh từ cha mẹ, không có chúng sinh nào tái sinh, thiện nghiệp hay ác nghiệp đều không có quả báo”. Ông ta viện dẫn nhiều lý lẽ để hỗ trợ cho lý thuyết đoạn diệt của mình, tuy nhiên, từng lý lẽ đều bị tôn giả Câu-ma-la-ca-diếp bác bỏ, người cuối cùng đã khuất phục ông ta đi theo giáo lý của Đức Phật (Kinh Pāyāsi, D. II, 316 ff.). Trong một mớ hỗn độn các quan điểm, được cho là của một số ngoại đạo, một số gợi nhớ đến quan điểm của Ajita – do đó, của Nandaka trong Petavatthu (trang 59, v. 27) và của Ca-diếp khổ hạnh lõa thể trong Chuyện tiền thân Mahānāradakassapa (VI, 225). Phiên bản tiếng Tây Tạng của Kinh Sa Môn Quả trong Dulva gán cho Ajita một số quan điểm của một trong hai giáo chủ ngoại đạo khác – Pakudha Kaccāyana và Makkhali Gosāla (Rockhill, op. cit. trang 102). Trong khi trong một bản Kinh Sa Môn Quả tiếng Hán, câu chuyện về quan điểm của Ajita gần giống với phần sau của câu chuyện bằng tiếng Pali, thì một bản tiếng Hán khác đã nhầm Ajita với Sañjaya Belaṭṭbaputta, người theo chủ nghĩa hoài nghi (Rockhill, op.cit . trang 257. Xem thêm P. V. Bapat, ‘Śrāmaṇyaphala Sūtra and its different versions in Buddhist Literature’, Indian Culture, Quyển XV). Trong bản tiếng Hán này, người ta tìm thấy dư âm về quan điểm của Ajita phủ nhận quả báo của thiện nghiệp và ác nghiệp (Miln. trang 25).
Đoạn Kinh Sa Môn Quả liên quan đến quan điểm của Ajita được vua A-xà-thế kể lại, người kể cho Đức Phật về chuyến viếng thăm của ông với Ajita Kesakambalī và 5 giáo chủ ngoại đạo khác, và thuật lại những lời dạy mà ông được nghe từ họ (D. I, 55. Phần mở đầu của Chuyện tiền thân Sañjīva có đề cập đến sự việc này, trong J. I, 509). Một trường hợp được ghi lại khi Ba-tư-nặc xứ Kiều-tất-la cũng tham vấn Ajita (S. I, 68). Khất sĩ Sabhiya (Sn. 92 f.) và Nālaka (Mhvu. III, 383)là 2 trong số những người khác đã gặp ông. Tất cả những người này đều rời đi với thái độ không hài lòng và tiếp theo tìm đến Đức Phật. Câu chuyện trong Milindapañha (trang 4) về việc Milinda gặp Ajita và năm giáo chủ ngoại đạo khác không thể ám chỉ sáu giáo chủ ngoại đạo vào thời Đức Phật và rất có thể là một sự suy diễn.
Ajita Kesakambalī đã nhiều lần tuyên bố là có thần thông (iddhi) nhưng không tìm được nơi để đưa ra bằng chứng về điều đó. Khi một thương gia ở Vương-xá cúng dường một chiếc bát bằng gỗ đàn hương quý giá, mà ông ta treo trên đỉnh của sào tre dài, cho nhà khổ hạnh đắc đạo, người có thể lấy nó bằng thần thông của mình, Ajita và năm giáo chủ ngoại đạo kia đã yêu cầu chiếc bát và tuyên bố rằng họ đã đắc đạo (arahā) và sở hữu đại thần thông (iddhimā), nhưng chính Tỳ-kheo Tân-đầu-lô-phả-la-đọa mới thực sự có thể bay lên khỏi mặt đất và nhận được chiếc bát (Vin. II, 111). Trong chú giải của Kinh Tập, người ta nói rằng Ajita tuyên bố đã đạt đến toàn trí (SnA. II, 423), nhưng ở những tài liệu khác khi bị Ba-tư-nặc chất vấn, ông không tuyên bố như vậy (S. I, 68). Khi một trận bệnh dịch bùng phát ở Tỳ-xá-ly, dân chúng đến gặp Ajita và các giáo chủ ngoại đạo khác để dập tắt bệnh dịch, nhưng tất cả bọn họ thất bại trong nỗ lực của mình, cuối cùng chính Đức Phật mới là người dập tắt bệnh dịch thành công (Mhvu. I, 253 ff.). Các cặp thần thông (yamaka-pāṭihāriya) được Đức Phật khai triển vào năm thứ 7 sau khi thành đạo tại một địa điểm gần Xá-vệ bác bỏ Ajita và 5 giáo chủ ngoại đạo khác. Chuyện kể rằng sau tay giáo chủ này đều tuyên bố đã đạt được Đại thần thông lực và vì những kẻ này cảm thấy Đức Phật đang cướp mất lòng ngưỡng mộ mà dân chúng dành cho mình, nên chúng quyết định tổ chức một thách đấu công khai về thần thông, với hy vọng đánh bại được Đức Phật. Vua Ba-tư-nặc của Kiều-tất-la đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho buổi biểu diễn. Đức Phật là người đầu tiên khai triển thần thông và và khi Ngài biểu diễn các cặp thần thông, sáu tay giáo chủ không dám tỏ ra thua kém và xấu hổ bỏ chạy. (Xem DA. I, 57 ; Divy. trang 143 ff.).
Ngài Huyền Trang nói về một tịnh xá ở Xá-vệ, nơi mà Đức Phật được cho là đã tổ chức một cuộc đàm đạo với những kẻ ngoại đạo. Ông cũng đề cập đến một bảo tháp được dựng gần đó tại nơi mà tôn giả Xá-lợi-phất đã làm câm họng sáu tay giáo chủ ngoại đạo. Ngài Huyền Trang nói rằng khi tôn giả Xá-lợi-phất đi cùng trưởng giả Cấp Cô Độc đến khu rừng của Thái tử Kỳ-đà để giúp đỡ về kế hoạch xây dựng tịnh xá, sáu tay giáo chủ này đã tìm cách tước đoạt thần lực của tôn giả, nhưng Tôn giả đã khiến chúng hiểu ra và khuất phục chúng. Ngài Huyền Trang cũng đề cập đến một tịnh xá và bảo tháp được xây dựng ở Đức Phật khuất phục những tay giáo chủ ngoại đạo. (Beal, Buddhist Records of the Western World, Quyển VI, trang 10).
Ajita được xác định là một trong những nhân vật trong một chuyện tiền thân. Chuyện kể rằng, trong một tiền kiếp, ông được sinh ra làm một trong năm tu sĩ ngoại đạo cho vua xứ Ba-na-lại. Kiếp đó, ông cũng thuyết giảng giáo lý đoạn diệt (ucchedavāda) và bị Bồ Tát bác bỏ, người mà vào kiếp đó sinh ra làm một vị khất sĩ tên là Bodhi (chuyện tiền thân Mahābodhi, trong J. V, 246).
Ajita là tên riêng của ông và ông có tên là Kesakambalī từ y phục của mình. Ông trùm một chiếc mền bằng tóc (kesakambala – tóc người theo nhà chú giải), là ‘thứ thấp hèn nhất trong tất cả các loại y phục’. Nó lạnh khi thời tiết lạnh, ấm khi thời tiết ấm, màu sắc xấu xí, có mùi khó ngửi và gây cảm giác khó chịu khi chạm vào (DA. I, 144; MA. II, 233). Việc lựa chọn y phục này cho thấy ông là người tin vào khổ hạnh (SnA. II, 423) mặc dù trên thực tế, ông là người theo chủ nghĩa duy vật. Mền lông là một loại y phục được các nhà tu khổ hạnh khoác lên mình vào thời Đức Phật (D. I, 167; M. I, 78; A. I, 240).
Tất cả thông tin chúng tôi có thể thu thập được về Ajita Kesakambalī là từ các tác phẩm của các tôn giáo khác, nơi ông bị coi là kẻ ngoại đạo. Vì vậy, không thể mong những câu chuyện này không có thành kiến. Vì vậy, trong Kinh Sūtrakṛtāṅga của Kỳ Na Giáo, Mahāvīra (tức là Ni-kiền-tử Nhã-đê-tử) lên án giáo chủ ngoại đạo, người có thể được xác định một cách hợp lý là Ajita, là một kẻ sát nhân dạy các tín đồ giết, đốt cháy và tiêu diệt, và tham gia vào những thú vui để hưởng thụ, vì chết là hết (SBE. XLV, trang 341). Trong Kinh điển Phật giáo, Ajita Kesakambalī hiếm khi xuất hiện một mình. Ajita và 5 kẻ khác thường được coi là một nhóm gồm sáu giáo chủ ngoại đạo và tên của Ajita Kesakambalī thường xuất hiện ở vị trí thứ 3 theo thứ tự (var. °kambali, °kammala). Xem thêm CĀRVĀKA, ANNIHILATION.
LAKSHMI R. GOONESEKERE.
[1] Để hiểu riêng về triết lý của Ajita, ngoài các tác phẩm đã đề cập, xin xem thêm, B. C. Law, Buddhistic Studies, trang 81 f.: ‘Influence of Five Heretical Teachers on Jainism and Buddism’, trong JASB (Belgal) 1919, trang 123 f.; Heaven and Hell in Buddhist Perspective, Appendix by B. M. Barua; W. Ruben, Geschichte der Indischen Philosophie, Berlin, Deutscher Verlag der Wissenchaften, 1954: Dakshinaranlan Shastri, A short History of Indian Materialism công ty THNN The Book, 1930.