ĀJĀNIYA SUTTA
ĀJĀNIYA SUTTA. Mặc dù từ ājāniya, một cách chính xác, phải bắt nguồn từ ā + jan, ‘dòng dõi cao quý’, nhưng nó được Buddhaghosa ghép từ ā + jñā, ‘được dạy bảo và huấn luyện kĩ lưỡng’. Và, nghĩa này thường được gặp nhất ở phẩm chất của một con ngựa thuần chủng (assājāniya). Bởi vì, những phẩm chất để đưa ra sự so sánh giữa chiến mã thuần chủng hoàng gia với vị Tỳ-kheo đáng được cúng dường không phải là phẩm chất của dòng dõi và xuất thân, mà là những phẩm chất có được thông qua sự tu tập và thực hành.
Trong Quyển ba (Tika-nipata) của Kinh Tăng Chi Bộ (Aṇguttara Nikāya) (I, 244-246) có ba bài kinh đề cập đến ba phẩm chất của một vị Tỳ-kheo đáng được cúng dường: đó là, vị ấy có một đời sống đẹp (vaṇṇasampanna), nghị lực mạnh mẽ (balasampanna) và thấu triệt nhanh chóng (javasampanna). Cả ba bài kinh đều đồng ý giải thích về đời sống đẹp của một Tỳ-kheo gồm kỷ luật, tuân thủ các nghĩa vụ của người xuất gia, thành thạo trong việc thực hành chánh hạnh và thấy sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt. Chúng cũng đồng ý trong cách giải thích về nghị lực mạnh mẽ của một Tỳ-kheo ở chỗ vị ấy sống nhiệt tâm và tinh cần, từ bỏ các tập khí xấu, trau dồi các tập khí tốt, với lòng kiên định và tinh tấn vô biên, không vứt bỏ sự chính yếu của các phẩm chất tốt đẹp.
Sự khác biệt giữa ba bài kinh này nằm ở chỗ các biến thể của chúng giải thích về sự thấu triệt nhanh chóng đạt được nhờ tuệ giác trong Tứ Diệu Đế về khổ, tập, diệt và đạ (trang 244), hoặc nhờ diệt trừ 5 kiết sử trói buộc chúng sinh vào những cõi thấp (trang 245), hoặc thông qua việc đoạn trừ các lậu hoặc (āsava : trang 246), nhờ đó đạt được giải thoát và tuệ giác.