AJAPĀLA-NIGRODHA
AJAPĀLA-NIGRODHA, ‘cây đa của người chăn dê’
Khi chủ nghĩa tu viện chưa phát triển thành một hệ thống cấp bậc có tổ chức với quyền lợi cá nhân và nắm giữ tài sản vĩnh viễn, khi đời sống của một Tỳ-kheo giống với đời sống của một nhà khổ hạnh lang thang mặc dù tinh thần khổ hạnh như việc tự hành xác bị lên án, khi đức tính chính của người đệ tử Phật là thiểu dục tri túc (appicchatā), lúc bấy giờ bóng râm và sự che chở của tán cây của đời sống tu hành. Gốc cây thường được khuyên làm nơi hành thiền, và là một trong bốn y chỉ (nisaaya) của đời sống một Tỳ-kheo.
Nhìn chung, cây cối và những lùm cây râm mát không chỉ tạo nên bối cảnh của nhiều chi tiết lịch sử trong cuộc đời Đức Phật, mà một số còn có tính cá nhân và lịch sử của riêng chúng. Và trong số đó, cây đa của người chăn dê (ajapāla-nigrodha) là một trong những loại cây nổi bật nhất. Tuy nhiên, câu chuyện về nguồn gốc của tên gọi này lại không xuất hiện trong kinh văn Pali và có lẽ do đời sau sáng tác dựa vào tên gọi[1].
Chúng ta đọc trong Đại Sự[2] rằng khi Gô-ta-ma là một Bồ tát đang thực hành khổ hạnh bên bờ sông Ni Liên Thiền, một người chăn dê đã trông thấy Ngài, người này rất mộ đạo và đã trồng một cây đa non với niềm tin mãnh liệt rằng khi nào cây đa lớn hết cỡ, Bồ tát sẽ đạt được mục đích của mình. Và anh ta thầm nguyện cầu: “Xin Ngài hãy vì lợi ích của con mà sử dụng cây đa này”. Thỉnh thoảng, người chăn dê lại cuốc đất xung quanh cây và tưới nước cho nó. Vì vậy, cây lớn nhanh và mọc ra nhiều cành, khi nhìn thấy điều này, tâm của người chăn dê trở nên vô cùng thanh thản, và khi mệnh chung, anh ta được tái sinh trên cõi trời Tam Thập Tam (trāyastriṃśa).
Bài Kinh Abhiniṣkramaṇa[3] bản tiếng Hán cũng đề cập đến một cậu bé chăn cừu, người đã cúng dường một ít sữa dê cho Bồ tát, và ngoài ra còn xức dầu cho thân thể Ngài. Sau đó, câu bé chặt một số cành của cây đa, và làm một mái che qua đầu cho Bồ tát để che gió che mưa cho Ngài. Những cành cây này bén rễ và đơm lá đơm bông.
Tuy nhiên, tên của cây đa, như được ghi lại, có lẽ không hơn gì một dấu hiệu cho thấy những người chăn dê thường đến và ngồi dưới bóng mát của nó[4]. Nhưng, bất kể nguồn gốc của tên gọi là gì, thì rõ ràng từ những nguồn này và những nguồn khác cho biết sau khi thành đạo, Đức Phật đã ngồi dưới gốc cây đa của người chăn dê này, trong bảy ngày, để tận hưởng niềm hạnh phúc của sự giải thoát[5], trong niềm hân hoan an lạc[6]. Đối với việc để chính xác bảy ngày này, có một số khác biệt giữa các nguồn khác nhau.
Từ ‘the Book of Discipline and the Verses of Uplift’[7], dường như Đức Phật đã dùng bảy ngày đầu tiên để nhập định, tận hưởng niềm hạnh phúc của sự giải thoát, khi ngồi dưới cội cây bồ đề. Vào cuối tuần đầu tiên này, Ngài đã thiết lập giáo lý duyên khởi (paṭicca-samuppāda, q.v.) bảy ngày tiếp theo ngài dành để thiền quán và tận hưởng niềm hạnh phúc của sự giải thoát dưới cây đa của người chăn dê. Nhưng theo Đại Sự[8], chỉ sau tuần lễ thứ năm Đức Phật trú ngụ bên dưới Mucalinda, con rắn vua, Ngài đã ngồi dưới gốc cây đa của người chăn dê trong niềm hân hoan an lạc. Trong khi bản tường thuật của Đại Sự không đề cập đến bất kỳ chi tiết nào về những diễn biến dưỡi cây đa của người chăn dê liên quan đến tuần này, Đại phẩm[9] kể rằng vào cuối bảy ngày ở đó, một Bà-la-môn, với bản tính hay bới móc lỗi lầm (buhunkajātika brāhmaṇa) và ương ngạnh cùng kiêu ngạo[10], đã đến gặp và chất vấn Đức Phật: một Bà-la-môn ở mức độ nào? Những gì cấu thành nên một Bà-la-môn? Đức Phật trả lời bằng Udāna-gāthā (bài kệ Udāna)[11], nói rằng Bà-la-môn là người đã đoạn trừ mọi điều ác, không còn cấu nhiễm, tự chế ngự bản thân, tinh thông những kiến thức thiêng liêng, và sống một cuộc đời thánh thiện.
Cần lưu ý rằng lời giải đáp đã được diễn đạt bằng những thuật ngữ phổ thông mà bất kỳ vị thầy tâm linh nào cũng có thể nói ra mà không thể hiện bất kỳ đặc điểm rõ ràng nào của một giáo lý cụ thể. Không còn nghi ngờ gì nữa, vì lý do này mà lời nói này, mặc dù là lời dạy đầu tiên của Đức Phật mà loài người được nghe sau khi Ngài giác ngộ, chưa bao giờ đạt được vị thế của bài pháp đầu tiên của Ngài, Kinh Chuyển Pháp Luân (q.v.). Sau cuộc trò chuyện này, Đức Phật rời khỏi nơi trú ngụ bên dưới cây đa của người chăn dê. Chính dưới gốc cây này, Đức Phật đã thiền định trong cô tịch, ngay sau khi Ngài đạt được sự giác ngộ viên mãn[12], với tâm an lạc về trí tuệ đạt được, và là điều rất khó chứng đạt. Chính tại đó và vào thời điểm đó, Ma vương đã gieo vài tâm Đức Phật ý niệm rằng việc từ bỏ lối sống khổ hạnh đã mang lại cho Ngài sự giải thoát hão huyền, trong khi sự thật thì Ngài đã đi lạc khỏi con đường thanh tịnh. Ngay lập tức, Đức Phật hiểu ra nguồn gốc của những ý niệm phóng dật này, và đáp lại bằng bài kệ rằng Ngài biết sự vô ích của các nghi lễ, có thể được so sánh với mái chèo và bánh lái của một con thuyền trên vùng đất khô cằn. Khi Ma Vương nhận ra thất bại, hắn lập tức thay đổi chiến thuật của mình và giả dạng làm một con voi lớn hòng làm Đức Phật kinh sợ; nhưng một lần nữa nỗ lực của hắn lại vô ích[13].
Có lẽ, vào cùng một dịp, khi Đức Phật sau đó kể cho A-nan và như được ghi lại trong Kinh Đại Bát Niết-bàn[14], Ma vương, đã hiện ra chỗ Đức Phật, khi Ngài nghỉ dưới gốc cây đa, ngay sau khi chứng ngộ, và thỉnh cầu, “Xin Thế Tôn hãy nhập Niết-bàn” (parinibhātudāni bhante Bhagavā). Nhưng Đức Phật đáp lại: “Này Ác Ma, Như Lai sẽ không nhập diệt cho đến khi không chỉ các Tỳ-kheo trong Tăng đoàn, mà cả các thiện nam tín nữ đều nghe được giáo pháp, phát sinh trí tuệ và tu hành chân chính… Như Lai sẽ không Nhập diệt cho đến khi giáo pháp thuần khiết này của Như Lai trở nên thành công, thịnh vượng, lan rộng và phổ biến tối đa có thể cho đến khi, nói một cách ngắn gọn, nó sẽ được tuyên thuyết rộng rãi giữa nhân loại!”[15]
Vẫn trong cùng một thời và ở cùng một địa điểm, khi Đức Phật đang ngồi dưới đêm trời thoáng mát, và Ma vương lại một lần nữa cố gắng làm Ngài kinh sợ, lợi dụng cơn mưa đang rơi xuống từng giọt[16], nhưng không gây được ấn tượng dù là nhỏ nhất đối với Đức Phật, Ngài đã xua đuổi Ma vương bằng cách nói rằng những ai thường chế ngự thân, khẩu, ý thì không bao giờ bị lôi cuốn bởi những lời dụ dỗ của Ma vương.
Theo Đại Sự[17] và các nguồn khác, chính tại gốc cây đa đó, Đức Phật đã do dự (hesitated) về việc giảng dạy giáo lý của Ngài vì nó “thâm sâu, thâm thúy, vi tế, khó hiểu bằng logic đơn thuần, chỉ có người trí mới hiểu được….” Nhưng chỉ trong các tác phẩm kinh điển Pali[18], chúng ta mới đọc được lời giải pháp cho sự nghi ngờ và do dự này của Đức Phật, là do Phạm Thiên Sahampati đã chỉ ra rằng có một số chúng sinh “chỉ có một chút bụi che mắt, và sẽ tăng trưởng trí tuệ khi nghe được giáo lý của Ngài”.
Tuy nhiên, trong chú giải Kinh Pháp Cú[19], chúng ta đọc rằng “trong 7 tuần, Ngài ngự trên Pháp tòa Trí tuệ; vào tuần thứ tám, ngài ngồi dưới gốc cây đa của người chăn dê và thiền định về chiều sâu của Giáo Pháp; cuối cùng Ngài do dự về khả năng thuyết pháp cho chúng sinh”[20]. Nhưng sau đó, theo lời thỉnh cầu của Phạm thiên Sahanipati, Đức Phật đã quan sát (survey) thế gian và đồng ý với lời thỉnh cầu của ông.
Một năm trôi qua, Đức Phật lại đến bờ sông Ni-liên-thiền, Uruvelā. Trong 7 năm nay, Ma vương đã đeo bám (anubaddha) Đức Thế Tôn, 6 năm trước khi Ngài thành đạo và 1 năm sau đó, tìm kiếm sơ hở (otārāpekka) để làm Ngài chùn bước, nhưng không được. Một lần nữa, Đức Phật lại ngồi dưới cây đa của người chăn dê, nơi dường như không chỉ là nơi ẩn tu thiền định yêu thích của Ngài, mà còn là nỗi ám ảnh cho sự lựa chọn của Ma vương. Lần này, Ma vương biến thành một người bạn đầy lòng trắc ẩn của nhân vật cô độc đó, “Có phải hiền hữu đang chìm đắm trong nỗi đau buồn khi ngồi thiền trong rừng không?… Không có ai làm bạn với hiền hữu à?”[21] Nhưng, nếu tình bạn không được mong muốn, thì cõi giới và đối tượng của các giác quan là lãnh địa của Ma vương, và do đó hắn tự đắc “Này kẻ ẩn sĩ kia, người sẽ không thoát khỏi tay ta!”. Tuy nhiên, Đức Phật đáp rằng vì Ngài không còn thích thú với bất cứ điều gì thuộc về các giác quan, nên Ma vương không thể hiểu được con đường mà Ngài đang đi. Điều đó thực sự khiến Ma vương lo lắng và vì vậy, hắn cầu xin Đức Phật rằng nếu Ngài đã tìm thấy một con đường an toàn (khema) và dẫn đến sự bất tử (amtagāmina), thì “hãy đi con đường đó một mình và đừng dẫn ai đến đó” (pehi gaccha tvam av-eko, kim aññam anusāsasī ’ti). Nhưng ngay cả điều đó cũng không được Đức Phật chấp nhận:
“Khi mọi người tìm kiếm vương quốc bất tử,
Tìm kiếm một con đường vượt ra ngoài,
Đối với họ, khi được hỏi, Ta tuyên bố
Giải thoát khỏi tất cả buộc ràng”[22].
Nhưng mặc dù Ma vương rõ ràng đã bỏ cuộc, nhưng các con gái của hắn là Tanhā (tham ái), Arati (bất mãn) và Ragā (dục vọng), sử dụng hình dạng quyến rũ nhất của mình, đã tự nguyện dâng hiến để hầu hạ cho Đức Phật[23]; Tuy nhiên, mọi cố gắng của họ chẳng khác nào dùng thân sen để chẻ núi đá[24].
Dưới gốc cây nổi tiếng này, Đức Phật không chỉ chiến đấu và vượt qua cám dỗ, mà chính tại đây, trong lúc thiền định trong cô tịch, Ngài còn khám phá ra con đường duy nhất (ekamagga[25]) đưa chúng sinh đến sự thanh tịnh, hoàn toàn vượt qua mọi đau khổ, diệt trừ sầu khổ và bi lụy, đắc đạo, chứng ngộ Niết-bàn, cụ thể là tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna, q.v.), quán thân, thọ, tâm và pháp. Ở đây, Đức Phật cũng suy nghiệm về cách trau dồi và phát triển ngũ căn, đó là tín, tấn, niệm, định và tuệ, và cách những điều này đạt đến cực điểm trong trạng thái bất tử của Niết-bàn[26].
Và một lần nữa, dưới gốc cây đa của người chăn dê; sau khi bị quở trách vì rõ ràng là không kính trọng bậc lão niên, Đức Phật tư duy về những điều làm nên một bậc trưởng thượng: nói những điều đúng và có lợi vào đúng thời; và,
“Ai đủ đầy giới hạnh
Nghe nhiều trí biện tài
Sống chế ngự, bậc trí
Ðối với tất cả pháp
Vị ấy với trí tuệ
Quán thấy chân ý nghĩa
Ðạt cứu cánh các pháp
Không hoang vu, biện tài
Ðoạn tận sanh và chết
Viên mãn hành Phạm hạnh
Vị ấy Ta gọi là
Trưởng lão không lậu hoặc
Do đoạn trừ lậu hoặc
Ðược gọi là trưởng lão.”[27]
H. G. A. VAN ZEYST.
[1] BHS. II. 7
[2] Mhvu. III. 301
[3] Được dịch bởi S. Beal. The Romantic Legend of Sākya Buddha, Luân Đôn, 1875, trang 192 và 238.
[4] UdA. 51 và Vin A 957.
[5] Vin. I, 2.
[6] Mhvu. III. 302
[7] Vin. I, Mahāvagga, 2; Udāna, 1 – 4.
[8] Mhvu. III. 302 và 314
[9] Vin. I, 2.
[10] UdA. 51.
[11] Ud. Trang 3.
[12] S. I, 103.
[13] Ibid, 104.
[14] D. II, 112-4
[15] SBB. III, Dialogues of the Buddha, II, trang 120-1
[16] S. I, 104.
[17] Mhvu. III, trang 314.
[18] Vin. I, Mahāvagga 4, D. II, 36; M. I, 167; S. I, 136.
[19] DhpA. I, 86.
[20] HOS, XXVIII, trang 196.
[21] S. I, 122.
[22] ibid. 123.
[23] ibid. 125.
[24] ibid. 127
[25] S.V, trang 167 và 185.
[26] ibid. trang 232
[27] A. II, trsl. F. L. Woodward, Gradual Sayings, II, trang 24.