AJĀTASATTU, vua xứ Ma-kiệt-đà
AJĀTASATTU, vua xứ Ma-kiệt-đà. Câu chuyện về cuộc đời của A-xà-thế, người đã trị vì trong 8 năm cuối cùng của cuộc đời Đức Phật và 24 năm sau đó[1], bắt đầu ngay cả trước khi ông được sinh ra. Đó là một sự việc trước khi sinh đã khiến ông có tên là A-xà-thế, cái tên đã gắn liền ông trong suốt cuộc đời và thậm chí là cả sau đó, thay thế cho tên riêng của ông, vốn không được biết đến trong lịch sử Phật giáo nguyên thủy[2]. Bởi vì, vào thời điểm thụ thai, mẹ ông, công chúa Vi-đề-hy và là con gái của vua Kiều-tất-la, bỗng nảy sinh một ham muốn mãnh liệt là được uống máu từ đầu gối phải của chồng bà, vua Tần-bà-sa-la của xứ Ma-kiệt-đà. Khi nghe điều này, vua Tần-bà-sa-la đã triệu tập các nhà chiêm tinh để tìm hiểu về hậu quả của việc làm này. Các nhà chiêm tinh cho biết: “Sau này, đứa bé đang nằm trong bụng hoàng hậu sẽ giết Ngài và chiếm lấy ngôi vua.” Cho dù là do không để ý đến lời tiên tri này, hay do chấp nhận không chút do dự, vua Tần-bà-sa-la cũng đã dùng gươm để rạch đầu gối phải của mình và nhỏ máu vào một cái chén bằng vàng cho hoàng hậu uống. Thế nhưng, hoàng hậu không còn tình thương dành cho đứa trẻ trong bụng, đứa trẻ trở thành kẻ thù của cha nó ngay từ khi còn chưa chào đời (ajātasatttu[3]). Nhiều lần, bà cố gắng phá thai bằng cách khiến tử cung của mình bị ‘nghiền nát’ và bị đun nóng bằng hơi nước. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực của bà, đứa trẻ vẫn được sinh ra đúng thời điểm để ứng nghiệm lời tiên tri, như sẽ được thấy ở phần sau.
Tuy nhiên, vua Tần-bà-sa-la lại thương yêu đứa con của mình tha thiết, đến nỗi một lần, thay vì tập trung vào bài pháp của Đức Phật, lúc đó được thỉnh vào hoàng cung để thọ thực, nhà vua đã ôm cậu bé vào lòng mà không để tâm đến những lời giảng. Đức Phật đã khuyên nhủ nhà vua về mối liên hệ này và kể một câu chuyện xa xưa, được gọi là Chuyện tiền thân Thusa[4], trong đó nhà vua được cho biết về mối nguy hiểm đang đến với mình từ người con trai. Thế nhưng, vua Tần-bà-sa-la lại không để tâm đến lời khuyên của Ngài.
Một sự việc khác có liên quan, cho thấy tình cảm của Tần-bà-sa-la dành cho con trai của mình. Có lần A-xà-thế vô cùng đau đớn vì bị áp xe ở ngón tay. Mặc dù đang xét xử, nhưng nhà vua vẫn ngậm ngón tay đang mưng mủ của con trai vào miệng mình, nơi ổ áp xe vỡ ra, hòng xoa dịu nỗi đau cho nó. Vì không thể rời khỏi phòng xử án để nhổ mủ ra ngoài, nên ông đã nuốt nó[5].
Thái tử A-xà-thế bộc lộ khuynh hướng xấu ác từ khá sớm. Một lần, chàng ta đến thăm cung điện đang được xây dựng cho trưởng khố Jotika. Nắm tay cha mình, khi đi vòng quanh cung điện, chàng ta nghĩ thầm, “Cha ta quả là một kẻ khờ khạo! Tên Jotika này, mặc dù chỉ là một gia chủ, nhưng lại được ở trong một cung điện được làm hoàn toàn bằng bảy loại khoáng vật quý giá. Còn cha ta, tuy là vua, nhưng chỉ ở trong một ngôi nhà bằng gỗ. Sau này, trở thành vua, ta sẽ không cho phép tên gia chủ được ở trong một cung điện như này nữa.”[6]
Khuynh hướng đầy tham vọng của A-xà-thế đã bị phát hiện và bị lợi dụng đúng lúc bởi Đề-bà-đạt-đa, một người em họ của Đức Phật, kẻ với tham vọng cá nhân và bản tính tự phụ đã hình thành những ước muốn xấu xa về quyền lực và làm giáo chủ. Hắn đã lên kế hoạch để đảm bảo sự hợp tác của A-xà-thế nhằm thực hiện những tham vọng của mình. Sau khi phát triển được một số thần thông (iddhi, q.v.), Đề-bà-đạt-đa có thể nhờ đó mà chiếm được sự ngưỡng mộ và qua đó, chiếm được cảm tình của thái tử A-xà-thế[7].
A-xà-thế ban bổng lộc và địa vị cho tay Đề-bà-đạt-đa xảo quyệt, trong khi hắn lập nên kế hoạch trở thành người đứng đầu Tăng đoàn. Thậm chí, Đề-bà-đạt-đa còn đề xuất với Đức Phật rằng hiện giờ Ngài đã già yếu, nên sống vô tư vô lo, và vì thế, Ngài nên giao quyền điều hành Tăng đoàn cho hắn. Khi bị Đức Phật từ chối, Đề-bà-đạt-đa rất phẫn nộ, và sớm phát triển thành sự căm thù thực sự[8].
Trong khi đó, A-xà-thế đã cho xây dựng một tịnh xá cho Đề-bà-đạt-đa tại Gayā-sīsa; và hàng ngày anh ta đều mang cho gắn gạo thơm ba 30 được tẩm các loại gia vị thượng hạng. Địa vị và lợi dưỡng to lớn như vậy đã làm nhiều Tỳ-kheo ngả lòng theo Đề-bà-đạt-đa[9]. Những nó cũng dẫn đến sự sụp đổ của hắn ta, vì “việc ra quả làm cây chuối bị chặt”[10].
Sau khi Đức Phật sai Tăng đoàn ban hành Đạo luật Tuyên bố (pakāsanīya-kamma) ở Vương-xá rằng trong bất cứ việc gì Đề-bà-đạt-đa làm, chỉ có mình hắn công nhận, còn cả Đức Phật, Giáo pháp (dhamma), Tăng đoàn đều không, Đề-bà-đạt-đa đã đến gặp A-xà-thế và đề nghị rằng, trong khi bản thân hắn ta cần giết Đức Phật, thì A-xà-thế nên giết cha mình, vua Tần-bà-sa-la. A-xà-thế thủ một con dao găm và làm theo, nhưng khi bị các quan đại thần phát hiện, anh ta đã thú nhận
mục đích của mình. Các quan đại thần khuyên vua Tần-bà-sa-la nên xử tử Thái tử cùng những kẻ chủ mưu; nhưng nhà vua, khi biết ai là kẻ chủ mưu thực sự, đã tha thứ và truyền lại ngai vàng cho con trai mình[11].
Đề-bà-đạt-đa, đã thành công đến mức ‘công cụ’ trong tay hắn giờ đây đã đạt được quyền lực thực sự là trở thành vua của Ma-kiệt-đà, đã tiếp cận A-xà-thế một lần nữa và yêu cầu “ra lệnh cho người của Ngài trừ khử sa môn Gô-ta-ma”[12]. Và A-xà-thế sai quân lính của mình làm theo bất cứ điều gì mà Đề-bà-đạt-đa muốn. Vì vậy, Đề-bà-đạt-đa đã vạch ra nhiều kế hoạch hòng mưu sát Đức Phật, và tất cả đều thất bại. (Để biết chi tiết, xem s.v. DEVADATTA.)
Tuy nhiên, mặc dù A-xà-thế đã được vua cha truyền lại ngai vàng, nhưng do các chủng tử xấu ác mà Đề-bà-đạt-đa gieo đã bén rễ, và vị tân vương cho rằng chừng nào Tần-bà-sa-la còn sống, ông ta có thể cố gắng giành lại vương quyền; do đó cần trử khử ông ta. Thế nhưng, sau khi nỗ lực giết cha thất bại, A-xà-thế đã do dự trong việc trực tiếp ra tay, và thay vào đó quyết định bỏ tù Tần-bà-sa-la và bỏ đói ông cho đến chết. Trong tù, không ai ngoài hoàng hậu Khemã, em gái của vua xứ Kiều-tất-la, được phép vào thăm Tần-bà-sa-la. Bà đã bí mật mang theo thức ăn nhờ đó Tần-bà-sa-la có thể sống sót. Khi hành động nà bị phát hiện và bị cấm, bà đã giấu thức ăn trong các lọn tóc của mình. Khi điều này bị phát giác, bà chỉ được phép vào thăm với mái tóc bồng bềnh. Sau đó, bà giấu một ít thức ăn trong giày, nhưng điều này cũng bị phát hiện và bà phải đi chân trần. Cuối cùng, khi bà bôi mật ong lên cơ thể để Tần-bà-sa-la liếm và nhờ đó giữ được mạng sống, thì bà không còn được phép gặp Tần-bà-sa-la nữa.
Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ[13] có nói rằng A-xà-thế đã rất tức giận khi nghe tin mẹ mình đã lén mang thức ăn vào tù, đến nỗi “vung thanh kiếm sắc lẹm của mình lên, định đoạt mạng bà”. Thế nhưng, Candra-prabha, một vị quan đại thần và y sĩ Kỳ-bà đã can ngăn; họ quở trách hành vi hạ tiện đó, mắng A-xà-thế là kẻ bị ruồng bỏ, và dọa thôi giữ chức quan. Sau đó, A-xà-thế hối hận, buông gươm xuống và không làm mẹ mình bị thương, nhưng ra lệnh cho các quan giam bà vào cấm cung và không cho và ra ngoài nữa. Cuối cùng, Tần-bà-sa-la chết đói trong tù ở tuổi 65.
Vào đúng ngày Tần-bà-sa-la qua đời, nhưng trước khi tin tức đó được báo đến hoàng cung, A-xà-thế đã được hạ sinh một người con trai và rất vui sướng vì điều này[14]. Mẹ của A-xà-thế đã nhân cơ hội này để kể cho ông về một sự việc, có liên quan trước đó, khi ông còn là thái tử và bị áp xe ở ngón tay. Nghe vậy, A-xà-thế, giờ đây đã là người cha hạnh phúc của một đứa trẻ, đã vô cùng hối hận và ra lệnh thả cha mình
ngay lập tức. Thế nhưng, khi các sứ giả đến nhà tù, Tần-bà-sa-la đã qua đời[15].
Tình bạn của A-xà-thế với Đề-bà-đạt-đa và hậu quả là sự thù địch của ông chống lại Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài có lẽ đã làm ông chiếm được cảm tình của những kẻ cảm thấy uy tín của mình đang bị suy giảm do giáo lý của Đức Phật ngày càng có sức ảnh hưởng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta tìm thấy một phiên bản khác về cái chết của Tần-bà-sa-la trong Kinh Nirayāvali của Kỳ Na giáo, những người đã cố gắng hết sức có thể để xóa tội giết cha cho A-xà-thế. Trong đó, Koṇika (tên gọi là A-xà-thế) ra lệnh bỏ tù cha mình, do một số hiểu lầm. Khi nhận ra lỗi lầm, người con trai hiếu thảo đã cầm một chiếc rìu và đi đến nhà tù để tự tay chặt đứt các xiềng xích đang giam giữ cha mình. Tuy nhiên, Tần-bà-sa-la không nhận ra thái độ thay đổi của con mình, và khi trông thấy anh ta cầm rìu tiến đến, đã cho rằng con trai định giết mình. Thay vì để con trai mình trở thành kẻ giết cha, Tần-bà-sa-la đã tự kết liễu đời mình16.
Người ta có khuynh hướng cho rằng sự thay đổi tâm tính của A-xà-thế không ăn sâu, hoặc không được người khác cho là có thể tin tưởng. Vì, một người anh cùng cha khác mẹ của A-xà-thế, thường được gọi là Vô Úy (q.v.), con trai của vua Tần-bà-sa-la và Padumavatī của Ujjeni, không chỉ vô cùng rối bời trước cái chết bi thảm của cha mình, mà, mặc dù ít đòi hỏi vương quyền hơn A-xà-thế, nhưng dường như Vô Úy cho rằng sẽ là khôn ngoan hay an toàn hơn khi làm mọi người nghĩ rằng anh ta sẽ không đòi hỏi về vương quyền trong tương lai. Dù lý do là gì, Vô Úy cũng đã quyết định xuất gia ngay sau đó, và sau đó, sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng một câu chuyện ngụ ngôn về lỗ hổng trong cái ách[16], Ngài đã chứng được quả thánh đầu tiên (sotāpatti, Tu-đà-hoàn), và sau đó, khơi dậy tuệ giác, trở thành một vị A-la-hán[17].
Một người con trai khác của Tần-bà-sa-la (chú giải không nói về mẹ của ông) tên là Si-la-vát. Khi anh ta đến tuổi trưởng thành, A-xà-thế, lúc này đã lên ngôi vua, muốn giết anh ta nhưng không thể làm như vậy, vì đây là kiếp cuối cùng và Si-la-vát chưa đắc quả A-la-hán. Chính Tôn giả Mục-kiền-liên là người đã dẫn hoàng tử trẻ đến yết kiến Đức Phật, Ngài đã giảng dạy cho Si-la-vát, điều chỉnh giáo lý cho phù hợp với tính khí và hiểu biết của anh. Chàng thanh niên khơi dậy tín tâm vào Bậc đạo sư và xin được xuất gia vào Tăng đoàn. Sau này, khi đang cư ngụ tại Kiều-tất-la (phải chăng do vẫn còn sợ A-xà-thế nên anh ta không sống ở Ma-kiệt-đà – quê hương của mình?), A-xà-thế sai các thuộc hạ đến để hành thích Si-la-vát nhưng đều được Ngài khai ngộ, và họ cũng xin được xuất gia vào trong Tăng đoàn[18].
Trong cuộc đời của mình, Tần-bà-sa-la đã nhận được một số sợi tóc và móng tay của Đức Phật, và nhà vua đã cho xây dựng một bảo tháp trong khu dành cho nữ tỳ trong cung điện của mình. Các nữ tỳ thường tỏ lòng tôn kính với những vật này bằng hương, đèn và hoa. Nhưng khi A-xà-thế lên ngôi sau khi Tần-bà-sa-la qua đời, ông đã ban hành những mệnh lệnh hà khắc, cấm các nữ tỳ không được làm vậy nếu không sẽ bị xử tử. Tuy nhiên, một nữ tỳ, tên là Srimati, đã phớt lờ mệnh lệnh này và thắp một dãy đèn quanh bảo tháp. Cô ấy đã bị vị vua nổi giận xử tử, nhưng lúc hấp hối, tâm tư của cô vẫn hướng về Đức Phật và đảm bảo cho cô ấy tái sinh về cõi trời đầy hạnh phúc[19].
Lại có một người con trai khác của Tần-bà-sa-la, em cùng cha khác mẹ với A-xà-thế, được sinh ra bởi Ambapali, một kỹ nữ nổi tiếng của xứ Tỳ-xá-ly. Anh ta được đặt tên là Vimala, nhưng sau đó được gọi là Vimala-koṇdanna, tuy nhiên, không rõ lý do tại sao anh ta có được cái tên dòng dõi Bà-la-môn này[20]. Anh ta cũng xuất gia vào trong Tăng đoàn của Đức Phật, và đắc quả A-la-hán. Không có tài liệu nào đề cập đến nỗ lực nhắm vào mạng sống anh ấy của A-xà-thế[21].
Sau khi Tần-bà-sa-la chết trong tù, hoàng hậu, là em gái của Ba-tư-nặc, vua xứ Kiều-tất-la, cũng qua đời vì đau buồn. Lợi tức của ngôi làng Kasi, lên đến một trăm ngàn (kahāpaṇa ?), đã được giao cho bà như một phần của hồi môn, nhưng sau đó Ba-tư-nặc đã từ chối tiếp tục thanh toán. Vì điều này, ông đã gây chiến với cháu trai của mình, A-xà-thế[22], với những kết quả khác nhau. Chiến thắng lần đầu thuộc về A-xà-thế. Anh ta đã giương cao ngọn cờ và diễu hành khắp cả nước trong niềm vui chiến thắng khi trở về thủ đô của mình. Nhưng khi thua trận, anh ta ủ rũ trở về mà không cho ai biết. Về mối liên hệ này, Đức Phật cũng kể rằng trong một tiền kiếp, khi A-xà-thế là một con rắn nước, anh ta thường bắt và ăn cá. Một lần, con rắn chui vào chiếc lồng đan bằng liễu gai trên sông, chứa đầy cá; nhưng khi bị một đàn cá xúm lại cắn cho đến khi mình mẩy bê bết máu, anh ta phàn nàn với một chú ếch rằng điều đó có vẻ không công bằng. Tuy nhiên, chú ếch khôn ngoan trả lời rằng vì rắn ăn cá trong lãnh địa của mình, nên khi vào lãnh địa của chúng, cá sẽ giết anh ta[23]. Rõ ràng, A-xà-thế đã đảo ngược hành động của mình một cách không chính thực[24].
Trong khi cuộc chiến kéo dài, chưa ngã ngũ, vua xứ Kiều-tất-la đã hỏi các cận thần của mình về kế sách để bắt A-xà-thế. Các cận thần đề nghị chuyển vấn đề này đến các Tỳ-kheo có kỹ năng bùa phép tuyệt hảo. Theo đó, Ba-tư-nặc cử người của mình đến tịnh xá với chỉ thị ẩn mình ở đó và nghe lỏm điều mà các Tỳ-kheo khác nói. tịnh xá đó là nơi trú ngụ của một số Tỳ-kheo từng là quan đại thần của nhà vua, đặc biệt là Dhanuggaha-Tissa, từng là một chiếc lược gia. Người của nhà vua đã nghe lén được chính vị trưởng lão này nói rằng: Vị vua bụng phệ đó của Kiều-tất-la là một kẻ đại ngốc; hắn chẳng biết gì ngoài cách ăn. Và thế là hắn để cho mình bị A-xà-thế, kẻ chẳng khác gì con sâu trong bụng hắn, đánh bại. Điều hắn nên làm là chiến đấu một ‘trận chiến bằng xe ngựa’ bằng cách bố trí những người lính dũng cảm của mình ở hai bên, trên các đỉnh đồi, rồi để lực lượng chính ở giữa tiến lên. Một khi kẻ thù lọt vào giữa, họ sẽ tóm được y như cá nằm trong giỏ bắt tôm hùm. Đó là cách để bắt A-xà-thế[25].
Khi các sứ giả báo lại điều này cho Ba-tư-nặc, ông ta lên đường với một lực lượng đông đảo, hành động theo kế sách của trưởng lão Dhanuggaha-Tissa, bắt A-xà-thế làm tù binh và xích hắn lại. Nhưng sau khi trừng phạt A-xà-thế bằng cách này trong trong vài ngày, Ba-tư-nặc lại thả hắn ra. Vì vậy, cuối cùng hòa bình được thiết lập và Ba-tư-nặc gả con gái của mình, Vajirã, cho A-xà-thế, với lợi tức của ngôi làng đang tranh chấp làm của hồi môn cho cô.
Một hoàng tôn được sinh ra từ cuộc hôn nhân này, tên là Udāyibhadda, rõ ràng là được cha rất mực thương yêu, vì một lần A-xà-thế đến thăm Vườn Xoài nơi Đức Phật cùng 1.250 Tỳ-kheo đang trú ngụ và được chứng kiến mức độ tĩnh lặng của đại chúng, ông ta ước: ước gì hoàng nhi Udāyibhadda của ta có được sự an yên như này[26]. Phải chăng suy tư này cho thấy nỗi ân hận đã ăn sâu vào tâm trí nhà vua đến nỗi ông không dám ước mong tâm hồn mình được bình yên? Việc lương tâm của A-xà-thế chắc chắn rất đang rối loạn cũng rõ ràng từ phản ứng của ông đối với khung cảnh yên bình của nơi mà các Tỳ-kheo cư ngụ, Vườn Xoài gần Vương-xá. Đột nhiên, ông bị bao trùm bởi một nỗi sợ hãi và kinh hoàng khiến lông tơ trên cơ thể dựng đứng. Trong sự lo lắng và phấn khích, ông nói với y sĩ Kỳ-bà, người tháp tùng nhà vua và đưa ra lời khuyên về chuyến viếng thăm này: Kỳ-bà, ngươi không giở trò gì với ta đó chứ? Người không lừa ta đúng không? Người không phản bội ta và đi theo kẻ thù của ta đúng không? Làm sao mà trong một hội chúng đông đảo như này lại có thể không có một tiếng động nào, không một tiếng hắt hơi hay một tiếng ho nào?[27]
Trong câu chuyện này về cuộc viếng thăm Đức Phật của A-xà-thế, nhà vua nói rằng trước đó ông đã viếng thăm sáu đạo sư của các giáo phái khác, và thuật lại giáo lý của họ: Pūruṇa Kassapa dạy giáo lý phi nghiệp, nghĩa là mọi hành động tốt đẹp đều không đem lại công đức và cho dù làm những tội ác lớn nhất cũng không bị tội; Makkhali Gosāla thừa nhận sự thật về sự bại hoại, nhưng nói rằng sự thanh tịnh chỉ đạt được bằng cách đầu thai chứ không phải bằng bất kỳ hành động cá nhân nào; Ajita Kesakambalī dạy giáo lý đoạn diệt, tức là sự đoạn diệt khi chúng ta qua đời, Pakudha Kaccāyana duy trì sự tồn tại của bảy chất thường hằng, không bị phá hủy; Ni-kiền-tử (Jain) Nhã-đê-tử dạy rằng một Ni-kiền-tử, tức là người không bị ràng buộc, bị giam cầm bởi những ràng buộc ở bốn hướng; Sañjaya Belaṭṭbaputta nói quanh co và từ chối khẳng định bất kỳ giáo lý nào là tích cực hay tiêu cực. Sau khi thuật lại, A-xà-thế chỉ ra cho Đức Phật những lợi ích mà nhiều người trên thế gian có được từ nghề nghiệp của họ, và hỏi liệu các Tỳ-kheo, những người đã từ bỏ thế gian, có nhận được lợi ích tương ứng nào từ đó không,
không chỉ ở kiếp sau mà ở ngay trong kiếp hiện tại. Câu trả lời của Đức Phật được đưa ra trong Kinh Sa Môn Quả[28].
Sau khi nghe bài pháp về những lợi ích của đời sống khổ hạnh này, A-xà-thế đã sám hối tội lỗi của mình với Đức Phật, “Bạch Thế Tôn, tội lỗi xâm chiếm con, trong sự ngu si, vô minh và độc ác, vì mưu cầu quyền lực, con đã sát hại người cha chính trực của mình, một vị vua chính trực. Cúi xin Đức Thế Tôn chấp nhận lời sám hối của con, con xin thú nhận tội lỗi này, để con có thể chế ngự nó trong tương lai.” Đức Phật chấp nhận lời sám hối của ông, và điều này được một số người coi như thể tội giết cha của ông đã chấm dứt, và như thể A-xà-thế được tha thứ quá dễ dàng. Nhưng sau khi A-xà-thế qua đời, Đức Phật chỉ đề cập đến một quả báo xấu ập đến với ông trong kiếp này, vì chính vì hành vi tội lỗi này mà trong chuyến viếng thăm đó, A-xà-thế không thể chứng được Sơ quả Tu đà hoàn (sotāpatti). Đức Phật nói: “Này các Tỳ-kheo, tâm của vị vua này lay động sâu sắc, lời dạy của Như Lai đã chạm đến trái tim ông. Nếu không phạm phải tội giết cha, một người cha và ông vua chính trực, thì A-xà-thế đã thấy được chân lý một cách rõ ràng và không bị che mờ, ngay cả khi ông ngồi ở đó.”[29] Hơn nữa, ông vẫn sẽ phải chịu quả báo cho ác nghiệp của mình trong tương lai, trong cả kiếp này và kiếp sau.
Chuyến viếng thăm Đức Phật của A-xà-thế đã được lưu giữ trong tác phẩm điêu khắc bằng đá trên một trong những cột góc bằng đá nguyên khối ở cửa ngõ phía tây của bảo tháp Bharhut, cách Allahabad 120 dặm về phía tây nam (Pl. XXVII). Một bản khắc: ‘A-xà-thế tôn kính (bàn chân) của Đức Phật’ (Ajātasattu Bhagavato vandate) xác định câu chuyện trên đá một cách chắc chắn tuyệt đối. Cuuningham[30] gán cho bảo tháp này thuộc thời kỳ A-dục, đâu đó khoảng từ năn 250 đến 200 trước công nguyên. Tác phẩm điêu khắc nhỏ thể hiện ba giai đoạn của chuyến viếng thăm: A-xà-thế rời cung điện của mình vào ban đêm dưới ánh đuốc, cùng với một số cung nữ, mỗi người cưỡi trên một con voi; nhà vua xuống voi gần tịnh xá của Đức Phật, quỳ gối và chắp tay bày tỏ lòng tôn kính đối với chỗ ngồi và dấu chân của Đức Phật, thường là những biểu tượng của chính Đức Phật, Vị không được biết đến là được khắc họa bằng tượng hình người vào thời điểm đó. Mặc dù chắc chắn A-xà-thế đã lay động trước bài pháp của Đức Phật, và sự hối hận về tội ác của ông được chấp nhận là chân thành, nhưng tính tự cho mình là trung tâm của ông dường như không cải thiện nhiều. Trên thực tế, thậm chí chúng ta còn không được đọc về chuyến viếng thăm Đức Phật lần thứ hai của A-xà-thế, mặc dù cho đến cuối cùng ông vẫn là một cư sĩ thuần thành và cũng được phân chia xá lợi sau khi Đức Phật nhập diệt. Nhưng nếu nhìn toàn bộ cuộc đời
của ông như một quá trình liên tục, thì không có điểm chuyển biến nổi bật nào, như, ví dụ, trường hợp của hoàng đế A-dục sau cuộc chinh phục Kāliṇgas.
A-xà-thế dường như là một bạo chúa ích kỷ, và là một kẻ cơ hội chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Ngay cả chuyến viếng thăm Đức Phật duy nhất của ông cũng có động cơ, đó là để tìm hiểu lợi ích của đời sống xuất gia. Và khi thấy rằng có thể mong đợi nhiều kết quả tốt đẹp của một cuộc sống như vậy từ một cuộc sống như vậy trong kiếp hiện tại này, A-xà-thế đã hết lời ca ngợi hệ thống này hơn là các quan điểm duy tâm hơn của các đạo sư khác, chẳng hạn như quan điểm phi nghiệp, sự hiện hữu của các chất thường hằng, sự thanh tịnh thông qua việc đầu thai…Chừng nào cha của ông là Tần-bà-sa-la còn sống và bảo hộ cho Đức Phật, thì A-xà-thế còn khuyến khích chia rẽ Tăng đoàn bằng cách ủng hộ Đề-bà-đạt-đa. Thế nhưng, ngay sau khi chiếm đoạt ngai vàng và để cha mình chết trong tù, ông ta không còn sử dụng Đề-bà-đạt-đa nữa
Và, một lần nữa, trong cuộc tranh giành quyền lực tối cao giữa Kiều-tất-la và Ma-kiệt-đà, mặc dù A-xà-thế bị bắt và bị đeo xiềng xích, nhưng ông đã xoay sở để không chỉ được thả mà cuối cùng còn trở thành người chiến thắng trong cuộc thi, trở về nhà không chỉ cùng con gái của kẻ đánh bại mình với tư cách là vợ, mà thậm chí còn được hoàn trả cả lợi tức của ngôi làng – từng là biến cố khơi mào cho cuộc chiến tranh.
Rõ ràng là điều này không thỏa mãn tham vọng của A-xà-thế, vì chúng ta thấy ngay sau đó ông đã lập kế hoạch chinh phục Tỳ-xá-ly, thủ đô và lãnh thổ của các hoàng tử Licchavis, liên minh Bạt-kỳ, mặc dù mẹ ông, Callana, công chúa Vi-đề-hy, là con gái của nhà vua cao niên xứ Licchavis, Cetaka[31]. Vì Licchavis là những người bảo hộ chính cho Kỳ Na Giáo ở Jnatiputra, nên đó có thể là vấn đề về chính sách khôn ngoan khi A-xà-thế đi xin lời khuyên tâm linh ở giáo phái khác, và ưu tiên cho một giáo phái đối lập đủ mạnh để tạo ra sức nặng của nó; và đó là tình huynh đệ của Chư Tăng đệ tử Đức Phật. Các quan đại thần của Ma-kiệt-đà, tên là Sunidha và Vassakāra, đã đến yết kiết Đức Phật với lòng tôn kính ngập tràn, trong khi họ đang xây dựng một thị trấn kiên cố tại Pātaligāma ở phía nam sông Hằng để đẩy lùi người Bạt-kỳ. Liên minh Bạt-kỳ gồm 8 thị tộc, mạnh nhất trong số đó là thị tộc Kṣatriya của người Licchavis. Có khả năng là thị tộc này với thủ đô của họ ở Tỳ-xá-ly đã lật đổ của các chế độ quân chủ lân cận, chẳng hạn như chế độ quân chủ Videhan, và do đó thành lập một liên minh cộng hòa, giữ lại Tỳ-xá-ly làm thủ đô. Các hoàng tử của Licchavis dường như yêu thích
chiến tranh không thua gì độc lập. Họ tấn công vương quốc Ma-kiệt-đà bên kia sông Hằng vào thời vua Tần-bà-sa-la; và ngay cả A-xà-thế, mặc dù bản thân là nỗi kinh hoàng cho các nước láng giềng, nước Kiều-tất-la và nước Thích-ca, cũng e ngại họ đến mức cho xây dựng pháo đài kiên cố này trên ngã ba sông Hằng và sông Son. Bằng ‘thiên nhãn’ của mình, tức là khả năng thấu thị siêu phàm, vào dịp đó, Đức Phật đã nhìn thấy số lượng devatas (chư thiên) đang chiếm giữ các địa điểm ở Pātaligãma, uốn nắn tâm trí của các quan đại thần xây dựng để xây dựng các công trình kiến trúc của họ ở những địa điểm đã chọn. Từ tầm nhìn này, Đức Phật đã tiên tri rằng thị trấn mới sẽ là một trung tâm thương mại hàng đầu, một nơi mà những người đàn ông sẽ buôn bán hàng hóa của họ. Gọi nơi này là Pātaṭiputta, Đức Phật cũng tuyên bố ba mối nguy hiểm mà nó có thể phải gánh chịu: hỏa hạn, lũ lụt và chia rẽ nội bộ[32].
Nhưng, A-xà-thế đã quyết định tấn công nước Bạt-kỳ; và phái quan đại thần của mình, Bà-la-môn Vassakāra, đến gặp Đức Phật để tìm hiểu quan điểm của Ngài về quyết định xâm lược nước Bạt-kỳ của ông. Nhưng Đức Phật, mặc dù trao đổi những lời chào như thường lệ, đã không trả lời trực tiếp câu hỏi chính của Vassakāra. Thay vào đó, Ngài ca ngợi dân chúng Bạt-kỳ và liên minh dân chủ của họ với Tôn giả A-nan, vị đệ tử của Ngài. Đức Phật tuyên bố rằng sự thịnh vượng của họ sẽ còn kéo dài miễn là dân chúng Bạt-kỳ còn thường tập hợp thị tộc của họ trong các cuộc đại hội trong sự hòa thuận, trung thành với các truyền thống cổ xưa, kính trọng các bô lão của thị tộc đồng thời lắng nghe lời khuyên của họ, tôn trọng nữ giới, kính trọng những nơi thờ cúng tôn giáo ở đất nước của mình đồng thời ủng hộ những bậc đáng được tôn kính. Chừng nào dân chúng Bạt-kỳ còn tiếp tục đi theo những đường lối mà Đức Phật chỉ dạy trước đó tại chánh điện Sarandada ở Tỳ-xá-ly, thì họ sẽ không thể suy tàn mà sẽ còn thịnh vượng lâu dài. Và Đức Phật cũng nói về những người Licchavis: Bây giờ họ đang ngủ trên những chiếc giường bằng gỗ, phục vụ đất nước với lòng tràn đầy nhiệt huyết và nhiệt thành. A-xà-thế, vua xứ Ma-kiệt-đà không có cơ hội, không có khả năng chống lại họ. Nhưng trong một thời gian sắp tới, Licchavis sẽ trở nên lịch thiệp, hòa nhã và dịu dàng; họ sẽ nằm trên những chiếc giường êm ái với những chiếc gối lông vũ cho đến khi mặt trời mọc. Và A-xà-thế sẽ có cơ hội, có khả năng chống lại họ[33].
Và vị quan đại thần sắc sảo đã rút ra kết luận của riêng mình rằng không thể xâm lược nước Bạt-kỳ bằng chiến tranh mà không dùng ngoại giao hoặc chia rẽ liên minh của họ, tất cả đều diễn ra khoảng ba năm sau khi Đức Phật nhập diệt.
Sau đó, Vassakāra được phái đến Tỳ-xá-ly để gây chia rẽ, bất hòa và nội chiến giữa những người Licchavis. Ông ta bịa chuyện là mình đột ngột trốn chạy đến kinh đô Tỳ-xá-ly của Bạt-kỳ, rêu rao rằng mình vừa mới thoát khỏi sự truy sát của A-xà-thế. Được nương náu với sự hiếu khách, ông đã cư ngụ tại đó trong ba năm, ông sử dụng thời gian này để bịa đặt và vu khống, do đó chia rẽ sự đoàn kết của người Licchayis.
Người nghèo bắt đầu ghét người giàu, và kẻ mạnh coi thường kẻ yếu. Ba năm sau khi được đón tiếp tử tế, Vassakāra đưa ra gợi ý cho chủ nhân A-xà-thế của mình, người đã đột kích Tỳ-xá-ly vào thời điểm quyết định đó, lợi dụng sự bất đồng nội bộ. Licchavis yếu ớt không chịu kháng cự lại A-xà-thế và nói : Hãy để Licchavis hùng mạnh tiến lên và nghiền nát hắn ta. Do đó, A-xà-thế chinh phục Tỳ-xá-ly một cách dễ dàng, kinh đô mà ông đã phá hủy, tàn sát các thị tộc – gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em – mà mình chiếm được. Tuy nhiên, nhiều người đã trốn thoát; và việc họ giành lại quyền lực và địa vị của mình là điều hiển nhiên từ thực tế là sau đó họ có mối quan hệ với Guptas đại đế. Do đó, vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, Chandragupta I kết hôn với Kumāradevī, con gái của Licchavis, người trở thành mẹ của Samudragupta[34].
Một thông tin thú vị về tính cách của A-xà-thế được thể hiện qua sự thiếu kiên nhẫn, tức giận và không hài lòng với một Upaka nào đó, con trai của Mandika và là một người ủng hộ Đề-bà-đạt-đa. Upaka đã đến để tìm hiểu xem Đức Phật sẽ khen hay quở trách hắn, nhưng A-xà-thế hiểu rằng hắn ta đã có ý xúc phạm Đức Phật sau khi Ngài nghiêm khắc quở trách Đề-bà-đạt-đa. “Thằng con trai của gã thợ muối này thật là một kẻ sâu bọ! Một kẻ lưu manh, vô liêm sỉ! Không ngờ rằng hắn dám phỉ báng Thế Tôn, bậc A-la-hán, bậc giác ngộ viên mãn! Cút đi, Upaka! Đừng để ta nhìn thấy mặt ngươi thêm một lần não nữa!”[35] Và nhà chú giải nói thêm rằng nhà vua đã túm lấy cổ và lôi hắn đi.
Một lần nữa, A-xà-thế được đề cập đến trong một cuộc xung đột – phát triển thành một cuộc đại thảm sát giữa nước Kiều-tất-la và một số hoàng tử Thích-ca. Trong những giai đoạn đầu trị vì, vua xứ Kiều-tất-la do sơ xuất đã đánh mất lòng tin của các Tỳ-kheo, những người vì lý do đó đã không đến cung điện của ông để khất thực như thường lệ. Nhà vua nghĩ rằng cách tốt nhất để lấy lại lòng tin của các Vị là hỏi cưới con gái của một người bà con nào đó của Đức Phật, bậc đạo sư của các Vị. Do đó, ông đã phái sứ giả đến nước Thích-ca, thỉnh cầu được cưới một trong các thiếu nữ của họ làm hoàng hậu. Nhưng những thành viên kiêu ngạo tộc Thích-ca đã lừa dối Ba-tư-nặc và gửi cho ông một cô gái con của một nữ tỳ, người này sau đó trở thành mẹ của Lưu Ly, con trai của Ba-tư-nặc. Khi Lưu Ly, lớn lên, tình cờ biết được cách mà người Thích-ca đã lừa dối cha mình, Thái tử nước Kiều-tất-lan muốn đòi nợ bằng máu. Tuy nhiên, vì không thể khiến vua cha Ba-tư-nặc hiểu được ý mình, nên Lưu Ly đã nhân một ngày vua cha vắng mặt để nổi dậy và tự mình lên ngôi. Ba-tư-nặc lên đường đến Vương-xá để nhờ A-xà-thế giúp đỡ chống lại thằng con nổi loạn của mình, nhưng ông đã chết ngoài trời trong đêm bên ngoài cánh cổng thành Vương-xá đóng kín.
Kết cục bi thảm này của Ba-tư-nặc, vua xứ Kiều-tất-la, chỉ cho thấy vào thời bấy giờ, thù hận có thể chuyển thành tình bạn dễ dàng như thế nào, cũng như ngược lại. Vì A-xà-thế đã không can thiệp vào cuộc xung đột giữa nước Kiều-tất-la và
các hoàng tử Thích-ca, vì việc Lưu Ly đầy thù hận tiêu diệt các hoàng tử Thích-ca sẽ rất phù hợp với ông, củng cố sự ổn định của ông giữa các nước láng giềng mà không cần tốn công sức. Một số lượng lớn không phân biệt tuổi tác hay giới tính đã bị sát hại, và Ca-tỳ-la-vệ, kinh đô của nước Thích-ca, đã bị phá hủy.
Chính dưới nhà của A-xà-thế, hai vị đại đệ tử của Đức Phật là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên cũng như chính Đức Phật đã Nhập diệt. Mục-kiền-liên, mặc dù đã chứng A-la-hán, đã bị đánh bại bởi sức nặng của một ác nghiệp của Ngài trong một tiền kiếp nào đó, khi Ngài từng giết cha mẹ mình. Mục-kiền-liên đã phải nếm trải quả báo của tội ác ghê tởm này khi Ngài bị đánh cho đến chết. A-xà-thế cử thám tử đi điều tra những kẻ sát nhân, những kẻ này khi bị bắt đã thú nhận rằng chúng được thành lập bởi một giáo phái khổ hạnh lõa thể, Ni-kiền-tử. Phản ứng của nhà vua là điển hình cho bản tính bốc đồng của ông. Năm trăm Ni-kiền-tử được chôn sâu đến thắt lưng trong sân của hoàng cung và đầu của họ bị cày bẹp[36]. Không có gì ngạc nhiên khi dường như A-xà-thế đã bị các Ni-kiền-tử căm thù[37].
Dường như A-xà-thế không biết về thời điểm Đức Phật nhập diệt, tin tức về sự kiện này được truyền đạt cho nhà vua vô cùng cẩn thận và tế nhị. Câu chuyện A-xà-thế được kể về sự nhập diệt của Đức Phật được tìm thấy như một phần của một loạt bích họa bao phủ các bức tường của lối đi dạo quanh một bảo tháp tại Qyzyl ở vùng Kucha thuộc miền trung bắc Turkistan, có niên đại từ thời Tocharian. Ở đây, Nhà vua được kể về việc Đức Phật nhập Niết-bàn bằng một kế sách. Đức Phật đã Nhập diệt, nhưng ai sẽ là người báo tin cho nhà vua? Tin tức này sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của A-xà-thế: nhà vua có thể chết vì sốc nếu tin tức được truyền đến cho ông một cách bừa bãi. Do đó, vị quan tài giỏi Vassakāra đã xúi giục ông tắm trong bơ nấu tan chảy và, trong khi nhà vua đang trải qua liệu pháp xoa dịu này, mở ra trước mắt ông, không nói một lời, một bức tranh mà ông đã ra lệnh thực hiện, từ đó nhà vua có thể đoán được chuyện gì xảy ra. Nhà vua được xem nhưng cảnh chính về cuộc đời của Đức Phật, đó là cảnh Thái tử Tất-đạt-đa đản sinh, thành đạo, bài pháp đầu tiên của Đức Phật, kết thúc bằng sự Nhập diệt của Ngài trong khu rừng sala ở Câu-thi-na. Khi nhìn thấy cảnh tượng cuối cùng này, nhà vua đã đau lòng gào lên, bày tỏ sự tuyệt vọng[38].
Bản chú giải tiếng Pali (DA. II, 605-6) có thay đổi đôi chút về chi tiết.
Với lý do để ngăn ngừa những hậu quả xấu của sự mơ tưởng, các quan đại thần đặt A-xà-thế vào một cái thùng chứa đầy bốn loại hương thơm (catu-maghura) và sau đó báo tin cho nhà vua. Nhà vua ngất xỉu ngay lập tức, và chỉ sau khi ngất thêm hai lần nữa, ông mới hiểu được hàm ý của thông điệp với sự tuyệt vọng tột độ.
Sau khi biết được tin buồn, A-xà-thế đã phái một sứ giả đến nước Mallas nói rằng, “Đức Thế Tôn và ta đều là một kṣatriya (Sát-đế-lợi, giai cấp chiến binh). Ta xứng đáng nhận được một phần xá lợi của Ngài. Từ xá lợi của Ngài, ta sẽ cho xây dựng một bảo tháp thiêng liêng và tổ chức một đám giỗ để vinh danh xá lợi….”. Dona, một Bà-la-môn, chấp thuận lời thỉnh cầu của những người thu thập, đã chia đều xá lợi thành tám phần một cách công bằng. Và như vậy, vua xứ Ma-kiệt-đà, A-xà-thế, con trai của công chúa thuộc thị tộc Vi-đề-hy, đã cho xây dựng một bảo tháp ở Vương-xá từ xá lợi của Đức Thế Tôn, và tổ chức một đám giỗ[39].
Không có bằng chứng nào trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy về sự quan tâm lâu dài của A-xà-thế đối với giáo lý của Đức Phật sau chuyến thăm của ông đã đề cập trước đó. Trên thực tế, không có ghi chép về bất kỳ chuyến viếng thăm nào của nhà vua, dù là Đức Phật hay một trong các Tỳ-kheo sau đó. Tuy nhiên, sau khi Đức Phật nhập diệt, A-xà-thế đã nhận được một phần xá lợi trên cơ sở cùng giai cấp, ông đã được một số Tỳ-kheo tiếp cận, là những Vị dự định tổ chức một Cuộc kết tập (dhamma-saṇgīti) nhằm biên soạn giáo lý của Đức Phật thông qua việc trì tụng, và nhờ giúp đỡ, điều mà ông ấy sẵn sàng. A-xà-thế đã dùng hết tốc lực để cho xây dựng một chánh điện nguy nga bên cạnh tảng đá Vebhara, cạnh lối vào hang Sattapaṇṇi, giống như chánh điện của thần tiên, được trang hoàng về mọi mặt và trải thảm quý, một chỗ ngồi trang trọng dành cho trưởng lão chủ tọa ở phía nam và một chỗ ngồi cao dành cho Tỳ-kheo tụng niệm ở giữa chánh điện. [40]
Trong bản dịch tiếng Hán A-yū-wang-ching bởi Sanghapāla (512 sau công nguyên) của Asokāvadāna[41], chúng tôi tìm thấy một câu chuyện chi tiết hơn về các hoạt động của A-xà-thế liên quan đến Cuộc kết tập ở Vương-xá. Khi A-xà-thế được thông báo về chuyến viếng thăm của tôn giả Đại-ca-diếp và 500 vị A-la-hán, ông đã cho dọn sạch các con đường dẫn đến Vương-xá, đặt đủ loại vật phẩm cúng dường dọc theo tuyến đường, và bản thân mình đi phía trước Tôn giả Đại-ca-diếp. Bấy giờ, vào một dịp trước đây, A-xà-thế đã bị ngã từ một cái chòi cao khi đi yết kiến Đức Phật đi vào thị trấn. Sau đó, Đức Phật đã đến giải cứu anh ta. Lần này, khi đang cưỡi voi, ông lại sắp bị ngã xuống đất, Tôn giả Đại-ca-diếp dùng thần thông, chộp lấy ông ta, và nói, “Thần thông của Thế Tôn tự hiển hiện mà không cần nhập định đặc biệt, nhưng với Chư Tăng, thì việc dùng thần thông cần sức mạnh ý chí vô cùng đặc biệt. Nếu ta không thi triển ý chí như vậy, đại vương đã qua đời sau khi ngã. Hãy cần thận hơn trong tương lai.” Thế rồi A-xà-thế đảnh lễ dưới chân tôn giả Đại-ca-diếp và thỉnh cầu: “Khi Thế Tôn nhập Niết-bàn, con không được gặp Người. Nhưng khi Tôn giả nhập Niết-bàn, xin cho phép con được có mặt.” Tôn giả Đại-ca-diếp đồng ý và nói với nhà vua rằng các vị A-la-hán muốn trì tụng Pháp
bảo trong trị trấn đó. Nhà vua trả lời: “Từ nay về sau, và cho đến chừng nào con còn sống, con xin được cúng dường y áo, thức ăn, thuốc men và giường mền cho Tăng đoàn. Con cúi xin Chư Tăng hãy ở lại Trúc Lâm.” Nhưng Tôn giả Đại-ca-diếp nghĩ, Đó là một nơi rộng lớn, và các Tỳ-kheo trú ngụ sẽ làm phiền công việc của chúng ta bằng cách xen vào: ‘Điều đó phải được nói như vậy; điều đó không nên được nói như vậy.’ ” Và Ngài nói với nhà vua, “Có một hang núi tên là Pi-po-lo-yen (Pip-pālayana). Hãy cho phép chúng tôi biên soạn giáo lý qua những lời dạy mà chúng tôi thu thập được ở đó.’’
Thông tin thêm được đề cập về sự liên quan của A-xà-thế với việc trì tụng Giáo lý của Đức Phật, như được kể trong Chuan-chi-san-tsang-chi-tsa-tsang chuan hay ‘Câu chuyện về việc biên soạn Tam tạng và Tsa-Tsang’[42]. Tsa-Tsang được đề cập trong tác phẩm này là một bộ sưu tập những lời dạy hỗn tạp, tạo thành Tạng thứ tư và thêm nữa. Nó nói về những nguyên nhân khác nhau đã tạo ra sự các kiếp sống liên tiếp của Bồ tát trong quá trình của ba đại kiếp không thể tính kể. Tuyển tập này đa dạng hơn Tam tạng[43], trong khi những lời dạy không chỉ được cho là của Đức Phật, mà một phần còn đến từ các Tỳ-kheo và các Thiên tử. Chúng được cho là kết quả từ lời thỉnh cầu của vua A-xà-thế liên quan đến việc hành đạo của các Bồ tát, và được Đức Phật gọi là Bồ tát tạng. Một số bài kinh phát triển sau này (Kinh Phương Quảng) được đưa vào[44].
Nhưng truyền thống đáng tin cậy hơn của biên niên sử Tích Lan[45] là Cuộc kết tập ở Vương-xá được tổ chức dưới sự bảo hộ của A-xà-thế trên ngọn đồi Vebhāra ở lối vào hang Sattapanni, và kéo dài bảy tháng (s.v. COUNCILS). Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy A-xà-thế có bất kỳ lợi ích cá nhân nào trong việc này, không như Dharma-soka (s.v. ASOKA) trong Cuộc kết tập lần thứ ba tại Pataliputta. Nhưng khi đó, ngoài việc trục xuất Đề-bà-đạt-đa và cơn giận của Subhadda, vào thời điểm của Cuộc kết tập ở Vương-xá không có dấu hiệu của sự bất đồng, và hội chúng gồm 500 vị A-la-hán tự đắm chìm trong việc trì tụng Kinh liêng, để nội dung chân thực của Kinh điển có thể được biết một cách tường tận. Do đó, sự bảo hộ của A-xà-thế chỉ giới hạn trong việc cung cấp các vật dụng cần thiết cho các Tỳ-kheo trong bảy tháng đó.
Trong câu chuyện về Cuộc kết tập lần thứ nhất này, như được tìm thấy trong Luật tạng của Mahāsāṅghikas[46], chúng ta thấy Tôn giả Đại-ca-diếp nói với hội chúng Tỳ-kheo về việc hỏa thiêu nhục thân của Đức Phật, “Xá lợi của Đức Thế Tôn
không phải là việc của chúng ta. Các vị vua chúa, trưởng tộc, bà-la-môn, gia chủ và những người tìm cầu công đức sẽ bày tỏ lòng kính trọng đối với các Xá lợi. Công việc của chúng ta là kết tập các tuyển tập giáo lý để Giáp Pháp của Đức Phật không bị biến mất nhanh chóng.” Ngay lập tức, các Tỳ-kheo bắt đầu họp bàn về địa điểm tụ họp để kết tập các bộ sưu tập giáo lý. Một số Vị nói: Chúng ta hãy đến Xá-vệ. Các địa điểm khác được đề xuất là Saketa, Campa, Vaisālĩ và Ca-ty-la-vệ. Rồi Tôn giả Đại-ca-diếp nói những lời như sau: “Chúng ta phải đi đến thị trấn Vương-xá và kết tập những lời dạy về Giáo Pháp mà chúng ta thu thập được ở đó. Lý do ư? Đức Thế Tôn đã tiên đoán rằng tại thị trấn Vương-xá, A-xà-thế, con trai của công chúa Vi-đề-hy, là tối thắng[47] trong hàng cư sĩ của Ngài, kèm theo tín tâm vô điều kiện. Hơn nữa, vị vua này còn cúng dường chỗ nghỉ và thực phẩm cho năm trăm Vị. Chúng ta nên đi đến đó.”
Ngoài cuộc xâm lược liên minh Bạt-kỳ của A-xà-thế vào năm thứ ba sau khi Đức Phật nhập diệt, hầu như không có thông tin gì được biết về các giai đoạn cuối cùng của nhà của ông. Hơn nữa, có một số khác biệt giữa các nguồn lịch sử khác nhau về thời lượng của chúng. Theo ‘Lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ’ của Taranatha[48], khi Như Lai nhập diệt, nhiệm vụ Thầy Tổ được trao cho Tôn giả Đại-ca-diếp, Vị mà khi Ngài “Nhập Niết-bàn” sẽ giao lại cho Tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan đảm nhận vai trò Thầy Tổ trong bốn mươi năm và trong suốt thời kỳ này và trong suốt thời kỳ này, A-xà-thế vẫn còn sống, vì ông đã nhận được một nửa số xá lợi từ lễ trà tỳ Tôn giả A-nan, một nửa còn lại được trao cho dân chúng Tỳ-xá-ly. Một năm sau, vua A-xà-thế cũng băng hà.
Nhưng theo biên niên sử Tích Lan, A-xà-thế chỉ sống hai mươi bốn năm sau khi Đức Phật nhập diệt, nâng tổng số năm trị vì của ông lên thành 32[49]. Ác nghiệp giết cha của ông đã trở lại với ông bằng toàn bộ sức mạnh và tương đương, vì bản thân A-xà-thế bị chính con trai của minh, Udāyibhaddaka[50], sát hại.
Theo Taranatha, ông ta đã “đọa vào địa ngục ba lần, từ đó ông đã thoát khỏi địa ngục và sinh về cõi Trời. Sau đó, ông được nghe giáo lý từ Sanavasika và chứng được Sơ quả”[51]. Nhưng theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy được ngài Buddhaghosa ghi lại[52], sau khi qua đời ông bị đọa vào địa ngục Lohakunmbhiya. Ở đó, ông sẽ phải chịu đựng nỗi thống kohoor của địa ngục đó trong 60.000 năm, nhưng cuối cùng ông sẽ giải thoát với tư cách là một vị Phật độc giác tên là Viditavisesa hay Vijitāvī[53].
H. G. A. VAN ZEYST.
[1] Mhv. ii, 32.
[2] A-xà-thế (Skt. Ajātaśatru) được Kỳ Na giáo gọi là Kūṇika hay Koṇika (JBORS. V, trang 500-1) và Tārānātha gọi là Kṣemadaśrin (IHQ, III, trang 508).
[3] J. III, trang 121.
[4] J. III, trang 121-6, Số 336.
[5] DA. I, 138.
[6] DhpA. IV, 211.
[7] Vin. II, Cullavagga, vi, trang 184; DhpA. I, 139.
[8] ibid.
[9] J. I, trang 186: Mahilāmukha Jākata, Số 26.
[10] S. I, 164.
[11] Vin. II, Cullavagga, vii, trang 189.
[12] ibid. trang 190.
[13] SBE. XLIX, ii, trang 163-4
[14] Đứa trẻ này có thể không phải Udāyibhadda , được đề cập trong D. I, 30, có mẹ là Varirā, em gái của vua Ba-tư-nặc, được gả cưới cho A-xà-thế lâu sau đó.
[15] Kern và Jacobi, Der Buddismus und seine Geschichle in Indien (Leipzid, 1882) trang 244, n.2
[16] Tālacchigalūpama Sutta: S. V, 455; M. II, 169
[17] Thag. v. 26; ThagA. I 83-84
[18] Thag. vv. 608-609, số 241
[19] Avadāna Śataka, số 54.
[20] C.A.F Rhys Davids, Psalms of the Brethren, trang 65, n.2.
[21] Thag. v. 64
[22] S. I, 68; J. II, 403
[23] Harita-māta Jātaka, số 239
[24] DPPN. I, trang 33
[25] J. số 239 và 283
[26] D. I, 50 : Sāmaññaphala Sutta, §12
[27] D. I, 2, trang 47-85
[28] ibid. trang 62
[29] ibid. trang 85
[30] Alexander Cunningham, The Stūpa of Bharhut (Luân Đôn, 1897) bản XVI, trang 14 và 89.
[31] Ak.Bhaya Xtimari Devi: Gautama the Buddha, trang 111.
[32] Vin. I, Mahāvagga, vi, trang 228.
[33] S. II, xx, § 8, trang 267
[34] DA. 99; JASB. XVII (1921), trang 261-271.
[35] A. II. iv, bài kinh 188, trang 182: trsl. F L Woodward.
[36] DhpA. II, trang 66.
[37] DPPN. I, trang 35.
[38] Heinrich Zimmer, The Art of Indian Asia, bản 612, trang 203-204. Dường như có một sự sai lệch lịch sử nhỏ khi Vassakāra có mặt tại triều đình của A-xà-thế, trong khi người ta cho rằng ông đang trú ngụ với người Licchavi, giả vờ chạy trốn khỏi Ma-kiệt-đà vì lo cho tính mạng của mình, trừ khi sứ mệnh nguy hiểm của ông đến Tỳ-xá-ly bắt đầu sau Đức Phật nhập Niết-bàn, không phải là không thể theo thứ tự thời gian.
[39] D. II, Mahā-parinibbāna Suttanta, trang 164-6
[40] Mhv. iii, 19-22.
[41] Trip. (ấn bản Tokyo). xxiv, 10, trang 47 a; Nanjio, Số 1343, được dịch một phần sang tiếng Pháp bởi Jean Przyluski trong Le Concile de Rajagrha, Pari, 1926, trang 22-53.
[42] Trip. op. cit. xxiv, 8, Nanjio, số 1465.
[43] ibid. v.190.
[44] Przyluski, op.cit. trang 120.
[45] Mhv. iii, 19.
[46] Trip. op. cit. xv, 10, Nanjio, số 1119.
[47] Tên của A-xà-thế, tuy nhiên, Không được nhắc đến trong danh sách dài các đệ tử ưu tú, trong Aṅguttara Nikāya (A. I. xiv, trang 23-6).
[48] Từ phiên bản tiếng Đức của A. Schiefner: IHQ. III, trang 508-509.
[49] Mhv. ii, 31-32.
[50] ibid. iv, 1.
[51] IHQ. II (1927), trang 509.
[52] DA. I, 237-238.
[53] DPPN. I trang 35.