AJITA (1), danh hiệu Phật Di Lặc. Xem MAITREYA.

AJITA (2), Bậc vô thượng, được Đức Phật Thích-ca tuyên bố cho năm Tỳ-kheo Bhadravargīya, là tên của 1 trong 1000 vị Phật sẽ xuất hiện trong hiền kiếp (bhadrakalpa) này và sở hữu ánh hào quang 12 do tuần (Mhvu. III, 330 ).  Dường như, Ngài được phân biệt với Đức Phật Di Lặc tương lai, Vị cũng có một danh hiệu là ajita.

AJITA (3), Đức Phật độc giác sống cách đây 91 đại kiếp. Trưởng lão Dāsaka, trong một tiền kiếp, đã từng cúng dường xoài cho Ngài (ThagA. I, 72).

AJITA (4), 1 trong 16 vị A-la-hán, theo Nandimitrāvadāna, được ngài Huyền Trang dịch sang tiếng Hán.  Trong tác phẩm này, do vị A-la-hán Nandimitra ở Siṃhala (Tích Lan) biên soạn khoảng 800 năm sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Ajita là vị A-la-hán thứ 15 được đề cập, và Ngài được kể là đã sống với Hội chúng (retinue) gồm 1500 vị A-la-hán của mình, hầu hết là trên núi Gṛdhrakūṭa.

16 vị A-la-hán này, theo Kinh Ratnamemegha (tập vii) được đề cập trong ‘Những chú thích về nghiên cứu phân tích của Kinh Saddharmapuṇḍarīka’, đã được Đức Phật ra lệnh phải hộ trì Phật Pháp và không được nhập Niết-bàn cho đến khi Đức Phật kế tiếp xuất hiện.  16 Vị đã phát lời thề nguyện thực hiện điều này trước mặt Đức Phật.


Sau bản dịch Nandimitrāvadāna vào thời nhà Đường, việc tôn kính 16 vị A-la-hán này đã trở nên phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, và nhiều bức tranh được ghi nhận là được vẽ bởi Lu Leng-Ch’ieh của thời Ch’ien-yüan (758-760 sau công nguyên).

Rõ ràng là khái niệm ‘quả vị A-la-hán’ đối với 16 vị đệ tử này của Phật Thích-ca-mâu-ni không hoàn toàn phù hợp với giáo lý Nguyên Thủy. Cũng không thể đồng nhất A-la-hán Ajita của truyền thống Đại thừa với bất kỳ vị đệ tử nào của Đức Phật được biết đến từ Kinh văn Pali.

H. G. A. v. Z.

AJITA (5), một Bà-la-môn, được gọi là Ajitamāṇava, người sau này trở thành một trưởng lão A-la-hán.  Ngài là tác giả của bài kệ 20 trong Trưởng lão Tăng kệ, và được gọi là trưởng lão Ajita. 

Ngài là 1 trong 16 đệ tử của Bà-la-môn Bāvarī, được Bà-la-môn này cử đi cùng với các môn đồ của họ để chất vấn Đức Phật về chủ đề đầu và chặt đầu, sau khi Bāvarī đã bị một Bà-la-môn khác nguyền rủa rằng đầu của ông ta sẽ bị chẻ làm bảy. Câu hỏi của Ajita và câu trả lời của Đức Phật có trong Ajitamānavapucchā (q.v:) của Phẩm Pārāyana của Kinh Tập.  Theo phần mở đầu, Ajita đã đặt những câu hỏi mở đầu trong đầu để chắc chắn rằng Ngài đang nói chuyện với Đức Phật.  Chuyện kể rằng, vào cuối cuộc trò chuyện, Ajita đã xin xuất gia.  Chú giải Kinh Tập cho biết thêm rằng Ajita đã chứng quả A-la-hán cùng với 1000 đệ tử của mình.  Trang phục ẩn sĩ của họ biến mất và được thay thế bằng áo cà sa (SnA. trang 587-588). Sự việc này cũng được ghi lại trong chú giải Tăng Chi Bộ với một chút thay đổi.  Nó cung cấp thông tin bổ sung rằng Ajita là cháu trai của Bāvarī, Bāvarī đã đặc biệt yêu cầu Ngài trở lại cùng với những lời dạy của Đức Phật vì ông nghi ngờ những người khác sẽ không quay lại.  Ajita đi với tư cách là Bậc huynh trưởng của 16 đệ tử và số lượng một ngàn môn đồ theo sau mỗi người (AA. I, trang 335).  Chú giải Trưởng lão Tăng Kệ lặp lại câu chuyện về việc cải đạo của Ngài, nhưng dường như chỉ ra rằng ngài không chứng A-la-hán ngay.  Sau khi xuất gia, ngài bắt đầu một đề mục thiền định, và chỉ sau khi phát triển tuệ giác, ngài mới chứng A-la-hán (ThagA. I, trang 78).

Chúng ta có những thông tin sau đây về giai đoạn đầu đời của trưởng lão Ajita.  Ngài sinh ở Xá-vệ, là con trai của vị Bà-la-môn thẩm định giá của vua xứ Kiều-tất-la và được đặt tên là Ajita (ibid.).  Ngài trở thành một nhà tu khổ hành theo sự dẫn dắt của Bāvarī, người mà để làm hài lòng nhà vua, ban đầu đã trú ngụ trong công viên của hoàng cung.  Nhưng để tìm một nơi vắng vẻ hơn, họ đã đi từ Uttarajanapada đến Dakkhiṇajanapada (SnA. II, trang 580). Cuối cùng, họ định cư bên bờ sông Godhāvarī ở vùng lân cận Assaka và Mūlhaka (Sn. v. 977; AA. I, trang 333).


Nhiều câu chuyện cũng kể về các tiền kiếp của trưởng lão Ajita.  Chú giải Kinh Tập mô tả các tiền kiếp của Bāvarī và 16 đệ tử của ông và mỗi người có 1000 môn đồ theo sau.  Vào thời Đức Phật Ca-diếp, trưởng lão Ajita là 1 trong 16 thợ mộc dưới quyền của Bāvarī, thủ lĩnh của họ.  Họ chiếm giữ một vương quốc trên dãy Himālayas và trong khi Bāvarī được biết đến là Kaṭṭavāhanarājā, trưởng lão Ajita trở thành 1 trong 16 quan đại thần của ông ta.  Họ nghe tin tức về sự xuất hiện của Đức Phật (Ca-diếp) từ vua xứ Ba-na-lại, nhưng trước khi trưởng lão Ajita và các quan đại thần khác đến đó, Đức Phật đã nhập diệt. Tuy nhiên, họ đã gia nhập Tăng đoàn và sau khi mạng chung, được sinh lên cõi trời Dục giới, và ở đó cho đến thời Đức Phật Gô-ta-ma (SnA. II, trang 575-9).

Vào thời Đức Phật Tỳ-bà-thy, chuyện kể rằng trưởng lão Ajita đã cúng dường cho Đức Phật một trái quách (kapiṭṭha-phala). Sau đó, ngài làm các việc công đức và tái sinh qua lại giữa cõi trời và cõi người cho đến kiếp cuối cùng, tái sinh vào thời Đức Phật Gô-ta-ma (ThagA. I, ibid.).  Ngài được đồng nhất với trưởng lão Kapiṭṭhaphaladāyaka trong Sự Nghiệp Anh Hùng, người đã cúng dường một một trái quách cho một Đức Phật và chuyện kể rằng, nhờ đó mà vị trưởng lão này không còn biết đến các kiếp sống đau khổ (Ap .II, Số 509).

Trưởng lão Ajita của Sự Nghiệp Anh Hùng (I, Số 397) có lẽ cũng đề cập đến Ajitamāṇava, mặc dù câu chuyện tiền kiếp của ngài khác với câu chuyện Ajitamā-nava.  Theo câu chuyện này, trong một tiền kiếp, ông đã cúng dường ngọn đèn thắp sáng trước Đức Phật Thắng Liên Hoa và Đức Phật đã thọ ký rằng những kiếp sau ông sẽ được sinh lên trời, làm chuyển luân vương (cakkavatti) và vua ở cõi người.  Đức Phật còn tiên đoán rằng trưởng lão Ajita sẽ được ban cho Thiên nhãn nhờ sự cúng dường này và cuối cùng sẽ trở thành đệ tử của Đức Phật Gô-ta-ma.  Lời thọ ký đã ứng nghiệm và Ajita hết thọ mạng từ cung trời Đẩu suất, ngài được sinh vào cõi người giữa ánh sáng ngập tràn, đúng như lời Đức Phật Thắng Liên Hoa đã tiên đoán.  Ngài từ bỏ thế gian và trở thành một nhà tu khổ hạnh dưới sự hướng dẫn của Bāvarī và khi đang trú ngụ tại Himālayas, ngài được nghe kể về Đức Phật (Gô-ta-ma).

Bất chấp sự khác biệt giữa câu chuyện này và những câu chuyện khác về Ajitamānava, sự thật là cả hai đều mang cùng một tên (Ajitamānava cũng được gọi là Ajita trong Kinh Tập, Trưởng lão Tăng Kệ và chú giải của nó) và rằng cả hai đều là đệ tử của Bāvarī trước khi chịu sự chỉ dạy của Đức Phật khiến cho việc họ đề cập đến cùng một Ajita là hợp lý.

Tuy nhiên, hãy xem N. A. Jayawicknama, ‘Kinh Tập: Pucchās của Phẩm Pārāyana’ trong UCR. IX, 1 (Tháng 1 năm 1951) trong đó tác giả bày tỏ quan điểm rằng trưởng lão Ajita của Ajitamāṇavapucchā và trưởng lão Ajita của Trưởng lão Tăng Kệ, chú giải Trưởng lão Tăng KệSự Nghiệp Anh Hùng số 509 là hai người khác nhau.  Tác giả còn nghi ngờ liệu trưởng lão Ajita có phải là một Bà-la-môn hay chỉ vì ông ta được gọi là một Bà-la-môn trong Vatthugāthā (phần mở đầu) và được gọi là mānava trong tiêu đề của pucchā, bởi vì điều quan trọng là trong bản thân pucchā, chắc chắn là lâu đời hơn Vatthugāthā, trưởng lão Ajita được gọi là āyasmā Ajito.  Tác giả tiếp tục nói rằng “người ta sẽ không sai khi phỏng đoán rằng vì các nhà tiên tri kṣatriya là những người trông coi truyền thuyết Áo nghĩa thư và vì cách suy nghĩ của Ajita giống với cách suy nghĩ của họ rằng ông ấy là một kṣatriya thuộc trường phái Áo nghĩa thư.”

L. R. G.

 

AJITA (6), một Tỳ-kheo hết lòng giảng giải pātimokka (ba-đề-mộc-xoa). Ngài được Tăng đoàn chỉ định việc xếp chỗ ngồi cho các trưởng lão tham gia Đại hội kết tập lần thứ hai được tổ chức tại Vālikārāma.  Khi đó, Ngài được cho mới là một sa di mười tuổi.  (Vin. II, 305; Mhv. iv, 51).

 

AJITA (7), một bà-la-môn, Bồ Tát trong thời Đức Phật Sobhita.  Ngài đến nghe Đức Phật thuyết pháp, quyết định cải đạo và cúng dường rất nhiều cho Đức Phật và chúng Tăng.  Đức Phật Sobhita thọ ký rằng Ajita sẽ thành một vị Phật trong tương lai (J. I, trang 35, ApA. trang 38). Trong Phật Sử (vii, 12-13) tên của Ngài được ghi là Sujāta. Theo chú giải Phật Sử, Bồ Tát được sinh ra ở thành Rammavati.

 

AJITA (8), tên của trưởng lão A-la-hán, Citakapūjaka (q.v.), trong một tiền kiếp là một bà-la-môn.

 

AJITA (9), thị giả của Bồ Tát trong một tiền kiếp. Một hôm, Ajita đi theo bồ tát, khi đó là một bà-la-môn khổ hạnh, dọc theo một con đường núi. Trong một hang lớn ở bên dưới, họ nhìn thấy một con hổ cái đang bị cơn đói hành hạ và sẵn sàng ăn tươi nuốt sống những con non của mình.  Ngay lập tức, Ajita được sư phụ của mình sai đi tìm thức ăn cho con hổ.  Nhưng khi quay lại, anh thấy con hổ cái đang ăn xác chết của bồ tát, người mà khi đó, đã hy sinh mạng sống của mình vì lợi ích của hổ cái và đàn con.  Trông thấy cảnh tượng này, Ajita, trong một cuộc độc thoại đẹp, đã thốt lên sự ngưỡng mộ của mình đối với lòng từ bi và hy sinh thân mạng của bồ tát. (HOS. I, 3, 4 f.).

 

AJITA (10), một du sĩ (paribbājaka) đã hỏi Đức Phật về chủ đề những thứ tạo nên một Bậc hiền, và đáp lại đã nhận được một lời giải thích về chánh (dhamma) ngữ và tà (adhamma) ngữ. (A.V, 1229). Xem AJITA SUTTA.

 

AJITA (11), một vị tướng của Licchavis và là một đệ tử của Đức Phật. Sau khi mệnh chung, ông được sinh lên cõi trời Đao Lợi. Với tư cách là một chư thiên, ông đã đến thăm Đức Phật để bác bỏ lời tuyên bố của đạo sĩ khổ hạnh lõa thể (Acela) Pāṭikaputta với dân chúng Bạt-kỳ rằng Ajita bị đọa vào đại địa ngục (D. III, 15).

Bản chú giải giải thích thêm về lời tuyên bố của Pāṭikaputta.  Đạo sĩ được cho là đã đưa ra câu trả lời này khi được dân chúng hỏi về nơi đến của Ajita hỏi sau nghi thức tang lễ.  Hắn còn khẳng định rằng Ajita đã hiện ra trước mặt hắn và mếu máo nói rằng do từ bỏ lời dạy của Pātikaputta và đi theo Đức Phật, ông đã bị đọa vào địa ngục (DA. III, trang 825).